/

Trong rất nhiều giấc mơ giản dị, giấc mơ vẽ được một bầu trời xanh với đầy đủ sắc mầu có sức sống đã nhức nhối tâm trí non nớt của Vân từ lâu. Sự thật thì Vân đã vẽ được những bức tranh đơn giản hơn, gần gũi hơn.
Như bức tranh về bà và cánh chim, bức tranh về mẹ với một chiều giông gió thét gào. Cô đã được khen ngợi bởi điều đó, và nó cũng làm cô rộn ràng niềm vui. Cô còn mong vẽ được đôi chân của mình nữa. Giá mà cô vẽ được đôi chân, thậm chí, có thể bớt một phần da thịt nào đó trên người cô, trên khuôn mặt cô cũng được, miễn là có thể đi lại được bằng đôi chân.

Sự thật vẫn là sự thật, mãi mãi Vân phải chấp nhận. Không bao giờ cô có thể được giải thoát khỏi chiếc xe lăn, trừ phi có phép mầu. Mà điều đó chỉ có trong cổ tích. Cô đã từng tưởng tượng một cổ tích, cổ tích trong thời hiện đại này. Ngày xưa cổ tích cũng có những thân phận tương tự rồi. Cổ tích chỉ cho Vân một chút niềm vui nào đó, một giải thoát nào đó khỏi buồn rầu, chứ không thật sự cho cô một đôi chân.
Hình như đã một lần em bé út của Vân nói đến chuyện hy sinh, khi bà nội nói về việc này. Hy sinh là việc làm cao cả, hiến dâng lợi ích của mình vì người khác. Con bé út nhiệt tình muốn làm điều đó. Nó muốn hy sinh vì chị. Em sẽ hy sinh một bên chân của em, để mỗi đứa có một chân, như thế, chỉ cần cái gậy, là chị em mình đều đi được. Nó muốn phép lạ xảy ra để sự hy sinh đó được hoàn tất. Vân ứa nước mắt. Nhưng Vân hiểu không thể để điều đó diễn ra được. Cô dành thời gian để nghĩ đến bức tranh về cánh đồng. Bức tranh cỡ rộng, hình vuông, mỗi chiều một mét hai. Trong đó thể hiện hình ảnh của mây, cây, hoa, lá. Lại có cánh chim và ít nhất có thêm một đôi cánh. Ðôi cánh của tuổi thơ cô. Ðôi cánh bay trên sự tật nguyền.
Cha mẹ đã dành cho Vân cả tình thương yêu, dường như là sự quan tâm lớn hơn với những đứa con khác trong nhà. Ðó là sự bù đắp cho đứa con gái tật nguyền bẩm sinh. Nhưng Vân không muốn mình sở hữu nhiều tình thương của cha mẹ hơn chị và hai em. Cô muốn sự công bằng.
Vào những ngày nghỉ, ngoài giờ đến nhà thờ tham dự thánh lễ, Vân tự lăn xe đưa mình ra đồng. Việc làm này cha mẹ không hài lòng lắm, nhưng vì chiều con, họ đã chấp nhận. Cánh đồng là nơi rất riêng, và đặc biệt là nơi Vân có thể thả hồn rộng mở. Nơi này điều gì cũng hào phóng. Tầm xa, gió, mây, mầu xanh, cỏ cây… tất cả đều không giới hạn. Vân chỉ cảm thấy mình bị giới hạn. Nhưng sự giới hạn đó sẽ được rút ngắn dần khi quyết tâm của cô mỗi lúc một mạnh. Mầu xanh của lá, là liều thuốc, sẽ khiến sự mặc cảm len lỏi vào ý nghĩ của Vân bớt đi. Còn gió thì khỏi nói rồi, cô muốn bỏ sợi thun cột ở đầu để thả tóc buông ngang vai, nó nhận được sự ve vuốt nhiệt tình của gió. Càng nhìn ngắm cánh đồng, thả hồn, cô càng thấy mình nên vẽ bức tranh với rất nhiều dự định trước đó. Không đơn giản chỉ là ghi lại một cảm nhận, và những ước mơ tung bay. Nó còn thể hiện sự chinh phục chiến thắng. Cô còn nghĩ ra sự chiến thắng bản thân mình ở những lần gặp gỡ cánh đồng tiếp theo.
Ðóng khung tranh là việc quá ư đơn giản. Chú của Vân làm thợ mộc, nên chẳng bao lâu sau khi thưa chuyện, chú đã tặng cô hẳn hai bộ khung có kích thước theo yêu cầu. Chuyện này càng làm cho cô có những nụ cười rung rinh, phần nào chắp cho cô thêm ước mơ. Cô lập tức thực hiện ước nguyện của mình – đưa khung tranh ra cánh đồng và vẽ chị gái. Tình yêu của chị, với Vân quá sâu sắc. Cô coi đó là tài sản quý.
