Chuyện cái lu cái khạp – Phan Thanh Tâm

Nói đến cái lu cái khạp, thì ai cũng biết công dụng của nó, là đựng nước mưa để uống của những người dân nhà quê; nhưng nói đến cái lu cái khạp, được để ở bên đường, có đậy nắp và treo cái ca, thì nó cũng có lịch sử lâu đời, gắn liền với thời khai hoang lập ấp của xứ Nam Bộ xưa.

Năm 1897, người Pháp mới bắt đầu cho xây dựng con đường từ Bạc Liêu đi Cà Mau, dài khoảng 62 km, bằng cách cưỡng bức người dân đi làm “xâu”. Mỗi người dân phải đắp 14m đường chiều dài, chiều cao 0,5m, còn phải hầm 7m3 đất nung thật chín. Con đường được làm từng đoạn, ngang tổng nào thì dân tổng ấy làm.

Làm xong con đường đất Bạc Liêu đi Cà Mau, người Pháp cùng Hội đồng tề phân lô bán đất và cấp phát cho dân. Người dân đổ xô về canh tác đất ở hai bên đường, ngày một nhiều, rồi lập nên làng ấp. Thời ấy chưa có xe cộ, đường sá như bây giờ, nên việc đi lại rất khó khăn. Kể từ khi có con đường đất, việc đi lại khá thuận tiện. Dân canh tác, khẩn đất, cất chồi dựng lều ven hai bên đường lộ. Còn nước cho sinh hoạt, thì chứa ở lu ở khạp. Khách bộ hành có khát nước thì ghé xin chén nước uống, nghỉ ngơi giây lát rồi đi. Khi làng ấp được ổn định, những gia đình tử tế, họ đặt cái lu, cái khạp dưới tán cây có bóng mát, hoặc ở trước hiên nhà dành riêng cho khách bộ hành. Theo như ngày nay, ai có dịp về miệt Đồng Tháp thì thấy xa xa, theo trục lộ giao thông, vẫn còn hình bóng cái lu cái khạp chứa nước ngọt, được đặt để ở bên ven đường.

Theo Nhà báo, nhà văn Phạm Hoan Anh (Cà Mau): Ngày xưa trên con đường làng Bạc Liêu – Cà Mau, người đi đường thường gặp cái lu da bò đựng nước mưa, đặt ở hiên nhà hay gốc cây trước nhà. Khạp lu được đậy nắp cẩn thận, có treo cái gáo dừa gắn cán tre để múc nước uống…. Khạp nước da bò – nay không còn, bây giờ người đi xe máy thường mang theo chai nước lọc để uống hoặc nằm nghỉ ở quán cà phê võng.

Ngày nay ở Bạc Liêu vẫn còn giữ truyền thống ấy, không phải cái khạp cái lu, mà thay thế nó bằng bình nước lọc, bình trà đá, bình nước sâm mát rượi, đặt đây đó ở vỉa hè. Theo Phạm Hoan Anh: Người qua lại trên đường khá đông nhưng ai cũng dửng dưng, chủ nhà hơi buồn vì “ế khách” nên phải treo tấm bảng “nước uống từ thiện”. Từ đó về sau, anh chạy xe ôm, cô bác chèo đò dọc, người đi mua ve chai, phế liệu, người đẩy xe bán trái cây, rau quả, người bán vé số dạo….đã dừng chân uống nước, chủ nhà để ý quan sát rồi có cảm giác vui vui với việc làm của mình.

Tưởng chừng truyền thống cái lu, cái khạp đựng nước uống, đặt để ở bên đường của thời khẩn hoang đất rừng sẽ không còn nữa, sau hơn một trăm năm làm con đường đất từ Bạc Liêu đi Cà Mau như ngày nay. Vậy mà nó vẫn tồn tại đây đó ở vùng đất Nam Bộ, một thời khẩn hoang lấp ấp, nơi muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh. Nó chỉ biến tướng cho hợp thời đại, từ cái lu, cái khạp làm bằng sành, biến thành cái bình nước lọc làm bằng nhưa, thay cho cái gáo dừa gắn cán tre là chiếc ca nhựa xinh xắn. Tất cả nghĩa cử cao đẹp, mộc mạc và đơn sơ của người Nam Bộ, luôn thấm vào máu, được lưu truyền từ đời này sang đời nọ – Mà ai cũng muốn giữ gìn nó trong tâm thức, trong hành động của mỗi người dân Nam Bộ xưa và nay./.

Cà Mau, 1.6.2024
Phan Thanh Tâm

Vannghemoi.com.vn − 17:39, ngày 06/06/2024, đăng bởi Phạm Ngọc Hiền