Quê hương Tuy Hòa và Má.

Người khác ai sao tôi không biết, chứ riêng tôi thì mỗi khi có dịp dìa quê, cứ ra đến khỏi Nha Trang là tự nhiên tỉnh ngủ, không ngủ được nữa. Từ Nha Trang dìa làng tôi gần ba tiếng nữa, nhưng dù mới ba giờ sáng thì tôi cũng không ngủ thêm được nữa. Lòng cứ nôn nao, rạo rực, chờ đợi để được dìa làng.

Mọi thứ trở nên rất quen thuộc, rất gần gũi, rất thân quen mỗi khi bước lên xe vì được nghe xôn xao tiếng “nẫu” thân thương.

Khi xe đổ con dốc cuối cùng của Đèo Cả để tiến vào đồng bằng Tuy Hòa (bây giờ là ra khỏi hầm Đèo Cả) thì cái cảm giác nôn nao, chờ đợi suốt quãng đường từ Nha Trang tới đây bỗng chuyển qua xốn xang khó tả. Nhịp tim như đập nhanh hơn và đoạn đường cuối dìa làng cứ như là dài ra thêm. Tuyến xe Sài Gòn – Phú Yên thường xuất phát từ bến xe miền Đông lúc sáu giờ chiều, ra đến Đèo Cả là chừng năm giờ sáng. Mỗi khi xe qua Hòa Xuân, tôi thường ngoái đầu nhìn núi Đá Bia mờ ảo, tĩnh mịch trong những vệt sáng của hừng đông. Rồi xe qua ngã ba cây Bảng, băng qua cánh đồng Phú Lâm, vào DT 645 (đường 5 cũ), lên xã Hòa Thành. Khi xe qua khỏi làng Phú Nông là cảm giác hân hoan ùa dìa. Làng của tôi đây rồi: Phước Nông.

Làng Phước Nông của tôi nằm giữa hai làng – theo trục đường 5 cũ – đầu dưới là giáp làng Phú Nông, còn đầu trên giáp làng Lạc Nghiệp. Làng tôi cách quốc lộ 1, từ Ngã ba Phú Lâm, theo đường DT 645 (đường 5 cũ) đi lên chừng năm ki lô mét.

Ngày xưa, Hòa Bình được mệnh danh là xã Bông Bí (trồng nhiều bí, mướp, dưa hấu… ngoài bãi soi), Hòa Tân là xã Hòa Nhái (nhiều nhái), Hòa Đồng là xã Hòa Chuột (chuột nhiều), Hòa Mỹ là xã Sắn Lùi (trồng sắn mì nhiều), Hòa Thịnh là xã Quần Đùi, Hòa Phong là Hòa Dế, Hòa Hiệp là Hòa Bò… Xã Quần Đùi có khi cũng dùng cho xã Hòa Tân (vì giáp ranh với Hòa Thịnh). . . Thế nên, hồi nhỏ chúng tôi hay ghẹo mấy đứa dân Hòa Tân (là quê ngoại tôi):

“Hòa Tân là xã quần đùi

Quần dài sáu chục, quần đùi một trăm”

Riêng làng Phước Nông và làng Phú Nông của xã Hòa Bình I thì tôi rành tám câu. Đi xa, nếu gặp ai đó dù lớn hay nhỏ nói là người làng Phước Nông hay Phú Nông thì tôi hỏi ngay: nhà chỗ nào ? Khi họ nói ra thì tôi có thể hình dung ra ngay là gần nhà ai, đường đi vô nhà người đó như thế nào. Bây giờ làm lại đường xá, xây cất nhiều nhưng về cơ bản là không sai biệt lắm vì cả tuổi thơ gần hai mươi năm của tôi quanh quẩn ở đó mà.

