Xin được cùng lắng lòng tri âm, tỏ bày lòng tôn kính Nhà văn hoá, Danh nhân văn hoá thế giới, Nhà thơ Nguyễn Du.
Xin được tỏ bày, chia sẻ cùng phù sinh năm tháng trong cõi thăng bằng đời người… và cùng thông tỏ một đôi chút về thiển ý niềm tâm tư, trải bày…

       Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
       Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
      Trong dòng chảy lịch sử văn hoá, văn học nước nhà, văn chương nghệ thuật đã phát triển đến đỉnh cao, đã nhiên hậu nhiên thành cả trong đạo và đời, trong mạch chảy văn hoá, văn học của dân tộc. Nhiều sáng tác văn học đã trở thành bất tử, làm cho quốc hồn, quốc túy đã lung linh dậy hương…minh chứng đậm nét sự tinh diệu trên từng trang văn học sử Việt , và sự tinh tấn đó, cũng thông đạt trên trang sử Phật giáo đã dung hoà tinh thần Tam giáo đồng nguyên của Đại Việt, thời đất Việt độc lập từ thời Nhà Lý, Trần, Lê…tiêu biểu là những danh phẩm bằng văn Nôm trong thời kỳ lịch sử văn học cận trung đại, mà ta cũng quen gọi là văn chương quốc ngữ hoặc quốc âm. Đặc trưng là thời kỳ Nhà Lê, Lê Thánh Tôn với quốc âm thi tập của Hội Tao Đàn “Nhị thập Bát Tú”; đến cuối triều Tây Sơn, thập niên đầu thế kỷ XIX, thời vua Gia Long, Cụ Tiên Điền Nguyễn Du mới bắt đầu viết Truyện Kiều (1812-1825) ký thác nỗi niềm văn chương nghệ thuật bằng tiếng thơ, tác phẩm Thuý Kiều Truyện với 3254 câu thơ ra đời sau chừng hơn 1O năm chắt lọc từng câu lời con chữ trên từng trang viết…cộng với tâm tư thác lòng, rứt ruột đoạn trường tân thanh; mà sau này vua Minh Mạng đã ngự lãm Truyện Kiều có tên là Thúy Kiều truyện…và Ngài đã đổi lại, đặt thành tên là ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH; tiếng nói mới nghe như đứt ruột, nghe như nát lòng…Tân thanh còn có nghĩa là khúc đàn hoặc bài thơ mới, nhà văn hoá Đào Duy Anh đã ghi chép trong Tự điển Hán – Việt. Thúy Truyện Kiều viết dưới thời Gia Long thứ 12 (1812).
    Sách thâm nhập vào cung đình khoảng đầu triều Minh Mạng. Tiến sĩ Phạm Quý Thích và các bạn tri âm của Nguyễn Du đã bình chú, viết đề từ và lo việc ấn hành, trước ngày mất của mình ngày 29 tháng 03 năm Ất Dậu (1825). Như vậy, Nguyễn Du đã viết sách này hơn 10 năm, Phạm Quí Thích và các bạn ông đã bình giải, chú thích, viết đề tựa hơn 2 năm sau nữa mới hoàn thành Thúy Kiều Truyện.
    Cùng với “Văn tế Thập loại chúng sinh” còn có tên ban đầu là “Ca tế chúng sinh”, một thể tài văn tế, văn học uyên thâm, thấu triết, đòi hỏi người sáng tác phải tinh thông văn chương, duy tuệ kinh điển giáo lý Phật giáo, sành sỏi âm điệu, vận luật… cấu trúc thơ ca, nhạc hoạ để hát dặm, ví, tụng…ngâm, diễn xướng theo thể tài biến thể từ thơ lục bát, song thất lục bát, đến cổ phong và Đường luật đúng theo phong cách Việt.
   Với những tác phẩm này, Nhà Phật đã tôn phong Nguyễn Du là một vị Thiền sư thông tuệ pháp điển Phật giáo trên vai trò nhập thế bằng chính danh của “Duy tuệ thị nghiệp” … Mà tác phẩm “Thả một bè lau” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã là bằng chứng điển hình.
