Tiếng sấm nổ rền trên đầu như tiếng súng đuổi rượt ngày một kề của lính làng và bọn gia đinh nhà ông Cả Kiết. Nhờ tia chớp loé lên từng hồi ghe mới thấy đường đi; nó len lỏi dưới tán cây giương ra sông tựa bàn tay che lấy cho chiếc ghe được đi bình yên trong giông bão dữ dội….

Hoàng bấu chặt mái chèo, anh đẩy hết sức bình sinh, chiếc ghe nương theo con sóng to mà đi… rồi ghe vặn vẹo, trồi lên hụp xuống như sắp tan trong nước. Dưới tia chớp loé lên từng hồi, đủ thấy sắc mặt Hoàng nhợt nhạt và lạnh cóng ra sao. Út Trinh hốt hoảng hai tay tát nước liên tục, cô gọi Hoàng không ngớt mỗi khi ghe chao đảo sắp chìm, những lúc như vậy Hoàng buông chèo tát nước rồi đứng lên chèo tiếp…

Chiếc ghe lảo đảo đi trong giông bão dữ dội, mà những con sóng tử thần cũng đang bủa khắp màn đêm….

Út Trinh đau bụng dữ dội, cô lăn ra khoang ghe óc ách nước. 

– Em… sắp sanh rồi !!!. – Trinh ôm bụng, nhăn nhó nói. 

Hoàng nghe qua kêu trời. Ạnh ôm Út Trinh vào lòng rồi xoa tay lên chiếc bụng to… Anh cảm giác đứa bé ngọ ngoậy chui ra thì làm anh thêm bối rối. Út Trinh run rẩy lạnh, cô gồng mình chống lại cơn đau chuyển dạ mỗi lúc một thúc. Hoàng luýnh quýnh hơn bao giờ, một tay ôm Út Trinh, một tay tát nước liên tục….chiếc ghe mất phương hướng rồi trôi theo cơn sóng gió vô định… 

Ghe sắp chìm…Hoàng nhảy ầm xuống con sóng đang lăn lộn như kẻ điên cuồng, nó cố kéo anh ra khỏi chiếc ghe mà Út Trinh đang gào thét trong cơn đau dạ tột cùng. Hoàng ngoi ngóp chống chọi cực lực… Rồi như có con sóng cứu tinh, nó bất ngờ giúp anh đẩy chiếc ghe trườn nhanh lên bãi cạn ở con rạch ven sông. Anh phóng lên ghe, nhanh tay làm mọi thứ cho Út Trinh sinh con. Anh lôi ra các thứ của bà mụ giường mà hồi nhỏ anh đã thấy mẹ mình sinh em như thế nào. Út Trinh luôn kêu đau, tay bấu vào tấm thân ướt run của Hoàng, cô trì kéo rên xiết dữ dội…

Hoàng xoa tay lia lịa lên vồng bụng căng lạnh của Trinh… 

– Không sao đâu em… – Hoàng lặp bặp – Anh biết đỡ đẻ mà…ráng chịu đau một chút ! 

Những cái xoa tay ấm áp của Hoàng cũng không làm Trinh bớt đau, cô nhăn nhó rên xiết, thân thì co quắp… 

Hoàng kéo chân tay Út Trinh giãn ra rồi xoa bóp với tốc độ nhanh…. 

-Em ráng hít thở thật nhiều vào như vậy sẽ làm em bớt đau bụng… – Hoàng lấy khăn lau khô cho Trinh – Hồi nhỏ anh đã rình mẹ sanh em như thế nào rồi. Mẹ kêu đau bụng dữ lắm. – Hoàng luôn xoa tay lên bụng Út Trinh –  Bà mụ xoa tay lên bụng mẹ như vầy, rồi kêu mẹ hít thở thật sâu sau đó thở ra từ từ. Làm như vậy sẽ bớt đau bụng, mà đứa nhỏ cũng chui ra nhanh.  