Hồi nhỏ, chúng tôi hay trêu chọc nhau. Bọn Phú Nông hay chọc chúng tôi:

“Phú Nông ăn cá bỏ đầu

Phước Nông chạy lại xỏ xâu đem dìa”

Chả là thôn Phú Nông có cái chợ Phú Nông. Dân Phước Nông muốn mua đồ ăn, cá mắm gì thì phải đi chợ này nên bị chọc vậy. Phước Nông chúng tôi cũng “không phải dạng vừa”. Thấy bọn Phú Nông có nhiều thằng nhỏ con hơn, họ lại trồng nhiều dưa, bí, nên bọn tôi chọc lại:

“Phú Nông là Phú Nông còi

Có vài bông bí cũng đòi đi buôn”

Nhiều khi chỉ một câu chọc vậy thôi là lao vào đánh nhau chí chóe ! Đây cũng là kỉ niệm vui từ thời thơ ấu.

Mỗi khi dìa làng, xe ngừng ngay đầu con dốc cạnh cầu Khum. Bước xuống xe, nhìn ra là cánh đồng Tuy Hòa bát ngát, như trong bài hát của nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc (là người cùng làng):

“Ngát đồng xanh cánh cò bay mỏi,

Anh đưa em về thăm lại quê hương

Ơi Tuy Hòa chín nhớ mười thương

Câu dân ca lượn, gió vờn lúa non”

Ai đó đã nói “con đường đẹp nhất là con đường về làng”, thấy đúng quá. Riêng tôi thì bổ sung thêm, con đường vào làng là con đường nhiều cảm xúc nhất. Cảm giác nôn nao, rộn ràng … cứ dâng trào mỗi khi bước chân vào làng.

Người quê tôi thật thà, chất phác đến đáng yêu. Đi vào làng, hay khi đã dìa nhà rồi mà gặp người trong làng thì ai ai cũng hỏi đúng một câu:

– Dìa khi nào dẫy ?

Tôi:

– Dạ, mới dìa …

Chưa kịp hỏi thăm lại thì đã nghe câu:

– Dẫy hửng, khi nào đi ?

Có người thì làm “ngay và luôn” một tràng:

– Dìa khi nào dẫy, khi nào đi ? Năm nay làm ăn sao ?…

Họ không đợi mình trả lời, hỏi tới tấp như vậy. Thấy cũng vui vui.

Ai sao không biết, chứ điều đầu tiên của tôi mỗi khi đi xa dìa nhà, bước vào cửa ngõ là dáo dác tìm má. Nếu gặp anh chị em trước là hỏi ngay: Má đâu ? Lần nào dìa mà má tôi đi đâu đó không có ở nhà là tôi cảm thấy lạc lõng, bơ vơ lắm, có cảm giác không an toàn, kiểu như gà con lạc đàn, chim non lạc mẹ vậy. Còn có má là còn có quê hương thân yêu, còn có những bữa cơm gia đình ấm áp, dù má tôi ít khi ăn chung với anh em chúng tôi, má chỉ bắt ghế ngồi nhìn chúng tôi ăn uống. Ba tôi mất sớm, nên tôi chỉ còn má. Má là người vất vả, lo toan nuôi cho anh em chúng tôi ăn học. Tôi không thể hình dung sau này nếu tôi không còn má thì khi dìa nhà, dìa quê hương sẽ như thế nào. Thế nên tôi mong ước sao má tôi sống mãi.

Còn nữa, dìa quê rồi, mỗi lần đi chơi ở đâu đó dìa nhà thì mắt cũng láo liên tìm má đầu tiên. Mà tìm má thì rất dễ, nếu không thấy ở nhà trên thì chạy xuống bếp tìm là ngay chóc. Má cứ ở dưới bếp tối ngày, lo cơm nước vì sợ tôi đói.

Điều thứ hai mà tôi nghĩ tới là, lúc nào rảnh sẽ chạy ra bãi soi nhìn dòng sông Đà Rằng chảy xuôi dìa biển, nhìn cây cầu Đà Rằng, Tháp Nhạn mờ ảo xa xa, nhìn lên núi Mái Nhà tít tận phía trên kia.

Má, con sông Đà Rằng, cánh đồng lúa Tuy Hòa, những rặng núi, lũy tre, con bò, bãi soi và cái tết quê… là tuổi thơ tôi, là quê hương trong tôi, nó chảy trong máu thịt tôi, mãi mãi sẽ không có nơi nào trên thế gian này có thể thay thế được.

P/s : Năm nay, em không dìa, 50 anh em chăn bò đừng có kiếm em !

Sài Gòn, đêm giao thừa 2021