TỪ HOA QUẢ SƠN ĐẾN LINH SƠN  DƯỚI GÓC NHÌN DỊCH CHUYỂN KHÔNG GIAN

(Tiếp theo)
.
3. Dịch chuyển của tâm và thân giữa không gian hư và thực
Dịch chuyển không gian gắn với nhân vật hay không gian dịch chuyển gắn với tác giả thì cũng nằm trong hai phạm trù vật chất và tinh thần của con người. Hai yếu tố hiện thực – tưởng tượng, nghệ thuật – đời thường luôn song hành tồn tại và bổ khuyết cho nhau. Làm rõ vấn đề dịch chuyển là thực hay chỉ là ảo, dịch chuyển là thiết yếu hay chỉ là thứ yếu trong quá trình nhận thức của nhân vật trong hai tác phẩm trên sẽ giúp chúng ta nắm bắt được nội dung, thông điệp tư tưởng của nhà văn.
3.1. Linh Sơn – Hành trình chiếm lĩnh không gian
Trong Tây Du Kí, khi xét đến không gian Hoa quả sơn là nhắc đến hành trình của Tôn Ngộ Không, khi này nhân vật chính lại chính là con khỉ đá. Khi còn ở núi hoa quả thì làm vua, xưng làm tề thiên đại thánh nhưng suốt quãng đường đi đến Tây Trúc thì hắn chỉ là đồ đệ, là một hộ pháp tháp tùng cho Tam Tạng. Trong suốt quá trình ấy Tôn Ngộ Không đã phải cầu đảo đến không biết bao là tiên, thánh, phật ở tam giới. Qua mỗi động yêu quái, Tôn Hành giả đã chiếm lĩnh được không gian vật lí, diệt ác phục thiện đem lại an vui, yên bình cho đời sống con người.
Trong tiểu thuyết Tây Du Ký, nhân vật Đường Tăng và ba đồ đệ đã phải lội suối, băng rừng muôn vàn cực nhọc để vượt qua một quãng đường 10 vạn 8 ngàn dặm với 81 kiếp nạn để thỉnh được chân kinh, tu thành chánh quả, hoàn thành sứ mệnh thì tiểu thuyết Linh Sơn – cuốn tiểu thuyết mang màu sắc hiện đại của Cao Hành Kiện là một câu chuyện dài kể về chuyến đi thực tế của nhân vật trong thời gian 10 tháng, với khoảng cách không gian kéo dài 15 ngàn km dọc sông Trường Giang, tiến sâu vào thung lũng Tứ Xuyên – trung tâm lục địa của Trung Quốc, đã trèo lên núi cao, xuống vùng thung lũng thấp, đi khắp nẻo rừng để sưu tầm văn hóa dân gian đồng thời tìm kiếm ngọn núi Linh Sơn kỳ ảo.
Mặc dù nhiều lúc, nhân vật đã làm chủ không gian vật lí nhưng đó chưa phải là chiến thắng cuối cùng, muốn thực sự đạt mục đích còn phải chiếm lĩnh không gian tâm tưởng, tâm linh – Đó cũng chính là hành trình giác ngộ.
Tác giả Ngô Thừa Ân chỉ cho Tôn Hành Giả hóa giải được “vòng kim cô” khi đến Linh Sơn. Cao Hành Kiện thì đến gần cuối tác phẩm mới cho nhân vật gặp ông lão bên sông Ô Y xuất hiện và khuyên: “có cũng về, không cũng về, đừng ở bên sông gió lạnh thổi”. Tất cả cũng chỉ nằm trong chữ hồi (回) đều là nhận thức từ tâm (心) thâu nhiếp lại.
.
src=http://d.f5.photo.zdn.vn/upload/original/2011/04/11/9/56/13024905781338947179_574_574.jpg
.
