/

       Mãi đến bây giờ, tôi mới thực hiện được chuyến đi mà tôi hằng ấp ủ. Bao năm sống xa quê, xa người thân, xa bạn bè thuở hàn vi, xa người thầy đầu tiên trong đời mà tôi luôn nhớ thương và kính trọng.
Gần 30 năm dâu bể mà trong lòng tôi vẫn hiện hữu như mới ngày nào. Tôi, đứa trẻ lên bảy đã mồ côi cha. Suốt ngày , tôicõng em trên tấm lưng trần, hết lang thang ngoài bãi biển nhặt vỏ ốc, vỏ sò làm đồ chơi thì phụ gỡ cá cùng bà con trong xóm kéo lưới bờ. Nắng lên cao thì cõng em vào ngấp nghé ở cửa lớp học của thầy Quang, lớp học của ông giáo làng duy nhất ở xóm chài này. Học trò của thầy chưa đến hai mươi đứa tuổi từ khoảng bảy đến hơn mười với trình độ cũng khác nhau của bậc Tiểu học. Hôm nào cũng vậy, hễ có kẻng báo giờ chơi của lớp học vang lên là anh em tôi đều có mặt. Tôi cõng em đứng tựa mấy gốc dừa nhìn đám học trò trạc tuổi mình chơi đùa khiến trong lòng rộn rã, háo hức, thèm muốn được chơi cùng nhưng không dám và ngẩn ngơ, tiếc rẻ dõi theo khi họ xếp hàng vào lớp.
Hôm ấy, đang lúc thầy Quang giảng bài, lớp học im phăng phắc. Tâm trí tôi cũng đang mê mải đuổi theo những lời giảng của thầy mà vô ý làm rơi liếp cửa…Tiếng thầy bỗng im bặt. Đôi mắt sáng, sâu của thầy hướng về phía cửa. Tôi chẳng kịp nhận ra đó là ánh nhìn thăm dò hay quở trách, vội vàng cõng em vù chạy vì nghĩ rằng mình phạm lỗi và vấp ngã lăn kềnh trên nền cát ẩm. Tiếng thằng cu Lưới khóc thét lên càng làm cho tôi hấp tấp, vội vã ôm gọn đứa em vào lòng và gắng sức để bật dậy lao đi. Vừa ngước nhìn lên đã thấy thầy Quang đứng lừng lững bên tôi tự lúc nào. Bàn tay thầy xoa nhẹ trên mái đầu vàng hoe của tôi khi toàn thân tôi co rúm, mặt sợ sệt, cúi gằm vì hối lỗi.
Thầy Quang nhẹ nhàng cất tiếng:
   Vì sao con khóc?
   Thưa thầy…- Tôi ấp úng chẳng nên lời.
   Tên con là gì?
   Dạ, con tên Gành …!
   Năm nay, con mấy tuổi rồi? Vừa hỏi, thầy Quang vừa nâng nhẹ chiếc cằm tôi lên rồi lau đi giọt nước mắt đọng trên gò má rám nắng của tôi.
Lúc này, tôi thấy trong ngực dễ thở hơn nên bình tĩnh lại trả lời:
   Mẹ con nói con bảy tuổi rồi ạ!
   Con có thích đi học không?
Trong tâm trí tôi lúc ấy thầy như vị thánh cao xa bỗng chốc trở về cõi thực, gần gũi, hiền từ và trìu mến. Tôi vội xoa mắt, rạng rỡ nhìn thầy rồi gât đầu mà không thốt được lời nào.Chiều ấy, khi mẹ tôi chạy chợ trở về thì thầy Quang cũng vừa đến nhà. Chẳng biết thầy nói gì với mẹ, tôi chỉ nhớ rằng sáng hôm sau mẹ bế cu Lưới sang gởi nhờ nhà hàng xóm và dắt tôi đến trường.
Xóm Chài, sau lưng vẫn là đồi cát trắng mọc um tùm cây dứa dại, vẫn  rặng dừa đứng nép nghiêng nghiêng sát biển, vẫn cái xóm nghèo chừng vài chục nếp nhà thấp lè tè nằm rải rác, lẩn khuất dưới bóng dừa mà sáng nay sao khác lạ! Tôi dậy sớm, chạy bộ từ đầu xóm đến cuối bãi thấy cảnh vật như vừa đổi mới, rạng rỡ, đáng yêu; nghe trong lòng ngập tràn nỗi hân hoan khó tả. Cũng từ hôm ấy, tôi trở thành cậu học trò chăm chỉ, siêng năng được thầy, bạn quý mến, thương yêu.
