Nhắc đến thơ Bà Huyện Thanh Quan, chúng ta liên tưởng đến một hồn thơ trầm buồn, sâu lắng. Nguyên nhân sâu xa chính là tâm trạng đau đáu trước thời cuộc và tầm lòng yêu quê hương đất nước của bà. Sự nhạy bén của thi nhân đã góp phần làm cho những bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan chấp cánh bay xa theo thời gian, được người yêu văn chương đón nhận và dành cho thơ bà một tình cảm đặc biệt.

Bà Huyện Thanh Quan là người Thăng Long thành. Dù bản thân chưa từng sống với nhà Lê nhưng hít thở cái không khí chung của thời đại nên cũng không tránh khỏi cái tâm sự hoài Lê:

“Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu

Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau

Một tòa sen rớt hơi hương ngự

Năm thức mây phong nếp áo chầu

Sóng lớp phế hưng coi như rộn

Chuông hồi kim cổ lắng càng mau

Người xưa cảnh cũ nào đâu tá?

Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu”

Trấn Bắc là một hành cung cũ đời Hậu Lê. Vậy mà nay đã trở nên tiêu điều, vắng vẻ. Từ đó, thi nhân chạnh nghĩ về nhà Lê Trịnh, như một niềm cố quốc. Chữ “chạnh” ở đây chỉ là do điều gì đó gợi ra mà nghĩ chứ không phải lúc nào cũng đau đáu như những cựu thần nhà Lê. Hơn nữa, thi nhân cũng không nghĩ về chính cái nước cũ ấy, mà chỉ nghĩ đến nó như một niềm tâm sự.

Khi viết về Thăng Long thành, tâm sự hoài Lê trong thơ Bà Huyện Thanh Quan đã trừu tượng hóa thêm một bậc:

“Tạo hóa gây chi cuộc Lý Trường?

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương.

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”

Thi nhân trách con tạo gây chi biến cuộc đời thành sàn diễn của những đổi thay. Những hình ảnh mang tính đối lập: Xưa là lối xe ngựa đi về nhộn nhịp thì nay chỉ có cỏ thu phủ dày; xưa là lâu đài đường bệ mà nay chỉ còn trơ lại nền cũ dưới ánh chiều tà. Rồi xuất hiện thêm một đối lập khác nữa là tự nhiên và nhân tạo. Ngày tháng trôi đi kéo theo những đổi thay của thế giới nhân tạo, thế giới người, còn tự nhiên thì vẫn bất biến. Soi vào tấm gương vĩnh hằng của tự nhiên, đời sống nhân tạo từ xưa đến nay càng trở nên giả tạm và thoáng chốc. Con người đối diện với cảnh tượng này được tỉnh táo hơn so với con người ảo giác ở chùa Trấn Bắc. Nhưng vì thế cũng đau khổ hơn và cô đơn hơn. Đến đây, chúng ta nhìn thấy được tâm sự hoài Lê ở Bà Huyện Thanh Quan. Thăng Long thời Lê chỉ còn là một biểu tượng của một quá khứ vàng son đã một đi không trở lại.

Được lệnh gọi vào Huế, Bà Huyện Thanh Quan giã từ Thăng Long. Những tưởng rằng sự thay đổi không gian sẽ làm thay đổi tâm trạng con người. Nhưng hóa ra phong cảnh không lay chuyển được tâm cảnh mà ngược lại còn bị tâm cảnh nhuộm màu. Điều này có thể thấy rõ khi thi nhân qua Đèo Ngang:

“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá lá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác ven sông chợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta”

Cảnh Đèo Ngang thật khác xa với cảnh Thăng Long. Nhiều thiên nhiên hơn, ít nhân tạo hơn. Nhìn gần, thi nhân thấy thiên nhiên cũng chen chúc. Một mặt, cỏ cây lấn át đá. Mặt khác, con người thì nhỏ nhoi, cực nhọc. Nơi vui như chợ thì cũng lại thưa thớt. Thật khác xa với cảnh chen chúc của thiên nhiên. Thực ra, cảnh Đèo Ngang rất hùng vĩ nhưng trong con mắt tâm trạng của nhà thơ đã trở thành cảnh tiêu điều. Chẳng khác gì sự tiêu điều của Thăng Long.

Đứng trên đỉnh Đèo Ngang, nghe tiếng cuốc kêu, Bà Huyện Thanh Quan nhớ đến nước. Niềm hoài cổ luôn chờ chực sẵn, còn sự đồng âm kia (cuốc là chim và quốc là nước, da da là chim và gia là nhà) chỉ là một cái cớ. Đến đây, thiên nhiên vốn chen chúc tạo thành một hợp thể ở chân đèo, rã ra thành những yếu tố riêng rẽ. Và con người cũng trở thành một yếu tố đơn lẻ, ngậm một mảnh tình riêng mà chỉ biết chia sẻ với chính mình.

Bà Huyện Thanh Quan đã vượt qua được một Đèo Ngang địa lý mà không qua nổi một Đèo Ngang tâm lý. Tâm tình hoài cổ vẫn là hành trang của bà trên đường vào Huế. Thậm chí, hành trang ấy càng đi xa càng trở thành một gánh nặng. Nỗi nhớ Thăng Long đè nặng tâm hồn người lữ thứ, trở thành nỗi nhớ nhà mỗi khi chiều về trên con đường thiên lý:

“Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn

Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn

Gác mái ngư ông về viễn phố

Gõ sừng mục tử lại cô thôn

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn

Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn”

Mỗi khi ngày tàn, mọi sinh linh đều tìm về tổ ấm, chốn nương thân để được che chở nghỉ ngơi. Bằng những động tác dứt khoát, sảng khoái “gác mái”, “gõ sừng”, ngư ông và mục tử ra về. Và tuy là bến xa và thôn lẻ nhưng họ còn có nơi để mà về. Còn con người lữ thứ kia, giống như con chim bạt gió. Mặc dù đang dồn bước nhưng không có nhà để mà về. Chỉ có sự nhớ nhà. Bởi thế, đường đi của lữ khách không bao giờ kết thúc.

Mặc dù số lượng bài thơ để lại không nhiều nhưng có thể nói thơ Bà Huyện Thanh Quan là những dấu son của thơ Việt Nam trung đại. Nghĩ đến Bà Huyện Thanh Quan, chúng ta cứ nghĩ tới bức chân dung người đàn bà man mác nỗi niềm hoài cổ, tâm sự u hoài. Một hồn thơ trong sáng với vẻ đẹp của ngôn từ cổ điển, tình tứ và cũng rất cô đơn. Điều đó khẳng định một tài năng sáng tác, một tấm lòng yêu nước sâu nặng và một trái tim giàu lòng nhân ái.