3.2. Linh Sơn – Hành trình giác ngộ
Trong kinh điển Phật giáo, núi non là những biểu tượng quen thuộc có tính chất biểu tượng cho sự giác ngộ, chẳng hạn như núi Tu Di, núi Linh Sơn, núi Phổ Đà… Núi non rừng sâu vốn là địa điểm của nhiều bậc đại sư, thánh hiền lựa chọn để tu hành. Ngay từ chương đầu, người kể chuyện đã bày tỏ những nhận thức về Linh Sơn (núi linh hồn). Từ trong những thư tịch Linh Sơn đã được ghi trong vô số các sách vở, văn bản lịch sử cổ xưa, từ tác phẩm bói toán và ma thuật cổ đại Sơn Hải Kinh, đến bộ sách lâu đời về địa lý nhan đề Thủy Kinh Chú. Chính ở nơi này đức Phật đã giáo hóa cho đấng tổ sư thứ nhất chí tôn Ma Ha Ca Diếp.
Trước hết, nói đến Linh Sơn trong tiểu thuyết cùng tên của Cao Hành Kiện là một sự phản ánh về quan niệm nhân duyên trong giáo lí Phật giáo. Ngay từ chương 1, nhân vật tìm đến Linh Sơn là một sự tình cờ. Sự kiện kỳ lạ: “hai nắp tách trà va vào nhau” giống như motif rùng rợn trong phim kinh dị được thể hiện đầy ẩn ý, nếu như không có sự kiện này, ắt hẳn không có hành trình tìm kiếm Linh Sơn. Và nếu không có Linh Sơn trong thực tại thì tại sao ban đầu một anh bạn lại có thể vẽ bản đồ chỉ đường (chương 1) và cuối nơi tìm kiếm (chương 76) một ông lão chống gậy, áo chùng lại tỏ ra am hiểu rất tường tận vị trí của Linh Sơn. Không chỉ thế, cả cuốn tiểu thuyết là một vòng tròn nhân duyên kéo dài từ chương 1 đến chương 76 thông qua hàng loạt những thông tin từ “người dẫn đường”, “người đồng hành”… Trong Linh Sơn ta có thể thấy rất rõ quan niệm nhân duyên và duyên khởi trong giáo lí đại thừa, phải chăng con người chỉ cảm thấy an lạc tuyệt đối trong không gian tinh khiết của thiên nhiên và trong chính tâm linh của bản ngã.
Linh Sơn hay còn gọi là núi hồn hay núi thiêng thì vốn dĩ cũng chỉ là một tên gọi tâm linh chung cho tất cả mọi ngọn núi chứa đựng sự màu nhiệm linh ứng. Nhưng nhân vật trong tác phẩm của Cao Hành Kiện đã tìm Linh Sơn trong cái khu biệt cá thể so với cái chung, nghĩa là tìm cái hữu ngã trong sự vô ngã: “người ta dễ dàng tìm thấy những địa điểm có tên Linh Đài, Linh Khâu, Linh Nham và thậm chí cả Linh Sơn nếu lật giở tập bản đồ Trung Quốc các tỉnh”. Bản chất Linh Sơn là vô ngã vì núi vốn dĩ là biểu trưng của sự hiển linh, màu nhiệm. Huống chi ở Trung Quốc có ngũ nhạc gắn với Lão giáo và tứ đại danh sơn gắn với Phật giáo nối tiếng linh thiêng, thậm chí có bản đồ địa chỉ cụ thể rõ ràng, hà tất phải tìm Linh Sơn? Do đó, bản chất của cuộc tìm kiếm này chính là hành trình “phá chấp” trong tâm hồn con người.
Sự khác biệt giữa nhân vật trong Tây Du Ký và trong tiểu thuyết Linh Sơn đó chính là niềm tin. Nếu như Tôn Ngộ Không luôn tin tưởng vào một phương thuốc cứu cây rồi tìm đến Đông Hải Bồ Tát thì “ta” và “mi” trong Linh Sơn thường hoài nghi và mất phương hướng trong cuộc đời. Trong tác phẩm của Cao Hành Kiện, tên gọi của thị trấn Ô Y có thực, sông Hựu có thể kiểm chứng nhưng không thể tìm thấy Linh Sơn bằng phương pháp định vị thông thường. Chỉ bên này hay bên kia sông mà cũng khiến nhân vật hồ nghi không dứt. Dường như tác giả muốn gửi đến chúng ta một quan niệm sống mới, đó chính là sự bình tĩnh cần thiết để nhận ra những giá trị đích thực, điềm đạm tỉnh thức và dừng lại thay vì trượt dài trong vô minh, lạc lối.
