Trần Thị Tường Vy

Nghệ thuật là con đường tuyệt đẹp của trần gian với xu hướng tìm kiếm những điều mới mẻ. Nghệ thuật chỉ thực sự được thăng hoa và mang vẻ đẹp vĩnh cửu, bất tận khi luôn có những tìm tòi, sáng tạo trong việc thể hiện. Một trong những thủ pháp khiến văn chương sống mãi với thời gian, với bạn đọc là thủ pháp “lạ hóa”. Các nhà hình thức luận Nga mà tiêu biểu là Shkovski cho rằng “lạ hóa” là một trong những thủ pháp rất quan trọng, rất cần thiết để tăng cường chất thơ hay còn gọi là “thi tính” cho các sản phẩm trí tuệ, cảm xúc của các nhà thơ. Thủ pháp “lạ hóa” được hiểu theo nghĩa là: những điều khác lạ, những điều khác xa với các quy phạm bình thường trong sáng tác văn chương, khiến người tiếp nhận cảm thấy khó tiếp nhận, khó hiểu, không thể hiểu được điều nhà thơ muốn bày tỏ là gì, nhà thơ muốn nói gì, đề cập đến vấn đề gì, đọc trong trạng thái mơ hồ, khó hiểu, người đọc thưởng thức tác phẩm trong sự thắc mắc, từ đó thúc đẩy nhu cầu tìm hiểu, khám phá tác phẩm. Thủ pháp lạ hóa còn khiến xảy ra sự khác nhau trong cách cảm nhận của người tiếp nhận: mỗi người tiếp nhận sẽ hiểu tác phẩm theo cách của riêng mình, người tiếp nhận này sẽ có cách hiểu khác với người tiếp nhận kia, mỗi người sẽ có cách hiểu khác nhau, không giống nhau. Chính những điều ấy đã khiến thủ pháp “lạ hóa” trở thành thủ pháp đặc biệt, được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm thuộc trường phái thơ tượng trưng siêu thực. Ta có thể thấy thủ pháp “lạ hóa” trong bài thơ ngọn nến/ tôi/ cháy hết vẫn ngậm ngùi của Du Tử Lê.

1. Lạ hóa hình thức ngữ pháp câu và văn bản

Bài thơ vẫn theo hình thức kết cấu thông thường của thơ, mỗi đoạn thơ có bốn câu, tổng số câu trong bài là hai mươi tám câu (28 dòng thơ). Toàn bài thơ có 28 dòng nhưng không hẳn là 28 câu vì toàn bộ bài thơ không viết hoa đầu dòng. Tuy ở cuối các dòng có sử dụng các dấu kết thúc câu như: dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than nhưng thật khó để người đọc hiểu về bài thơ cụ thể, rõ ràng. Người đọc sẽ có cảm giác bài thơ như một lát cắt của dòng chảy vô tận của mạch thơ Du Tử Lê. Không chỉ vậy, trong bài thơ có một câu không sử dụng dấu kết thúc câu mà sử dụng dấu ngắt cụm từ: dấu phẩy “tôi hỏi mắt. mắt nhìn tay bươi cỏ,” càng khiến độc giả cảm nhận cụ thể hơn về sự “lạ hóa” trong bài thơ này. Cả bài thơ không có điểm bắt đầu, nó như là dòng chảy tiếp nối của một mạch thơ đã có từ trước, từ rất lâu. Điều đó khiến người đọc có những cảm xúc khác lạ khi đọc bài thơ. Chính điều này khiến họ luôn băn khoăn và tự hỏi: Bài thơ ngọn nến/ tôi/cháy hết vẫn ngậm ngùi có bao nhiêu câu? Nó là một bài thơ, một đoạn thơ hay chỉ là những lời thơ cuối của mỗi câu thơ, được ghi chép hời hợt theo kiểu phác họa nháp của nhà thơ? Có thể nói, bài thơ không có cấu trúc cụ thể rõ ràng mà đó là một cấu trúc mơ hồ, khó hiểu, khó giải thích, khó lí giải.