   Và tất cả, tất cả những điều đó đã tôn phong, tôn vinh Nguyễn Du là Danh nhân văn hoá thế giới.
   Thiên hạ xưa nay đọc, ru, ngâm Kiều, chăm chú nghe Kiều (vì không hoặc chưa biết chữ)…mọi lúc mọi nơi, từ bên tao nôi võng đưa, đến vườn chiều, thềm trăng, sân nắng…đồng sớm, trưa hè, nương dâu, bãi bờ canh cửi…trên mọi bình diện cuộc sống từ trong lao động đến nhàn du, ngoạn cảnh, ngắm người, xem hội…đều thuộc Kiều nằm lòng như cháo chảy, bói Kiều, diễn Kiều, dịch Kiều ra đủ thứ tiếng trên thế giới. Và Kiều đi vào lòng người Việt như một sự nhiên thành trên tinh thần thấu triệt, đi vào nhân gian cõi người như một hiện tượng văn hoá, văn chương nghệ thuật  Đông Phương độc đáo, thâm trầm, sâu đậm chất triết lý Phật giáo Đông Phương.
    Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, qua bao biến cố lịch sử, chính trị, xã hội…đời sống người dân Việt, vẫn luôn là bản trường ca bất tận, bất diệt viên thành trên nền lịch sử văn hoá tràn đầy bản sắc Việt…Thơ ca, văn chương nghệ thuật luôn là thành tố nhiên thành của dân tộc. Lúc chiến trận căng thẳng địch ta chống trả giặc ngoại xâm, của đôi bờ chiến tuyến buổi nội tranh, lúc bom rơi đạn nổ giành giật sự sống cái chết, lúc đêm thâu, ngày nắng cháy trong hầm hào, địa đạo hay rừng sâu, non cao hay phố thị vẫn dáng Kiều bên ngực áo, Kiều thơm trong túi xách ba lô, vẫn sang sảng ngâm đọc Kiều… Lúc đàm phán thương mại, ngoại giao, bang giao quốc tế, để bình thường hoá, bình đẳng quan hệ, nhiều lãnh tụ của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đọc thơ Kiều, trích Kiều, nhớ Kiều, dẫn chứng Kiều làm đầu câu chuyện, để xích lại gần nhau hơn, để… …”Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời”. Và cũng để minh hoạ, dung hoà, chấp nhận xoá bỏ ngăn cách, uẩn ức nén đè, để hoá giải cục diện bằng tinh thần mở cửa, hội nhập…tạm xếp, xoá bỏ thù hằn với mục đích nhìn thẳng tương lai.
     Khi lắng lòng, tâm tư về Đoạn Trường Tân Thanh và Văn Chiêu Hồn, bài viết xin được xoay quanh hai vấn đề chủ đạo để chia sẻ cùng người đọc:
    + Nguồn gốc và ý nghĩa thâm trầm sâu lắng đầy tính triết lý về Ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, đã hiện diện từ nhiều ngàn năm trong dòng chảy lịch sử văn minh, văn hiến nền văn hoá Lạc Việt.
    + Thập giới cô hồn quốc ngữ văn lục đến Văn tế thập loại chúng sinh.
    Giữa cõi hồng trần thế gian mãi vẫn lưu truyền…”Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân”, đây còn là ngày Tết Trung Nguyên (giữa năm) của cộng đồng các dân tộc Châu Á có chung nền văn hoá lúa nước từ thời cổ đại, buổi đầu của nền văn minh lúa nước đã hơn 4000 năm lịch sử…và khi đó chưa có Đạo Phật. Điều đặc biệt là Phật giáo (Tiểu Thừa) đã thẩm nhập vào Việt Nam từ đường biển, Trung tâm Phật giáo Luy Lâu – Bắc Ninh chỉ mới tồn tại khoảng thế kỷ thứ II trước công nguyên.