Có thể nói, dù là một tác phẩm văn học cổ điển đầy yếu tố thần thoại như Tây Du Ký hay một tác phẩm hiện đại đầy mảnh vỡ của sự thật và hư cấu thì đều có sự hòa quyện, tương tác không tách rời giữa hai yếu tố hiện thực và hư ảo.Bản chất của Linh Sơn là lấy chính bản thân làm tâm điểm để quán chiếu mọi điểm nhưng nhân vật lại làm ngược lại – cứ đi tìm đáp án từ bên ngoài: “Sau chuyến lang thang dài trong cô quạnh, hắn đến trước một ông lão chống gậy, áo chùng. Hắn xin ông lão lời khuyên bảo (chương 76) và nội dung câu hỏi chỉ quanh quẩn: bên này hay bên kia sông. Phải chăng Cao Hành Kiện đưa chúng ta đến ranh giới của văn chương phi lí. Nhưng bằng phán đoán thông thường, Người tìm đường và người chỉ đường có những quy chiếu riêng về Linh Sơn, nhân vật đứng đối diện (迎面遇) để hỏi lão trưởng giả, nếu xét theo hướng bên này của “anh ta” thì chắc chắn sẽ là hướng bên kia của “ông lão”. Sự hoang mang và vô minh của nhân vật thể hiện ở chỗ: người chỉ đường lấy chính họ làm quy chiếu về Linh Sơn thì người tìm kiếm hắn lại lấy người khác làm quy chiếu. Tâm lí dùng dằng không có điểm quy chiếu đã đưa con người vào trạng thái hoang mang trong khi đó: “chỉ mảy may vô minh cũng biến cuộc tìm kiếm trở thành công cốc”. Do vậy Linh Sơn là vọng tưởng dẫn đến tham vọng tìm kiếm không điểm dừng, đó còn là biểu hiện của u mê, của vô minh, cố chấp. Quả thực, Linh Sơn chỉ ngộ được trong một sự trở về, nếu tiếp tục kiếm tìm sẽ là vô ích: “có cũng về, không cũng về, đừng ở bên sông gió lạnh thổi. Đó chính là vạn pháp nơi tâm, quy nguyên phản bản, tất cả chỉ là chữ “trở về”. Khi “trở về” có thể thấy tất cả mà cũng có thế chẳng thấy gì. Do đó, tìm đến Linh Sơn phải ngộ được tính không: “sắc tức thị không, không tức thị sắc”.
Linh Sơn là tất cả các ngọn núi trong thiên hạ mà cũng chẳng là gì cả, Linh Sơn ở đâu đó trong “thọ, tưởng, hành, thức”(3) nhưng cũng chỉ sừng sững trong tâm ta. Do vậy chương cuối của tác phẩm không còn sự phân hóa bố cục không gian cao – thấp, trên – dưới mà chủ yếu là sự quy chiếu tâm thức trong không gian thiền. Linh Sơn chỉ được thấy bằng tâm (心)chứ không thể nhìn bằng tướng (象). Thế nên, trong cả cuốn tiểu thuyết Linh Sơn, tài năng hội họa điêu luyện của Cao Hành Kiện cũng chẳng điểm được nét nào để vẽ về ngọn Linh Sơn huyền thoại.
Linh Sơn là không gian của phá chấp đạt đến an lạc, nó gần với tự tính vũ trụ – nơi mà nhân vật tìm đến với mong muốn thấy mọi vật: “đều ở dạng sơ khai”, “có rừng nguyên sinh” (chương 1), “có thể ngắm cảnh phượng hoàng trong Linh Sơn”(chương 3). Ở đó không chỉ là niềm tin thánh thiện về con người “cả hai cùng leo lên Linh Sơn, nàng muốn ngắm toàn vẹn tâm hồn mi trên đó” (chương 32). Rốt cuộc, không gian nơi chứa đựng mọi thứ ở dạng hồng hoang, sơ khai cũng như rừng nguyên sinh chỉ tồn tại trong tâm tưởng, một sự tìm kiếm đầy mộng ảo. Do đó, tìm đến Linh Sơn là khao khát tìm lại bản thân, khao khát trở về với cái ban đầu của thiên nhiên cũng như cái chân thiện mĩ trong quan niệm của con người. Cuốn tiểu thuyết đậm chất Thiền và mang màu sắc tâm linh độc đáo.
