Đã không biết bao nhiêu lần như thế, cứ mỗi lần nghe tiếng gió lao xao ngoài sông thổi vào, dù rất nhẹ, cũng khiến cô giáo đang đứng trên bục giảng kia phải rợn người. Cái rợn người lạ lắm, cứ như có ma lực, cứ như có một sức mạnh vô hình nào đó đang rù rì bên tai. Hôm nay vẫn thế, vẫn như bao lần trước, cô vừa giảng được mấy câu thì ngọn gió ám ảnh ấy lại nổi lên, lại đánh phần phật vào vạt áo dài màu lá mạ rất đẹp của cô. Cơn gió quái ác thổi vào dáng người mảnh mai, cô tưởng như nó đang xé toang cơ thể mình, chui tọt vào gan ruột mình rồi quần quật trong ấy. Lạnh ngắt.

Cô không dám đối mặt với cơn gió đó, vì nó thổi từ sông vào. Mỗi khi cơn gió nổi lên, cô như nghe rõ tiếng lao xao phía ngoài sông. Cơn rợn người lại nổi lên, chạy dọc sống lưng, lên đến đỉnh đầu. Cô biết rằng đôi mắt mình đang hiện lên vẻ hoang mang, mặc dù chính cô không thể nhìn thấy đôi mắt, nhưng cảm nhận rõ lắm điều ấy. Và, cô lại đâm ra sợ… Sợ điều mình đang lo nghĩ sẽ trở thành hiện thực. Cô biết rằng một ngày nào đó, có thể lắm chứ, điều ấy sẽ thực sự xảy ra. Nhưng đó là khi nào xa lắc kia kìa. Chứ còn bây giờ… cô không dám nghĩ đến nó.

Tại sao bao nhiêu lần vẫn thế, cơn gió quái ác ấy cứ nổi lên? Một cơn gió mang hình hài tuyệt vọng. Nó dìm tất cả những niềm vui trong đầu cô, chỉ chừa lại một khoảng trống tối đen chừng như vô tận. Cô đã cố gắng đối mặt với nó, thậm chí là chường mặt ra đanh thép đón nó. Nhưng rồi lại không thể. Cô quá yếu mềm. Giọng giảng bài của cô trở nên lạc lõng.

Không biết tụi học trò có nghe giảng không, có để ý thấy điều gì kỳ lạ hiện ra trên gương mặt cô giáo mình hay không? Nhưng cô thì cảm thấy những gì mình đang nói như những âm thanh vô nghĩa, thậm chí có khi như hoàn toàn không có âm thanh nào. Chỉ có tiếng gió lao xao ngoài sông đang nghe cô, đang trò chuyện với cô. Và, chỉ có cô nghe gió nói, mặc dù cô không muốn.

Tối qua cô lại nằm mơ, lại thấy ông nội về. Ông bảo phải cố giữ cái bờ đất ven sông. Ông và bà đã từng ở đó, ba má cô cũng ở đó. Thậm chí bao đời tổ tiên xa lắc xa lơ cũng từng ở đó. Đó cũng là nơi cô cất tiếng khóc đầu đời cho đến trưởng thành, nơi cô đã từng ôm ấp nhiều mộng mơ. Tất cả, ở trên mảnh đất ấy. Mà, giữ lại làm sao được bây giờ, ông nội? Ông không nghe cô hỏi, ông bỏ đi. Cô thấy hình như ông khóc. Tỉnh dậy, biết chỉ là giấc mơ, cô cũng sụt sùi. Ngay cả cuộc gặp ngắn ngủi trong mơ, những người thân yêu của cô cũng vẫn trăn trở về mảnh đất nhỏ quê nhà.

Đó là mảnh đất đầu cù lao, nơi nuôi dưỡng bao thế hệ trong dòng tộc, giờ sắp không còn. Mấy chục năm qua, nó đã lở rất nhiều, lở mãi, lở mãi. Bờ đất bây giờ dựng đứng, phía trong đỏ như màu gạch cua. Mà không, đúng hơn là màu máu, máu của bao thế hệ khai sanh ra mảnh đất nầy và nằm lại với nơi đây. Cứ mỗi năm sóng nước lại lấy đi một mét, hai mét, thậm chí có năm gần chục mét, không biết đến bao giờ mới thôi. Cô từng đọc trên một tờ báo rằng dòng sông hễ bên nầy lở thì bên kia bồi, sau một chu kỳ nào đó sẽ đổi dòng, lúc đó bên bồi sẽ lở và bên lở sẽ được bồi ngược lại. Nhưng không biết tới chừng nào con sông quê cô mới chịu đổi dòng, để cái bờ đất nhỏ thuở ấu thơ được bồi trở lại. Bao giờ?

