/
.
          Tôi dắt xe ra cửa, định đi mua mấy thứ linh tinh thì có tiếng xe thắng gấp trước cổng: may quá chú đây rồi. A! anh Văn mời anh vào nhà chơi. Chú đi đâu cứ đi, không phải vào nhà, chỉ ghé tặng chú cuốn sách mới in… Tôi bảo: sáng nay em cũng rảnh, nếu anh không bận gì thì đi uống cà phê, anh em mình nói chuyện. Ừ thì đi…
          Chúng tôi đến quán cà phê quen thuộc, chọn một chỗ ngồi trong góc cho tiện chuyện trò. Anh móc thuốc ra hút. Hỏi: chưa bỏ được thuốc à? Cười: hút thì mình chết từ từ, còn bỏ thì mình chết ngay tức khắc! Hố hố… Mở cuốn sách anh tặng còn thơm mùi mực, tôi bảo: anh tài thật, năm nay cũng ra được mấy đầu sách rồi… Ừ, chỉ vài cuốn, toàn đặt hàng, khó gặm lắm nhưng cũng cố đặng mà mua cái váy tặng vợ cho bằng chị bằng em! Dạo này chú viết lách thế nào… có chuyện gì mới không? Bây giờ thiếu gì chuyện để viết… À mà chú nên vào Hội để sinh hoạt với anh em cho vui, thỉnh thoảng lại đi đây đi đó thâm nhập thực tế sáng tác!… Nói thật, em cũng muốn lắm nhưng sợ… Sợ gì? Em sợ họp, sợ khai lí lịch, sợ không có khả năng… Anh xem, cơ quan em mỗi tuần họp đến bốn năm lần, mỗi lần ít nhất vài tiếng đồng hồ, ngồi ê cả mông tê cả đầu, mà toàn những chuyện tên lửa hạt nhân ở tận đẩu, tận đâu. Còn việc khai lí lịch thì cứ gọi là đến hẹn lại lên. Từ khi vào cơ quan làm việc đến giờ em phải khai đi khai lại không biết bao nhiêu lần mà cũng chỉ bấy nhiêu chuyện. Sốt ruột! Nhà em bao đời làm ăn lương thiện. Mẹ em thì từ trước đến nay vẫn bán bún, bố em làm nghề thổi kèn đám ma, còn em thì anh biết rồi, học hành dở dang, bằng cấp không có, chỉ làm bảo vệ kiêm phục vụ ở Hội Phụ nữ. Vậy mà em khai: Mẹ trước 1975 bán bún cho địch, sau giải phóng bán bún cho ta. Bố trước 1975 thổi kèn đám ma, sau giải phóng tham gia văn nghệ. Bản thân trước 1975 còn nhỏ, sau 1975 đi học rồi làm việc ở bộ phận phụ nữ… Thế mà có đứa nói em khai không trung thực bảo phải viết lại. Anh thấy có tức không? Chuyện đấy thì có gì lạ. Chú “lôi” lí lịch trong máy tính ra chỉnh sửa tí là xong, rồi muốn in bao nhiêu bản chả được. Làm việc ở cơ quan nhiều lúc cũng phải biết bỏ qua những cái vặt vãnh, còn nếu tức thì lắm chuyện để… tức cả ngày! Vì miếng cơm manh áo mà phải cố thôi chú à. Hồi anh còn làm ở cơ quan nọ, tay lãnh đạo to con nên sai thợ đặt bồn tiểu cao hơn mức bình thường. Mỗi lần anh em vào tiểu phải nhón chân lên vậy mà vẫn cứ tung tóe ra cả quần. Thế chú bảo không tức sao được vì ngày nào cũng phải ra đấy đôi ba lần, nhưng tức thì cũng mình cũng không thể kéo dài thêm vài phân được nữa. Tốt nhất là bê ngay một viên gạch đặt bên dưới rồi đứng lên nhằm thẳng quân thù mà bắn! Mà chú biết không, lão ấy lại bị xăng pha nhớt nên mỗi khi đi công tác thường rủ mấy anh to con đi cùng. Anh nào cũng chỉ đi một hai lần rồi kiếu, hỏi thì anh nào cũng cười cười bảo: cứ đi thì biết. Hay lắm!… Mình nhỏ con nên không lọt vào tầm ngắm. Hú vía! Ghét dễ sợ luôn! Cũng may là sau đó đằng ấy được “di quan” đến nơi khác, nếu không thì còn lắm chàng khốn khổ…
         Anh lại đốt thuốc… từ lúc vào đến giờ không biết mấy lần rồi. Thấy tôi nhìn chăm chăm, anh bảo: phải nói là cái phổi mình quá tốt, đi chụp phim mấy lần thấy vẫn OK thế mới lạ! Chết sống ở đời có số cả, trời kêu ai nấy dạ. Giàu mới sợ chết vì tiếc cả đống của để lại chưa kịp xài, chứ như mình đây chết lúc nào chả được. Con người chết đem chôn xuống đất thì cũng giống như chôn con chuột con bọ chứ có gì khác đâu, cuối cùng tất cả đều là mồi ngon của giun dế! Mà thôi đừng nói chuyện bệnh tật chết chóc mất vui, ta sang chuyện khác… Tôi thấy chú hình như có gì băn khoăn? À… anh đừng nói cho vợ em biết là em có viết lách gì nhé, bà tướng ấy mà biết thì chết em! Kiểm tra ví thấy không có gì lại tưởng em viết lách lắm tiền rồi đi “xóa đói giảm nghèo” hết cả thì có mà toi xương… Chú biết rồi, viết lách chẳng cơm cháo gì nhưng cũng có cái vui của nó, mà chắc cũng chẳng ai nghĩ viết văn là để làm giàu cả. Hình như có ông nhà văn nào đó đã nói: nếu viết văn mà giàu thì mấy ông Tàu Chợ Lớn đã làm từ lâu rồi chứ không đến lượt anh em chúng ta! Dạ, là em nói cho vui thôi, còn chuyện viết lách quả thật em thấy mình còn non lắm, lại tùy hứng, thích cái gì viết cái đấy, chuyện nọ xọ chuyện kia chẳng ra môn ra khoai gì cả. Có tháng viết được vài cái mà nếu tự sướng thì gọi là tàm tạm, nhưng có khi cả mấy tháng chẳng rặn ra chữ nào. Một lần, có ông nọ không biết tình cờ thế nào lại đọc truyện của em rồi bảo: chú viết cũng được đấy nhưng phải bồi dưỡng nâng cao tay nghề thêm nữa, văn chương chữ nghĩa thiêng liêng cao cả, công phu lắm đấy chứ chẳng chơi chơi được đâu. Cũng thuộc top “Nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” đấy! Rồi ông ấy giảng giải cho em: muốn viết lách phải học nhiều thứ lắm, phải đi thực tế, phải có kinh nghiệm sống, phải nghiên cứu lí luận: thế nào là đề tài, tư tưởng chủ đề, bố cục, cốt truyện, hư cấu, nhân vật chính diện, phản diện rồi thi pháp thi phiếc, phương pháp sáng tác này nọ… nghe rối như canh hẹ. Trong khi nghề chính của em gác cổng, là rót nước pha trà bưng bê, còn viết lách chỉ là trong lúc rảnh rỗi ngứa tay ngứa chân khua khoắng cho vui, như người ta sau khi ngồi làm việc lâu, đứng dậy vặn mình cho đỡ mỏi ấy mà. Những chuyện em viết toàn thứ tào lao, chín mươi chín phẩy chín phần trăm là bịa, có lẽ chỉ để ngồi đọc trong lúc… đi cầu! Đó là chuyện về những kẻ ăn cắp, những đứa lưu manh, chuyện về con mèo con chó của nhà bị trộm hoặc những chuyện tình tay ba tay tư éo le, đầy nước mắt mà thường khi kết thúc, để gỡ rối cho nhanh, em bèn xua cho kẻ đi Tây, người đi Tàu hay cho bị đụng xe, ung thư máu, suy tim đột quỵ… Vậy là xong! Nói tóm lại là nhạt phèo. Anh tính, văn vẻ, ý tứ tầm thường ba xu vậy thì chỉ để tự sướng chứ đem ra ngoài ai rỗi hơi đâu mà đọc. Em dân dã, nói sao viết vậy, câu chữ nghe trúc trắc trục trặc chứ không văn hoa bay bổng, ý tại ngôn ngoại như người ta được. Em nghĩ nôm na thế này: viết văn cũng giống như trồng bon sai ấy, mỗi cây một kiểu không cây nào giống cây nào, ấy mới là sáng tạo nghệ thuật. Dĩ nhiên là ở đó có sự kì công của con người, nhưng sự kì công ấy càng ít lộ ra chừng nào càng tốt chừng ấy, tức là nhìn vào vẫn thấy rất tự nhiên. Em nói thế không biết có đúng không?