.
/
.
4. Biểu trưng – Không gian vô cùng và thời gian vô tận
Khi nhìn vào một khoảng đất rộng và đẹp, nhà thiết kế đã thấy cả một công trình kiến trúc quy mô. Khi nhìn thấy đường bay đầu tiên, con người đã thấy hàng ngàn đường bay mới, xuyên quốc gia, lục địa. Tính giới hạn của ký tự vẫn có thể làm nên tính vô hạn của tư duy biểu tượng và cảm thụ văn chương. Mấy trăm năm trước ngọn Linh Sơn đã có trong Sơn Hải Kinh và Thủy Kinh Chú- những cổ tịch của văn hóa Hán. Mấy trăm năm sau Linh Sơn lại xuất hiện trong tiểu thuyết Tây Du Ký, hàng thế kỷ hiện đại sau lại xuất hiện trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Hành Kiện. Hàng ngàn năm rồi, ta thấy bóng dáng của Phật, Như Lai, Thế Tôn, Thiên Nhân Sư, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Ứng Cúng Chánh Biến Tri (4) tỏa bóng ở Linh Sơn và trong cả nền văn hóa nhân loại.
Thời gian là một chiều khác của không gian không thể tách rời. Không gian kinh lịch và không gian suy tưởng tâm linh trong cuốn tiểu thuyết Linh sơn “bàng bạc một sắc màu huyền thoại” hòa kết không tách rời, đem đến cho tác phẩm một sức cuốn hút kỳ lạ. Bên cạnh nghệ thuật hội họa và kỳ ảo hóa đến từng bố cục, màu sắc, chi tiết ta còn thấy không gian không ngừng biến ảo của tâm linh, đặc biệt là sự tĩnh lặng trong không gian thiền.
Thông qua hàng loạt những biểu trưng không gian như: Núi sông, con đường, người chỉ đường, căn phòng… nhà văn đã giúp chúng ta giải mã được tính quan niệm trong không gian nghệ thuật.
Linh Sơn đã được xây dựng nên bằng cách mà người ta tìm kiếm nó, đó là một trạng thái chứ không phải là một thực tại. Điều đó lí giải vì sao Cao Hành Kiện dù rất chú trọng miêu tả chi tiết không gian kinh lịch và tâm lí nhưng chẳng hề miêu tả về Linh Sơn. Chính điều này đã khiến “ngọn núi Hồn” không ngừng ám ảnh, văng vẳng tiếng vọng “mi’ và “ta” trong tâm ý bạn đọc. Từ góc độ nghiên cứu: “dịch chuyển không gian” chúng ta phần nào hiểu được đời sống tâm lí, tâm linh vô cùng phức tạp và kỳ lạ của con người. Có đôi khi trong cuộc sống bế tắc, dịch chuyển không gian sẽ giải phóng những ẩn ức tâm lí của con người đem lại cho con người niềm tin và sức sống mới.
Ngày nay, dịch chuyển không gian với những phương tiện hiện đại như máy bay, tàu ngầm… đã giúp con người xích lại gần nhau. Cảm thức “đất khách quê người, chân trời góc biển” dần biến mất. Nhưng dù có tiện nghi thế nào thì hạnh phúc mới là điều con người mong muốn đạt được. Đó chính là sự bình an trong tâm hồn trước những vòng xoáy của hiện thực, sự mỏng manh của kiếp người.
