Bến nước Bình Ca (xã Vĩnh Lợi huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang) là một địa danh khá quen thuộc đối với lứa học trò thế hệ 7X trở về trước. Chúng tôi đã từng thuộc lòng cái địa danh ấy trong câu thơ của Tố Hữu:

Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi

Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt

Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát

Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca”.

Thời đó, chúng tôi đã có không ít người ao ước được một lần đặt chân tới cái bến nước lịch sử này để ngắm nhìn cái cảnh đồi cọ, rừng chè của vùng quê trung du cùng những chuyến phà dạt dào qua lại nối đôi bờ sông Lô xanh biếc. Ao ước ấy đã có từ lâu nhưng phải đến tận bây giờ bước chân mới có cơ hội được tìm đến chốn lừng danh một thủa.

Ngược dòng thời gian, bến nước hào hùng một thủa ấy đã từng được  cụ Lê Quí Đôn nhắc đến trong sách “Kiến văn lục” với dáng hình chữ U mùa hè nước đục ngầu chở nặng phù sa, mùa thu nước chảy hiền hoà biêng biếc sắc xanh, mùa đông sông thu mình nước trong văn vắt nhìn xuyên thấu đáy. Người xưa bảo rằng, Mã Giang (tên gọi khác của sông Lô) khởi nguồn từ vùng núi cao trên 2000 m ở bên kia biên giới (thuộc vùng Vân Nam – Trung Quốc) mang theo bao nhiêu con nước của Thập Vạn Đại Sơn chảy vào đất Việt, dù đã phải đi qua bao thác ghềnh, trên hành trình ra biển lớn, đi qua phố núi Tuyên Quang tưởng như đã được yên bằng xuôi chảy, ngờ đâu đến địa phận xã Vĩnh Lợi vẫn gặp phải một vách đá dựng đứng. Nó không thể thẳng tiến được, đành phải vòng ra, oằn mình tránh núi. Chính cái cú oằn mình ấy đã làm cho dòng sông biến dạng theo hình chữ U. Chỗ chữ U này một thời người ta đặt làm bến đò với tên gọi: Bến nước Bình Ca. Bến nước ấy từng là cửa ngõ phía Tây của chiến khu Việt Bắc – nơi có Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đang lãnh đạo cuộc kháng chiến; là chiếc cầu nối của những con đường huyết mạch về An toàn khu và tỏa đi khắp mọi miền: quốc lộ 13A từ Tuyên Quang đi Thái Nguyên hay xuôi về Phú Thọ, Việt Trì. Do có cái vị thế đắc địa chiến lược như thế nên bến nước Bình Ca đã trở thành trọng điểm trong những năm chiến tranh theo dặm dài đất nước. Theo đó, nó cũng đã trở thành mồ chôn bao lũ kẻ thù xâm lăng.

Bây giờ trong tâm thức của không ít người, cái bến nước hoang vắng đang lặng lẽ buông trôi kia không chỉ đơn thuần là một bến sông chết với đôi bờ sông nước hoang sơ giá lạnh mà còn chính là một chứng nhân lịch sử. Nó thâu nạp, ghi dấu trong mình biết bao buồn vui sướng khổ của một thời bom đạn mà lịch sử chẳng dễ gì phôi pha nên dẫu có không nhiều nhưng ngày đêm vẫn có những người lặng lẽ đưa nhau tìm đến ngắm nhìn và hoài niệm cùng với bến sông.

Đứng ở bên này sông nhìn sang bờ bên kia, đôi bờ bến nước giờ đây chỉ thấy hiện lên một vùng cây cỏ xanh rì cùng thấp thoáng những nhà xưởng nhấp nhô, thưa thớt giữa một không gian tĩnh lặng của núi đồi trung du trong buổi sớm hôm mà chẳng thể nào trông thấy một chuyến đò ngang hay những chuyến phà dạt dào thủa nọ. Ngắm nhìn Lô giang khi bình minh đang lên trên bến nước, trong cái lạnh se se của tiết trời đầu xuân, dẫu vẫn biết con nước vơi đầy chốn này chẳng thể giống được đôi bờ sông Dịch nhưng sao lòng vẫn thấy rộn lên khúc ca vỗ kiếm của tráng sĩ Kinh Kha cất vang theo tiếng đàn của hiệp sĩ Cao Tiệm Ly trước khi sang đất Tần:

“Phong tiêu tiêu (hề), Dịch thủy hàn

Tráng sĩ nhất khứ (hề), bất phục hoàn”

Dịch thơ:

“Gió đưa hiu hắt (hề) sông Dịch lạnh ghê

Tráng sĩ một đi (hề) không trở về.”

Phải chăng, cảnh vật trên đôi bờ sông nước và những cơn gió đìu hiu nơi một thời đã từng là chiến địa mà lòng người dễ sinh ra những mối tương liên?