… Không trả lời ngay, anh lại châm thêm điếu thuốc: chú nói cũng đúng, nhưng với anh em mình thì chỉ là Karaoke “hát cho nhau nghe” chứ có phải ca sĩ chuyên nghiệp đâu! Đừng lăn tăn như thế… Tuy nhiên, có điều này chú phải biết: một người sống chẳng ra gì thì không thể có văn chương tử tế được. Có giấu đầu thì cũng lòi đuôi. Chú cứ đọc và nghiền ngẫm thì biết. Nói văn là người quả thật chẳng sai tí nào. Mấy truyện hôm trước chú gởi cho tạp chí, đọc cũng thú vị đấy nhưng không đăng được. Chú biết sao không?… Vì số này tập trung những bài viết phản ánh tinh thần hăng hái thi đua lao động tăng gia sản xuất của người dân trên vùng đất mới khai phá ở địa phương thì chú lại viết về du lịch miền Tây mênh mông sông nước lênh đênh cùng những cánh lục bình trôi rồi chèo xuồng len lỏi tận trong rừng U Minh, ăn cá lóc nướng trui chấm muối ớt, lai rai rượu đế pha mật ong… Thì em đã bảo rồi, em chỉ viết chơi nên gặp gì viết nấy, chẳng cần phải quan tâm nội dung thế thế này, ý tứ thế kia cho mệt óc. Viết ra được điều mình nghĩ, mình thích là sướng lắm rồi. Tất cả cũng chỉ để vui thôi mà, có gì to tát đâu! Thì đấy là chuyện của chú, còn người ta nghĩ khác…
         Câu chuyện lan man thế nào lại dẫn đến chuyện học văn của đứa cháu ở nhà. Anh bảo: chán quá bọn trẻ bây giờ học văn nhưng ít chịu đọc tác phẩm, mà có đọc thì cũng không đọc đến đầu đến đũa. Bài thầy cô cho về nhà thì cứ lên mạng tải xuống rồi chép, nếu không có thì chúng nhắm mắt viết bừa… Chú xem, phân tích tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, khi nói về nỗi khổ của chị Dậu nó viết: Chị Dậu khổ đến nỗi mà nhà không mắc được WiFi, đến ti vi trắng đen cũng không có mà xem, cả điện thoại cùi bắp cũng không có mà xài… Rồi nó tả chị Dậu đánh tên cai lệ và người nhà lí trưởng như thế này:“Chị chống hai tay lên hông rồi bảo: Mày cứ trói ngay chồng bà đi rồi bà cho mày xem! Và khi bọn chúng trói anh Dậu, chị đã vén váy lên xông tới cho chúng… xem thật! Tên nào cũng nhăn mặt, ngả ngửa ra chết khiếp!…”. Cụ đầu xứ Tố mà có sống dậy cũng nghiêng mình bái phục văn chương bọn trẻ trâu. Tôi cười: anh đừng trách chúng, bọn trẻ bây giờ phải lo học ngoại ngữ, vi tính… để sau nầy dễ kiếm việc làm chứ bằng bằng trắc trắc bằng bằng thì chỉ để ngâm vịnh thù tạc lúc trà dư tửu hậu chứ cơm cháo gì…
       Đang lúc tâm tình văn chương lai láng tuôn trào thì điện thoại tôi có tin nhắn… Thôi! chết rồi anh ơi! Em phải về ngay đây. Vợ em bảo mấy con lợn ở nhà không hiểu sao sáng nay đồng loạt tuyệt thực. Chúng mà có mệnh hệ gì thì tầm nhìn ngắn hạn của em từ nay đến Tết coi như đi đứt!