Từ Hoa Quả Sơn đến Linh Sơn là một dòng chảy văn hóa tâm linh, là niềm tin cần có trong cuộc đời, là chỗ dựa tinh thần cho con người khi đương đầu với những thử thách đau khổ. Nếu Tôn Hành Giả dùng phương thức cân đẩu vân thì phút chốc đã đến chùa Lôi Âm trên núi Linh Sơn hà tất phải lặn lội theo chân “tiểu Bạch Long”, nhưng chỉ khi phò tá Đường Tăng sang Thiên Trúc gặp phải muôn vàn yêu ma quỷ quái với những bảo bối lợi hại đã giúp cho đại thánh ngộ ra sự hữu hạn của bản thân mình. Nếu như Ngộ Không ở Hoa Quả Sơn là hống hách, vô lối thì Tôn Ngộ Không ở Linh Sơn lại thuần phục, khiêm nhường. Hộ tống Đường Tăng là quá trình nhận thức không ngừng của hành giả. Tôn trưởng lão còn phải gánh trên vai trách nhiệm, bổn phận với tha nhân. Đó chính là tinh thần “tự giác giác tha, từ bi hỉ xả” của giáo lí Đại thừa. Do đó có thể nói dịch chuyển không gian đã mang đến một sự thay đổi về chất trong nhận thức của con người. Cũng như vậy, hành trình đến với Linh Sơn của Cao Hành Kiện mang trong mình nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Có thể nói triết lí Phật giáo về “sắc sắc không không” giống như ngọn Linh Sơn sừng sững tuyết phủ mây bay lập tức biến thành dòng sông Bát Nhã chảy trôi qua miền giác ngộ. “Linh trong linh hồn, Sơn trong sơn thủy” nên Linh Sơn không chỉ hiểu là núi hồn mà nó còn là sơn nhai hải ngạn, còn là dòng sông mê; nó không chỉ là núi thiên đường mà còn là dòng sông địa ngục. Đúng như quan niệm “vạn vật giai bị vu ngã” và đúng như tư tưởng thiền tông “trăm sông vẫn về biển, trăng lặn không lìa trời”. Linh Sơn là sông là núi, là tâm hồn ta.
                                                                                           Ths. Nguyễn Công Cảnh
Chú thích               
(1) Hoa Quả Sơn: Tên ngọn núi trong tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân
(2) Linh Sơn: Tên ngọn núi trong Phật giáo, cũng là tên ngọn núi trong tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân và tên ngọn núi trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Hành Kiện.
(3) Thọ, Tưởng, Hành, Thức: khái niệm của Phật giáo nhằm chỉ những cảm giác, nhận thức của con người qua các giác quan.
(4) Tất cả những tên gọi ấy đều chỉ đến Đức Phật – một bậc giác ngộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Phần Tiếng Việt
1- Antoine Compagnon (1998), Bản mệnh của lí thuyết (Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch năm 2006), Nxb Đại học sư phạm Hà Nội.
2- Trần Thị An (2008), “Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif những khả thủ và bất cập”; Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số tháng 7.
3- Nguyễn Thị Vân Anh (2010), Luận văn thạc sĩ: Sự Dịch chuyển không gian trong Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân, Đại học sư phạm Hà Nội.
4- Phạm Vũ Lan Anh (2009), Luận văn thạc sĩ: Không gian lữ thứ trong thơ Đường, Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
5- Ngô Thừa Ân (Thụy Đình dịch 2001), Tây Du Ký – 3 tập, Nxb Văn học
6- Vương Văn Anh, Phạm Công Đạt (dịch 2005), Văn học hiện đại Trung Quốc nhìn từ Thượng Hải, Nxb Văn học.
7- Trần Lê Bảo (2002), Lỗ Tấn : thân thế, sự nghiệp, những sáng tác tiêu biểu, Nxb Văn hoá – Thông tin.
8- Trần Lê Bảo (2011), Giải mã văn học từ mã văn hóa, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
9- Nguyễn Công Cảnh (2013), Luận văn thạc sĩ: Dịch chuyển không gian trong tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện, ĐHKHXH-NV QG Hà Nội.
10- Nguyễn Văn Dân (2006), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội.
11- Trần Xuân Đề (2003), Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, Nxb Giáo dục.
12- Cao Hành Kiện (Trẫn Đĩnh dịch 2003), Linh Sơn, Nxb Phụ Nữ.
13- Cao Hành Kiện (nhiều người dịch, 2006), Tuyển tập tác phẩm, Nxb Công An nhân dân – Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây.
14- Nguyễn Thị Hiền (1996), “Nghiên cứu truyện cổ dân gian Việt Nam theo bảng mục lục tra cứu típ và mô típ truyện cổ dân gian của Antti Aarne và Stith Thompson”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2-1996, tr.13-24.
