Vài cảm nhận về đất nước và con người Hàn Quốc – Phạm Ngọc Hiền

Mở đầu

Hàn Quốc là quốc gia phát triển với nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nổi tiếng về điện ảnh, ca nhạc… Rất nhiều người Việt Nam chỉ biết Hàn Quốc qua phim ảnh và muốn có một lần du lịch xứ Hàn. Tôi đã thực hiện ước muốn đó khi cùng với các đồng nghiệp trong cơ quan đến Hàn Quốc vào tháng 7 năm 2024. Sau đây là đôi điều trải nghiệm và suy ngẫm từ góc nhìn cá nhân của một người đi Hàn Quốc lần đầu.

1. Giao thông Hàn Quốc

Trong xã hội hiện đại, du khách thường nhìn vào tình hình giao thông để đánh giá trình độ văn minh của một nước. Cũng như nhiều quốc gia phát triển khác, Hàn Quốc không có cảnh xe máy chạy hỗn loạn ngoài đường. Thỉnh thoảng, ta cũng thấy vài người cưỡi xe máy có gắn một thùng nhỏ phía sau. Họ là những người giao hàng hóa nhỏ lẻ. Trên đường phố rộng rãi, có rất nhiều ô tô. Xe bus có làn đường riêng và điểm đón khách có thể nằm ở giữa đường. Tài xế xe bus không cần hú còi ầm ĩ “xin lỗi đã làm phiền khi ra vào trạm”. Có người nói:  thực ra, xe bus là xe trung chuyển giữa các trạm tàu điện và là phương tiện đi ra vùng ngoại ô. Hệ thống tàu điện ngầm Seoul vào loại bận rộn nhất thế giới, với hơn 8 triệu khách mỗi ngày. Vì người ta tập trung đi tàu điện ngầm nên ít đi trên đường phố. Xe cộ có thể đi nhanh và ít tai nạn giao thông.

Trông người mà ngẫm đến ta. Có một thời, ta xem xe máy là biểu tượng của sự giàu sang. Năm 2000, nhiều người Việt Nam vẫn tự hào xứ mình giàu có do có nhiều xe máy tràn ngập các đường phố. Đến 2020, khi nghe tin sẽ hạn chế xe máy ở Sài Gòn, Hà Nội, nhiều người vẫn thắc mắc: “Nếu không có xe máy thì người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì ?”. Những người hoạch định chiến lược giao thông Việt Nam hiện nay chắc đã ra nước ngoài nhiều và nhận thấy chẳng có quốc gia nào tự hào vì có nhiều xe máy chen chúc nhả khói bụi trên đường. Xe máy là “đặc sản” của Việt Nam nhưng có những đặc sản không đi liền với sự phát triển. Nhiều du khách nước ngoài rất ngạc nhiên về kỳ quan xe máy Việt Nam. Nhưng họ chỉ đến trực tiếp ngắm kỳ quan này một lần thôi và không bao giờ trở lại.

2. Nhà cửa Hàn Quốc

Từ sân bay quốc tế Incheon đến đảo Nami (tỉnh tự trị Gangwon) khoảng trên 100 km. Xe chạy nhiều tiếng đồng hồ qua địa hình đồi núi điệp trùng. Hai bên đường, rất ít thấy những căn nhà nhỏ nằm rải rác. Người dân các tỉnh lẻ thường sống tập trung ở các thị trấn, thị tứ. Nơi ấy, mọc lên các tòa chung cư cao tầng với đầy đủ tiện nghi. Người nông dân thích ở trong các khu chung cư ấy để hưởng những tiện ích như dân thành thị. Có thể nói Hàn Quốc đã hoàn thành quá trình đô thị hóa với trên 80 % dân sống ở đô thị. Ý tưởng đô thị hóa nông thôn có lẽ đã bắt đầu tiến hành từ những năm 1960 với việc thành lập các “khu trù mật”. Các khu dân cư tập trung này trở thành thị trấn. Ngày nay, tính đô thị đã lấn át tính nông thôn. Và ta có thể nói: Chính quyền Hàn Quốc là chính quyền đô thị, điện ảnh Hàn Quốc mang tính chất đô thị, hoặc văn học đô thị Nam Hàn…

