Nói đến Lưu Quang Vũ, người ta thường nhắc đến một nhà văn, nhà viết kịch đại tài. Nhưng bên cạnh đó, Lưu Quang Vũ lại giành cho thơ ca một tình yêu lớn và ông cũng để lại cho văn học Việt Nam những bài thơ đầy xúc cảm. Thơ Lưu Quang Vũ nói tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống song tình yêu là một đề tài không bao giờ thiếu được.
     Là một người nhạy bén, tâm hồn nghệ sĩ vốn đã sớm ngấm trong huyết mạch bởi đó Lưu Quang Vũ cũng sớm mang tình yêu vào thơ như cuốn nhật ký cảm xúc của chính mình. Cuộc đời của người nghệ sĩ đa tài ấy cũng lắm “đa truân”, nhưng thơ ông vẫn dạt dào niềm tin yêu.

Tim anh đập như quả chuông bé nhỏ

                        (Chiều chuyển gió)

Em về lại với anh như mùa xuân

Như ngày trong thành phố đẹp yêu thân

                        (Bài thơ khó hiểu về em)

     Niềm vui được thể hiện ở nhịp đập của trái tim, khi tình yêu đến trái tim “anh” cũng rung đập những nhịp chuông. So sánh “tim anh” với “quả chuông bé nhỏ” gợi thấy trái tim nhỏ bé, tiếng đập của “tim” tuy nhỏ nhưng lại vui nhộn.  

     Thăng hoa trong tình yêu, những lời thơ đầy màu sắc và không tiếc những mĩ từ giành cho những người con gái ấy. Nhà thơ đã sử dụng so sánh tu từ để diễn tả vẻ đẹp người phụ nữ, ông viết:

Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ

Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ

Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa

                        (Vườn trong phố)    

     Ví “em” với “trái cây mùa hạ” cũng chỉ thể hiện tính “mát lành” của trái cây như vẻ đẹp dịu mát của em mà còn cảm được vị ngọt và hương thơm. Hay ví “em” với “cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa” gợi hình ảnh tươi sáng, lộng lẫy. Cầu vồng sau mưa như dải lụa màu lộng lẫy giữa bầu trời, trời trong, mây trắng có sự nổi bật của cầu vồng bay sắc. “Em” cũng vậy, vẻ đẹp của em là vẻ đẹp đa màu, tươi sáng và lộng lẫy, nổi bật.

     Trong tình yêu không chỉ có niềm vui mà còn là những khi nỗi nhớ ngập tràn. Nỗi nhớ da diết được thể hiện trong bài thơ Vẫn thơ tình về một người đàn bà không có tên (II)), chỉ một bài thơ nhưng nỗi nhớ được nói đến ba lần. Khi “nhớ em” được liên tưởng tới “nhớ một miền xa”, khi nỗi nhớ lại cuộn trào như “dòng sông nước xiết, ngọn khói khi cây nến tắt, đồng lúa sau kỳ bão lụt” và lại có lúc nỗi nhớ xa vời, lạc lõng như “một giấc mơ”, “trời xanh ngoài song cửa nhà tù”, “trẻ con trong thế giới già nua”. Nỗi nhớ ở nhiều cung bậc khác nhau tác giả sử dụng những hình ảnh khác nhau để gợi mở.

     Ngay với những nỗi buồn chia lia, Lưu Quang Vũ cũng dùng thơ đã giữ lại. Những cảm xúc buồn tủi, cảm giác chìa lìa bao trùm những dòng thơ:

            Nỗi buồn của tôi tình yêu của tôi

            như những chiếc lá không lời

            rụng xuống

                        (Những chiếc lá rơi)

            Lòng tôi như sỏi hoang

            Trên cầu Hạ Lý

                        (Hải Phòng mùa đông)

      Niềm vui được so với những hình ảnh màu sắc, những vật tạo âm thanh vui nhộn còn với nỗi buồn, Lưu Quang Vũ lựa chọn những hình ảnh thầm lặng, u uất, trùm một màu u xám. Để thể hiện nỗi buồn trong tình yêu, ông lựa chọn hình ảnh “những chiếc lá không lời rụng xuống”, “sỏi hoang” như sự âm thầm chịu đựng, âm thầm ra đi.

      Bên cạnh những vần thơ cho tình yêu đôi lứa, một tình yêu mãnh liệt, một cảm xúc dạt dào dành cho đất nước, nhân dân và thời đại cũng xuất hiện khá nhiều trong tuyển thơ của Lưu Quang Vũ. Lưu Quang Vũ cũng đã thừa nhận: Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ (Đất nước đàn bầu). Bởi tình yêu với quê hương, với đất nước với những điều gần gũi, đơn sơ, từ qua câu chuyện bà kể, những kỷ niệm tuổi thơ với vùng quê Việt đã tạo cho ông những nguyên liệu tốt nhất để viết nên trang thơ đẹp nhất cho đất nước mình.

     Đất nước nặng tình phù sa bát ngát

            Tâm hồn ta tắm với bóng mây trong

            Yêu quá sông Thương nước chảy đôi dòng

                        (Qua sông Thương)

      Không chỉ yêu cảnh đẹp, truyền thống văn hóa của Việt Nam, mà Lưu Quang Vũ còn có tình yêu sâu sắc với tiếng Việt, trong bài thơ Tiếng Việt ông ví đó là “tiếng mẹ gọi”, “tiếng kéo gỗ”, “tiếng gọi đò”, “tiếng lụa xé”, “tiếng dập dồn nước lũ xoáy”, “tiếng cha dặn”. Với tài năng của mình, Lưu Quang Vũ đã tạo nên những hình ảnh so sánh độc đáo:            Ta như chim trong tiếng Việt như rừng…

            Tiếng Việt như đất cày, như lụa

            Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

            Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát…

            Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người

            Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ…

            Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay

            Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt

                        (Tiếng Việt)

      Lưu Quang Vũ không khắc họa những cái đẹp hùng vĩ của đất nước, không có những núi cao trập trùng, rừng sâu hun hút mà lại là những hình ảnh bình dị, gần gũi, vừa nhẹ nhàng lại vừa thanh tao. Yêu đất nước, yêu văn hóa và truyền thống của người Việt, Lưu Quang Vũ đã khẳng định dấu ấn riêng của mình bằng những điều mộc mạc nhưng sâu lắng hồn dân tộc.

     Có thể thấy tình yêu trong thơ Lưu Quang Vũ là tổng hòa giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu đất nước, dân tộc. Chính nhờ những cảm xúc dạt dào, tâm hồn nhạy cảm mà trong những vần thơ thể hiện tình yêu của mình Lưu Quang Vũ đã khơi gợi xúc cảm của người đọc một cách mạnh mẽ mà không kém phần tinh tế.