15- Đào Huy Hiệp (2008), Phê bình văn học từ lí thuyết hiện đại, Nxb Giáo Dục.
16- Trần Trung Hỉ (2002), Luận án tiến sĩ: Thi pháp thơ Lí Bạch, Đại học KHXHNV Hà Nội.
17- Lương Văn Kế (2010), Văn hóa châu Âu lịch sử thành tựu và hệ giá trị, Nxb Giáo dục.
18- Nguyễn Văn Khỏa (2002), Anh hùng ca của Hômerơ, Nxb Văn Học.
19- IU.M.Lotman (1970), Cấu trúc văn bản nghệ thuật (In lần hai năm 2007, Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch), Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
20- Nguyễn Thị Diệu Linh (2004), Biểu tượng Linh Sơn trong tác phẩm cùng tên của Cao Hành Kiện và cuộc hành trình tìm kiếm chính mình, Kỷ yếu hội thảo khoa học những nhà nghiên cứu ngữ văn trẻ, Đại học Sư Phạm Hà Nội.
21- Manfred Jahn (2000), Trần thuật học – Nhập môn lí thuyết trần thuật, (Nguyễn Thị Như Trang dịch, 2005), Hà Nội.
22- Milankundera (Nguyên Ngọc dịch, 1998), Nghệ thuật tiểu thuyết, Nxb Đà Nẵng.
23- Hồ Á Mẫn (Lê Huy Tiêu dịch 2010), Giáo trình văn học so sánh, Nxb Giáo Dục.
24- N. I. Niculin (1999), “Những sáng tác về các chuyến viễn du”(Trần Hồng Vân dịch), trong sách Những vấn đề của lý luận và lịch sử văn học. Viện Văn học XB, tr.82-104.
25- Nhiều tác giả (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng.
26- Hoàng Thị Phương Ngọc (2010), Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Luận văn Thạc sĩ đại học KHXHNV-Hà Nội.
27- Nguyễn Tôn Nhan (2004), Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc, Nxb Văn Hóa Thông Tin.
28- Lê Chí Quế (1994), “Trường phái văn học Phần Lan – những nguyên tắc ứng dụng và khả năng lí luận, Tạp chí Văn học, số 5-1994, tr.37-44.
29- Roland Barthes (1953), Độ không của lối viết (Nguyên ngọc ,dịch 1997), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
30- Nguyễn Hữu Sơn (2007), “Thể tài du ký trên Tạp chí Nam Phong”, TC Nghiên cứu Văn học, số 4-2007, tr.21-38.
31- Nguyễn Hữu Sơn (2009), “Du ký của người Việt Nam viết về các nước và những đóng góp vào quá trình hiện đại hóa văn xuôi tiếng Việt giai đoạn thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX”,
31- Lê Thị Thanh Tâm (2006), “Con người hành hương trong thơ thiền Lí – Trần và Đường – Tống, TCNCVH Số 3/70 – 81.
32- Thông Thiền, Thuận Hùng (2010), Huyền Trang hành trình sang Thiên Trúc, Nxb Tôn Giáo.
Phần tiếng Anh
33- Ma­bel Lee (2001), “Gao Xingjian: First Chi­nese Writ­er of the No­bel Prize for Lit­er­ature.” Per­sim­mon, vol. 2, no. 1 (2001): 38-40. Shep­herd, Er­ic. “The Re­ac­tion in Chi­na.” Per­sim­mon, vol. 2, no. 1 (2001): 44-5.
34- Li, Xia (2006), “Cross-​Cultural Intertextuality in Gao Xingjian’s Novel Lingshan. a Chinese perspective, Canadian Review of Comparative Literature/Revue Canadienne de Litterature Comparee Vol. 31, Issue 1, p. 39-57.
35- Marian Galik (2001), Gao Xingjians Novel Lingshan (Soul Mountain): A Long Journey in Search of a Woman,
http://ejournals.library.ualberta.ca/index.php/crcl/…/8340
36- Stith Thompson (1955-1958), “Motif-index of folk- literature : a classification of narrative elements in folktales, ballads, myths, fables, medieval romances, exempla, fabliaux, jest-books, and local legends, Indiana University Press. http://www.ruthenia.ru/folklore/thompson/.