Khi Vân đang chăm chú vẽ, có người đứng từ xa nhìn cô rất lâu. Ông ta quan sát cô gái nhỏ bé ngồi trên xe lăn, thả hồn trong một tĩnh lặng hồn nhiên để vẽ. Hình ảnh này quá ư lãng mạn. Khi Vân tạm dừng, người đàn ông tiến lại:
– Chẳng kém một người có nghề, cháu gái ạ. Ta không ngờ cháu lại vẽ đẹp thế.
Người đàn ông không ngớt lời khen. Sự hiểu biết của ông về hội họa khiến Vân cảm phục. Ông ta cũng có đồ vẽ, điều đó càng khiến tâm hồn non nớt của Vân ngạc nhiên:
– Bác cũng vẽ tranh ạ?
– Phải rồi, ta cũng mê vẽ. Chiều nay ta không thoát được sự quyến rũ giản dị của cánh đồng này.
Người đàn ông nói mình ở làng bên kia. Nụ cười và giọng nói thân thiện dường như trẻ hơn tuổi của ông đã khiến Vân bị chinh phục. Hai người làm quen với nhau. Vân gọi là bác, thấy gần gũi và đồng cảm. Một gặp gỡ tình cờ, hay là có sự sắp xếp nào của bề trên để níu hai tâm hồn một già một trẻ lại với nhau.
– Cháu vẽ gia đình mình đúng không? Bác nhận ra khuôn mặt của cháu kia. Nhưng trong đó, cháu đứng được bằng đôi chân.
– Vâng, cháu luôn có khát vọng trong giấc ngủ. Nay cháu vẽ gia đình mình đầy đủ, cháu cũng đầy đủ chân tay, không có sự khiếm khuyết nào.
– Ðó là giấc mơ giản dị. Bác hiểu tâm tư của cháu. Người như cháu dễ đồng cảm với những mất mát. Bản thân bác cũng có những mất mát không gì lấy lại được.
Bác Tốn, tên người đàn ông, đã kể về hoàn cảnh của mình. Bác có vợ, nhưng giờ đây sự cô đơn và đau khổ hằn trên trán bác. Bác bảo, rất ít người biết bác đang đau khổ, vì bác biết cất giấu nó đi.
Vân cũng đã từng muốn cất giấu nỗi buồn của mình đi. Cô đã phần nào làm được việc đó. Nhưng mỗi khi cô nhìn thấy sự sung sướng của người khác cùng với những tiện ích của đôi chân thì cô lại nhìn xuống sự tật nguyền của mình. Cô từng nghĩ, chẳng thể cứ mãi cầm chặt nỗi buồn. Cô đã từng đọc vài cuốn sách nói những vấn đề như thế, những cuốn sách dạy người ta tự tin.
Bác Tốn nói rằng bác sẽ vẽ một bức tranh về Vân và mong cô đồng ý. Sự hồn nhiên đáng yêu của cô đã cảm mến bác. Bác gọi cô là cô bé Diệp Lục. Một cô bé mang mầu xanh cho cánh đồng. Vân cười, để lộ chiếc răng khểnh trắng lóa:
– Hoàn thành bức tranh gia đình, cháu sẽ vẽ cánh đồng. Cháu muốn lưu giữ tuổi thơ mình trên đó với cánh bay, sắc mầu và không thể thiếu ước mơ. Cháu sẽ làm được đúng không bác? Lẽ ra bức tranh này cháu dự định vẽ sau, để tặng cho hạnh phúc của gia đình cháu, cũng là để cảm ơn cha mẹ. Nhưng cháu đã vẽ trước, vì muốn cha mẹ cháu vui.
Ðể cổ vũ, bác Tốn hát một bài về cánh đồng. Cảm xúc thật tươi rói và êm đềm: Tôi ôm màu xanh vào lòng/ Ôm bằng khát khao của gió/ Hôn bằng khát khao của nắng/ Và tình yêu của trái tim âm ỉ tiềm tàng trong rễ cây…
Vân vỗ tay đầy phấn khích. Còn bên kia, vài cánh chim tung tẩy vẽ mầu lên nền trời. Cô ghi nhớ không gian này, hoàn cảnh này, và cả lời hát nữa…
Một buổi sáng tỉnh dậy, căn nhà dường như im ắng hơn. Cô dụi mắt và nghe tiếng chim chí choác ngoài cửa sổ. Tự dưng cô cảm thấy mình bị thả vào một thế giới xa lạ. Cô muốn hét lên thật to, cảm thấy lồng ngực đang căng lên. Cùng lúc ấy, đứa em trai từ trên gác đi xuống:
– Chị đã đàn suốt đêm phải không?
– Không, đêm qua chị ngủ rất sớm, chị còn dậy muộn đây này.
Vân tỏ ra ngạc nhiên.