Xét theo quy tắc ngữ pháp thông thường, câu là phải có đầy đủ hai thành chính, hai thành phần nồng cốt của câu là chủ ngữ, vị ngữ. Nhưng phần lớn các câu, dòng trong bài thơ khó xác định được thành phần chủ ngữ, vị ngữ. Đa số các câu/ dòng trong bài thơ ngọn nến/ tôi/cháy hết vẫn ngậm ngùi theo cấu trúc đặc biệt, ta có thể hiểu chúng là những câu ghép, nhưng lại có vẻ không phù hợp vì nếu là câu ghép thì đầu câu phải viết hoa, trong khi đó, đầu các câu thơ không được viết hoa. Hàng loạt những câu thơ được viết theo kiểu:

mưa ngồi dậy, vươn vai và, bước tới.
nắng ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.
tôi hỏi lá. lá cười tôi ngu, ngốc!
núi ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.
đời ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.
tôi ngoảnh lại. thấy người còn đứng đó!

Và có những dòng thơ chủ ngữ ở câu trước đó. Dấu (/) được sử dụng như lát cắt vô hình, tìm chỗ nằm chung một cõi nhưng em và tôi đã tách biệt từ lâu, em và tôi đã là hai thế giới khác, hai con người khác biệt, sự tìm kiếm cõi chung ấy là vô nghĩa:

tôi hỏi mắt. mắt nhìn tay bươi cỏ,
tìm chỗ nằm chung một cõi: tôi/em.

Nhưng đôi lúc lát cắt ấy lại gợi sự liên tưởng nơi độc giả về sự gần gũi: “ngọn nến/ tôi/ cháy hết vẫn ngậm ngùi.”. Ngọn nến và tôi tuy là hai cá thể khác nhau, khác biệt nhau nhưng cũng vô cùng gần gũi, tôi chính là ngọn nến và ngọn nến ấy chính là tôi.

Xét về quy tắc diễn đạt khi viết, sử dụng quan hệ từ “và” thì sẽ không dùng dấu phẩy. Thế mà, trong bài thơ này có nhiều câu thơ có dấy phẩy dường như không đúng vị trí:

mưa ngồi dậy, vươn vai và, bước tới.
nắng ngồi dậy, vươn vai và, bước tới.
núi nghiêm mặt. vươn vai và, bước tới.
đời ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.

Cách sử dụng từ “và” và dấu phẩy này đã tạo ra sự đa nghĩa trong cách tiếp nhận. Đọc những câu thơ trên, ta có thể hiểu theo hai hướng: mưa, nắng, núi, đời ngồi dậy, vươn vai và bước tới hoặc cũng có thể chủ thể vươn vai và bước tới là chính tác giả hoặc cũng có thể là một nhân vật, một chủ thể trữ tình bí ẩn nào đó được nhà thơ che giấu đằng sau lớp vỏ ngôn từ thơ ca.

Nhịp điệu của bài thơ cũng mang đặc điểm khác thường, khác lạ so với những quy phạm trong thơ ca. Cả bài thơ có rất nhiều cách ngắt nhịp như: 3/3/2, 3/4, 3/2/2/1, 3/2/3, … Thậm chí, trong một khổ thơ cũng có nhiều cách ngắt nhịp không theo bất kì quy tắc nào:

mưa ngồi dậy. vươn vai và, bước tới. (3/3/2)
mưa hỏi tôi: – liệu có nhớ ai không? (3/4)
tôi vội đáp: – nhớ tháng, ngày quê, cũ. (3/2/2/1)
khi mẹ tôi góa bụa sớm vô cùng! (3/2/3)

Tất cả tạo nên một nhạc điệu rất đặc biệt cho bài thơ- nhạc điệu vô cùng phong phú và đặc biệt, tức “lạ hóa”.

2. Lạ hóa về hình ảnh, từ ngữ, đa nghĩa, mơ hồ

Không chỉ “lạ hóa” về hình thức ngữ pháp câu và văn bản, bài thơ ngọn nến/ tôi/ cháy hết vẫn ngậm ngùi còn mang những nét độc đáo, khác thường trong việc sử dụng từ ngữ khiến người đọc khó hiểu nghĩa, khó tiếp nhận và quanh quẩn trong sự liên tưởng để hiểu điều nhà thơ muốn bày tỏ, muốn thể hiện.

đêm ngồi dậy, vươn vai và, bước tới.
đêm hỏi tôi: – trăng sáng ở trong lòng?
tôi im lặng nghe nỗi buồn vô hạn!
giữa hư không: huyền thoại đã chôn xong.