Giữa thế kỷ XX, thành phố Seoul có rất nhiều khu ổ chuột. Trong chiến tranh, nhiều nơi bị bom san phẳng. Người ta quy hoạch lại các khu ấy theo hướng đô thị hiện đại. Ngày nay, những căn nhà lụp xụp đã được thay thế bằng các khu chung cư cao tầng. Người ta sử dụng triệt để không gian dưới mặt đất. Tầng hầm được dùng để làm bãi đậu xe ô tô, hoặc nhà hàng, cửa hàng… Ngày nay, người ta coi trọng hình thức mua bán qua mạng và làm việc online. Bởi vậy, không nhất thiết mọi người phải tràn ra đường đi tung tăng gây tắc nghẽn giao thông. Và khi chúng ta thấy một thành phố ít người chen chúc ngoài đường thì không có nghĩa là thành phố ấy không phát triển.

3. Các khu du lịch giải trí

Hàn Quốc có rất nhiều khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí. Nhưng chúng tôi chỉ cưỡi ngựa xem qua một vài địa điểm. Về cơ bản, các nơi này cũng không khác nhiều so với Việt Nam. Hầu như tour du lịch nào đến Hàn cũng ghé đảo Nami. Ban đầu, nghe nói đến “đảo”, tôi cứ tưởng khu du lịch này nằm giữa biển. Nhưng thấy xe cứ chạy sâu vào đất liền, xung quanh đồi núi điệp trùng. Đến khi lên phà, mới hiểu đây là cù lao nằm giữa sông Bắc Hán. Phong cảnh trên “đảo” rất đẹp và nổi tiếng vì làm bối cảnh cho phim “Bản tình ca mùa đông”. Có người nói: Ở vùng ven Sài Gòn, cũng có khá nhiều cù lao rộng như thế này nhưng mình chưa khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Tôi nghĩ, người Việt Nam nhìn xuống mặt đất chỉ nghĩ đến việc phân lô bán nền chứ ít ai nghĩ đến việc trồng cây đợi ngày đón khách.

Công viên giải trí liên hợp Everland cũng khá hoành tráng. Xem qua các hạng mục và đi dạo vài chỗ, tôi thấy nó cũng na ná như khu du lịch Bà Nà, Suối Tiên, Thảo Cầm Viên… Chỉ khác là ở đây có một khu dành cho gấu trúc. Khách du lịch đổ về khu này nhiều nhất. Dưới trời mưa, dòng người xếp hàng dài dằng dặc để vào xem gấu trúc. Khách vào đến nơi chỉ được đứng ngắm và chụp hình gấu trúc trong vài phút. Rồi nhân viên giăng dây đưa họ ra ngoài để cho đoàn khác vào. Trong các cửa hàng, cũng có khá nhiều nơi trưng bày gấu bông. Có thể thấy sở thích gấu trúc của người Hàn Quốc qua hàng loạt bài trên mạng, ví dụ: “Gấu trúc Phúc Bảo vì sao trở thành ‘idol’ ở Hàn Quốc?”, “Vì sao người Hàn Quốc phát cuồng vì một con gấu trúc”…

Chúng tôi đến thăm núi Namsan, được xem là biểu tượng của Seoul. Từ núi này, có thể nhìn bao quát cả thành phố. Thủ đô Hàn Quốc nằm trên địa hình đồi núi nhấp nhô. Ở Việt Nam, các đô thị lớn đều nằm ở đồng bằng. Địa hình bằng phẳng sẽ dễ dàng cho việc xây dựng nhà cửa và đường xá. Phần lớn địa hình Hàn Quốc là đồi núi, việc xây dựng các công trình sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng vượt qua các khó khăn ấy, người Hàn Quốc đã xây dựng nên các tòa nhà cao và những con đường rộng, đẹp, nhiều tầng… Chợt nhớ câu thơ của Phan Bội Châu: “Ví thử đường đời bằng phẳng cả / Anh hùng hào kiệt có hơn ai”.

