Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta đã từng một vài lần cãi nhau với mẹ. Một vài lần vì những cuộc hẹn đi chơi hoặc đi xem phim mà bỏ quên hình bóng những bữa cơm mẹ chờ chúng ta về. Càng lớn khôn chúng ta lại càng có nhiều mối quan hệ riêng, rồi thời gian dành cho mẹ ngày càng ít đi. Thay vì trước kia khi đi học về, làm bài tập xong lại sà vào lòng mẹ, kể mẹ nghe biết bao câu chuyện đã xảy ra. Bây giờ thời gian ấy ta lại dành cho việc lên mạng nhắn tin với bạn bè, hay cà phê la cà đâu đó. Đôi lần như vậy tập cho ta thành một thói quen rồi quên bẵng đi trách nhiệm làm con của mình. Tình thương của mẹ thì quá bao la nên chưa hề có một lời trách móc hay thở than, mặc dù họ đã hi sinh quá nhiều cho chúng ta rồi.
“Mẹ có nghĩa là ánh sáng
Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim
Mẹ có nghĩa là mãi mãi
Là cho đi không đòi lại bao giờ”.
Thật vậy, niềm hạnh phúc lớn nhất của một người phụ nữ là có thể được làm mẹ. Có những người phụ nữ tưởng chừng không có khả năng làm điều thiêng liêng ấy, nhưng họ vẫn chờ đợi. Ngày phát hiện trong cơ thể mình xuất hiện một sinh linh nhỏ bé, người mẹ đã vui một niềm vui khôn xiết. Suốt khoảng thời gian con lớn lên cùng mẹ, bao nhiêu lần thai nghén khiến cơ thể mẹ mệt mỏi, nhưng mẹ chưa hề từ bỏ. Ngày con cất tiếng chào đời là ngày mà mẹ đau đớn nhất và cũng là ngày hạnh phúc nhất. Chỉ cần nhìn thấy con yêu bình an nằm trên tay mẹ là bao nhiêu đau đớn dần tan biến. Nhìn con lớn lên từng ngày, bước những bước đi chập chững, cất tiếng gọi: “baba” là lòng mẹ vui biết mấy. Khi con lớn khôn mẹ chẳng cần con nuôi lại mẹ, chỉ cần con trở thành người có ít cho xã hội, học hành đến nơi đến chốn, có một công việc ổn định và có một gia đình hạnh phúc là lòng mẹ đã cảm thấy yên rồi.
Tôi cũng được sinh ra và lớn lên trong tình thương bao la, cao cả ấy. Mẹ tôi là một người mẹ khuyết tật đôi chân, mẹ từng phải trải qua hai lần phẩu thuật và tưởng chừng như không thể có con được. Rồi kì tích cũng xuất hiện, mẹ vui vẻ đón nhận rồi ngày ngày ra sức ươn mần hạt giống nhỏ. Suốt 17 năm qua mẹ đã hi sinh cho tôi không biết bao nhiêu thứ. Lúc nhỏ, gia đình còn khó khăn trong mỗi bữa cơm mẹ thường bảo: “Con ăn đi, mẹ không đói”, mẹ bảo mẹ không đói nhưng lại canh lúc tôi đã ngủ say mẹ lại vét cơm nguội ăn. “Đói năm nào khổ cực quá mẹ ơi”… Lúc ấy trong thâm tâm của một đứa trẻ, tôi đã không kịp hiểu rằng vì nhường phần cho tôi nên mẹ mới nhịn. Khi tôi ăn hết luôn phần của mẹ, mẹ cũng không trách, không than đói, chỉ nhìn con gái ăn, rồi cười. Mẹ tôi không chỉ giỏi chịu đói, mà còn là một người rất giỏi chịu lạnh. Nhớ những ngày gió bấc dữ dội, mẹ chỉ khoác lên mình một vài cái áo mỏng, mẹ nhường cho tôi cả một cái áo khoát thật dày, thật ấm. Không chỉ vậy, mẹ tôi còn giỏi trong việc cần kiệm mẹ chắc chiu từng li, từng tí những khoảng tiền thu chi trong gia đình, mẹ hay tiếc những ngày công nên mặc trời nắng hay mưa vẫn ngày ngày đi làm miệt mài. Mẹ không dám mua một bộ đồ mới cho bản thân nhưng khi tôi nói: “Mẹ ơi con thích cái đó”, mẹ nhất định sẽ mua tặng cho tôi. Quần áo mẹ không có nhiều, chỉ vài bộ lẻ tẻ để mặc đi làm, duy có một bộ đồ đẹp mẹ nói để dành đi họp phụ huynh cho tôi, đến nay cũng gần 7 năm rồi, nó cũng đã sờn vai nhưng mẹ tiếc nên chịu không thay bộ mới. Có vài lần 8/3, 20/10 tôi hứa sẽ tặng mẹ một bộ, nhưng mẹ không chịu, mẹ bảo: “Khi nào con có sự nghiệp mẹ mới nhận, còn bây giờ mẹ chỉ nhận thành tích của con làm quà mà thôi”. Mẹ tôi vậy đấy, lúc nào cũng hi sinh cho con gái vô điều kiện. Mẹ còn là một người bạn tri kỷ, một người đi trước tuyệt vời nhất của tôi. Tôi vẫn nhớ những ngày tôi từ bỏ mái trường để bước vào ngưỡng cửa cuộc sống. Với cái tuổi 15 tôi chưa hiểu hết giá trị của nó như thế nào. Những ngày đầu đi làm công cho người ta thật sự là chuỗi ngày bế tắc nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi như đang đứng ở một ngã ba đường mà chẳng biết phải rẽ hướng nào cho đúng. Lúc ấy tôi có mẹ. Những ngày ấy, mỗi buổi chiều đi làm về tôi lại phăng xe thật nhanh về đến nhà, quăng cái giỏ xách sang một bênh rồi ôm chầm lấy mẹ. Kể mẹ nghe chuyện hôm nay ra sao rồi khóc tức tưởi như một đứa trẻ lên ba. Mẹ lại âu yếm, vuốt ve, rồi động viên, khích lệ tôi. Mẹ thường bảo: “Con gái mẹ vui mẹ sẽ vui, con gái mẹ buồn mẹ sẽ đau long lắm, ai mà ăn hiếp con gái mẹ mẹ sẽ ghét nó nhiều lắm”, nghe cũng buồn cười nhưng đấy là lời động viên vô giá của tôi chẳng ai có được. Mẹ như một nguồn động lực mạnh mẽ để tôi vượt qua những ngày tháng ấy và trở lại trường.
