Ở lãnh vực văn học nghệ thuật, nghề viết văn làm thơ được gọi chung là nhà văn, thì được xã hội quý mến vì nhiều lý do. Thời trước không ai gọi nhà văn chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Những văn nghệ sĩ chưa đến tầm vóc nhà văn, nhạc sĩ thì họ cũng không tự xưng. Thông thường thì dùng hai chữ “tài tử” để chỉ mức độ yêu mến nghệ thuật, như đàn ca tài tử Nam Bộ ngày nay. Chữ tài tử ngầm hiểu là không chuyên nhưng không gây tranh cãi. Nhà văn hồi đó, họ đều có thực tài và không nhiều như bây giờ.

Ngày nay là cơ chế thị trường thì cạnh tranh ngành nghề, cạnh tranh cá nhân là đương nhiên. Vấn đề chuyện nghiệp là cần thiết để phát triển xã hội toàn diện từ khoa học đời sống đến văn hóa xã hội. Tuy nhiên có người chưa đồng tình về cách gọi nhà văn chuyên nghiêp và không chuyên nghiệp. Họ cho rằng ngành văn học có tính đặc thù riêng, không thể vận dụng khái niệm chuyên hay không chuyên cho ngành vì nhiều lý do. Người làm trong ngành văn học, thực chất không có trường đào tạo chính qui, để trở thành một nhà văn thực sự như mong muốn (không nói dạy văn ở các bậc học). Tài năng của họ thường là do thiên phú. Biết rằng thiên tài cũng phải học, nhưng muốn trở thành thiên tài thì nhất thiết phải có năng khiếu vượt trội như (siêu trí tuệ Việt). Ở các bậc học ngày nay, đào taọ kỹ sư bác sĩ là dễ dàng, vì ở đó luôn có trình độ chuyên môn cao và sự chuyển giao nghề nghiệp rất rõ. Người học tiếp thu và thực hành ngay công việc học tập. Nhưng đối với ngành văn học nghệ thuật, cái họ học biết được phần lớn chính từ thiên phú và tôi luyện. Tác phẩm làm ra là một tiểu thuyết, quyển sách có khi ấp ủ cả chục năm. Người nghệ sĩ sáng tác bằng con tim khối óc và lòng đam mê tột đỉnh của mình. Họ không kìm hãm được những gì, thôi thúc từ bên trong tâm hồn và tâm trí của họ. Đôi khi họ không thể sáng tác trong thời gian rất dài, mà không biết nguyên do là tại sao. Họ quên ăn quên ngủ, quên không gian thời gian, chỉ tập trung tinh thần cho việc sáng tác nghệ thuật. Văn nghệ sĩ khi sáng tác thì có người thích nghe nhạc, thích yên tĩnh hay thích chỗ đông người, thích uống cà phê tán gẫu trước khi viết lách, họa vẽ….Và đây là đặc trưng của người nghệ sĩ nói chung. Chuyên hay không thuộc về tài năng và quyền riêng tư của họ. Họ không có công nghệ thiết bị như các ngành nghề khác để sản xuất hàng loạt tác phẩm. Họ làm ra tác phẩm chỉ có một bản duy nhất. Sẽ không có hai bài thơ y nhau, hai tiểu thuyết hệt nhau. Tài năng của người nghệ sĩ cao hay thấp, phần lớn nhờ vào “cái trời cho” nhiều hay ít và tập luyện lâu ngày mà có. Thi hào Nguyễn Du có truyền lại ngón nghề làm thơ lục bát, mà đến nay hậu thế không ai sửa nổi một chữ trong truyện Kiều dài 3254 câu. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lớp ca từ độc nhất vô nhị, mà chưa có ai bắt chước được. Hiểu cách nào đó, người nghệ sĩ sáng tạo ra nghệ thuật, anh ta đang thực hiện sứ mạng thiêng liêng của trời đất giao cho, là anh ta phải làm đẹp cho cuộc đời mà anh ta đang sống, bằng ba đức tính trụ cột Chân-Thiện-Mỹ, mà loài người hằng mong ước xưa nay. Họ không thể sáng tác mà không có hứng thú, không có trăn trở, không có ấp ủ. Cái học ở nhà trường chỉ là phương cách giúp người nghệ sĩ sáng tác tốt hơn. Người nghệ sĩ luôn độc lập và có óc thẩm mỹ riêng biệt về cách sáng tạo nghệ thuật của mình. Và không theo một trường phái chủ nghĩa nào nếu họ không muốn. Không thể giáo huấn người nghệ sĩ sáng tác theo cách gọi là “cái này là chuyện nghiệp, cái kia là không”. Một nhạc sĩ học chuyên ngành sáng tác ở nhạc viện danh tiếng, khi ra trường chẳng sáng tác được bài nhạc nào hay ho. Nhưng một người tự học qua sách vở, bạn bè, thậm chí không biết gì về nhạc lý, về sáng tác nhưng nhạc anh ta được mọi người đón nhận. Anh ta trở thành nhạc sĩ tài năng như chơi. Nói đi thì cũng phải nói lại, dù có là thiên tài thì cũng phải học cho tới nơi tới chốn để xứng với danh hiệu “Văn nghệ sĩ chân chính, đức hạnh và tài hoa”. Vì rất nhiều thần đồng hồi nhỏ, chắc chắn là thiên tài mai sau, nhưng thật ra cũng bình thường khi lớn lên. Như vậy, ranh giới giữa chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp ở thể loại viết văn nói riêng, trong văn học nghệ thuật nói chung là rất mờ hồ.

