Ở nước ta, từ khoảng những năm 70 của thế kỷ XX trở lại đây, trên lĩnh vực lý luận văn học,nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến tiếp nhận văn học. Tuy vậy, phải nói rằng bên cạnh một số bài viết có tính tức thời của một số tác giả, vấn đề chủ thể tiếp nhận phải đến giữa thập niên chín mươi mới được tác giả Trương Đăng Dung nghiên cứu một cách có hệ thống. Vấn đề này càng có ý nghĩa hơn khi từ trước 1995, tác giả đã đưa vấn đề chủ thể sáng tạo vào các công trình nghiên cứu về đặc trưng phản ánh nghệ thuật trong mỹ học và lý luận văn học mác xít của mình.

Cuốn sách Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Đăng Dung xuất bản năm 2004 trên cơ sở những công trình nghiên cứu công phu về lý luận văn học, những bài giảng độc đáo của ông dành cho hệ đào tạo thạc sĩ và nghiên cứu sinh trong nhiều năm ở các trường đại học và cơ sở đào tạo trong cả nước. Có thể xem đây là một cuốn sách chứa những thông tin mới về lý thuyết tiếp nhận văn học ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI.
Ngay từ phần dẫn nhập, tác giả đã có những đánh giá quan trọng về tình hình nghiên cứu lý luận văn học. Ông cho rằng “do không có được cái bản sắc riêng của đối tượng, lý luận văn học ở Việt Nam không thoát khỏi thế nhập nhằng trong quan hệ với phê bình văn học. Với tình trạng đó, lý luận văn học chẳng những không thể làm chỗ dựa cho nghiên cứu, phê bình văn học mà bản thân nó cũng tự triệt tiêu dần theo thời gian. Rốt cục người ta chỉ còn thấy những bài viết mang tính chất tổng kết hoặc phát biểu ý kiến về tình hình văn học hơn là các bài nghiên cứu lý luận văn học được xây dựng bằng các luận điểm có hệ thống. Ở một bài viết khác, ông nói cụ thể hơn: “Do mơ hồ trước đối tượng nghiên cứu của lý luận văn học, người ta đồng nhất sự phân tích tác phẩm văn học trong nghiên cứu lịch sử văn học với sự phân tíchvấn đề tác phẩm trong lý luận văn học, vai trò của những khái quát hóa lý luận việc tiếp cận bản thể tác phẩm văn học đều xảy ra trên bình diện trừu tượng”(2).Từ những nghiên cứu về bản chất của tư duy lý luận văn học từ tiền hiện đại đến hậu hiện đại một cách có hệ thống, tác giả khẳng định cần phải tiếp cận vấn đề tác phẩm văn học ở cả hai hướng.
Một là vận dụng những thành tựu nghiên cứu của ngôn ngữ học hiện đại, của kí hiệu học và lý thuyết thông tin, chúng ta nghiên cứu quá trình từ sự sáng tạo ra văn bản văn học đến sự tiếp nhận nó như quá trình thông báo kí hiệu ngôn ngữ, hay là mối quan hệ giao tiếp giữa nhà văn và người đọc. Hướng nghiên cứu này chú ý trước hết đến ý đồ tác giả, điều mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc như là nghĩavà ý nghĩa của tác phẩm văn học. Hai làtrên cơ sở triết học, tâm lý học và thi pháp chúng ta nghiên cứu quá trình tiếp như là quá trình ấn tượng hay tác động của văn bản văn học đối với người đọc (3).Với cách trình bày có hệ thống, trong phần dẫn nhập, một mặt tác giả cho thấy tầm quan trọng của những vấn đề sẽ đưa ra bàn luận trong cuốn sách, mặt khác cách sắp xếp các nội dung theo tiến trình thời gian khiến cho người đọc dễ theo dõi. Gần như người đọc không thể bỏ sót được một câu nào khi đọc phần này, bởi tất cả những ý tưởng mỗi câu đều có mối quan hệ liền mạch với nhau. Sự chặt chẽ trong mỗi câu chữ, mỗi luận điểm của cuốn sách là đặc điểm mà chúng ta thường thấy trong các công trình nghiên cứu lý luận văn học mang tính trừu tượng cao của Trương Đăng Dung.