– Rõ ràng em nghe thấy tiếng chị đàn mà. Chị đàn những bài em chưa từng nghe, nó du dương và hay khủng khiếp. Em muốn vùng dậy đến bên chị, nhưng không thể nào mở mắt được.
– Vậy thì lạ thật! Có phải em đã nằm mơ không? Chị chưa bao giờ chơi bản nào mà em không biết.
Cả hai chị em đều cảm thấy sự lạ lùng diễn ra.
Tâm hồn thằng bé mong manh hơn Vân tưởng. Nó yêu tha thiết sự bình yên trong căn nhà này. Với nó, như thế là hạnh phúc. Một lần, cả bốn chị em đều nói về hạnh phúc, hay về sự sung sướng mà chúng có, trong khi tiếng đàn của Vân vẫn cất lên du dương. Theo con bé út, thì trong làng không có gia đình nào hạnh phúc bằng gia đình nó. Chị cả khẳng định điều này, phụ hoạ thêm nụ hôn cho con út. Thằng con trai nói nếu chị Vân không phải ngồi xe lăn thì mới thật sự là hạnh phúc mọi người vui nhưng chị vẫn buồn. Thằng bé nhấn mạnh những tiếng đó. Nó cần sự hoàn hảo để khẳng định một gia đình có hạnh phúc hay không. Ðến lượt Vân, cô nói rằng gia đình mình đã thật sự hạnh phúc. Vì thế không nhận được sự đồng tình của thằng em trai. Chỉ mình nó phủ nhận. Vân biết nó thương chị mà nghĩ vậy. Nhưng cô cho rằng còn nhiều người thiệt thòi hơn cô. Cuộc tranh luận không cân sức kéo dài đến tối. Bốn chị em phải nhờ cha mẹ phân xử. Cả hai đều nói rằng gia đình hạnh phúc, nếu Vân không ngồi xe lăn thì còn hạnh phúc hơn. Kết quả cuối cùng đó khiến thằng em trai phụng phịu mãi…
Vân mong gặp bác Tốn để được bác vẽ hình ảnh của mình. Cô cũng muốn vẽ bức tranh mình đã dự định bấy lâu, bức tranh về gia đình mà cô có đôi chân rất được mẹ khen, còn bố vì bận quá nên chỉ gật đầu. Chị gái ôm chặt lấy Vân bằng một tình yêu trìu mến, có cả sự dịu dàng của một nữ thánh. Năm học cuối cấp sắp kết thúc. Nghĩa là lũ bạn sẽ đi thi, mỗi đứa sẽ bay về một phương trời nào đó để học và tiến vào đời. Vân sẽ tạm biệt chúng trong nuối tiếc, khi mà cô vĩnh biệt tuổi thơ của mình. Cô sẽ bước sang tuổi mười tám với một tâm thế khác, mà chỗ ngồi thì vẫn thế.
Bức tranh về cánh đồng sẽ là bức tranh để tiễn biệt tuổi thơ. Từ đó trở đi cô phải làm người lớn. Mãi mãi ở tuổi thơ cũng không được. Cũng chẳng thể khoác tấm áo thiếu niên vào một thân thể thiếu nữ. Vân chỉ thiếu đôi chân cứng cáp để đi, còn sự hoàn thiện trải trên bề mặt thân thể cô vẫn là một công trình tuyệt đẹp. Nhiều cô gái ngồi trên xe lăn vẫn làm lãnh đạo, cũng có khả năng làm vợ và làm mẹ. Riêng điều này cô chưa từng nghĩ. Và khi cô bay trong đời bằng ước mơ đôi cánh của thiếu nữ, cô càng cần gia đình, cần tình thương. Cô rất sợ sự bình yên vốn có trong gia đình bị đánh cắp. Cuộc sống vô vàn xáo trộn bất ngờ. Chẳng thể đoán được chị gái và các em có nghĩ đến chuyện đó không, nếu một ngày hạnh phúc của gia đình bị đánh cắp, bốn chị em sẽ sống ra sao.
Một buổi chiều gió trên đồng xanh. Bức tranh khổng lồ là cánh đồng có hai chấm nhỏ là hai con người một trẻ một già. Họ đang sống với đam mê. Vân ngồi vẽ bức tranh của mình, còn bác Tốn vẽ Vân. Hình ảnh Vân hiện lên nhanh chóng trong khung tranh của bác. Một cô gái tóc xõa đang lao động nghệ thuật. Vân dừng tay, cả hai bác cháu cùng nhìn và cười. Vân thốt lên vì những nét vẽ tài tình. Nhưng càng ngắm, thì cả hai cùng nhận ra nó còn thiếu một cái gì đó. Ðúng là chưa có cái thần thái thật sự, Vân khẳng định. Bác Tốn bắt tay vào sửa. Ðến khi mặt trời xuống, bác Tốn vẫn chưa sửa xong. Ðành phải mang về, định hoàn thành vào chiều hôm sau. Nhưng hôm sau Vân mệt. Vân mệt cả mấy ngày hôm sau nữa. Ðến ngày thứ tư cô mới rời được nhà và đẩy xe ra cánh đồng. Cô gái Diệp Lục hào hứng hoàn thành bức tranh rộn ràng mầu sắc, có đôi cánh chiến thắng tật nguyền để bước vào thời thiếu nữ.