4. Các di tích lịch sử

Khách du dịch đến Seoul thường vào thăm cung điện Gyeongbok. Cung điện này được xây dựng năm 1395, từng bị tàn phá trong nhiều cuộc chiến tranh. Qua các thời kỳ, chính phủ đều có ý thức bảo tồn, tu bổ lại. Khi đến đây, du khách được thuê trang phục truyền thống Hàn Quốc. Phụ nữ mặc váy xòe, đàn ông mặc áo dài của trí thức, quan chức ngày xưa. Họ đứng chụp hình bên cung điện cổ kính, lưu giữ những hình ảnh đẹp và mang bản sắc Hàn Quốc. Cung điện Gyeongbok không rộng lớn và đồ sộ bằng cung điện Huế. Vì cung điện Huế được xây dựng sau đó 5 thế kỷ và ít bị chiến tranh tàn phá. Một số công trình của quần thể cung điện Huế đã được xây bằng xi măng của Pháp nên giảm bớt vẻ thuần phác cổ điển.

Ở khu Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc, người ta phục dựng các căn nhà theo kiểu truyền thống. Bên trong viện bảo tàng chứa hơn 400 hiện vật cổ. Do thời gian không nhiều nên chúng tôi chỉ vội chụp hình, đi lướt qua chứ không có dịp dừng lại suy ngẫm từng hiện vật. Vả lại, nhiều hiện vật cũng giống Việt Nam. Vì cả hai nước đều chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Rất tiếc là ở Hà Nội ngày nay, không còn những khu phố cổ theo đúng nghĩa là… cổ. Ngày nay, chỉ còn lại vài chỗ ở Hội An vẫn còn dấu cổ. Hàn Quốc vẫn còn nhiều khu phố cổ. Điển hình như làng cổ Bukchon Hanok giữa thủ đô. Nơi đây vẫn còn lưu lại kiến trúc thành thị hơn 600 năm trước. Việc bảo tồn các công trình cổ như vậy rất cần thiết. Đi du lịch mà không đến các di tích văn hóa lịch sử thì có cảm giác như chỉ được ăn chơi chứ không được học hỏi.

5. Các công trình hiện đại

Seoul là thành phố hiện đại nên các công trình xây dựng theo kiến trúc hiện đại cũng nhiều. Nhưng chỉ có các thổ địa mới biết rõ mọi ngõ ngách, nhà cửa ở đây. Khách du lịch chỉ có thể biết được vài công trình do hướng dẫn viên giới thiệu. Đoàn chúng tôi có tới Quảng trường Quảng Hòa Môn (Gwanghwamun). Nơi đây có tượng đài vua Sejong và tướng Lee Soon Shin. Giữa trùng điệp các tòa nhà cao tầng ở thủ đô, xuất hiện con suối nhân tạo dài gần 6 km. Suối Thanh Khê Xuyên (Cheonggyecheon) nước trong vắt, róc rách chảy như một bản nhạc thiên nhiên giữa phố xá xô bồ. Chúng tôi đi ngang Phủ Tổng Thống Hàn Quốc (còn gọi là Nhà Xanh – Blue House) và chỉ đứng trước cổng chụp hình. Xung quanh Phủ không thấy lính tráng gì. Nhưng có lẽ mọi hoạt động của du khách đều được ghi hình cả.

Chúng tôi có dịp đi ngang trường Đại học Quốc gia Seoul. Trường này gồm 24 trường thành viên và hơn 30.000 sinh viên theo học mỗi năm. Hướng dẫn viên du lịch cho biết trường này rất rộng, từ khoa này sang khoa kia phải đi bằng xe bus. Điều này làm tôi liên tưởng đến diện tích rộng mênh mông của khu làng Đại học Quốc gia TP.HCM. Trường đại học thứ hai ở Seoul mà tôi đến là trường Nữ sinh Ewha. Đây là trường đại học tư thục, được thành lập vào năm 1886. Trường có kiến trúc đẹp và lạ mắt. Chúng tôi vào thư viện của trường xem trưng bày các hiện vật về phụ nữ truyền thống. Từ cổng trường đến thư viện, giảng đường, công viên, không hề thấy bóng dáng của bảo vệ. Khách du lịch có thể tự do đi dạo khắp nơi, tùy thích.