Ngoài phần dẫn nhập, cấu trúc của quốn sách gồm 3 phần. Mỗi phần giải quyết một hệ thống quan điểm nhưng tất cả đều tập trung giải quyết vấn đề trong quan niệm tác phẩm văn học như là quá trình, một quá trình tạo nghĩa mang tính chất quan hệ của văn bản văn học. Phần một trình bày hệ thống quan điểm: Tác phẩm vănhọc như là cấu trúc ngôn từ động. Ba luận điểm tác giả đề cập ở đây là: Hình thức như là thủ pháp, kí hiệu và chức năng thẩm mỹ, văn bản văn học và sự cụ thể hóa văn bản. Qua những nội dung này, chúng ta hiểu thêm, lý luận văn học hiện đại nghiên cứu tác phẩm văn học như là khách thể tự thân, sản phẩm do ý thức tạo thành, độc lập với những điều kiện ra đời của nó. Tác giả trình bày những vấn đề cốt lõi và nhận xét về những tư tưởng cơ bản chi phối đến quá trình phát triển của tư duy lý luận văn học hiện đại. Ví dụ tư tưởng của Nietzsche, Husserl, Freud, tư tưởng của các tác giả thuộc trường phái hình thức Nga, các tác giả thuộc chủ nghĩa cấu trúc Séc, và trường phái hội nhập Ba Lan… Đặc biệt trong những người chịu ảnh hưởng của hiện tượng học Husserl, Trương Đăng Dung chú ý đến Martin Heidegger, Roman Ingarden. Tác giả cho rằng trong lý luận văn học, tầm ảnh hưởng của Martin Heidegger lớn hơn nhiều so với ảnh hưởng của Jean Paul Sactre. Điều quan trọng là tác giả không chỉ giúp người đọc hiểu về những quan niệm của Heidegger mà còn cho thấy những ảnh hưởng của Heidegger đối với tư duy lý luận văn học hiện đại. Phần hai trình bày hệ thống quan điểm: khái niệm trò chơi và ý thức lịch sử tác động, kinh nghiệm thẩm mỹ và tầm đón đợi, ngôn ngữ và sự bất ổn của nghĩa, sự đọc và quá trình cắt nghĩa văn bản.
Trong phần hai, tác giả dành nhiều trang nghiên cứu về Hans Georg Gadamer. Đây là một trong những học trò xuất sắc nhất của M. Heidegger (4). Nghiên cứu về tác giả này, Trương Đăng Dung nhận định Gadamer đã đưa ra những khái niệm có ý nghĩa then chốt, xét từ quan điểm Mỹ học, như định kiến, truyền thống, ý thức lịch sử tác động, sự dung hợp các tầm nhìn, tình huống. Tất cả đều là những phạm trù của những quá trình tạo lập đời sống cụ thể của văn bản văn học thông qua người tiếp nhận. Khái niệm cơ bản của tường giải họcbản thể vì thế là trò chơi, là hành động từ chương học.Từ những nhận định đánh giá rất mới mẻ về Gadamer, tác giả bàn về khái niệm sự cắt nghĩa. “Đối với tường giải học thì sự cắt nghĩa tức là hành động tạo lập, nó thông báo và nói lên cái sự kiện hiểu văn bản văn học”(5). Trào lưu có ý nghĩa nhất, liên quan đến tường giải học Heidegger, vượt lên Gadamer là Mỹ học tiếp nhận Đức. Trong công trình Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học