src=http://anh.eva.vn/upload/2-2011/images/2011-05-12/1305185187-saurieng-suckhoe-eva1.jpg

Lâu nay, giáo viên dạy bài Từ địa phương trong chương trình Ngữ văn THCS (Ngữ văn 8, tập 1, trang 55) vẫn còn băn khoăn liệu sầu riêng, chôm chôm có phải là từ địa phương?
Đã có nhiều ý kiến khác nhau, song nhìn chung có 2 nhóm ý kiến cơ bản. Nhóm ý kiến thứ nhất cho sầu riêng, chôm chôm hoàn toàn là từ địa phương. Những người có ý kiến này lí luận rằng sầu riêng, chôm chôm là các sự vật (cây cối) chỉ xuất hiện ở Nam bộ, nó không có tên gọi trong các phương ngữ khác và trong ngôn ngữ toàn dân, đúng với định nghĩa về từ địa phương: “Khác với từ toàn dân, từ ngữ địa phương là từ ngữ chỉ sử dụng ở một (hoặc một số) địa phương nhất định” (Ngữ văn 8, tập 1, trang 56) và dẫn cuốn Từ vựng học Tiếng Việt của tác giả Nguyễn Thiện Giáp, trang 257 về từ địa phương. Nhóm ý kiến thứ hai cho sầu riêng, chôm chôm hoàn toàn là từ toàn dân. Những người này cho rằng sầu riêng, chôm chôm không chỉ xuất hiện ở Nam bộ mà Bắc bộ, Trung bộ cũng có, vả lại cả nước ai cũng biết và đều gọi thống nhất một tên chung là sầu riêng, chôm chôm, không có tên gọi khác tương ứng. Họ còn đưa ra một dẫn chứng từ đời sống thực tế khá thú vị: khi có người Việt Nam hỏi một người nước ngoài về đặc sản hoa quả của Việt Nam thì người nước ngoài đó không cần suy nghĩ mà nói ngay rằng: sầu riêng, chôm chôm. Điều đó chứng tỏ sầu riêng, chôm chôm là từ toàn dân chứ không phải là từ địa phương, chỉ có ở một địa phương hay một số địa phương nhất định như định nghĩa về từ địa phương đã dẫn ở trên. Hơn nữa, ngay cuốn Đại từ điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên) cũng không ghi sầu riêng, chôm chôm là từ phương ngữ Nam bộ.
Vậy phải nhìn nhận vấn đề trên như thế nào cho đúng? Theo chúng tôi cả hai nhóm ý kiến trên đều có cơ sở lí luận, thế nhưng cách nhìn nhận như vậy còn phiến diện, máy móc, nhìn nhận sự vật ở trạng thái tĩnh tại của nó nên dễ sa vào cách hiểu rập khuôn, khô cứng. Đối với bất kì một hiện tượng ngôn ngữ nào cũng phải có một cách nhìn khoa học, nhìn nhận trong trạng thái vận động luôn có khả năng thay đổi của nó. Hiểu như vậy chúng ta sẽ dễ dàng lí giải hiện tượng trên: sầu riêng, chôm chôm đang nằm giữa gianh giới của từ địa phương và từ toàn dân. Sầu riêng, chôm chôm vốn là từ địa phương đang trên đường biến đổi thành từ toàn dân.
Thực ra sầu riêng, chôm chôm và một số từ địa phương tương tự như bồn bồn (một loại cây thân mềm, sống ở nước có thể làm dưa hoặc sào nấu, phố biến ở một số vùng Tây Nam Bộ), nhút (món ăn làm bằng xơ mít muối trộn với một số thứ khác, được dùng phổ biến ở một số vùng Nghệ – Tĩnh) v.v…vốn ban đầu chỉ xuất hiện ở một hay một số địa phương nhất định nhưng sau đó lan rộng ra cả nước (bởi vì sầu riêng, chôm chôm là những hoa quả ăn rất ngon), cả nước đều biết và gọi giống như địa phương đó đã gọi nên dễ hiểu sầu riêng, chôm chôm đang trở thanh từ toàn dân. Hiểu như vậy vừa phù hợp với thực tế đời sống vừa phù hợp với sự vận động, phát triển của ngôn ngữ.
Vấn đề bây giờ chỉ là truyền đạt kiến thức thống nhất cho các em học sinh. Theo tôi nếu giáo viên dạy cho học sinh hiểu sầu riêng, chôm chôm là từ địa phương thì cần nói thêm: đó là những từ địa phương đang được chuyển hóa thành từ toàn dân. Còn nếu ta nói sầu riêng, chôm chôm  là từ toàn dân thì cũng cần lí giải rằng đó là những từ toàn dân vừa được chuyển hóa từ từ địa phương cách đây không lâu.
Đôi điều bàn luận, mong đồng nghiệp và bè bạn xa gần trao đổi ý kiến và góp ý.
                                                                                                            Tống Duy Hải
 (Trường THCS Trần Quốc Toản, Đăk R’lấp, Đăk Nông
            Email: tongduyhaidaknong@gmail.com)

src=http://laodong.com.vn/Uploaded/phamthuhien/2014_07_13/cc%20(1)_UBFX.jpg