6. Mua sắm và ăn uống

Hàn Quốc là nước công nghiệp phát triển nên các trung tâm thương mại cũng rất nhiều. Chúng tôi được tự do đi dạo chợ đêm Myeongdong. Hướng dẫn viên du lịch cũng đưa đến các trung tâm mua sắm như: Trung tâm nhân sâm Chính phủ, cửa hàng miễn thuế (Duty Free), khu mua sắm Everland, siêu thị Myengpum, Cửa hàng nông sản, tinh dầu thông đỏ… Hàn Quốc rất phát triển công nghiệp mỹ phẩm. Người Việt thường hay nói: “Đẹp như diễn viên Hàn Quốc”. Thực ra, các diễn viên này đã tu sửa mắt mũi khá nhiều. Diễn viên Việt Nam đã đẹp sẵn nhưng không ai nói: “Đẹp như diễn viên Việt Nam”. Vì điện ảnh Việt Nam không có thương hiệu thế giới.

Kim chi là món ăn phổ biến nhất ở Hàn Quốc. Nghe nói trong gia đình ở Hàn có nhiều tủ lạnh, trong đó, có một tủ dành để chứa kim chi. Trong các nhà hàng đều có món kim chi. Khách nào muốn ăn thì tự tới quầy gia vị lấy. Qua lời bàn tán của mọi người, tôi thấy có vẻ các món ăn truyền thống ở Hàn Quốc cũng không có gì đặc biệt. Có lẽ người Hàn Quốc không quan trọng hóa chuyện ăn uống nên không sinh ra các thủ tục ăn uống cầu kỳ. Tuy vậy, cùng với sự bành trướng kinh tế và nghệ thuật giải trí, một số món ăn Hàn Quốc đã lan tỏa ra nước ngoài. Ở Việt Nam, có nhiều khu phố ẩm thực Hàn Quốc ở các thành phố lớn và có hệ thống cửa hàng ẩm thực Hàn Quốc ở các tỉnh.

Mỗi lần tới trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn… tôi gặp khá nhiều người Việt. Hướng dẫn viên du lịch thường giới thiệu tới các trung tâm mua sắm có nhiều người Việt làm ở đó. Các cô nhân viên bán hàng thường nói giọng Bắc du dương trầm bổng. Các cô nhắc đi nhắc lại là mặt hàng chất lượng này không có ở Việt Nam nên cần mua ngay tại Hàn Quốc. Nhưng tôi cho rằng thứ gì ở Sài Gòn cũng có. Giữa xứ lạ, thấy một người nói tiếng Việt hoặc một bảng có ghi chữ Việt bỗng thấy ấm lòng. Có lần, vào thang máy khách sạn, tôi gặp một cụ già. Tôi bỗng buộc miệng hỏi: “Bác là người Việt Nam hả ?”. Ông cụ có vẻ loãng tai, hỏi lại: “Sao ?”. Tôi không hỏi nữa vì đã biết cụ là dân nước nào rồi.

7. Ngôn ngữ và nghệ thuật

Chữ Hàn Quốc (Hangul), thoạt nhìn bề ngoài có vẻ giống loại chữ tượng hình mượn của Trung Quốc. Nhưng thực ra, nó là chữ ghi âm, được vua Sejong sáng lập đầu thế kỷ XX. Và vì ra đời muộn nên nó được xây dựng trên một cơ sở khoa học bài bản, có tính logic cao. Chữ Hàn Quốc rất dễ học nên lôi cuốn được nhiều người nước ngoài học tiếng Hàn. Chữ quốc ngữ Việt Nam ra đời vào cuối thời trung đại và có thời gian dài phát triển tự do, không nhất quán cách ghi âm. Từ sau 1945, có rất nhiều người đặt vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ. Nhưng mỗi lần đưa vấn đề này ra bàn là mỗi lần tranh cãi ầm ĩ, cuối cùng cũng không đi đến đâu…

Người Hàn Quốc hình như có năng khiếu về mỹ thuật. Các công trình kiến trúc nhà cửa, đường phố của họ rất đẹp. Các bảng hiệu thích dùng các màu sắc tương phản gây chú ý. Họ có xu hướng dùng màu đen nhiều hơn. Trang trí bàn ghế, xe đạp, quần áo… thường dùng màu đen. Trên mặt đường, các lằn gạch hướng dẫn giao thông cũng đủ màu sắc rực rỡ. Ngoài mỹ thuật, người Hàn còn thích nghệ thuật trình diễn, nhất là ca múa nhạc. Sự nổi tiếng của các ban nhạc Hàn Quốc đã cho thấy điều đó. Nói chung, họ thích những loại hình nghệ thuật có thể thưởng thức bằng mắt. Và hình như người Hàn Quốc không có năng khiếu về thơ. Văn chương Hàn Quốc cũng ít có những tên tuổi nổi bật.