được xem là tuyên ngôn về mỹ học tiếp nhận Đức, Hans Robert Jauss cho rằng phương pháp văn học sử đã trở nên cứng nhắc, chỉ bó hẹp phạm vi nghiên cứu ở việc liệt kê theo niên đại tiểu sử nhà văn và các tác phẩm. Từ đây, tác giả đưa ra những nhận xét về công trình hoạt động đọc của Wolfgang Iser trong mối quan hệ với Jauss và Roman Ingarden. Điều này đã giúp người đọc nhận ra được sự thống nhất và khác biệt trong quan niệm về sự đọc của mỗi tác giả ở mỗi giai đoạn khác nhau. Từ đó tác giả đưa ra hệ thống quan điểm của Derrida, Umberto Eco, Jonathan Culler để lý giải vấn đề: ngôn ngữ và sự bất ổn của nghĩa, sự đọc và quá trình cắt nghĩa vãn bản. Nhưng sự tồn tại đích thực của văn bản không phải là không gian cấu trúc mà là quá trình, là thời gian sử dụng văn bản. Bằng những dẫn chứng sinh động trong nghiên cứu về Paul de Man, tác giả đưa ra nhiều ý kiến quan trọng về sự đọc và quá trình cắt nghĩa văn bản. Đây là vấn đề mà những nhà nghiên cứu lý luận văn học ở nước ta trước đây chưa nói đến một cách đầy đủ.
Phần thứ ba với hai quan điểm về tính lịch sử của quá trình tiếp nhận văn học và những giới hạn của lịch sử văn học, tác giả đã mở ra cho người đọc những suy nghĩ về tính lịch sử và chủ thể tiếp nhận. Tác giả nhấn mạnh “lịch sử văn học không thể bằng lòng với sự mô tả tác phẩm trên cơ sở các yếu tố ngữ văn, tiểu sử và tư tưởng, xem tác phẩm văn học là tác phẩm thuầntúy của một tình trạng xã hội, là phát ngôn tư tưởng của nhà văn, theo kiểu suy diễn một cách thô thiển, mà nên nghiên cứu tính chất đặc trưng của văn học trong các tác phẩm, xem các tác phẩm văn học như là những cấu trúc đang chờ được giải mã; những cấu trúc ẩn chứa trong chúng sự thông báo mà quá trình khám phá ra nó thì nghĩa và cái biểu đạt đều phải được chú ý như nhau”(6).
Ngoài những nội dung trên, người đọc được tiếp cận những công trình lý luận văn học nổi tiếng của thế giới do tác giả dịch được sắp xếp khoa học trong phần phụ lục của cuốn sách. Đó là những công trình lý luận văn học quan trọng của các tác giả nổi tiếng như Martin Heidegger: Trên đường đến với ngôn ngữ, Roman Ingarden: Tác phẩm văn học, Hans Robert Jauss: Lịch sử văn hoc như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học. Nyiro Lajos: Trường phái hình thức Nga. Thực ra, ở nước ta, không phải chỉ riêng Trương Đăng Dung dịch những tác phẩm lý luận văn học. Nhưng điểm khác là ở các công trình của ông bao giờ cũng có phần giới thiệu công phu, phân tích cẩn thận các luận điểm quan trọng giúp người đọc hiểu rõ hơn tác phẩm dịch. Đây chính là một trong những ưu điểm mà công trình này có được.