    Chữ Hiếu đã lớn dậy thành non cao bể lớn trong nền văn minh lúa nước, trong lịch sử văn hoá Đại Việt từ xa xưa:
         Mấy người hiếu nghĩa xưa nay,
Tròn làm chi đến lâu ngày cũng thương
                                       (câu 2647-2648)
    Nhà bác học Lê Quí Đôn, người rất thông tuệ Nho giáo – Phật giáo – Đạo giáo cũng đã từng viết về lễ hội Rằm tháng Bảy âm lịch trong sách Vân Đài Loại Ngữ về phép “tiêu tai giải ách” truy nguyên phép tắc, lễ nghi được ghi chép trong Cổ thư. Các kinh phụng vụ cho nghi lễ “giải kết oan khiên” là các kinh Địa tạng, Thủy sám, Tâm kinh, Chiêu hồn cùng nhiều câu thần chú khác có chung ý nghĩa cho buổi lễ long trọng này.
       Bất tri tam bách dư niên hậu
       Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
      Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (1908 – 1975) tác giả sách “Văn minh Việt Nam” bằng Pháp ngữ xuất bản năm 1944, bản dịch công bố năm 2005 tại Hà Nội, đã viết về ý nghĩa và nguồn gốc của Tết Trung nguyên như sau: “Hội lễ dân gian đạo Phật là ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm. Đây là một kiểu ngày lễ của người chết, trong ngày đó, ở địa phủ, do lòng từ bi của chư Phật, một cuộc xá tội lớn được thực hiện, các ngục được mở và nhiều vong hồn có tội toả đi khắp thế gian. Các gia đình đi chùa cúng và tụng kinh để giải thoát cho hồn của thân nhân mình. Hiện nay, ngày lễ này trở thành một ngày từ thiện lớn. Ban đêm, ở trước nhà, mỗi gia đình làm lễ phát thức ăn (cháo, cơm, muối, trứng…) và tặng các linh hồn vong nhân đủ loại tặng phẩm bằng giấy. Nhà giàu thì bố thí cho người khốn khó và kẻ hành khất. Ở các chùa lớn, một đàn lễ được dựng ở sân bày các lễ vật và đồ vàng mã. Hoà thượng ngồi xếp tròn trên cao. Ngài đại diện đức Phật và mở cửa địa phủ. Sau khi giải thoát các linh hồn, ngài đọc cho các đạo hữu nghe lời răn dạy của Phật khuyến khích họ làm điều thiện để chuẩn bị cho sự dọn mình lên Niết bàn, nơi mà nhân dân quan niệm là cõi thiên đàng”. “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du đã thể hiện rõ ràng quan điểm bằng: Thập giới cô hồn quốc ngữ văn rằng : “1- Thứ nhất, thiên tăng rằng; 2- Thứ hai, giới đạo sĩ rằng; 3- Thứ ba, giới quan liêu rằng; 4- Thứ tư, giới nhân sĩ rằng; 5- Thứ năm, giới thiên văn địa lý rằng; 6- Thứ sáu, giới lương y rằng; 7- Thứ bảy, giới tướng quân rằng; 8- Thứ tám, giới hoa xương rằng; 9- Thứ chín, giới thương cổ rằng; 10- Thứ mười, giới đãng tử rằng …”. Và đây còn là một góc nhìn tối ư quan trọng: “Kinh chiêu hồn mô tả thế giới của người chết, nhưng nó chỉ phản ánh thế giới người sống, đó là hình ảnh thời Lê mạt, mà cũng vì thế nên mặc dầu thê thảm ghê rợn nhưng Kinh chiêu hồn vẫn không quái đản như những tác phẩm của Edgar Poe, mà nó còn đầy nhân loại tính, vì nó mô tả nhân loại qua những bóng ma, nó cảm lòng ta chứ nó không làm cho thần kinh thác loạn”.
      Xuân Diệu đã bình luận như sau: “Trong nền thơ ca Việt Nam ta từ trước đến sau, chưa có một tác phẩm độc đáo về đề tài, hầu như là duy nhất, nói đến những người chết, nói đến cái chết dưới trăm tình thế, nhưng chưa có bài thơ nào mà tập trung nói đến những hồn người chết như vậy – và thực chất lại là sự ôm trùm rộng rãi những người sống; đó là bài ‘Văn tế thập loại chúng sinh’ hoặc còn gọi là ‘Văn chiêu hồn’ của Nguyễn Du”.
