Phú Yên vốn có mặt mạnh về kinh tế trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó có những mặt hàng đã trở thành thương hiệu mạnh nổi tiếng cả nước như gạo Tuy Hòa, mía đường Tuy Hòa, dừa Sông Cầu, cá ngừ Phú Yên, trâu bò Phú Yên…Riêng ngựa Phú Yên đã từng vang bóng một thời và để lại nhiều dấu ấn trong ngôn ngữ, văn chương, sách sử…
Trong ngôn ngữ, nhiều người dân Phú Yên thường nhắc đến từ ngựa. Chẳng hạn, ai cắt tóc trước mặt giống bờm ngựa thì bảo “tóc ngựa”. Ai có thói làm duyên làm dáng thì gọi “đĩ ngựa”. Cụm từ “đi xe ngựa” đã từng phổ biến không kém gì “đi xe máy” ngày nay. Ở thôn Phú Diễn trong, xã Hòa Đồng bây giờ vẫn còn một địa danh gắn với ngựa đó là “Bến Ngựa”. Khi thấy một đứa con suốt ngày rong chơi không lo làm thì người mẹ bảo: “Mày suốt ngày cứ đi rông rông như ngựa Phú Lâm…”. Theo lời kể của tiến sĩ Nguyễn Đình Vĩnh, hiệu trưởng trường Hecman Gmeiner (Đà Nẵng) thì ở Quảng Nam quê anh, người ta thường nói câu: “Cho mi đi giữ ngựa Phú Yên cho rồi”. Ý nói, nếu không làm nên nghề ngỗng gì thì chỉ còn cách là đi giữ ngựa, mà nơi ngựa nhiều nhất để làm nghề này là…Phú Yên (!). Người dân các tỉnh miền Trung thường tới Phú Yên lấy giống ngựa tốt về nuôi, cho nên trước đây, cụm từ “ngựa Phú Yên” trở nên rất quen thuộc trong cửa miệng nhiều người.
Con ngựa còn đi vào trong văn chương. Có rất nhiều câu ca dao, truyện cổ lưu truyền ở Phú Yên có nói đến ngựa. Nhưng nêu đích danh ngựa Phú Yên thì có câu hát ru nổi tiếng: “Chiều chiều mượn ngựa ông Đô / Mượn kiều chú lính đưa cô tui dìa / Dìa dầy chẳng lẽ dìa không ? / Ngựa ô đi trước, ngựa hồng theo sau / Ngựa ô đi tới Quán Cau / Ngựa hồng lẽo đẽo theo sau chợ chiều / Chợ chiều nhiều khế ế chanh / Nhiều cô gái lứa nên anh chàng ràng”. Ai sinh ra ở Phú Yên cũng đều được ru ngủ bằng bài dân ca ngộ nghĩnh này.
Hình ảnh ngựa Phú Yên còn xuất hiện trong văn chương cả nước. Cuốn tiểu thuyết Quê mới của Dân Hồng (1961) kể về một đơn vị bộ đội tập kết ở nông trường Tây Bắc. Nhân vật Cà mơ ước đến ngày thống nhất trở về nhà “Anh sẽ lĩnh một con ngựa Phú – yên và một cỗ xe. Xe anh sẽ chở mía cho một nhà máy đường hay chở dừa cho một xưởng ép dầu và lăn bánh trên những con đường mịn màng, rợp bóng dừa xanh” [1, tr. 35]. Tác giả không nói rõ nhân vật này quê ở đâu nhưng ta đoán là ở Phú Yên vì có nhắc đến nhà máy đường (Đồng Bò) và nghề ép dầu dừa nổi tiếng ở Sông Cầu. Tiểu thuyết Chớp trắng của Thu Bồn (1973) nói về phong trào cách mạng vùng núi Quảng Nam và phụ cận. Trong đó có đoạn: “Trong phút chốc, Yên đã thu vén hết đồ đạt, nhét vội vào bao, mang súng chạy còn khỏe hơn con ngựa Phú Yên” [2, tr.158]. Cứ theo câu này suy ra, ngựa Phú Yên vốn nổi tiếng về chạy nhanh và dẻo dai. Và còn rất nhiều tác phẩm nữa có nhắc đến ngựa Phú Yên nhưng khó sưu tầm thống kê hết.