Khổ thơ trên đặc biệt trong việc sử dụng từ ngữ xa nhau về nghĩa: trăng sáng- ở trong lòng. Trăng sáng ở trên bầu trời đêm chứ sao lại trăng sáng ở trong lòng? Trăng sáng ở trong lòng là gì? Hay đó là ánh sáng gì đó trong lòng chủ thể trữ tình? Hàng loạt câu hỏi xoay quanh tôi khi đọc câu thơ ấy. Rồi câu thơ “giữa hư không: huyền thoại đã chôn xong.” có nghĩa là gì? Nhà thơ định nói đến không gian nào? Hư không là không gian ra sao? Huyền thoại là gì? Đó là huyền thoại nào? Hoặc những câu thơ mang từ ngữ khó hiểu, mơ hồ:

tôi sửa giọng, bảo thủy thần đã đến.
những đường cong viền lửa nấu, nung thơ.

“những đường cong viền lửa nấu, nung thơ.” có nghĩa là gì? Tại sao lại có sự kết hợp giữa đường cong viền lửa và nấu, nung thơ? Các từ ngữ, câu thơ có nghĩa mơ hồ, khó hiểu khiến người đọc cứ mãi suy ngẫm để tìm câu trả lời thỏa đáng. Những từ ngữ trên được sử dụng theo hình thức của thơ tượng trưng đã góp phần tạo nên sự “lạ hóa”.

3. Lạ hóa hành động nhân vật

Văn chương là thế giới kì diệu muôn màu của cái đẹp bất tận được thể hiện qua nghệ thuật ngôn từ. Đến với vẻ đẹp của thơ ca là đến với một thế giới kì diệu hoặc một thế giới s iêu thực do nhà thơ sáng tạo nên. Trong ngọn nến/ tôi/cháy hết vẫn ngậm ngùi có nhiều sự lạ thường thông qua hình ảnh của nhân vật trữ tình “tôi”. Trong không gian bao la của vũ trụ, nhân vật trữ tình lần lượt trải qua các cuộc “chất vấn” và trò chuyện cùng mưa, nắng, đêm, biển, núi, đời và đất- những “chủ thể” vô cùng gần gũi của cuộc sống nhưng cũng vô cùng trừu tượng. Thông qua cuộc chất vấn và việc trả lời các câu hỏi, nhân vật bộc bạch những suy nghĩ, cảm xúc tận sâu nơi đáy lòng, đó là hình ảnh người mẹ, những cuộc tình, niềm tin, hi vọng, hạnh phúc, ân tình… Trong cuộc “chất vấn” với vô số những câu hỏi ấy, nhân vật trữ tình trả lời, đáp lại rất rõ ràng, cụ thể:

mưa hỏi tôi: liệu có nhớ ai không?
tôi vội đáp: – nhớ tháng, ngày quê, cũ.
khi mẹ tôi góa bụa sớm vô cùng!

Nhưng đôi khi không có câu trả lời. Có lẽ, câu trả lời ở nơi miền xa xăm của vũ trụ bao la, của tâm hồn sâu thẳm và hiện tại chưa thể hình thành hình hài:

nắng hỏi tôi: – liệu có nhớ ra ai?
tôi hỏi lá. lá cười tôi ngu, ngốc!
cuộc tình nào không hứng, nhận chia phôi?
… đêm hỏi tôi: – trăng sáng ở trong lòng?
tôi im lặng nghe nỗi buồn vô hạn!
giữa hư không: huyền thoại đã chôn xong.

Trong cuộc “chất vấn”, nhân vật trữ tình không chỉ luôn ở thế bị động mà còn ở thế chủ động, ngạo nghễ:

biển hỏi tôi: – nước rút tự bao giờ?
tôi sửa giọng, bảo thủy thần đã đến.
những đường cong viền lửa nấu, nung thơ.
… đất hỏi tôi: – nguồn gốc những ân tình?                  
tôi hỏi mắt. mắt nhìn tay bươi cỏ,
tìm chỗ nằm chung một cõi: tôi/em.