    Đây là một tác phẩm độc đáo văn hoá dân gian đậm màu sắc Phật giáo trong nền văn chương bác học đậm chất nghệ thuật được hình thành và chuyển hoá từ thể Phú nhằm “phô bày ra, giải bày, giải toả nguồn cơn trước sự tình, sự việc” bằng lối hành văn đối xứng nhau, có vần điệu để cảm thương, luyến nhớ, tiếc nuối người đã khuất, hoặc cung ngưỡng công đức, hạnh nguyên thần thánh…cốt để tạo buổi tế lễ càng nghiêm trang, lan toả uy linh; có người chuyên trách đọc văn luyến láy, truyền cảm vì vậy mới gọi là Tế ca(văn tế ca) hoặc Văn chiêu hồn.
       Kỳ lạ và diệu kỳ thay phép Phật nhiệm mầu – Tam bảo đã là nơi nương tựa, là chiếc phao cứu hộ đưa Người, đưa Kinh qua khỏi sông Mê…Du Già khoa nghi của tâm tư Duy thức và Pháp tướng.
     Tin Phật thì hẳn là tin ta để khẳng định Phật ở trong ta, trong ta có Phật.
     Quảng đại tứ chúng Phật tử đều tin Phật…
     Lại nói về nghiệp, trong nghề nghiệp; mỗi hành vi của con người có tác ý đều tạo ra nghiệp.
      Trong dân gian, ai rồi cũng phải học, học nghệ (cho dầu tốt xấu, sang hèn) để tự thành nghề nuôi thân, góp phần xây dựng gia đình và giúp ích cho xã hội…từ đó, càng phải khổ luyện, tinh tấn mới thành có tay nghề cao, bởi vậy mới có câu: “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, và cũng còn có câu đi kèm là “sinh nghề, tử nghiệp”…qua đây xin chia sẻ thêm câu ca dao:
             Con người là kẻ học nghề,
             Mà Thầy là nỗi ê chề khổ tâm.
    Nguyên từ Karma dịch ra tiếng Việt là nghiệp, trong nghề nghiệp, có nghĩa là hành vi có tác ý, có chủ đích…nhưng cũng còn là nghiệp dĩ, nghiệp chướng, nghiệp căn, nghiệp báo…Nghiệp là cái “nhân” nảy sinh ra “quả”.
     Tam nghiệp tội là: Khẩu nghiệp là do ác miệng gây ra; Thân nghiệp là nhân ác bởi thân làm ra; và Ý nghiệp là bởi ý sinh ra…còn Nghiệp chướng (túc nghiệp) là hậu quả kiếp này phải gánh do tội nghiệt kiếp trước gây ra; Nghiệp căn thiện gọi là nghiệp thiện…Những nghiên cứu lĩnh vực, văn hoá nghệ thuật, tạo hình, biểu trưng, hình tướng trong kiến trúc phật giáo đến kinh, tạng, trì, chú, trong chú giải Phật học là một phạm trù quá rộng lớn và chuyên sâu,  từ trong góc nhìn Cổ sử và Phật sử nhằm ôn cố tri tân để sáng lên sự minh triết của Đại Việt…Dòng giống Tiên – Rồng đã làm sáng lên một nền văn minh, văn hiến từ nhiều ngàn năm trước, buổi bình minh của nền văn minh lúa nước, một sự dung hợp của ba nền văn hoá Đông Sơn – Sa Huỳnh – Óc Eo của Việt Nam, bao giờ cũng chỉ lấy sự chiêm nghiệm của sở học để giáo hoá và canh tân đất nước, tiến lên theo kịp đà tiến bộ văn minh của thời đại…vượt qua mọi thách thức, trở ngại để quốc gia dân tộc ngày càng rạng rỡ, phát triển ngang tầm thế giới.
*Tiểu kết:
        Học như nghịch thủy hành phong,
Về đầm cưỡi ngựa, lên non chèo thuyền.
     Nhà Phật lấy ý nghĩa của phương châm:  “Duy tuệ thị nghiệp” để làm chủ ý, khởi nguyên cho việc tu hành, đào tạo tăng tài, phật tử chân chính.
      Sinh ký tử quy là lẽ thường của tạo hoá…và Đạo Phật luôn là một giá trị triết lý vượt thời gian.
Phú Hanh