Gió lao xao, sông nổi sóng lớn, và rồi cả gió và sóng hợp lại cùng nhau, vồ lấy cái bờ đất ấy xuống lòng sông. Đó là những viễn cảnh luôn ám ảnh lấy cô. Bởi thế, cô sợ tiếng gió lao xao quái đản ở ngoài sông. Dù gió phải len qua những hàng cây, len qua những khe cửa sổ mới đến được cái bục giảng cô thường đứng, nhưng cũng đủ làm cho cô giựt mình. Cứ mỗi lần nghe tiếng gió, cô lại hình dung ra nụ cười đồng lõa của gió khi cùng sóng đánh ầm ấp vào bờ. Nỗi sợ ấy lại trườn lên, mơn trớn lấy mớ ký ức quá đậm của cô, nó bào mòn, bào mòn dần. Cứ như bào mòn từng lớp đất quê cô.

Hằng đêm cô thường mơ, nếu không mơ thấy ông về thì lại mơ thấy cảnh tượng dòng sông vồ lấy mảnh đất nhỏ của mình. Mỗi lần như thế, cô cảm giác như thân thể nặng nề. Cô cũng muốn giữ lại mảnh đất ấy, như giấc mơ ông đã căn dặn. Đã có đôi lần vụt chạy ra bến sông, đứng trên bờ nhìn xuống, lòng sục sôi ý định điên rồ phải cứu vãn bờ đất ấy. Nhưng rồi cô lại thừ người ra, không biết phải làm gì. Cô bất lực trước những ý định của mình.

Tiếng trống hết giờ vang lên như một sự giải thoát cho cô lúc nầy. Cô không thể đứng lâu hơn được nữa.

Cô cần gieo mình xuống giường ngay bây giờ, ngủ một giấc thật sâu. Như thế có lẽ cơn gió quái ác đó sẽ không đuổi theo cô. Nhưng cô lại không muốn về nhà vội, cũng không muốn nghĩ đến việc cơm nước cho chồng con. Chiếc xe của cô chạy thẳng ra bờ đất phía đầu cù lao, nơi có bến đò hằng ngày đưa khách qua lại hai bên bờ. Cô bất giác nhớ đến những câu hát da diết: “Sông vẫn in màu mây, vẫn khi vơi đầy vẫn mang phù sa, làm đẹp thêm làng quê yêu dấu. Sông vẫn như thuở ấy, vẫn con đò ngang đón đưa người sang, và từng đêm hát ru đôi bờ”[*]. Cô cảm thấy từ trong lồng ngực nhói ra.

Đã lâu rồi cô không đi qua nơi nầy. Đường từ nhà đến ngôi trường đang dạy không đi ngang đây, đó chỉ là lý do cô viện ra đế dối gạt bản thân. Thực ra nguyên nhân vẫn là cô không muốn nhìn thấy mảnh đất ven sông cứ hẹp dần sau những lần mình đi ngang. Cô ngại qua đoạn đường nầy, ngại qua sông bằng bến đò nầy. Vì cô ngại thấy cảnh sóng nước hung tàn đang gặm nhắm từng vạt đất đáng thương.

Lòng sông quá rộng, những giề lục bình trôi ngơ ngác như vang lên một điệu buồn, cũng quen thuộc y như hàng trăm dòng sông, kinh rạch ở vùng đất nầy. Cô đã đứng ở bờ sông, gần lắm với tuổi thơ, nhưng cô không thể nào với tới được, cũng như không bao giờ đến được mảnh đất của ngày xưa nữa, không thể nào sờ lên những kỷ niệm đang sống dậy trong lòng mình, không thể cùng những đứa trẻ đen nhẻm ngày xưa bì bõm ở bờ sông. Cô nhớ một điều gì đó mơ hồ, nhưng đau lắm!