Trước đây có những lúc tôi hay cáu gắt với mẹ vì mẹ không chiều theo ý tôi. Tôi còn nhớ, năm tôi học lớp 9. Lúc cuối năm cả lớp rủ ăn liên hoan, tôi về xin mẹ 200 ngàn để đi chơi, mẹ nói: “Mẹ còn có 150 ngàn à, con xài đỡ nha”. Thế là tôi đùn đùn nổi cáu, lớn tiếng: “Có 200 ngàn cũng không cho, còn nói này nói nọ”, mẹ tát tôi một cái thật đau. Tôi ôm mặt lao thẳng ra khỏi nhà, tôi đi vô thức trong cơn mưa. Lúc này những hạt mưa đã thấm dần vào áo, tôi kịp nhận ra cơ thể mình đã thấm lạnh. Tôi chạy vào mép nhà người dân bên đường để trú, tôi bắt gặp một hình ảnh vô cùng ấm áp. Một người mẹ nhường cho con mình chiếc áo mưa tránh làm con bị ướt trong khi đó cơ thể mẹ đang run lên vì lạnh. Hình ảnh ấy khiến bao nhiêu kí ức ùa về trong tôi. Tôi nhớ về mẹ, nhớ những ngày còn thơ ấu của tôi và mẹ, lúc ấy tôi thường theo mẹ đi làm thuê cho người ta, đã bao lần bị mưa ướt nhưng mẹ vẫn luôn nhường cho tôi áo mưa. Đã bao lần tôi bệnh, mẹ là người thức cả đêm để chăm sóc. Đã bao lần tôi có lỗi, mẹ vẫn tha thứ mà không trách mắng một lời. Lúc này tôi tự trách mình tại sao lại làm như vậy. Phải chăng đối với tôi hiện tại bạn bè quan trọng hơn mẹ? Mẹ đã tần tảo sớm hôm mới có được 200 ngàn nhưng chỉ cần ba giờ đi chơi tôi có thể tiêu sạch. Mẹ chẳng dám mua đồ mới vì sợ không đủ tiền cho con đi học, tôi lại đem công sức mẹ ra đổi bằng những trò chơi vô ích.
Đã bao lần tôi muốn nói lời xin lỗi, nhưng bản thân không thốt lên được. Bây giờ tôi cũng đủ lớn, đủ hiểu được những vất vả mà mẹ phải trải qua như thế nào. Bản thân càng yêu mẹ nhiều hơn, yêu cái đức hi sinh cao cả của mẹ. Tôi dám khẳng định rằng mẹ tôi là một người khuyết tật về đôi chân nhưng trái tim của mẹ luôn đong đầy tình yêu thương vô bờ bến cho con . Con gái xin nói lời cám ơn, cám ơn mẹ người mẹ tuyệt vời nhất của con. Cám ơn vì những điều mẹ đã làm cho con gái, cám ơn vì những điều mẹ phải chịu đựng vì mong con có một gia đình trọn vẹn. Cám ơn mẹ vì những bữa cơm khi con đói, những ly sữa khi con học bài khuya, những chiếc áo ấm khi con lạnh và những lời an ủi khi con buồn. Thời gian nhanh quá mẹ nhỉ, mới đây mà đã mười mấy năm rồi. Chẳng còn bao lâu nữa con phải rời xa vòng tay mẹ để đến với một ngưỡng cửa mới của cuộc đời con. Nhưng con biết khi con cần mẹ vẫn sẽ ở bên. Mẹ ơi, con gái lớn rồi, mẹ an tâm nhé, con sẽ trở thành một con người tốt. Lòng mẹ bao la quá không gì sánh được, nhưng hãy bên mẹ khi còn có thể. Ai đã từng làm điều có lỗi với mẹ, hãy một lần nói lời xin lỗi và nói câu: “Con yêu mẹ”!
Sông Đốc, 14/04/2018
Lê Thị Ngọc Thùy
(bút nhóm Hoa Nắng Biển – Cà Mau)