Không chỉ vậy, tâm trạng nhân vật trữ tình luôn có sự chuyển biến- sự biến đổi lạ thường theo vần xoay của những câu hỏi. Các cung bậc cảm xúc trong tâm hồn dường như cứ nối tiếp nhau, trải dài đến vô tận: nỗi nhớ quê, lòng thương mẹ; cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng khi nhớ về các cuộc tình; nỗi buồn vô hạn trong tâm hồn; tấm lòng nhiệt huyết với thơ ca; tâm trạng ngậm ngùi, nuối tiếc khôn nguôi về cuộc đời, về một thời đã xa…. Hình ảnh ngọn nến gợi liên tưởng về cuộc đời của con người. Ngọn nến cháy hết cũng chính là hình ảnh ẩn dụ về cuộc đời của nhân vật “tôi”, dù đã sống gần hết đời người nhưng vẫn đau đáu nơi trái tim, nơi tâm hồn sự ngậm ngùi, nuối tiếc:

đời hỏi tôi: – được bao phút an, vui?
tôi ngoảnh lại. thấy người còn đứng đó!
ngọn nến / tôi / cháy hết vẫn ngậm ngùi.

Việc sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa trong thơ ca không phải là mới mẻ nhưng sử dụng nhân hóa theo lối nhân vật trữ tình bị “chất vấn” bởi những chủ thể vừa gần gũi vừa trừu tượng là mới mẻ, độc đáo.

Bài thơ ngọn nến/ tôi/cháy hết vẫn ngậm ngùi mang những điểm đặc biệt tượng trưng cho thủ pháp “lạ hóa” trong thơ ca. Thủ pháp “lạ hóa” không chỉ được thể hiện ở hình thức ngữ pháp câu, văn bản mà còn thể hiện rõ ở hình ảnh, từ ngữ đa nghĩa, mơ hồ và cả trong hành động của nhân vật trữ tình. Đọc và trải nghiệm trên những lời thơ đặc biệt ấy, độc giả không khỏi hứng thú khi được “phiêu lưu” trong một thế giới đầy mơ hồ, thế giới của sự khác lạ, không giống với những thế giới thơ ca đã từng trải nghiệm và chiêm ngưỡng. Bút pháp “lạ hóa” được sử dụng nhiều trong thơ tượng trưng, siêu thực với nhiều cách thể hiện đa dạng, phong phú, cấu trúc ngôn ngữ thơ khác với cách nói thông thường, mang dáng dấp của một “thế giới đặc biệt về ngôn từ và cách thể hiện” như Phan Ngọc đã từng nhận xét: “Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản”. Chính trong thế giới đặc biệt ấy, nhà thơ có thể thỏa sức tung hoành bút pháp “lạ hóa” theo cảm xúc, theo trái tim rung cảm và theo cách riêng của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Ngọc Hiền, Tiếp cận tác phẩm văn chương từ góc độ thi pháp học, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018.
2. Phạm Ngọc Hiền, Thi pháp học, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019.
3. Du Tử Lê, Khúc Thụy Du (Tuyển thơ), NXB Hội Nhà Văn, năm 2018.

Ngọn Nến / Tôi / Cháy Hết Vẫn Ngậm Ngùi !

1.

mưa ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.

mưa hỏi tôi: – liệu có nhớ ai không?

tôi vội đáp: – nhớ tháng, ngày quê, cũ. 

khi mẹ tôi góa bụa sớm vô cùng! 

2.

nắng ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.

nắng hỏi tôi liệu có nhớ ra ai?

tôi hỏi lá. lá cười tôi ngu, ngốc!

cuộc tình nào không khứng, nhận chia phôi?

3.

đêm ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.

đêm hỏi tôi: trăng sáng ở trong lòng?

tôi im lặng nghe nỗi buồn vô hạn!

giữa hư không: huyền thoại đã chôn xong.

4.

biển ngồi dậy. vươn vai và bước tới.

biển hỏi tôi: – nước rút tự bao giờ?

tôi sửa giọng, bảo thủy thần đã đến.

những đường cong viền lửa nấu, nung thơ.

5.

núi nghiêm mặt. vươn vai và, bước tới.

núi hỏi tôi: – hồn, vía ở nơi nào?

tôi những muốn hỏi người đi suốt kiếp?

nhưng, con đường lại chỉ những vì sao! 

6.

đời ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.

đời hỏi tôi được bao phút an, vui?

tôi ngoảnh lại. thấy người còn đứng đó! 

ngọn nến / tôi / cháy hết vẫn ngậm ngùi.

7.

đất ngồi dậy. vươn vai và, bước tới.

đất hỏi tôi: – nguồn gốc những ân tình? 

tôi hỏi mắt. mắt nhìn tay bươi cỏ,

tìm chỗ nằm chung một cõi: tôi / em.

Du Tử Lê