Sông Bàn Thạch là con sông lớn thứ ba ở Phú Yên, sau sông Đà Rằng (Sông Ba) và sông Kỳ Lộ. Khác với sông Ba bắt nguồn từ Kontum; sông Kỳ Lộ bắt nguồn từ Gia Lai, sông Bàn Thạch nằm trọn trong Phú Yên và có tổng chiều dài chỉ chừng hơn 60 km.

Sông Bàn Thạch là tên trên bản đồ địa lý và trên sách vở chứ trong dân gian vẫn gọi sông này là sông Bánh Lái. Từ xa xưa, người dân mạn nam Phú Yên thường giao thương chủ yếu nhờ con sông này. Sông ngắn nhưng rất quanh co, nhiều vực.. ghe thuyền phải lái rất nhiều nên ông bà gọi là sông Bánh Lái nhằm nhắc nhở nhau việc an toàn lưu thông trên sông. Tên sông Bánh Lái là tên gọi từ Ngọc Lâm trở xuống. Mãi sau này, từ đến Hội Cư xuống tới biển (qua cửa Đà Nông) mới có tên sông Bàn Thạch và tên Bàn Thạch được lấy làm tên chung của con sông này.

Tôi không gắn bó với con sông này nhiều, nhưng đây là con sông chảy qua quê ngoại tôi nên tôi cũng có nhiều kỉ niệm. Hồi nhỏ, tôi hay về ngoại và theo các anh chị đi vào đồng Trong và vào núi hái củi, hái thuốc…Vì vậy, tôi cũng có qua các bến thuộc thôn Cảnh Phước (Hoà Tân Đông) của con sông này nhiều lần.

Sông Bàn Thạch bắt nguồn từ Hòn Dù (một ngọn núi thuộc cụm núi Hòn Nhọn của dãy Đá Bia, phía nam tỉnh Phú Yên) chảy ra thôn Suối Phẫn. Đoạn sông này chảy trong núi nên rất khó đi qua, muốn đi qua phải chặt cây làm gậy chống đi nên người dân đặt tên là sông Chống Gậy. Đoạn này có một cái bến có tên là  bến Đá. Khi đến thôn Mỹ Thành (Hoà Mỹ Tây) thì bị một dãy núi có tên là dãy Kỳ Đà chắn ngang, dòng sông chia làm 2 nhánh. Một nhánh chảy ra hướng Bắc rồi đổ vào sông Ba chỗ khu vực cầu Đồng Bò (Nhà máy đường Đồng Bò) gọi  là sông Đồng Bò (xã Hoà Phú). Nhánh còn lại chảy theo hướng Đông là con Sông Bàn Thạch.

Khi đến thôn Ngọc Lâm (Thủy điện Đá Đen) thì sông đã được tiếp nước từ nhiều con suối nhỏ chảy từ trong dãy núi Đá Bia ra như suối Phẫn, suối Phướng, Vực Phun, suối Mua…Khúc sông từ Hoà Mỹ Tây về cầu bến Củi rất dốc, uốn lượn quanh co tạo ra nhiều vực và có nhiều bến sông: Bến Nhiễu (ranh giới giữa Ngọc Lâm 2 và Mỹ Thành), Vực Lộn (gần cầu Bến Trâu – Giáp ranh Ngọc Lâm – Lạc Chỉ), Bến Trâu (Lạc Chỉ), bến Quán (Ranh giới Lạc Chỉ – Xuân Mỹ), Vực Dinh, Bến Xã Hai, bến Đình, Vực Xe, bến Bổn (ranh giới thôn Phú Thọ – Hoà Mỹ Đông và thôn Cảnh Tịnh – Hòa Thịnh), Bến Than, Vực Tròn, Bến Củi. Ở đoạn này sông Bàn Thạch nhận nước từ con sông Đào từ đập An Sang ( hồ Mỹ Lâm) ra tại ngã ba Sông Đào phía trên cầu Bến Củi. Dân khu vực này gọi đoạn sông này là Sông Bến Củi. Mỗi lần xuống một vực là sông giảm đi độ cao và đến đoạn từ Bến Củi trở xuống thì sông tương đối bằng phẳng, nước chảy êm.