Có vài ba người đàn ông đang chày lưới gần đó. Một người nói bâng quơ:

“Hôm nay chày không được bao nhiêu hết, chán quá!”.

Cô buộc miệng hỏi lại, cũng chỉ rất bâng quơ:

“Mấy hôm trước được nhiều không chú?”.

“Mấy bữa đó thì đỡ hơn”.

 “Phải không có dòng sông thì mọi người đâu có khổ?”.

Lại cũng là một câu nói bâng quơ bất chợt cất lên. “Mọi người đâu có khổ” ở đây ý cô nói những người chày lưới vất vả kia, và cả những người chứng kiến cảnh dòng sông cướp đi đất đai của họ, như cô. Người đàn ông không quay lên nhìn mặt cô, vẫn ung dung với cái lưới của mình, vừa cười mỉm vừa trả lời:

“Trời, cô nầy biểu ngộ hen. Không có sông làm sao sống hả cô?”

Không có sông làm sao sống, có phải vậy không, thật vậy không? Có biết bao nhiêu người đã phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rún của mình chỉ vì dòng sông nầy. Ngay cả cô cũng đành quay lưng từ bỏ thiên đường tuổi thơ, từ bỏ xứ sở yêu thương. Gia đình cô giờ đây phải lùi xa mảnh đất ấy gần một cây số để cất nhà mới, cũng như bao gia đình khác gần đó. Vì họ sợ rằng nếu vẫn sống ở chỗ đã nuôi lớn mình hàng chục năm qua, không sớm thì muộn, ngôi nhà cũng sẽ trôi theo sóng nước. Bao căn nhà, bao đám rẫy, vườn tược, thậm chí đình, chùa… tất cả cũng đã trôi theo nước cả rồi! Gần đó còn lại lưa thưa vài nóc nhà xơ xác. Nếu có tiền cũng chẳng ai muốn ở chốn nầy. Nhưng họ đều là những người quá khốn khổ, nên ngoài việc chờ căn nhà bị cuốn trôi theo dòng nước thì chẳng còn cách nào khác. Cô tỏ ra bực dọc:

“Sông làm đất lở hoài, bà con phải bỏ đi nơi khác”.

Người đàn ông lại vẫn nở một cái cười thiệt hiền, từ tốn:

“Đất không có duyên với người thì nó đi. Người không có duyên với đất thì người đi. Đời hợp tan tan hợp, có gì đâu mà buồn. Mà nói vậy chứ đất có đi đâu, nó lở ở đầu cù lao, theo sông chảy dài xuống dưới đuôi cù lao rồi tấp vô đó, kéo dài, kéo rộng cù lao mình ra thêm hoài. Rồi mai đây bà con mình sẽ xuống đuôi cù lao dựng nhà, mở xóm, làm ăn… Cô không biết sao?”.

Có chuyện đó sao? Thật tình là cô không biết. Cô chưa từng đặt chân đến cuối cù lao lần nào, vì dưới đó không có đường, chỉ dăm nóc nhà thoi loi giữa đồng. Chẳng lẽ những hạt đất tuổi thơ của cô đã neo đậu nơi ấy? Nếu vậy là chúng không đi đâu xa khỏi làng nầy, vẫn thủy chung như ngày trước? Không có duyên với nhau thì đi, hợp tan tan hợp – lại là những lời phát ra từ một người chày lưới. Nó làm cô ngạc nhiên. Những suy nghĩ của người đàn ông quê mùa ấy sao lại quảng đại mà giản đơn thế. Còn cô, một cô giáo với bao kiến thức, chữ nghĩa trong đầu, nhưng phải chăng đã sống quá hẹp lòng với sông?

Xa xa, con đò làng vẫn cứ lướt nhẹ trên mặt sóng, tách bến khi tiếng xôn xao vừa dứt, rồi lại cập bến với những tiếng xôn xao rộ lên. Dòng người xe lại hối hả di chuyển. Những âm thanh lao xao của tiếng máy, tiếng sóng, tiếng người lại hòa quyện vào nhau giữa không gian lắng đọng của xứ cù lao. Tất cả không ồn ào, vội vã, mà chậm dần, chậm dần như con sông chảy mãi không ngừng nghỉ.