Theo Trương Đăng Dung những thành tựu của lý luận văn học hiện đại đã thể hiện những bước tiến quan trọng trong việc khám phá văn bản nghệ thuật như là cấu trúc ngôn từ động. Với việc nhận ra sự khác biệt giữa văn bản văn học và tác phẩm văn học, hay nói cách khác, với việc khẳng định vai trò của văn bản trước vai trò của tác giả, lý luận văn học hiện đại đã vượt lên tư duy lý luận văn học tiền hiện đại. Nhưng đến lượt mình, tư duy lý luận văn học hậu hiện đại đã có những khám phá mới hơn về đặc trưng bản thể của văn bản nghệ thuật trong quan hệ với những yếu tố khác, với người tiếp nhận. Đối diện với khái niệm nghĩa đang tồn tại của lýluận văn học hiện đại là khái niệm nghĩa được thiết lập của lý luận văn học hậu hiện đại. Trong ba hoạt động chính được phân chia theo tường giải học truyền thống là sự hiểu, sự cắt nghĩa và sự vận dụng văn bản thì sự vận dụng văn bản có vị thế nổi bật trong cách nhìn nhận của các nhà tường giải học, nhất là ở trường phái mỹ học tiếp nhận. Đây là đặc điểm quan trọng cần xét đến khi chúng ta nghiên cứu sự phát triển của tư duy lý luận văn học từ hiện đại đến hậu hiện đại. Nó cho thấy đằng sau câu hỏi chúng ta cần phải đọc như thế nào là một câu hỏi cơ bản chi phối tất cả: Phương thức tồn tại của văn bản văn học là gì? Đây là câu hỏi cơ bản đặt ra hai vấn đề mà tác giả công trình đã phải đề cập đến: Một là tính chất ngôn ngữ, hai là khả năng tạo lập một quá trình cụ thể của văn bản nghệ thuật. Cả hai đều liên quan đến quá trình xâm nhập đời sống của văn bản, nói đúng hơn, đó là quá trình tự tạo ra đời sống của văn bản văn học. Vậy là sau khi lý luận văn học hiện đại xác định được vai trò trung tâm tạo nghĩa của văn bản văn học, độc lập với tác giả và môi trường ra đời của nó, lý luận văn học hậu hiện đại đã khám phá ra quá trình tạo lập đời sống của văn bản văn học trong quan hệ với sự tiếp nhận của người đọc. Từ đây, mỹ học tiếp nhận nêu lên những giá trị dễ thay đổi, trực tiếp gắn liền với cá nhân người đọc thông qua quá trình cụ thể hóa văn bản. Từ đây lịch sử văn học không chỉ đơn giản là con số cộng các tác giả và tác phẩm mà còn được hiểu là các tác phẩm và người tiếp nhận trong những biến chuyển lịch sử của nó.
Trong phần đầu của cuốn sách, tác giả đã nói về ảnh hưởng của hiện tượng học đến tư duy lí luận văn học. Theo quan điểm hiện tượng học, chúng ta chỉ có thể biết được rằng đối tượng, khách thể của nhận thức không tồn tại ngoài ý thức chủ thể đang hướng về nó. Ông viết: “Khái niệm trung tâm của Hiện tượng học là tính chủ ý của ý thức hướng tối khách thể,không có khách thể nếu không có chủ thể. Thế giới chỉ tồn tại thông qua tôi mà tôi thì tồn tại trong nó. Ý thức không thụ động mà luôn chủ động tạo lập và ý hướng thế giới”(7). Edmund Husserl, nhà triết học Đức, người sáng lập ra Hiện tượng học đã không phủ nhận tính khách quan của thế giới nhưng lại quan niệm thế giới là tập hợp của những sự vật rơi vãi hỗn loạn mà ý nghĩa của chúng chỉ có được thông qua hoạt động ý thức của con người, các sự vật chỉ tồn tại vối tôi khi tôi tri giác chúng. Husserl muốn chứng tỏ khả năng nhận thức thế giới và đề cao vai trò trung tâm của chủ thể con người. Hiện tượng học có cái nhìn đầy tự tin về vai trò tích cực của con người trong quá trình nhận thức.Phê bình Hiện tượng học chỉ cần chú ý đến đặc điểm của ý thức tác giả xuất hiện trong tác phẩm. Những đặc điểm ý thức tác giả thể hiện ở phương thức mà nhà văn đã trải nghiệm thế giới qua việc sử dụng các đề tài và xây dựng các hình tượng trong tác phẩm. Trên cơ sở triết học đó, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học theo hiện tượng học không cảm thấy cần thiết phải hỏi sự vật là tại sao như vậy (8). Đối tượng của hiện tượng học chỉ giới hạn ở hiện tượng thuần túy, nó muốn nắm bắt đối tượng trong “cấu trúc bản chất” và soi sáng đối tượng theo bản chất của đối tượng. Liên quan đến vấn đề này, Trương Đăng Dung viết: “Nếu nghĩa của tác phẩm đồng nhất với điều mà nhà văn hiểu khi viết ra tác phẩm thì tác phẩm chỉ có một nghĩa mà thôi. Do đó có thể có nhiều sự cắt nghĩa nhưng tất cả phải nằm trong hệ thống mà nghĩa của tác giả cho phép. Vậy một tác phẩm nào đó được đặt ở những thời điểm khác nhau thì có mang những nghĩa khác nhau đối với những người đọc khác nhau”(9). Từ cách phân tích này chúng ta có thể thấy sự khác biệt ở những người đọc khác nhau ở đây là sự khác biệt về ý nghĩa của tác phẩm chứ không phải về nghĩa của tác phẩm. Ý nghĩa của tác phẩm phụ thuộcvào người đọc ở những giai đoạn lịch sử, còn nghĩa của tác phẩm là ít thay đổi. Husserl đã bảo vệ nghĩa tác giả là do quan niệm của họ về vai trò thứ yếu của ngôn ngữ trong việc làm cho sự trải nghiệm chủ quan trở thành nghĩa. Hoạt động nắm bắt một hiện tượng nhất định nào đó, theo họ được thực hiện độc lập với ngôn ngữ. Do vậy có thể có nhiều sự diễn giải một văn bản văn học nhưng tất cả phải ở trong hệ thống mà nghĩa chủ ý của tác giả quy định. Khi nói về kỹ thuật của sự chuyển đổi, quan điểm Hiện tượng học cho rằng “văn bản này có lẽ sẽ k­­hông biểu hiện bất kì sự bí ẩn nào đối với bạn đọc đã làm quen với tính có chủ định”(10). Như vậy muốn có cái nhìn mới về nghĩa và ý nghĩa của tác phẩm văn học thì phải có cái nhìn đúng về bản chất và vai trò của ngôn ngữ.
Trong công trình triết học ngôn ngữ ­­Trên đường đến với ngôn ngữ (Trương Đăng Dung dịch), Heidegger cho rằng, ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà cao hơn thế, nó có khả năng tạo lập đời sống. Nếu Husserl chỉ xem ngôn ngữ là công cụ thứ yếu để thể hiện các ý tưởng đã có sẵn thì Heidegger xem ngôn ngữ là nơi mà đời sống con người diễn ra, là cái đầu tiên tạo ra thế giới. Theo ông “cái tồn tại chủ quan của con người được hình thành từ các hình thức tiên thiên của cá nhân con người. Để thoát khỏi lo âu và tìm được ý nghĩa tồn tại, con người cần phải thường xuyên ý thức về cái hữu hạn, về cái chết. Chỉ đối diện với thực chất của kiếp phù sinh của mình, con người mới biết quý trọng các giá trị, tránh được những tham vọng xô đẩy nó vào các hoạt động vô nghĩa”(ll). Với Heidegger, ngôn ngữ không chỉ là sự thể hiện của một chủ thế mà là một sự kiện có đẳng cấp cao nhất của sự tồn tại của con người, ông cho rằng, “lời nói không chỉ hoàn toàn là các kí hiệu, lời nói có hai mặt: hướng đến người nào đó và đặt điều kiện cho người đó phải nỗ lực hướng về sự hiểu. Theo ông đặc trưng cơbản của tác phẩm nghệ thuật là ở chân lý tồn tại trong nó. Cách đặt vấn đề về lời nói và sự hiểu của ông đã gợi ý tưởng cho việc nghiên cứu vấn để nghĩa và sự tạo nghĩa của văn bản văn học: “Tác phẩm văn học là cái mà người đọc để cho nó xảy ra nhờ văn bản”(12). Theo Heiddegger, không thể truy tìm bản chất của tác phẩm văn học chỉ từ hoạt động sáng tạo, vì tác phẩm văn học là cái mà người đọc để cho nó xảy ra từ văn bản.