Dưới bến Củi có bến Đình nối liền  thôn Phú Hữu (Hoà Thịnh) và thôn Phú Mỹ (Hoà Đồng), Bến Chuyên (giáp Hoà Đồng và Hoà Tân Tây) Bến Sách, bến Xưởng, vực suối Cối. Từ đây trở xuống không còn vực nữa, sông Bàn Thạch êm đềm chảy xuôi về cửa biển Đà Nông và hoà vào biển lớn. Ở đoạn này sông Bàn Thạch nhận nước từ một con sông nhỏ nữa là sông Trong. Sông Trong được bắt nguồn từ núi cao của Mỹ Lâm, Hòa Thịnh, chạy ngoằn ngoèo trong đồng Trong, Đồng Lau rồi mới đổ ra sông Bánh Lái tạị đồng Thế (Cầu ngã Hai – Giáp ranh xã Hoà Tân Đông và Hoà Tân Tây). Sau này – khoảng thập niên năm 1980 – để thuận tiện cho việc đi lại, tưới tiêu nên chính quyền địa phương mới cho lấp sông Trong tại thôn Phú Hữu, xây dựng đập Phú Hữu và đào sông để lái dòng chảy đổ ra sông Bánh Lái trên cầu Bến Củi (đoạn này có tên sông Đào như đã nói ở trên. Đoạn từ Mỹ Lâm ra Phú Hữu vẫn gọi là sông Trong). Từ khi có con sông Đào thì sông Trong đoạn xã Hòa Tân chỉ còn nhận nước từ các con suối nhỏ nên ít nước, nước chỉ nhiều trong mùa mưa. Xuống nữa là bến Xe, bến Tiên, bến Giá (Cảnh Phước), Bến Soi (Đồng Thạnh), Bến Lớn (Phú Đa), thôn 2 Hòa Vinh cũng có bến Lớn.

Chỗ cầu Bàn Thạch xưa kia là bến – chợ Bàn Thạch sầm uất. Từ cầu Bàn Thạch xuống dưới thì bắt đầu là bến đò Lưới Gõ ( người Pháp đọc trại Ligo) rồi xuôi xuống bến Phước Giang (Hoà Tâm), bến Vũng Tàu (thuộc thôn Đa Ngư – Hoà Hiệp Nam), bến Lò Vôi (thôn Phú Lạc – ngay chân cầu Đà Nông)

Chợ phiên Bàn Thạch họp tại phía nam cầu Bàn Thạch. Trước kia có một thời cầu Bàn Thạch từng là cầu phao. Chợ họp sáu phiên chính vào các ngày mồng  2, 6, 12, 16, 22 và 26 hằng tháng, Những ngày còn lại chợ vẫn họp bình thường vào mỗi buổi sáng. Từ chợ Bàn Thạch sẽ tập kết hàng hoá và đi các chợ xung quanh như chợ phiên Đông Mỹ, chợ Phú Đa, Phú Lương, Lò 1, Lò 2, Lò 3, Phú Lâm…

Bình thường nước sông Bàn Thạch không nhiều nhưng mùa mưa nước dâng cao, chảy xiết. Quê ngoại tôi là thôn Cảnh Phước có nhiều năm nước sông Bàn Thạch ngập vô tới mương. Quê ngoại tôi chủ yếu là làm nông và lâm nghiệp, vảo mùa nước lớn thì dùng sõng để đi vào đồng Trong, vào núi. Sõng cũng đan bằng nan tre, trét dầu rái giống ghe nhưng khác với ghe, sõng không có lái phía sau, và lòng sõng thường sâu hơn ghe nhiều. Chính vì vậy mà sõng chở được rất nhiều, tải trọng cao hơn ghe nhiều. Vì sõng không có lái nên dễ đi trong các vùng cỏ lác, cây cối ngập nước (không bị vướng vào lái) nhưng lái sõng khó hơn lái ghe nhiều. Thường bơi sõng chỉ dùng dằm chứ không dùng sào để chống.