Nghe lời Hoàng, Út Trinh nhăn nhăn hít thở, nhưng cơn đau chuyển dạ vẫn dồn dập làm Út Trinh ngày một đuối theo cơn giông mưa tạnh dần… 

Mọi vật im lìm sau cơn giông dữ tợn… Bỗng tiếng khóc ra đời của đứa bé đã làm vạn vật trong rừng nhao nháo thức giấc. Đàn khỉ rừng ngủ đêm trong tán cây rậm rạp, bất chợt kêu lên chí chóe như gọi bầy mỗi lúc một đông. Nó thập thò nhìn đứa bé qua ngọn đuốc rực sáng…rồi vẻ kinh ngạc cũng hiện qua đôi mắt giương tròn của lũ khỉ như những vì sao lấp la trong cánh rừng đêm lạnh giá… 

Út Trinh bồng đứa con gái đỏ hói trên tay, cô hơ nó qua ngọn lửa ấm, rồi hôn lên bầu má non nớt của con trong niềm hạnh phúc vô biên. Bỗng cô bật khóc, làm bầy khỉ rừng nhí nháo rồi im thinh nhìn mọi người. Nó mở to đôi mắt nhìn đứa bé trong vòng tay của Út Trinh, rồi nhìn lại mẹ khỉ của nó cũng đang bồng con cho bú. Bầy khỉ dạn dĩ hơn, chúng bước gần tới ghe rồi nhìn Hoàng ngồi như kẻ sám hối trước Chúa. Anh hơ lòng bàn tay qua ngọn lửa rồi xoa lên đôi chân lạnh của vợ và con mình.  

Hoàng ngủ vùi dưới chân Út Trinh tự lúc nào, đến khi tiếng chim rừng kêu lên inh ỏi cùng tiếng khọt khẹt của khỉ mẹ, dẫn dắt bầy khỉ con leo trèo nhảy nhót trên cây, trên mui ghe…Hoảng hốt hoảng bật dậy, bầy khỉ rần rật bỏ chạy lên nhành cây tán lá cao, rồi lom lom quan sát từng động tác của anh. Anh không sợ bầy khỉ rủ rê mỗi lúc một đông đến rung cây hù doạ để đuổi anh ra khỏi lãnh địa của chúng. Mà anh chỉ sợ loài heo rừng hay loài cọp hung dữ rình rập quanh đây. Hoàng dáo dác chui ra khỏi ghe, trước mặt là màn sương tựa khói, lờ mờ bao phũ mặt sông và cánh rừng đước bạt ngàn; sương tan dần, ánh mặt trời ngày một lấp lánh trên những ngọn đước xanh màu de chai còn đọng sương đêm; cũng là lúc con sông hiện nguyên hình, nó uốn éo từ mặt trời mọc rồi lượn về hướng mặt trời lặn như con rắn khổng lồ bò dưới nền trời xanh bao la. Mà trong ký ức Hoàng chưa thấy bao giờ. Anh trầm trồ vẻ đẹp hoang sơ nơi đây trong nỗi thắc mắc: “Ở đây là đâu !?”. Anh nhìn lại chiếc ghe bị sóng gió đập tan tành: “Cuộc chạy trốn đến đây là hết. Mình phải làm gì để sống sót khi một mình ở giữa rừng hoang như thế này ?” Anh lại nhìn những thân đước đứng san sát nhau và thẳng như cây đèn cầy, rễ đước bung xòe như bàn tay kỳ dị thọc sâu vào đất ngày một vững chắc; rồi những cơn gió trời làm rung cây, trái đước tựa mũi tên từ trên cao rơi xuống mặt đất, dần dà làm nên thế hệ mới nối tiếp giữ đất giữ rừng cho ngày một lấn biển… 

Cảnh vật nơi đây đã đưa Hoàng trở lại cái thời tổ tiên đi khẩn hoang, vùng đất phương nam này vài trăm năm trước. Hoàng tự hỏi, tổ tiên đã làm gì để sinh tồn giữa rừng thiêng nước độc. Rồi mình có làm được như tổ tiên không, khi Trinh là cô gái sống trong nhung lụa từ lúc chưa chào đời. Nếu phải trở về thì sẽ bị đóng gông phơi nắng cho tới chết, vì tội dám dẫn con gái ông Cả Kiết: một kẻ quyền thế giàu có nhất vùng, và sự nham hiểm ác độc cũng ngang bằng với của cải của ông ta. 

Hoàng nhìn cánh chim lẻ bầy, bay về đâu trên vòm trời với ý nghĩ: trời sinh voi sinh cỏ, tới đâu thì tính tới đó. Rồi anh nhanh chóng đốn cây dựng lên căn nhà sàn tạm bợ đứng cạnh bìa rừng; và bắt đầu cuộc sống: sáng vào rừng bẫy thú, chiều mò cá bắt tôm dưới sông… 

Cảnh vật nơi đây như một điệp khúc muôn thuở: rừng vi vu suốt ngày, chim líu lo như hát, biển rì rào như ru; tất cả hoà thành khúc nhạc thiên nhiên kỳ thú, cổ vũ Hoàng vượt qua mọi khó khăn khi một mình sống giữa bầu trời tự do: vua là ta và tớ cũng là ta – nơi biển rừng mênh mông và bạt ngàn sóng nước…. 