Có mấy đứa nhỏ vừa xuống sông tắm, nô đùa tinh nghịch. Chừng như đối với chúng chẳng hề có lo lắng, muộn phiền về ngày mai, ngày kia. Chúng sống trọn vẹn với phút giây thực tại vui tươi nầy. Còn cô, sao trong cô lại đầy rẫy những bất an, phiền muộn. Không có sông làm sao sống, câu nói ấy cứ ám ảnh cô. Sông đã lấy đất của làng, nhưng cô cũng biết rằng mình từng sống những năm tháng tuyệt vời với con sông nầy. Những con cá, con cua, con ốc được sanh ra từ dòng sông nầy, chúng nuôi bao thế hệ lớn lên, chúng là nguồn sống cho biết bao gia đình trên cù lao.

Và, tuổi thơ cô cũng đã một thời hồn nhiên dưới dòng sông nầy, nơi mỗi chiều con sóng rì rào ôm ấp những cô cậu bì bõm trên mặt nước. Ngày ấy cô cũng nghịch cỡ như tụi nhỏ bây giờ, thậm chí có hơn. Con nít tắm sông bày ra đủ thứ trò chơi dưới nước: chuyền khỉ, trốn tìm, đánh trận, keng… Những trò chơi thơ bé bắt nguồn từ nơi đó, còn đọng lại trong cô đến tận bây giờ. Nhớ về những tháng năm ấy, bất giác cô mỉm cười một mình. Tự dưng cô muốn được nhảy xuống dòng sông để tắm, để uống một ngụm nước ngọt ngào và thơm vị phù sa như hồi còn nhỏ.

Điện thoại bỗng reo, là thằng con gọi:

“Mẹ sao chưa về nấu cơm nữa, con đói bụng quá!”.

Tới lúc nầy cô mới sực nhớ là đã xế chiều, ban nãy cô từ trường chạy ra đây, chưa về nhà lo cơm nước cho chồng con. Mà lạ – cô nghĩ – tại sao mình không thể bỏ những ưu tư, lo nghĩ, sống trọn vẹn với thực tại như những đứa trẻ. Sông kia, bờ đất kia, có bao giờ thuộc về mình đâu, chúng đã là quá khứ mất rồi. Quá khứ đi qua, có níu kéo cũng không được, tương lai lại là một khái niệm rất mù mờ ở tít xa mà không biết đến bao giờ mới với tới được. Con người không thể điều khiển, sắp đặt chúng. Vậy thì tại sao không để mọi thứ diễn ra tự nhiên như đúng bản chất vốn thế? Tại sao phải tự dằn vặt, toan tính, khổ đau? Thực tại là gì chứ, không phải dòng sông hay bờ đất kia đâu, mà chính là một bữa cơm ngon chồng con đang đợi ở nhà.

Phút giây lắng lòng bên bờ sông thân thuộc tưởng chừng như dài ra hơn, trống trải hơn bao giờ hết. Dòng sông ấy đã không chỉ chảy qua cù lao quê nhà, mà còn chảy trong lòng bao thế hệ, tạo thành mạch ngầm nuôi sống mảnh ký ức mong manh của mỗi người. Quả thực là nó đã lấy đi đất đai của làng, nhưng cho lại cũng không ít. Phải chăng lỗi kia không phải tại con sông?

“Có duyên sẽ gặp”, người đàn ông chày cá nói vậy, cô hiểu là nếu mình có duyên với mảnh đất yêu thương nầy, một ngày nào đó sẽ gặp lại. Mà nếu như không gặp được, thì thế hệ con cô, cháu cô, nhứt định chúng sẽ gặp. Đất đi… ừ thì đất đi, rồi cũng có ngày đất sẽ lại trở về. Cô tin như vậy. Rồi đất lại về.

Bây giờ thì cô phải về với bữa cơm gia đình thôi. Tối nay, cô sẽ thắp nhang trên bàn thờ ông, để nói với ông một điều…

Cù lao Giêng – Cù lao Năng Gù, 4/2012

VĨNH THÔNG

____________________________

[*] Lời bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp