Chiến tranh đã kết thúc hơn bốn mươi năm, các thế hệ con người tiếp tục sinh ra sống và làm việc trong một đất nước hòa bình thịnh vượng, tự do và hạnh phúc, có cả những con người từ hai phía còn sống sót qua cuộc chiến tranh khốc liệt và dai dẳng của người Mỹ trên đất nước Việt Nam một thời khói lửa. Vết thương chiến tranh ngày một lành, tư tưởng những con người một thời khắc khe đã có cách nhìn mới về thời đại mà người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn sinh sống và làm việc.

Thời ấy, chiến tranh ác liệt đã thôi thúc người nghệ sĩ có tấm lòng nhân ái đã phải bày tỏ tình cảm của mình qua dòng nhạc Phản chiến đã làm khuấy động hàng triệu con tim người Việt trong nước và lan rộng ra nước ngoài, ảnh hưởng tới những con người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới xuống đường đòi chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Lúc ấy, sinh mạng của người nghệ sĩ thực sự đi giữa hai lằn tên mũi đạn, nhưng người nhạc sĩ có trái tim “nhân ái” thực sự can đảm không chùng bước, không nghiêng ngả mà dùng âm nhạc để nói lên số phận dân tộc, số phận đồng bào ruột thịt phải sống trong cảnh chiến tranh dầu soi lửa bỏng.

Có lẽ Trịnh Công Sơn là người nhạc sĩ rất đặc biệt trong các nhạc sĩ cùng thời, ông đem lòng nhiệt huyết có trách nhiệm của một công dân bằng cách dấn thân vào con đường âm nhạc Phản Chiến mà không sợ nguy nan, nó như thứ vũ khí đắc lực duy nhất thay cho tiếng nói của những con người thống khổ và vô tội. Lời nhạc Phản chiến của ông bừng bừng phẫn nộ, lúc tha thiết cảm thương dân tộc cảm thương đồng bào mình, lúc hô hào quyết liệt đòi hòa bình cho dân tộc nhỏ bé, lúc thở than bất lực trước sức mạnh vũ khí chiến tranh hiện đại cày xéo quê hương đêm ngày trong lửa đạn, uất hận nhìn đồng bào mình chết trong cảnh nhà tan cửa nát, ruộng vườn bỏ hoang, vv…

Ca Khúc “Gia Tài Của Mẹ” là ca khúc tóm lược lịch sử và là quan điểm rõ nét của Trịnh Công Sơn về cuộc chiến tranh cùng với ca khúc: “Nối Vòng Tay Lớn” thể hiện niềm vui dân tộc – đó là hai ca khúc chủ đạo nói lên sự khởi đầu và kết thúc chiến tranh vào ngày 30/4/1975.

“Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu

Một trăm năm đô hộ giặc Tây

Hai mươi năm nội chiến từng ngày (…)

Mẹ mong con chớ quên màu da

Chớ quên màu da nước Việt xưa….” (Gia Tài Của Mẹ)

“Rừng núi dang tay nối lại biển xa

Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà

Mặt đất bao la, anh em ta về

Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng

Bàn tay nắm nối tròn một vòng Việt Nam (…)

Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay

Ta đi từ đồng hoang vượt hết núi đèo

Vượt thác cheo leo tay ta vượt đèo

Từ quê nghèo lên phố lớn năm tay nối liền

Biển xanh sông gấm nối liền một vòng tự sinh. (Nối Vòng Tay Lớn)

Âm nhạc Phản Chiến của Trịnh Công Sơn mô tả chiến tranh tàn phá khốc liệt không khác những thước phim thời sự chiến trường có góc nhìn hiện thực và rõ nét nhất, nó làm người nghe phải chứng kiến cảnh chiến tranh tàn khốc trước mắt là có biết bao số phận người già và em bé kêu gào trong lửa đạn, lê lếch thịt da nát tan, nhà cửa cháy rực, ruộng vườn hoang phế,vv…Người nghe cảm cùng cảnh ngộ đến rơi lệ, thương cho dân tộc, cho đất nước nhỏ bé của mình, vv….

