/
Khi nói về chị, chúng tôi hay nhắc đến như đó là một trong những đại lý chính của công ty chúng tôi. Lẽ thường, những đại lý chính mặc nhiên được chúng tôi hỗ trợ để tạo điều kiện công việc tốt nhất vì điều đó không chỉ mang đến lợi nhuận cho chị mà còn hỗ trợ được kinh phí cho công ty. Nhưng chị, ở một khía cạnh rất khác, chi gần như không phải là đối tác mà vượt trên cả mối quan hệ đó, chị gần gũi với chúng tôi. Cái điệu gần gũi ấy, giống như cách nhìn của bao người khác nhau, với những người yêu thương trân quý chị, chị như một người bạn; còn với những người thấy được chị quá gần gũi và dễ chịu, họ thấy phiền.
Tôi hay gọi chị bằng tên, lẽ thường, nhiều người sẽ im lặng mà âm thầm phán xét. Cái kiểu như :” con bé này không lễ phép gì cả, xưng hô trống không” hay trăm ngàn thứ khác trong cái xã hội bây giờ mà bất kì hành động nào dù nhỏ bé đến đâu cũng bị đưa ra bàn luận với cái luận điệu “ không phải dạng vừa đâu”. Chị khác, chị hỏi thẳng tôi:
–   Sao chẳng bao giờ gọi “ chị Ngọc” mà toàn “Ngọc , Ngọc” không thế hả?
–   Nói thật với chị nhé, tính em nó hơi kì lạ, em không thích xưng hô chị- em, với những người thân thiết, em muốn gọi tên.
Ấy thế mà chị cười xòa:
–   Em thẳng! Chị luôn thích sự thẳng thắn như thế.
Trong ấn tượng của tôi khi ấy chị toát lên vẻ của một người mẹ sẵn sàng che chở cho đàn con của mình khi có lỗi. Chị chẳng so đo tính toán thiệt hơn lần nào. Thế nhưng lẽ thường, ở một xã hội mà bất kì hành động nào cũng bị đưa ra phán xét, chị trở thành con cờ để người ta lợi dụng.
    Chị yêu thương tôi theo cái cách của một người chị biết quan tâm em mình và cũng vì trong công ty này tôi tiếp xúc với chị nhiều nhất. Những khi tôi tăng ca, chị lại rỗi công việc nhà thì lại ghé tạt ngang qua chỗ tôi đang làm khi thì mua cho tôi bịch chè, có lúc lại mua cho tôi tấm bánh. Tôi là dân tỉnh lẻ lên phố, làm việc xa nhà, phố xá vô tình họ hờ hững với nhau cả trong lời nói, riêng chị, luôn chú ý tới đàn em. Cái sự quan tâm ấy nó gần như là mạch máu sống trong con người chị, mặc nhiên chị làm mà chẳng suy tính. Có những khi, cả đám nhân viên chúng tôi tăng ca, chị ghé mua cho cả đám một bịch ổi thật to kèm theo là mấy hộp bánh ít nhân tôm thiệt bự. Thấy đồ ăn tới tụi nhóc chúng tôi xúm xít như đàn ong vỡ tổ. Tôi đã từng nghĩ hạnh phúc về sự quan tâm đơn giản chỉ là những điều như thế.
    Thế nhưng chẳng hiểu tự lúc nào, lòng tốt cũng bị đưa ra làm trò để tính toán. Tôi vẫn còn nhớ như in những lời mà Thu nói khi vẫn còn đang cầm trên tay miếng ổi mà chị vừa mang qua:
–   Nghĩ sao mà mang đồ qua thế này? Mua chuộc mình làm cho bả hay sao đó.
–   Đích thị là mua chuộc rồi, chứ ai rảnh mà đương không tốt đến mức vậy. Thiên hạ này đâu ai lắm kẻ dư tiền đến độ mua đồ cho người dưng.
Tôi chẳng còn nhớ rõ gương mặt mình lúc đó nhưng tôi nghĩ nó hẳn là buồn cười lắm, vì nó cứng đơ và bất
động. Tối, chẳng vì lẽ gì chị rủ tôi đi uống café, chúng tôi vẫn hay đi cùng nhau vào những buổi đêm như thế, chỉ có điều, chẳng nói cho ai biết cả vì nếu những người khác biết về mối quan hệ này, cả chị và tôi đều biết có những điều tiếng không hay. Tôi vẫn còn nhớ có bận khi biết thi thoảng chị hay mua đồ ăn riêng cho tôi, cái Thu đã dè bỉu:
–   Gớm, coi bộ cái Huyền và chị Ngọc hơi bị thân đấy. Thậm chí cái Huyền mà hết tiền là còn có chị Ngọc lo cho nó mà.
Mấy đứa tò mò bu kín đặc:
–   Cơ mà sao nói vậy?
–   Tụi mày không biết à? Tăng ca bận nào chị Ngọc cũng mua đồ ăn cho nó hết đó. Thành đệ tử ruột rồi mà- Ròi nó lại quay sang tôi- Mày khéo đấy Huyền, không thì coi chừng có ngày mày đôị bả lên đầu đấy.
Tôi bực dọc:
–   Sao mày lại nói chị Ngọc như thế? Chẳng phải chỉ hay mua đồ ăn cho cả đám chúng ta sao? Mày nói về người vì thương mày mua đồ cho mày ăn bằng những lời như thế à?
Thu vỗ vai tôi giả lả:
– Tao đùa mà, đùa mà mày, mau dỗi thế.- Rồi nó quay sang mấy đứa, nói bằng một điệu rất dễ ghét- Tụi mày đó, sau này nói về chị Ngọc thì liệu mà nói, không coi chừng chị Huyền chỉ xử đấy nhé. Chị yêu của Huyền đấy.- Và gần như ngay lập tức nó dập tắt nụ cười trên môi nó cứ như nó đang diễn một vở kịch:- Mày nghĩ đơn giản quá rồi Huyền, bả mua đồ ăn cho mày do mày làm cho bả thôi.
 Kí ức bị dập tắt khi chị mang cho tôi cốc nước vối thơm thơm hãy còn ấm nống, nó làm cho tiết trời trở nên ấm hơn khi mùa đông Hà Nội tưởng chừng khiến người ta hóa rét. Tôi lẫy chị:
–   Đùa thật! Vào quán café rồi mà còn mang nước theo. Khéo người ta cười đấy.
–   Nước vối này là dành phần em. Hôm qua thấy em đang nói chuyện với khách mà ho sù sụ. Uống nước vối vào vừa mát người mà còn giữ ấm không bị mất nhiệt đấy.
Bỗng dưng nghĩ như thế nào, tôi nói với chị:
–   Đồ ăn trong phòng vé, chị đừng mang qua nữa.
–   Ơ, tại sao?
–   Thì nó dở ẹc chớ sao? Mang qua chả ai ăn thì lại phí.
Chị ngây ngô hỏi lại:
–   Không ngon thật à? Trời đất, thế mà họ cứ hét tướng cả lên là cái đó ngon nhất đó. Vậy thôi, để bữa sau chị ghé bà khác.
Tôi chẳng biết phải bắt đầu như thế nào, tôi cũng không phải là dạng hớt lẻo kể chị nghe tất cả những gì họ nói sau lưng chị, muốn ngăn cản chị đừng mang những thứ xứng đáng cho người không hợp mà không thể nói. Chỉ biết lặp đi lặp lại :” Em bảo đừng có mua nữa thì đừng có mua đấy”, để đến nỗi chị phải phì cười :” Ơ hay cái con bé này.”.
    Chẳng vì lẽ gì hôm sau chị lại mang đồ ăn sang. Lần này chị còn khoe tướng lên:” Chị đã mua chỗ khác rồi đấy, hẳn sẽ ngon hơn.” Tôi buông tay bất lực nhưng luôn định bụng rằng phải chăng làm thế sẽ khiến chị vui hơn, còn hơn biết sự thật ẩn giấu đằng sau, nên …tôi im lặng. Mấy đứa lại kéo nhau ra chia chác mấy bát bánh đúc mà chị vừa mang sang:
–   Khủng thật. Nhờ làm thì nhờ cho lắm vào mà thưởng mấy đứa đồ ăn bèo bọt thế đấy.
–   Tống hết vào chứ dù gì cũng đang đói mà. Huyền, mày lại ăn đi chứ, đồ chị yêu mày mang qua mà.
Tôi nổi nóng:
–   Mày thôi đi Thu.
–   Tao không thôi thì sao nhỉ?… Á à, mày đang bênh vực đấy à?
–   Tao bảo mày thôi đi.
–   Tao không!
Hai đứa dường như sắp lao vào đánh nhau tới nơi thì một tiếng nói đanh thét nổ ra:
–   Hai đứa dừng lại đi.
Là chị. Chị đang đứng đó nghe hết toàn bộ. Gương mặt chị khác hẳn những gương mặt thường thấy, nó không còn hiền dịu mà trở nên cứng rắn hơn.
–   Mấy đứa quay lại làm việc đi. Gắng nhé.
Từ lúc đó chị ít sang chỗ tôi làm để chơi, mọi hoạt động công việc đều qua điện thoại. Thêm ít lâu nữa chị xin
nghỉ đầu tư bên công ty tôi với lí do chị không sắp xếp ổn thỏa giữa công việc ở đây và việc nhà, tôi càng ít gặp chị hơn nữa. Thời gian dần trôi qua tôi chuyển về quê lấy chồng, cố tìm gặp chị lần cuối trước khi về quê, chị vẫn như thế, đón tôi bằng ánh nhìn hiền dịu nhất mà chị có. Hai chị em nói chuyện nắm chặt tay nhau. Chị nhẹ giọng:
–   Không phải chị không biết những gì mấy đứa nói sau lưng chị đâu. Nhưng xét cho cùng đám nhóc ấy, tất cả là em của chi mà phải không?
–   Là em thì không nên nói chị mình như thế.
–   Tụi nó vẫn còn quá nhỏ, nhiều khi những lời nói đó gần giống như tuổi nổi loạn thích thể hiện mình mà thôi. Chị luôn nghĩ như thế để mà sống đấy em- Rồi chị chìm vào yên lặng- Chứ nếu mọi hành động đều phải nghĩ suy tính toán, mọi lời nói đều nằm lòng, những mối quan hệ sẽ trôi về đâu? Ý thức đúng sai sẽ trôi về đâu hả em?
Tôi không nói gì mà từ biệt chị. Trên đường về quê tôi suy nghĩ mãi về lời chị nói. Chị dường như chọn cho
mình một cách sống rất khác, chẳng phải nhắm mắt cho qua chuyện mà là nghĩ suy theo hướng tích cực hơn, như thế sẽ thoải mái cho mình. Cách sống đó, đôi người sẽ nghĩ là ngờ nghệch, riêng tôi, tôi ngưỡng mộ, bởi lẽ để có thể sống được như vậy, chị hẳn phải có sự bao dung rất lớn.
            Lê Hứa Huyền Trân
/