Một hôm, Hoàng mừng húm khi thấy một hai chiếc xuồng ghe chở củi than đi ngang qua đây. Anh kêu hỏi nơi đây là đâu, nhưng không ai biết nơi anh đang ở là đâu, chỉ biết đây là “rừng đước Cà Mau”, và tên con sông này là Bảy Háp…Út Trinh mặc bộ lụa trắng, tóc thì đen dài xõa tận gót chân, cô bồng con từ trong chồi bước ra…Người chèo xuồng vừa chèo vừa nhìn Hoàng, rồi lại nhìn Trinh như ngầm so sánh: sao Trinh trắng da dài tóc và cực kỳ xinh đẹp, còn Hoàng thì trùi trụi đen đúa, tóc tai bù xù như người rừng. Họ ngờ ngợ ra chuyện chẳng lành rồi chèo nhanh đi mà không dám ngoái đầu. Sau lần hỏi thăm đó, xuồng ghe vắng đi qua đoạn sông này, có chăng thì đi bên kia sông… 

Một đêm, giữa mùa gió lạnh thấu xương, Hoàng nghe tiếng người kêu cứu ở bờ sông bên kia… Anh liền phóng mình lội qua sông rồi đưa những người bị nạn vào bờ…Thấy Út Trinh ngồi cho con bú, tóc xõa đụn chỗ ngồi, đôi mắt cô thì sáng long lanh dưới ngọn lửa cháy bập bùng…Đã làm cho những người được Hoàng cứu sống sợ hãi vô cùng. Nghĩ xuồng chìm là do con quỷ dạ xoa này làm phép, rồi lệnh cho người rừng vớt vô để hút máu. Mọi người run cằm cặp vì sợ vì lạnh, nhưng không ai dám đến gần bếp lửa để sưởi ấm. Hoàng như hiểu. Anh cười rồi nói: “Cô ấy tên Trinh là vợ của tôi”. Rồi anh kể lại chuyện của mình cho mọi người nghe. Những người được Hoàng cứu sống thì vội vàng xúm đến ngọn lửa để sưởi ấm rồi râm ran kể: Người ta đồn là có căn chồi của quỷ dạ xoa bên kia sông, nó chuyên hút máu của những người đi qua lại trên khúc sông này vào ban đêm; bởi người ta thấy nó xuất hiện trong vóc dáng của người thiếu nữ đẹp tuyệt trần. Nhờ hút máu người nó mới có làn da trắng đẹp và tóc dài tận gót. Rồi nó còn bắt người rừng làm chồng để cho nó sai khiến như bắt tôm cá và thú rừng cho nó ăn. Có người còn thấy nó bay qua bay lại hai bên bờ sông này dưới ánh trăng khuya mập mờ…. 

Nơi Hoàng ở, sau này là trạm dừng chân nghỉ ngơi của những khách thập phương hành nghề than củi, nghề thương hồ… Họ thuộc nhóm người tứ xứ, nhất là người miền trung lưu lạc. Từ những dân đen cùng đinh cho đến quan triều thất vận, từ cướp của giết người cho đến vượt ngục.vv…. Họ sống quây quần với nhau, rồi mở rẫy trồng màu, giăng câu thả lưới, đóng đáy, săn thú rừng, mò tôm cá… 

Thiên nhiên nơi đây hầu như ưu đãi cho họ tất cả, những sản vật của một vùng đất nguyên sơ chưa dấu chân người.  

Họ sống trong căn nhà sàn lụp xụp, không cửa cài đêm ở ven sông bìa rừng, rồi nối nhau bằng cây cầu khỉ bắt chồng chéo từ nhà này sang nhà nọ. Chiều xuống, muỗi rừng vo ve như ông vỡ tổ, chúng kéo từ rừng rậm âm u rồi bay đi khắp nơi, mong tìm những con người không thuộc chốn này để hút máu mà xua đuổi. Rồi những mẻ khói được nhà nhà đốt lên từ cây rừng khô cũng để xua đi bầy muỗi hung tợn bay như trấu rải. Khói bay nghi ngút đến cay mắt, rồi uốn éo bốc ra từ nóc những căn nhà sàn đứng chênh vênh ven sông bìa rừng, trông như cách hành lễ kỳ dị của một bộ lạc nguyên sơ, vào mỗi khi chiều xuống./.

                                                                      Phan Thanh Tâm – Cà Mau