Ngựa Phú Yên cũng xuất hiện trong các bài ký sự, hồi ký của nhiều chiến sĩ cách mạng. Năm 1946, nhà văn Tô Hoài cùng bộ đội Nam Tiến vào Phú Yên và có bài “Đường lên Củng Sơn” đăng trên tạp chí Tiên Phong số 20 (1/10/1946) xuất bản ở Hà Nội. Ông nhắc rất nhiều tới hình ảnh ngựa Phú Yên, trong đó có đoạn: “Người ngựa qua hai cánh đồng lúa xanh mướt, dọc một cái kênh dẫn nước từ suối về ruộng rồi lội một dòng suối sâu đến lưng bụng ngựa, tắt ngang một bãi cát. Nắng to nhưng không gắt. Gió nam – một thứ gió nóng từ những cao nguyên rừng Lào thổi về đùng đùng như bão – cuốn cát trắng bay mù trời, mù đất. Vượt bãi mới chừng ba cây số mà con ngựa của tôi bị cát đập vào mắt, vào mũi chảy nước ra, một mắt không thấy nữa. Thỉnh thoảng, hắn ngẩn ngơ đứng lại rồi quay ngang vào trong bụi !”. Đoạn văn có nói đến những cái rất đặc trưng của Phú Yên: ngựa cỡi, đồng ruộng, bãi cát, nắng to, gió mạnh…
Các hồi ký của những vị lão thành cách mạng cũng thường nhắc đến vai trò của ngựa Phú Yên và gạo Tuy Hòa trong chiến dịch Tây Nguyên thời chống Pháp. Trong Miền đất huyền thoại, nhà thơ Văn Công viết: “Từng đợt dân công, hàng vạn trai gái Kinh Thượng sức người, sức ngựa lai thồ hàng vạn tấn gạo muối vượt dốc Mõ, dốc Chanh, dốc Ai – nu, đèo Ma – lố đáp lời kêu gọi của chiến trường” [4, tr. 65 – 66]. Còn trong cuốn sách lịch sử “Phú Yên – 30 năm chiến tranh giải phóng” cũng nhắc đến hình ảnh ngựa Phú Yên thồ gạo Tuy Hòa phục vụ các chiến trường: “Hàng trăm đoàn dân công, ngựa thồ ngày ngày vượt suối, trèo đèo, dầm mưa dãi nắng vận chuyển gạo, thực phẩm, đạn dược lên chiến trường Đắc Lắc (…). Năm 1951, tỉnh đã huy động 46.364 người và 1.416 con ngựa đi vận chuyển lương thực, đạn dược ra chiến trường với tổng số 639.951 ngày” [5, tr. 113]. Có nhiều người được tặng huy chương, phong danh hiệu vì thành tích chỉ huy cùng một lúc nhiều con ngựa thồ đưa được nhiều hàng tới nơi an toàn đúng quy định.
Trong nhiều công trình địa lý, kinh tế cũng có nói đến ngựa Phú Yên. Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “ngựa ở Phú Yên các huyện đều có, trên đường làng ngựa đi từng bầy, người ta buôn bán và chuyên chở. Đàn bà cưỡi ngựa rất giỏi”. Ngựa Phú Yên được triều đình nhà Nguyễn xếp vào loại “ngựa dụng”. Vua Minh Mạng, Thiệu Trị… rất thích dùng ngựa Phú Yên và giao cho quan lại Phú Yên tuyển chọn, chăm sóc những con ngựa quý để đưa về Kinh [6, tr.276]. Ngựa Phú Yên được xem là “giống tốt nhất ở Trung kỳ”. Trâu bò ngựa Phú Yên từng được xuất khẩu ra nước ngoài với số lượng lớn. Một số nhà nghiên cứu người Pháp cho rằng: “Ngựa Phú Yên dai sức và hung dữ (…) dân Phú Yên thường bắt ngựa con làm việc nhiều, ít quan tâm đến việc quản lý và chăm sóc chúng nên khi đưa ra thị trường, thường giá ngựa thấp hơn giá trị vốn có của nó”[7].
Nói về mục đích của việc nuôi ngựa ở Phú Yên, Nguyễn Đình Tư đã viết trong sách Non nước Phú Yên như sau: “Tại Phú Yên, người ta cũng nuôi nhiều ngựa, dùng để kéo xe và thồ hàng. Hàng ngày, khi tới tỉnh Phú Yên, du khách sẽ gặp vô số những chiếc xe ngựa chạy trên các con đường khắp tỉnh”. Mục đích nuôi ngựa rất đa dạng. Ngày xưa, người ta nuôi ngựa dùng để kéo xe, thồ hàng. Con ngựa là phương tiện làm ăn, nhà có con ngựa cũng như bây giờ có chiếc xe máy. Người Phú Yên nuôi ngựa còn để buôn bán sang các vùng khác. Ngoài ra, cũng có người nuôi ngựa để tiến vua, để cưỡi chơi, để thi tài. Ngày nay ở Tuy An còn duy trì hội đua ngựa được tổ chức hằng năm với quy mô lớn. Nếu kết hợp “ngựa thể thao” với “ngựa du lịch” có thể sẽ đem đến một nguồn lợi đáng kể nào đó cho Phú Yên.
PHẠM NGỌC HIỀN
Tài liệu tham khảo:
1. Quê mới – tiểu thuyết của Dân Hồng – NXB Quân đội nhân dân, H. 1961
2. Chớp trắng – tiểu thuyết của Thu Bồn – NXB Văn nghệ giải phóng, 1973
3. Đường lên Củng Sơn – Tô Hoài – tạp chí Tiên Phong số 20 (1/ 10/ 1946)
4. Miền đất huyền thoại – Văn Công – Sở VHTT Phú Yên, 1990,
5. Phú Yên –30 năm chiến tranh giải phóng–Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên -Sở VHTT Phú Yên, 1993
6. Địa chí Phú Yên – UBND tỉnh Phú Yên – NXB Chính trị quốc gia, H. 2003
7. Les Provinces de L’Annam (Phu – Yen) – Revue Indochinoise (1907) – bản dịch của Lương Công Hùng, tài liệu do thạc sĩ Ngô Minh Sang, Viện KHXH Nam Bộ cung cấp.
8. Non nước Phú Yên – Nguyễn Đình Tư – NXB Thanh Niên, 2004
.