Sông Lô mùa này nước cạn, chỉ một màu lam biếc lặng lẽ buông trôi với dăm ba con tàu chở cát lưa thưa qua lại khiến cho bến sông hoang vắng càng trở nên quạnh quẽ, cô liêu. Giữa cái tiết trời đầu xuân, nắng có hồng nhưng vẫn không đủ làm cho chói chang đôi mắt. Hai bờ sông nước yên ả, không một tiếng chân người nên chẳng thể nghe thấy một tiếng hò ô. Cứ thế, chúng tôi lặng người ngắm nhìn khúc sông như thể đang cố tìm cho mình một chút gì đó còn lại của cái âm hưởng rộn ràng, hùng tráng mà Văn Cao đã từng ký gửi vào khúc trường ca bất tử (Trường ca sông Lô) hay cái náo nức sôi động đầy thơ mộng trong bài thơ “Ta đi tới” như Tố Hữu đã từng náo nức, reo vui… Tất cả chỉ là vô vọng. Bến nước Bình ca một thủa sôi động dạt dào đôi bờ sông nước ngày ấy còn lại bây giờ chỉ là một bến vắng. Miên man nghĩ suy cùng bến nước rồi cũng chợt nhận ra, giờ đây, hai cây cầu (cầu Nông Tiến và cầu Bình Ca) đang nhộn nhịp xe cộ nối đôi bờ Lô giang ngoài kia đã kết thúc xứ mệnh của bến phà Bình Ca nức tiếng một thời. Bởi thế, bây giờ, cái bến phà ấy, cái bến nước ấy chỉ còn lại nơi kí ức và hoài niệm trong mỗi vần thơ của một thời xưa cũ.

Tìm về bến nước Bình Ca, chúng tôi muốn xem lại dấu xưa với nhưng oai hùng một thủa. Lần theo theo từng bậc thang dẫn lên trên đỉnh núi Dền (dân trong vùng còn gọi là núi Cột Cờ) để chiêm ngưỡng, ngắm nhìn Tượng đài chiến thắng Bình Ca sừng sững uy nghiêm cùng bức phù điêu đắp hình mũi tàu và khối hoa văn tựa như sóng nước. Những khối hình ấy dễ làm người ta liên tưởng đến sông Lô hùng thiêng đang nhấn chìm mũi tàu quân giặc năm nào trên đất Bình Ca. Và ở chính giữa khối tượng đài sóng nước ấy là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng được đắp nổi bật như thể đang tung bay trong gió lộng. Phần bên dưới lá cờ có một tấm biển đỏ trích nguyên văn một đoạn thư khen ngợi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về trận đánh thắng lợi của Tiểu đoàn 12 trên đất Bình Ca: “Trận Bình Ca – tiểu đoàn 12 đã đánh lui một trận đổ bộ của giặc, xung phong cướp súng bắn chìm pháo thuyền, ghi một chiến công đầu tiên mở đầu cho những chiến công rực rỡ khác trên sông Lô”. Đây cũng chính là nội dung được thêu trên lá cờ chiến thắng của tiểu đoàn. Và cũng bắt đầu từ chiến thắng này tiểu đoàn 42 có thêm một tên gọi mới: Tiểu đoàn Bình Ca. Phía dưới, cách tượng đài không xa, hướng về phía sông Lô còn cắm một tấm bia đánh dấu sự kiện chiến thắng của trung đội 12. Tấm bia ghi rõ: “Tại đây, ngày 12/10/1947, trung đội 12 thuộc đại đội 4 của tiểu đoàn 42 dùng súng badoka Việt Nam bắn chìm pháo thuyền LCVP của Pháp”. Tự hào thay, tên đất đã trở thành một danh xưng để ghi dấu, nhắc nhở mọi người về chiến thắng trận đầu đầy oai hùng, khó quên.

Đứng bên bờ Lô giang, ngắm nhìn sông nước, tôi nghe thấy người ta còn bảo, bến nước Bình Ca là đất địa linh, nơi con gà cất tiếng gáy là cả ba xã (An Khang, Tiến Bộ -Yên Sơn và Vĩnh Lợi – Sơn Dương) cùng nghe thấy tiếng. Bến ấy trời sinh cho hình chữ U cho nên khúc sông vừa là nơi tụ thủy nhưng cũng vừa là nơi tụ phúc. Phúc cho muôn đời đất Việt. Có lẽ bởi vậy kẻ thù đến thì chẳng có đường về, An toàn khu cùng đầu não của cuộc kháng được bảo vệ an toàn tuyệt đối ngày từ những trận đánh đầu tiên. Vị trí chiến địa độc đáo ấy đã khiến dòng Lô giang không chỉ xanh biếc mộng mơ mà còn là nơi mồ chôn xác thù:

Sông gầm âm vang súng trái phá

 Bao rừng thu như bát ngát cười

 Dân hoan hô chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công

 Tiếng trái phá quân thù gục chìm

 Dòng Lô”. 

Hơn bẩy mươi năm đã đi qua, dấu xưa đã phôi pha ít nhiều, người nhạc, người thơ cùng những chiến binh huyền thoại chỉ còn lại trong dòng ký ức. Tượng đài chiến thắng và tấm bia vinh danh vẫn vươn cao đầy tự hào, kiêu hãnh giữa trong xanh; cùng song hành với những con nước vơi đầy trong đục giữa đôi hư ảo. Tất cả như thể cùng nhau khắc tạc vào đất trời khúc ca bất tử và gợii về trong lòng cháu con những nỗi niềm trăn trở về sự bảo tồn và phát triển của khu thắng tích lịch sử nơi đôi bờ sông nước cùng niềm tự hào bất diệt.

Thành Tuyên, cuối tháng Giêng Mậu Tuất

PHAN ANH

( Phòng GD&ĐT Hoài Đức Hà Nội )