Có số nhà văn thực tài chưa vào Hội Nhà văn hoặc không thích vào hội thì không đồng tình cách gọi naỳ. Có người cho rằng nhà văn không chuyên là người không viết lách thường xuyên. Anh ta viết giải trí chứ không viết để trở thành nghề nuôi sống bản thân. Anh ta viết tiểu thuyết, thơ… nhưng anh ta không có tác phẩm phát hành. Anh ta có tác phẩm được bạn đọc chú ý, nhưng anh ta không có thẻ nhà văn. Anh ta là người viết tự do, không danh hiệu nhà nước,vv…

Vào Hội Nhà văn là cần thiết để thanh lọc tài văn chương, hoặc vì lý do chính trị thuần túy. Tuy nhiên vẫn có nhà văn thực tài không vào hội vì nhiều lý do khác nhau: có tác phẩm hay, nhưng không phù hợp trào lưu, hoặc tác phâm bị phê bình gay gắt; có tác phẩm hay, nhưng chưa phát hành,vv… Họ vẫn viết ra rả ở nhà hoặc ở các diễn đàn văn học nghệ thuật. Có nhà văn in hai ba tác phẩm để được xét vào Hội Nhà văn là rất xứng đáng, bên cạnh cũng có tác phẩm không có bạn đọc,vv… Cũng có người vào Hội Nhà văn cốt để lấy cái huy hiệu danh giá, sau đó thì không sáng tác phục vụ cộng đồng. Trong khi đó các nhà văn tay trái, gọi là “không chuyên”, thì lúc viết lúc nghỉ, sống bằng nhiều nghề khác nhau như bác sĩ, kỹ sư, dạy học, xe ôm, bốc vác… thì ra rả viết đều. Một năm có hai ba truyện ngắn, cuốn tiểu thuyết trăm trang, ít chục bài thơ….

Nếu coi nhà văn chuyên nghiệp là người luôn viết văn hay mà không có dở, thực tế thì có dở có hay. Viết văn chuyên nghiệp là viết như cái máy không nghỉ, thực tế thì nhà văn thường bị bí lời, hoặc xé bản thảo vì không hài lòng. Nhà văn tốt nghiệp cử nhân văn chương, chỉ viết được truyện ngắn; người học kém hơn viết được tiểu thuyết. Và ngược lại. Nói đến nhà văn chuyên nghiệp là có cơ sở, nhưng không hoàn toàn đúng trăm phần. Chuyên hay không là cách nhà văn tự nhìn lại mình, coi mình đứng ở đâu trong vạn nhà văn hôm nay. Tự phong cũng là cách khuyến khích bản thân vượt lên để dành lấy danh hiệu xứng đáng. Được danh hiệu nhà văn thì coi lại có thực xứng đáng không. Một người khiêm tốn khi chưa đủ tầm vóc thì họ xưng là tác giả. Và đó là người biết liêm sỉ. Các nhà văn gạo cội cho rằng mình bị đánh đồng với nhà văn không chuyên thì không mấy vui. Ngày xưa nhà văn ở ba miền đất nước chỉ đếm ở con số chục, ngày nay nhà văn trẻ được đếm bằng con số vạn. Thế hệ trẻ ngày nay không những thông minh mà còn đa tài ở mọi lãnh vực đời sống. Đây là niềm tự hào cho dân tộc đang bước vào một giai đoạn mới, phát triển toàn diện về con người. Coi chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam thì thấy điều đó. Tuy nhiên đừng lạm dụng danh hiệu nhà văn để trở thành lạm phát. Bị xem rẻ cái nghề xưa nay được mọi người coi trọng.

Bốn thứ để lại cho hậu thế, trong đó có phần của nhà văn – đó là để lại “sách thư” có giá trị cho xã hội đời sau. Danh hiệu nhà văn rất là cao quý, đúng những gì nhà văn đó cống hiến và để lại cho đời. Dù biết rằng nghề chơi chữ không mang lại sự giàu có. Nhà văn nào kiếm sống được bằng nghề viết văn là giỏi lắm rồi. Viết văn chuyên hay không chuyên chỉ có ý nghĩa ở trường học. Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm, đạt giải ba Cuộc thi tiểu thuyết đồng bằng Sông Cửu Long năm 2011-2012, có lần nói: “Ở lãnh vực viết văn, không có viết văn chuyên hay không chuyên, chỉ có những người viết văn hay hoặc dở mà thôi.”  

Tóm lại, viết văn chuyên hay không chuyên là không quan trọng. Quan trọng là bản lĩnh của nhà văn đó có viết chân thật không. Tài năng và đức hạnh của nhà văn đó có xứng đáng được xã hội tôn vinh không. Có một trong tứ để đời như cụ Du hay không.