Công trình của Trương Đăng Dung cho chúng ta thấy lý luận văn học hiện đại đã tiếp cận vấn đề phương thức tồn tại của tác phẩm văn học ở một bình diện khác hơn so với lý luận văn học tiền hiện đại. Nhưng rồi đến lượt nó, nói như tác giả công trình, lý luận văn học hậu hiện đại đã phá vỡ những giới hạn của tư duy lý luận văn học hiện đại nhằm tiếp cận một cách triệt để hơn- bản chất của văn bản văn học, soi sáng những yếu tố gây nên sự bất ổn của nghĩa, trả lời câu hỏi tác phẩm văn học là hình thức ngôn ngữ đặc trưng hay là hình thức đọc đặc trưng, vai trò của sự đọc sai, hiểu sai văn bản văn học là gì. Chủ nghĩa cấu trúc duy trì đến hết những năm 60 của thế kỷ XX. Tư duy lý luận văn học hiện đại phát triển một cách liên tục, ngay cả khi những quan điểm và mô hình lý luận văn học đến sau có xu hướng phủ nhận những quan điểm và mô hình lý luận có trưóc. Trong tinh thần này, mặc dù những quan điểm giải cấu trúc của Jacques Derrida (nhà triết học người Pháp) về ngôn ngữ là mới và có tính chất phủ định những quan điểm của chủ nghĩa cấu trúc, nhưng theo Trương Đăng Dung, Jacques Derrida đã nâng vấn đề đọc lên bình diện triết học. Việc nghiên cứu bản chất ngôn ngữ cần phải phát hiện ra quyền uy phổ quát của tính chất ngôn ngữ. Điều này góp phần hoàn thành việc tạo dựng một một cơ sở ngôn ngữ học phù hợp. Jacques Derrida đã nghi ngờ khái niệm tính ngôn ngữ được quan niệm theo phương pháp cấu trúc -hình thức trong chủ nghĩa hiện đại. Ông đã chỉ ra cái nền tảng của logic tư duy dẫn đến chủ nghĩa hiện đại đã trở nên có vấn đề. Đây là điểm mới trong nghiên cứu của Derrida. Ngôn từ của một bài thơ đều mang tính ẩn dụ và thường xuyên thay đổi với toàn bộ ngôn ngữ nhất định và trong mối quan hệ mới, ngôn từ thơ lại trở nên không thể khoanh vùng để rồi lại được tái xác lập. Nguyên lý sự xác lập của Derrida xuất phát từ sự tiếp nhận, trải nghiệm, cắt nghĩa văn bản.