Năng khiếu mỹ thuật của người Hàn Quốc còn được thể hiện qua loại hình nghệ thuật Painter Show. Đây là chương trình nghệ thuật kết hợp nhiều loại hình như: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, vũ điệu, sân khấu, điện ảnh, văn chương. Trong kịch bản, có cả kịch hài, kịch câm, kịch cương. Ngoài các đặc điểm truyền thống, sân khấu còn được bổ sung công nghệ hiện đại. Trước đây, người ta thường nói điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp. Nhưng xem sân khấu Painter Show, cũng có thể nói lại: sân khấu hiện đại là loại hình nghệ thuật tổng hợp. Tôi được xem một buổi biểu diễn Painter trên sân khấu. Chỉ khi gần kết thúc vở diễn, người ta mới cho phép quay phim chụp hình.

8. Vài liên hệ tới Việt Nam

Trong thế kỷ XX, Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều mối liên hệ. Thời chiến tranh, Nam Triều Tiên nằm trong khối liên minh với Nam Việt Nam. Chính phủ Đại Hàn dân quốc đã xây dựng nhiều công trình ở Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là xa lộ Đại Hàn ở Sài Gòn. Ký túc xá trường Sư phạm Quy Nhơn cũng do Đại Hàn xây dựng. Trước năm 2000, nó được xem là ký túc xá đẹp nhất Việt Nam. Tôi đã từng ở ký túc xá đó 4 năm.

Lính Đại Hàn có mặt ở Việt Nam trong khoảng 10 năm (1964 -1973). Họ xây dựng đồn Cầu Cháy cách nhà tôi 1 km. Tôi nghe người lớn kể lại rất nhiều câu chuyện về lính Đại Hàn. Vui cũng có mà buồn cũng có. Thời đó, Nam Triều Tiên nghèo hơn Nam Việt Nam. Ở nông thôn Tuy Hòa quê tôi, thanh niên đã bỏ xe đạp để cưỡi xe Honda 67 đi tán gái. Nhưng một số anh lính Hàn không biết đi xe đạp, phải nhờ lính Việt dạy dùm. Nhiều mối tình trai Hàn gái Việt nảy nở. Từ đó, sinh ra những người con lai Việt – Hàn thế hệ đầu tiên. Đầu thế kỷ XXI, Hàn Quốc trở nên giàu có. Nhiều cô gái miền Tây Nam Bộ lấy chồng Hàn Quốc. Nhiều thanh niên Bắc Trung Bộ sang Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động. Sinh viên Việt Nam sang Hàn Quốc học tập ngày càng nhiều. Một số người ở lại Hàn Quốc làm việc và lập gia đình. Họ đã kết nối tình hữu nghị Việt – Hàn. Hơn 30 năm qua, hình ảnh các diễn viên Hàn Quốc đã quá quen thuộc trong mắt khán giả truyền hình Việt Nam. Rồi ca nhạc Hàn Quốc cũng làm say lòng các bạn trẻ Việt Nam. Hàng hóa của Hàn Quốc cũng được bày bán khá nhiều ở Việt Nam. Một số món ăn Hàn, mỹ phẩm Hàn cũng được nhiều người Việt ưa chuộng. Giữa hai nước có rất nhiều mối quan hệ thân thiết.

Lời kết

Thuở nhỏ, tôi đã từng biết đến lính Đại Hàn qua những lời kể của xóm làng. Thời thanh niên, tôi biết Hàn Quốc qua phim ảnh, báo chí. Và ngày nay, tôi cũng thường mở YouTube để “tham quan” thế giới. Nhưng phải đi du lịch trực tiếp mới nhận thức sâu sắc hơn những điều mới mẻ về cuộc sống đa dạng. Đối với tôi, việc đi du lịch chủ yếu là để tìm hiểu thêm những cái lạ của xứ người mà qua đó nhận thức thêm những ưu và nhược của xứ mình. Du lịch cũng là hình thức học tập và trải nghiệm.

Phạm Ngọc Hiền

Mời bấm vào đây xem tất cả hình ảnh minh họa

Một số hình ảnh tiêu biểu:

.

Vannghemoi.com.vn − 10:46, ngày 18/08/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền