“Tìm hiểu văn hóa ăn uống của người Việt Nam, một lần nữa, và một lần nữa ta lại thấy người xưa coi trọng vai trò triết lý âm dương thủy hoả trong việc tổ chức vũ trụ và đời sống con người biết chừng nào.” (GS. Trần Ngọc Thêm)
Trà là một loại thức uống có lịch sử rất lâu đời, được phổ biến rất rộng rãi trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, trà có mặt ở trong từng mỗi một gia đình trên khắp mọi miền đất nước.
Sự kỳ diệu và hấp dẫn từ những lá trà, đã tạo thành một loại đồ uống không thể thiếu và lôi cuốn nhất trong cùng một số loại thảo mộc khác được ưa chuộng gần như trà hoặc sử dụng thay trà. Trà là một loại thức uống không giống bất kỳ một thứ nào khác. Do đó, từ việc sản xuất đến nghệ thuật chế biến và sử dụng trà đã diễn ra nhiều ngàn năm qua.
Trà là một loại thảo mộc duy nhất, có tên khoa học là Camellia sinensis thuộc họ Theaceae. Tuy vậy, cây trà còn mang nhiều tên khác như: Thea viridis, Thea sinensis, Thea bohea, Camellia theifera, Camellia thea và Camellia bohea.
Trà Camellia sinensis là loại thảo mộc mọc bụi lá xanh, hoa chùm cánh trắng nhụy vàng. Đây là là nhóm thảo mộc bản địa được trồng nhiều ở phía Nam Trung Hoa, Bắc Việt Nam, Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia…Tuy nhiên vẫn còn nhiều loại cây trà thân mộc lớn được thu hái, chế biến sử dụng từ rất lâu đời ở phía bắc Việt Nam như trà San Tuyết, Mã Dọ ở Phú Yên…
“Kế sống sơn tăng trà ba mẫu
Sinh nhai ngư phủ trúc một cần”
(Thơ văn đời Nhà Lý)
Sự khác biệt hương vị của các loại trà chủ yếu là do kết quả thu hái, chế biến khác nhau; sách An Nam chí lược chép: “Tháng 5 năm thứ 8 niên hiệu Khai Bảo (Tống Thái tổ 975), Đinh Liễn (Nhà Đinh) tiến cống vàng, lụa, sừng tê, ngà voi, trà thơm”, vậy Việt Nam đã có trà thơm từ hơn nhiều ngàn năm trước.
Sự khơi nguồn huyền thoại đã bắt đầu từ hơn năm ngàn năm trước, mà tổ tiên chúng ta đã hái trên cây thảo mộc nào đó (có lẽ là phụ nữ) ủ nấu với nước sôi dùng làm thức uống, mà chúng ta hôm nay gọi là cây trà (Camellia sinensis). May mắn đó, đã làm thay đổi thế giới, lịch sử văn hóa loài người đã mở ra một trang mới. Lý thuyết khoa học có trước truyền thuyết, có lẽ câu chuyện đó đôi khi cũng vẫn cứ xảy ra. K. Jelinek, chủ bút của Bách khoa toàn thư có minh họa về người tiền sử (1978) cho rằng, những lá trà đầu tiên được thu hái sử dụng vào thời Đá cũ cách đây hơn 5000 năm. Qua bằng chứng khảo cổ, loại trà Camellia sinensis (nguồn gốc của tất cả các loại trà, bao gồm trà xanh, trà trắng, trà đen, trà ô long…) được người tiền sử Homo erectus ( ở phía nam Trung Hoa) có niên đại khoảng hơn 3000 năm TCN thời vua Thần Nông.
Trà và những ứng dụng về y học về một loại thức uống có vị đắng, chát, trà được sử dụng để chữa hầu hết các loại bệnh, bao gồm những bệnh về mắt, thị lực yếu, những bệnh ngoài da, lở loét, thấp khớp…các vấn đề về tiêu hoá, thận, phổi và thần kinh. Trà là một trong những biệt dược hữu ích. Các tác giả Thần Nông dược lý đánh giá rất cao vai trò dược lý của trà trong dược thư của họ. Các tác giả của Dược thảo kinh điển cũng công bố rằng: uống trà có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật và các vấn đề y lý xã hội và trà nóng không mang theo mầm bệnh. Trà tốt hơn rượu, bởi trà không dẫn đến say, không nóng tính, đánh rơi lý trí phẩm hạnh, nói năng bất tổn và làm điều dại dột dẫn đến rủi ro, có thể nguy hại đến thân thể, tính mạng.