“Đại bác đêm đêm dội về thành phố

Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe

Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng

Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng

Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn…..”(Đại Bác Ru Đêm)

“Bên xác người già yếu

Có xác còn thơ ngây

Xác nào là em tôi dưới hố hầm này

Trong những vùng lửa cháy

Bên những vồng khô khoai…” (Hát Trên Những Xác Người)

“….Đường anh em sao đi hoài không tới

Đường văn minh xương cao cùng với núi

Đường lương tâm mênh mông hoài bóng tối….” (Hãy Nhìn Lại)

“Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn

Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn ăn

Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục cung thân….” (Ca Dao Mẹ)

 “Người già co ro chiều thiu thiu ngủ

Người già co ro buồn nghe tiếng nổ

Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi….” (Người Già Em Bé)

“Xác người nằm trôi sông phơi trên ruộng đồng

Trên nóc nhà thành phố trên những đường quanh co

Xác người nằm bơ vơ dưới mái hiên chùa

Trên giáo đường thành phố trên nền nhà hoang vu…” (Dành Cho Những Xác Người)

 “Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh

Chị vỗ tay hoan hô hòa bình

Người vỗ tay cho thêm thù hận

Người vỗ tay xa dần ăn năn….” (Hát Trên Những Xác Người)

“…Giọt nước mắt thương con con ngủ mẹ mừng

Giọt nước mắt thương sông ấp ủ rêu rong

Giọt nước mắt thương đất đất cằn cỗi bao năm

Giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong….” (Nước Mắt Cho Quê Hương). v.v….

Trên dưới 60 ca khúc Phản Chiến, chỉ vài lời mô tả ít ỏi cũng đã cho thấy cảnh chiến tranh tàn phá đến thê lương ra sao. Chiến tranh đến nỗi người ta điên cuồng vỗ tay hoan hô trong trạng thái hoảng loạn của người mẹ người chị…

Lời nhạc Phản Chiến đậm tính nhân bản, dễ dàng nhìn được cái Tâm Phật của Trịnh Công Sơn về lòng từ bi bác ái và lòng yêu thương chúng sinh của Phật pháp, một tôn giáo ảnh hưởng đến tư tưởng và tình cảm của Trịnh Công Sơn trong sáng tác nghệ thuật ở cả hai dòng nhạc Tình Ca và Phản Chiến. Ngôn ngữ ở dòng nhạc Phản Chiến có thể coi là một chứng tích hùng hồn về lịch sử chiến tranh một thời đã đem đến sự thống khổ cho dân tộc và là bức tranh hiện thực của cuộc chiến được lưu giữ dưới dạng ký ức và ngôn ngữ âm nhạc trong kho tàng Văn chương nghệ thuật Việt.

Người ta cho rằng Trịnh Công Sơn là người viết Tình Ca hay nhất, nghĩ lại, ông viết dòng nhạc Phản Chiến hay hơn Tình Ca, vì đó là nỗi đau thực và lớn lao của một dân tộc nhỏ bé đã có hàng triệu cái chết vô tội của các lớp người già trẻ….

Ở dòng Tình Ca, bài hát nào cũng thắp thoáng bóng giai nhân như khói lam sương mai, thơ mộng và trừu tượng. Trái lại ở dòng Phản Chiến thì hình tượng về đất nước điêu linh, hình tượng về người mẹ thống khổ, hình tượng về em bé trần truồng đầy vết bỏng cháy, tất cả được đẩy lên hiện thực đến nao lòng qua ngôn ngữ tả thực đến trần trụi bởi sự uất hận tột cùng của tác giả. Ở dòng Tình Ca ông mở rộng vòng tay tha thứ, buồn bã mềm yếu, trái lại, ở dòng nhạc Phản Chiến ông mạnh mẽ kiên cường quyết đấu tranh đòi hòa bình cho quê hương đất nước của mình, ông ôm khổ đau dân tộc vào con người nhỏ bé của ông, ông xem đó là trách nhiệm của mỗi người con Việt qua những bài hát tự tình quê hương, tự tình dân tộc, bất lực trước cảnh bom đạn trút đổ lên đầu đồng bào và đất nước của ông.