Cá trên sông Bàn Thạch và các dòng sông con, suối nhỏ, lạch nhỏ ngày xưa là nhiều vô kể. Đặt biệt khu đồng Trong (tên cánh đồng phía trong sông Bàn Thạch) đỉa rất nhiều, lội qua những con mương nhỏ vài ba bước là đỉa bám vào ngay. Khi bị đỉa bám vào hút máu no thì nó to bằng ngón tay. Người dân nơi đây có kinh nghiệm là khi bị đĩa bám vào họ nhổ nước miếng vào tay rồi chà xát vào đầu con đĩa là nó rớt ra ngay.

Kinh tế, văn hoá, xã hột và lao động sản xuất, sinh hoạt của người dân hai bên bở sông Bàn Thạch gắn liền với con sông này. Các bến sông xưa là nơi buôn bán, trao đổi hàng hoá tấp nập và cũng là nơi lấy nước, tắm giặt của người dân. Tên các bến sông gắn liền với hoạt động sản xuất của vùng đó: bến Trâu, bến Than, bến Củi, bến Soi, bến Lò Vôi…hay gắn liền với các địa danh văn hoá, tâm linh như chùa, đình, dinh, lẫm như: bến Đình, Vực  Dinh…Một số bến thì gần một ngôi chùa như: Bến Bổn gần chùa Phú Thọ (thôn Phú Thọ), bến Lớn (thôn 2 Hoà Vinh) gần chùa Cảnh Hưng…

Vùng mạn nam Tuy Hoà là một đa nghề nghiệp: nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp. Nhu cầu giao thương buôn bán giữa các vùng với nhau là rất lớn. Bến Bàn Thạch là bến sông cuối cùng ở tỉnh Phú Yên trên con đường thiên lý Bắc Nam trước khi vào Khánh Hoà qua ngã đèo Cả để đi vào Nam của ông cha ta. Ngày xưa phương tiện giao thông còn hạn chế nên ghe, sõng giao thông, chuyên chở hàng hoá trên sông là phổ biến hơn cả. Cũng giống như sông Đà Rằng, người dân giữa hai miền xuôi ngược trao đổi hàng hoá cho nhau tại nơi các bến sông và từ đây tủa đi các chợ, chợ phiên: Cá, mắm, muối…từ miền biền chở lên thượng nguồn để trao đổi lấy lúa gạo, gà vịt, heo bò, sắn bắp và các loại thổ cẩm, lâm sản…Vào các ngày chợ phiên Bàn Thạch, Đông Mỹ, Đồng Cọ thì ghe xuồng tấp nập trên sông.

Sông sâu nhiều lạch
Chợ Bàn Thạch nhiều lươn
Nhắm bề thương đặng thời thương
Đừng trao gánh nặng giữa đường khổ em!

(Ca dao)

Bây giờ thì đa số các bến lớn trên sông Bàn Thạch đã làm cầu. Trên sông Bàn Thạch từ dưới tính lên gồm có: Cầu Đà Nông, Cầu Bàn Thạch 2, Cầu Bàn Thạch, Cầu Bến Lớn, cầu Suối Cối, cầu Bến Sách, cầu Bến Củi, cầu Bến Trâu, cầu Bến Nhiễu…Đường sá bây giờ mở mang nhiều, đa số các xã đã có đường bê tông liên thông giữa các xã, các vùng với nhau. Hàng hoá chở bằng xe tải, bằng xe đò, xe máy…nên ghe, sõng đã gác mái, bỏ dằm. Trên sông Bàn Thạch giờ chỉ còn những thuyền câu, đánh cá của những người ưa thích thú vui tao nhã.

Thả mình trôi theo dòng sông Bàn Thạch, qua ghềnh thác quanh co, qua bao vực sâu, ghé bao cái bến sông, bao làng mạc ven sông…Đâu đâu tôi cũng cảm nhận có một tình cảm chân chất, mộc mạc, đầy lòng nhân ái, nghĩa khí của người dân nơi đây. Chợt chạnh lòng nhớ ngoại tôi xưa, miên man liên tưởng tới cảnh ghe thuyền tấp nập trên sông, nhớ tới những tiền nhân đã từng sống, gắn bó với con sông này.

Sông Bàn Thạch quanh co, uốn khúc
Núi Đá Bia cao vút tầng mây
Non kia nước nọ còn đây
Mà người non nước ngày nay phương nào?

(Ca dao)

Sài Gòn, tháng 2/2022.

Huỳnh Khang