Sự phát triển loại đồ gốm sứ ký kiểu đạt chất lượng thượng hạng và đặc biệt sử dụng riêng cho trà; hầu hết được chế tác ở Trung Hoa và Việt Nam vào thế kỷ XVIII – XX. Và còn có một nhóm đồ gốm xưa dùng riêng cho trà được chế tác bằng đất sành Chu Sa (loại bình ấm sứ không chế tác loại nhỏ để độc ẩm hoặc song ẩm). Bình ấm chu sa có 3 loại quí:
“Thứ nhất Thế Đức chu sa
Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”
Trà và thực phẩm trong văn hoá ẩm thực luôn là ứng dụng khoa học, được kết hợp hoàn hảo, Tuy nhiên phần lớn còn phụ thuộc vào sở thích và sự khoái khẩu của mỗi cá nhân. Những loại trà khác nhau sẽ có ý vị tuyệt hảo khi được kết hợp với những loại thực phẩm phù hợp hay theo mùa vụ và thời gian, không gian khác nhau đáng kể như:
– Trà Xanh nguyên vị các loại dùng với các loại thủy hải sản và gạo, hoặc dùng trà để cân bằng các loại thực phẩm giàu Natri.
– Trà Ô long với các loại thủy hải sản nhuyễn thể, các loại giáp xác như tôm, cua, ốc,…
– Trà Đen với các loại thịt
– Trà Phố Nhĩ với các loại gia cầm
– Trà Ô Long với các vị cay, nóng
– Trà Lài, trà Sen, Tìm sen, Hoa Cúc với phong vị ẩm thực tinh tế.
Ngoài ra còn nhiều loại trà khác nữa:
– Trà Tươi, ủ nóng hơi bốc lên mắt mũi tạo cảm giác sảng khoái, ấm bụng, đây là món giải khát thanh nhiệt lành mạnh và rẻ tiền.
– Trà Nụ ướp sen hoặc sói, pha với hạt nguyệt quế uống rất thơm ngon, tiêu thực, giải cảm.
– Trà Mạn hương thơm mát, ngọt vị, không chát; trà mạn sen là loại ưa dùng.
– Trà Hồng Mai có màu hồng nhạt, uống có vị thanh đạm, bình ổn
– Nước Quế (dùng vỏ phơi khô)mùi thơm dịu, vị cay ngọt, tiêu thực, để lâu càng tốt.
Từ giữa thế kỷ thứ IV – IX trà đã được trồng và thu hái sử dụng trong dân gian, đặc biệt hơn nữa đến thế kỷ XVIII – XX là thời kỳ cực thịnh của Trà Việt. Xưa từ Phú Yên (trà Mã Dọ) cho đến địa đầu đất nước (Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn) đều có cây trà trong tự nhiên, và được nhân giống trồng khắp nơi trên miền Bắc ở Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái; ở Cao Nguyên Lâm Viên trà cũng được trồng tập trung ở Cầu Đất, Di Linh, Bảo Lộc…Mỗi dòng trà mỗi khác, nhưng có thể gộp thành 4 nhóm: Hồng Trà (nước đỏ), Lục Trà (nước xanh), Ô Long trà (nước đỏ nhẹ, phá màu vàng nhạt), Chuyên Trà (màu đỏ); trà Liên Tâm thuộc loại Lục trà, có loại thiên về hương, có loại chuộng về vị. Tuy nhiên, trà là loại nước uống rất kén nước dùng để nấu và pha, ủ trà.
Phong vị Trà hương quê là cái thú chơi tao nhã và thanh đạm có pha chút phong lưu trong sự chuyên chú đến nghệ thuật pha chế với đặc tính chăm chút, nhẹ nhàng khoan thai với lụa điều, khay gỗ trắc chân quỳ…đĩa dầm, chén tống, chén quân mỏng tang, tráng men ký kiểu cùng với bộ bình Sa chu song ẩm.
“Trà ơi! Còn nước là vinh hạnh,
Cháy lưỡi khô môi thảm những ai.”
(Thơ Gọi trà của Phan Bội Châu)
Thay lời kết:
Trải lòng với nhau là đáng quí. Tỏ thái độ thân thiện với nhau là điều đáng trân trọng. Và, mọi sự thẩm nhận trong giao tiếp văn hóa ứng xử, thẩm mỹ, ý thức cộng đồng xã hội…đều được thể hiện qua chén trà, chung rượu đã trở thành phổ biến (cũng như văn hóa mời trầu). Mời trà và bàn nước là nét văn hoá ứng xử thuần khiết nhưng rất độc đáo…Để sau tất cả, chúng ta đều thẩm nhận ra rằng Trà là một thứ đồ uống tính tế nhưng giản dị, thanh đạm mà tao nhã, đã và đang tác động sâu sắc đến cả thế giới loài người về mọi mặt, từ lịch sử văn hoá đến chính trị kinh tế xã hội và khoa học nghệ thuật…Để nhận ra rằng, Trà một thứ đồ uống đã được phổ biến rộng rãi đầy quyền lực, đậm tính triết lý nhân sinh.
Phú Hanh