Derrida nhấn mạnh rằng trong văn bản viết hoặc nói, không có yếu tố nào có thể hoạt động được như là kí hiệu mà lại không dựa vào một yếu tố khác. Tất cả mọi yếu tố đều có kết cấu liên quan đến vết tích của các yếu tố hệ thống hoặc các yếu tố khác. Liên quan đến nghĩa của tác phẩm cần nói thêm là từ những năm sáu mươi Umberto Eco đề nghị đưa việc nghiên cứu văn bản lên hàng đầu. Ông nói đến nguy cơ lý giải sai, hoặc lý giải quá đáng văn bản. Để tránh nguy cơ đó, cần phân biệt ý đồ văn bản như là cái gì đó nằm trong mối quan hệ tương hỗ với ý đồ tác giả và ý đồ người lý giải. Tác phẩm văn học được ông so sánh với lá thư bỏ vào cái chai nút kín, sau khi tác giả thả cái chai xuống nước thì anh ta hiểu rằng từ phút đó sự lý giải thông điệp của anh ta không còn tùy thuộc vào ý đồ của anh ta nữa, cũng không còn tùy thuộc vào ý đồ của một người nhận nào đó. Văn bản từ đây như là khả năng mời gọi đối với một cộng đồng người đọc, cái cộng đồng mà không chỉ bị các nguyên tắc ngữ pháp của một thứ ngôn ngữ đã cho mà còn thông qua ngôn ngữ đó là nền văn hóa cùng với các quy ước khác đã có được nhờ sự chiếm lĩnh các văn bản trước đó chi phối. Như vậy sự đọc không có gì khác hơn là một sự dàn xếp đặc biệt giữa trang bị của thế giới người đọc và trang bị của văn bản. Những đại điện của tường giải học đều cho sự hiểu văn bản, hay sự “viết lại” văn bản luôn luôn phụ thuộc vào trình độ, lợi ích và hệ thốnggiá trị của một cộng đồng nhất định. Người đọc lý giải tác phẩm phù hợp với hệ thống chuẩn mực mà theo thời gian cộng đồng đã quen dùng để đo các giá trị. Điều này cho thấy tại sao cùng nói về một văn bản nhưng các thành viên của cộng đồng khác nhau, hoặc cùng một người đọc mà với tư cách là thành viên của một cộng đồng khác, thì có sự trả lời khác nhau.
Nói một cách khái quát, theo tường giải học (hay có thể gọi là thông diễn học), sự tiếp nhận có nghĩa là qúa trình thỏa thuận giữa văn chương và sự tái sáng tạo bản sắc riêng của người đọc qua Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Đăng Dung, lần đầu tiên chúng ta có dịp tìm hiểu những luận điểm lý luận quan trọng của triết gia, nhà lý luận văn học lớn người Ba Lan là Roman Ingarden. Ngoài những trang viết công phu phân tích các quan điểm của Ingarden về tác phẩm văn học, tác giả đã trích dịch một phần cuốn sách Tác phẩm văn họcnổi tiếng của triết gia người Ba Lan này. Trương Đăng Dung cho rằng trên lĩnh vực lý luận văn học thì Roman Ingarden (thuộc trường phái Hội nhập Ba Lan) là người đã vận dụng Hiện tượng học một cách tích cực. Theo cách phân tích đối tượng của Hiện tượng học, Roman In garden cũng cho rằng tác phẩm văn học là vật có chủ ý. Trong quan niệm của ông, những hoạt động ý thức của nhà văn không thuộc về tác phẩm mà chỉ là cơ sở tồn tại của tác phẩm mà thôi. Như vậy, đời sống văn học cũng phụ thuộc vào những hoạt động cụ thể hóa văn bản có chủ ý của người đọc hướng tới nó. Roman Ingarđen đã phân tích sự cụ thể hóa văn bản văn học của người đọc như là hoạt động có chủ ý của ý thức hướng tới đối tượng. Tuy vậy những hoạt động ý thức của nhà văn không thuộc về tác phẩm mà chỉ là cơ sở tồn tại của các tác phẩm mà thôi. Khi đọc, văn bản có thể được cụ thể hóa khác với điều mà tác phẩm chỉ ra, nó làm phong phú hoặc phương hại đến các giá trịcủa tác phẩm. Chẳng hạn trong nghiên cứu về thơ mới, ở mỗi thời kì lịch sử sẽ có những cách đọc khác nhau.
Qua những công trình nghiên cứu của Trương Đăng Dung, và đặc biệt là qua cuốn sách Tác phẩm văn học như là quá trình, chúng ta có thể thấy trên cơ sở những kết quả nghiên cứu về tác phẩm văn học như là quá trình, Trương Đăng Dung đã từng bước khám phá bản chất của tác phẩm văn học, khẳng định sự đa dạng của các khái niệm văn học và không đánh giá quá trình văn học như là quá trình lịch sử duy nhất và thống nhất. Ông nhấn mạnh khoa học văn học ngày nay không chỉ có nhu cầu nghiên cứu văn học như là các tác phẩm làm nên lịch sử văn học mà còn nghiên cứu cái bản chất quyết định văn bản trở thành tác phẩm văn học, đó là tính chất văn học ẩn chứa trong các mối liên kết văn bản. Từ chỗ lấy mỹ học sáng tạo làm cơ sở, tư duy lý luận văn học hậu hiện đại đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng của mỹ học tiếp nhận. Tính chất khép kín của văn bản nghệ thuật trong mỹ học trước đây nay được thay thế bằng tính chất mở và dấu ấn cá nhân. Đối tượng của Mĩ học tiếp nhận không phải chỉ là tác phẩm hay tác giả mà là hoạt động giao tiếp của người sáng tác và người tiếp nhận, là mối quan hệ của hoạt động liên đới. Quá trình văn học là quá trình tác động tương hỗ với hai yếu tố: ảnh hưởng thông qua văn bản và sựtiếp nhận thông qua người đọc. Văn bản là mối quan hệ giao tiếp, sự đọc là quan hệ đối thoại. Tác phẩm văn học là bộ phận của quá trình đặc biệt mà cái quyết định sự tồn tại và chất lượng của nó còn phụ thuộc ở nhiều yếu tố ngoài nó. Sự tồn tại đích thực và những đặc trưng của tác phẩm chỉ có được nhờ hai hoạt động ý thức có nội dung chủ ý từ tác giả và người đọc. Tác phẩm văn học được hình thành từ quá trình mở về phía chủ thể tiếp nhận.
Mỹ học sáng tạo khép kín trước đây, vì thế, cần phải được bổ sung bằng mỹ học tiếp nhận và mỹ học tác động. Nghĩa là theo Hans Robert Jauss, không có văn học nếu không có người đọc, và văn học không phải chỉ là những tác phẩm văn học; văn học có từ tác phẩm và người tiếp nhận nó, từ đội ngũ thay đổi không ngừng về mặt lịch sử của những người tiếp nhận, giữa người tiếp nhận cùng thời và người tiếp nhận mai sau. Một đồng nghiệp khác của Hans Robert Jauss là Wolfgang Iser đã dựa vào lý luận hành động nói để nghiên cứu vấn đề tiếp nhận văn bản mà ông gọi là hành động đọc.Theo ông quá trình tiếp nhận một văn bản nghệ thuật cũng như một cuộc nói chuyện giả định, nó chỉ khác ở chỗ phải bằng một con đường khác để đến với một người tiếp nhận. Chúng ta thấy cách tiếp cận của các nhà mỹ học Đức đối với các tác phẩm văn họckhác với thực tiễn tiếp nhận tác phẩm văn học của các trường phái khoa học văn học trước đây. Nếu trước đó, văn bản chỉ được xem là đối tượng của sự hiểu, mang thông điệp đối thoại đối diện với người đọc thì trong Mỹ học tiếp nhận nó có vị thế mới: làm đối tác đối thoại, tức là không phải sự giải mã thông điệp có trong văn bản làm xuất hiện nghĩa mà chính các hoạt động liên kết được thực hiện trong quá trình đọc tạo nên cấu trúc nghĩa có phương thức tồn tại là đối thoại. Đây là đóng góp có ý nghĩa của mỹ học tiếp nhận.
                                                                                                                  M.T.L.G
Chú thích:
1,3,4,5,6,7. Trương Đăng Dung, Tác phẩm như là quá trình, Nxb KHXH, Hà Nội, 2004, tr 35, 39, 81, 134, 135, 149, 157, 217, 379.
2. Xem Trương Đăng Dung, Những đặc điểm của tư duy lí luận văn học hiện đại, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1/2005, tr.172.
8,9. Trương Đăng Dung, Sđd, tr 87, 89.
10. Trần Đức Thảo, Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nxb ĐHQG Hà Nội, 2004, tr 34.
11,12. Trương Đăng Dung, Sđd, tr.299,114, 130, 123, 172.