Bác Tốn đã đợi từ lâu. Bác nói những ngày qua bác không bỏ một buổi chiều nào, nhưng không thấy cô. Sự thật là bác chưa chỉnh sửa được khuôn mặt cô gái trong tranh. Hôm nay bác muốn làm việc đó. Khó khăn thay, chẳng thể hoàn thiện cái thần thái trên khuôn mặt thanh xuân kia. Cả hai cùng thấy lạ. Vân xin phép được chỉnh sửa thay bác. Và bỗng nhiên, chỉ bằng vài cái đưa tay thì nụ cười tiềm tàng và đôi mắt biết nói đã là sở hữu của cô gái. Ðó là Vân. Không chê vào đâu được nữa. Tuyệt vời! Bác Tốn reo lên. Thiên thần cũng chỉ đẹp đến thế!
– Bác đã già rồi, nét vẽ của bác đã khô cứng. Cháu giỏi lắm, cô bé Diệp Lục ạ! Cháu đã làm cho bức tranh hiện lên sắc mầu thanh xuân và tâm hồn tuổi trẻ. Ta cỗi rồi, cỗi thật sự rồi.
– Bác đừng nói thế, cháu chỉ nghĩ gì vẽ nấy thôi.
Trong mầu xanh diệp lục, họ bắt tay nhau.
Bức tranh của Vân cũng được hoàn thành không lâu sau đó. Mầu mực non rấp rính. Một bức tranh với những mầu sắc hòa quyện, cân đối. Cô hóa thân tâm hồn thành một cánh chim quệt ngang bầu trời, mầu ước mơ nhưng nhức trên tranh.
Ðó là một niềm vui lớn của sự thành công lớn. Này đây, ta sẽ vào thời thiếu nữ, sẽ bước vào đời với một tâm hồn không hề tật nguyền. Ta sẽ là người có ích. Một ước muốn hoàn toàn cao đẹp. Bác Tốn đọc được ước muốn đó trên bức tranh trong trẻo này. Lời tạm biệt dù không muốn cũng phải nói. Vân lăn bánh về nhà. Hoàng hôn buông đuổi phía sau bằng mầu của ánh mặt trời yếu ớt.
Trời nhá nhem. Cha mẹ đã về và đang to tiếng. Ðiều đó như một sự vô tình. Vậy là bao nhiêu giấu giếm giờ đã bị phơi ra. Vân không động đậy, cứ đó lắng nghe, nghe hết. Một thông báo về sự tan vỡ. Vân thấy ớn lạnh trong thế giới của mình, thế giới mà chỉ có mầu hồng, tiếng cười và niềm vui.
–  Có giỏi cô cứ mang con bé đi theo thằng đó. Ðừng bao giờ về cái nhà này nữa. Tôi chấp nhận thế là đủ rồi. Sao hắn không về và mang con bé tật nguyền, sản phẩm của sự chung chạ vô liêm sỉ đó đi. Hắn có coi con bé là con không? Hắn đã để kẻ này phải chịu hậu quả.
Thế là quá đủ cho sự sụp đổ một tâm hồn non bấy và trong trẻo. Vậy mà họ đã bưng bít tất cả, để rồi đớn đau này bùng lên, làm sao khỏa lấp. Sự bưng bít bị tan vỡ này cho Vân tiếp tục những suy nghĩ khác. Ðây chắc chắn không phải lần đầu tiên cha mẹ cãi nhau. Ðể giấu bốn đứa con, họ phải âm thầm cãi nhau, âm thầm chịu đựng.
Bức tranh được chằng vào sau xe lăn, chỉ một luồng giận dữ vụt đến, đủ để nó bung ra và rơi phịch xuống. Vân quay đầu xe. Và bắt đầu lao đi.
Những ngôi sao sớm đã kịp dán lên nền trời. Gió hào phóng ùa qua vai, qua khuôn mặt giàn giụa nước mắt.  Không cần đắn đo, cô thả cho xe lăn xuống dốc. Cảm giác mình đang bay, bay từ niên thiếu vào thiếu nữ. Trong chốc lát cô chỉ còn là cơn gió, một cơn gió có thể bay chứ không bước đi được bằng chân. Cô nghe tiếng cha đuổi theo, khản đục đập vào bóng đen, trước khi cô đặt chân vào một thế giới khác.
/