Thầy Quang tuổi khoảng năm mươi. Thời chiến tranh, thầy cũng đi lính, bị thương rồi giải ngũ về làm viên chức ở Sài Gòn. Vợ chồng có duy nhất đứa con gái, đã có chồng ở thành phố và có việc làm ổn định. Mãi sau này, tôi mới biết: vì bối cảnh xã hội rối ren, phần vì sức khoẻ của thầy cần được nghỉ ngơi nơi thoáng đãng nên thầy cô mới quyết định về sống ở quê. Vài ba tháng một chuyến, vợ chồng đưa nhau vào Sài Gòn để nhận khoản lợi tức từ phần hùn đầu tư sản xuất, kinh doanh mà mấy người bạn cho thầy góp ít vốn và thăm con, thăm cháu ít hôm cho đỡ nhớ. Dù thu nhập không nhiều nhưng cuộc sống đạm bạc, ít nhu cầu về vật chất ở nơi đây đã giúp thầy cô có cuộc sống thanh nhàn. Thấy bọn trẻ thất học, chơi lêu lỏng cả ngày nên thầy dựng cái lớp học bên cạnh nhà để dạy chữ cho bọn trẻ miễn phí. Ngoài giờ dạy thì thầy phụ cô xới đất quanh nhà trồng cây cà, cây ớt; chăm dây bầu, dây bí cho vui, phần có cái để ăn vì xa chợ búa. Bà con ngư dân thi thoảng cho con cá, con tôm như chia sớt chút tình thân cũng là hàm ý bồi đắp chút công cho thầy.
Tôi như cây dại mọc chen trong lau lách, thầy đã bứng lên vun trồng và chăm sóc. Cũng từ hôm ấy, thầy đã xoay chuyển cuộc đời tôi theo dòng chảy khác. Năm tháng qua đi cùng tuổi thơ tôi gắn với mái trường làng nhiều kỉ niệm.
Ở cái làng chài nghèo, lè tè mấy mươi nóc nhà, khuất xa phố thị gần như biệt lập vì đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Lớp học mái lá vách phên của thầy Quang là nơi quần tụ rộn ràng của lũ trẻ Xóm Chài. Qua từng bài giảng, thầy đã đưa tôi cùng các bạn đến những phương trời mới lạ. Thầy đã thắp lên trong lòng tôi những ước mơ, hoài bão; truyền cho tôi niềm tin yêu cuộc sống; niềm khát khao và hi vọng. Thầy là tấm gương về lòng nhân từ và độ lượng mà bao năm đã in sâu vào tâm trí tôi.
Trong những năm kinh tế đất nước khó khăn, tôi đã theo gia đình đi xây dựng vùng Kinh tế mới. Tôi nhớ khôn nguôi cái làng chài nằm hiu hắt ven biển miền Trung. Nơi ấy, có tuổi thơ tôi ru hời theo nhịp sóng, có bóng dừa rợp mái trường xưa cùng người thầy giáo đầy tâm huyết đã cưu mang, dạy dỗ, dìu dắt tôi đi những bước đầu đời. Với tôi, hành trang thầy Quang cho phong phú biết dường nào! Hành trang ấy là vốn sống đã giúp tôi đủ nghị lực để đương đầu với những phong ba của cuộc đời. Dù có đôi lần vấp ngã nhưng hình ảnh của Thầy lại nâng đỡ, động viên tôi và tôi lại đứng lên, tiếp tục đi về phía trước.
Đốt nén hương thắp lên mộ thầy, trong lòng tôi thổn thức:
Hôm nay,  con trở về đây thầy đã xa rồi! Làng xưa đã đổi thay nhiều, đông vui, nhộn nhịp! Cuộc sống đã có quá nhiều đổi thay: làng ta đã có trường xây khang trang, các em học sinh mặc đồng phục gọn gàng…Nhưng thầy ơi, lòng con quay quắt nhớ! Con, đứa học trò nghèo ngày xưa được thầy cưu mang, dạy dỗ, con quyết đi theo con đường thầy đã hướng.
Giờ đây trước vong linh thầy con nguyện sẽ sống xứng đáng như tấm lòng thầy thương yêu và hằng kì vọng ở chúng con. Con xin tâm niệm lời dạy của thầy qua câu hát: (*)
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió…cuốn…đi…!”
 
                                                                               ( Nguyễn Thanh Phong – Binh Thuận )
 ……………………………………..
 
* Lời trong ca khúc Để gió cuốn đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
 
 /