Hãy nghe đoạn tự sự dưới đây để thấy tính “Phật” của ông đã hình thành từ lúc thiếu thời và là nguồn gốc âm nhạc của ông sau này.

Tôi là Phật tử trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đi đến chùa vì thích yên tĩnh. Có những năm tháng bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những cầu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây nhặt được, còn có kinh kệ vô tình nằm ở đấy. (1)

Trịnh Công Sơn, một nửa con người Nhà Phật, một nửa văn hóa Đông Tây, hai nền văn hóa đại diện cho văn minh nhân loại đã hình thành nên cái Tâm chính kiến của người nghệ sĩ khi đã giác ngộ minh triết.

Nhạc Trịnh Công Sơn càng lúc có nhiều thế hệ nối tiếp “nghe – hát” và lan rộng ra thế giới bên ngoài: vì trong âm nhạc của ông luôn chứa đựng hai chữ “Tình thương” giữa người với người, nhất là ở dòng nhạc Phản Chiến, chính vì vậy năm 2019, Google đã vinh danh ông vì sự cống hiến đó và ông  là người Việt Nam đầu tiên được tôn vinh.

Trịnh Công Sơn không phải là người cầu an cho danh vọng riêng tư, như vậy âm nhạc của ông sẽ lem máu đồng bào của mình. Không! Ông cùng đồng bào đứng lên đòi hòa bình như ông từng ôm đàn hát trước hàng ngàn sinh viên ở hai trường đại học Sài Gòn và Huế vào thời trước 1975, những ca khúc Phản Chiến của ông được giới sinh viên trí thức nồng nhiệt đón nhận, họ chuyền tay chép rồi hát những lúc sinh hoạt cấm trại và hội họp qua những ca khúc Phản Chiến có trong các tập: Khúc Da Vàng/ Kinh Việt Nam/ Ta Phải Thấy Mặt Trời/ Phụ khúc Da Vàng. Nên truyền thông nước ngoài ví Trịnh Công Sơn và Khánh Ly như đôi danh ca Bob Dylan và joan Baez ở Mỹ với những ca khúc Phản Chiến tranh nỗi tiếng thế giới (2).

Nhạc sĩ Văn Cao đã viết về Trịnh Công Sơn như sau: “Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng niềm vui, biết đau tận cùng của nỗi đau của tổ quốc mẹ hiền” (3)

“Thế giới không ngừng chiến tranh thì âm nhạc Phản Chiến của Trịnh Công Sơn vẫn còn giá trị ở đâu đó trên quả địa cầu.”

(14 giờ 35. Ngày 1.03. 2019 Kỷ Hợi)

Phan Thanh Tâm

Nguồn:

– (1) Trịnh Công Sơn, Tập San Giác Ngộ, tháng 4 năm 2001

– (2) Bùi Văn Phú talawas. Org. 01.04.2008.

– (3) Nhiều tác giả – Trịnh Công Sơn – Rơi lệ ru người. NXB Hội Nhà Văn Hà Nội, 2012.

– Bách khoa toàn thư mở.
– Trịnh Công Sơn có được “Đĩa vàng” và (Giải thưởng âm nhạc) tại Nhật, ông có tên trong bộ tự điển bách khoa Encyclopédie de tous les pays du monde của Pháp. Rất nhiều binh lính của Thiệu bỏ ngũ khi nghe bản nhạc “Người con gái Việt Nam da vàng”. Lệnh cấm nhạc Phản chiến của Trịnh Công Sơn, do Tổng thống Thiệu ký mang số: 33 ngày 8.2.1969(Wikipedia tiếng Việt).
– Năm 2019, Google vinh danh Trịnh Công Sơn do sự cống hiến của ông.