An cư trên vùng đất này cũng đã khá lâu, có khi gần mười năm rồi chứ chẳng ít, thầy giáo Tuấn là người có uy tín vào hàng nhất làng. Ngoài giờ đứng lớp, chẳng mấy khi người ta thấy thầy la cà đây đó. Thầy là một nông dân trí thức chính hiệu hay lam hay làm, nhìn vào mảnh vườn xanh ngát, trái trĩu cành, ngay hàng thẳng lối của thầy ai cũng phải phục thầy sát đất về tính thẩm mỹ và khoa học.

Căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng đầy đủ tiện nghi của thầy là sự kết hợp hài hoà giữa cái truyền thống có phần phô trương không cần thiết của tộc người nơi đây và cái thực dụng kiểu nhà mái bằng của Mỹ. Đó là căn nhà gác theo kiểu nhà dài Ê Đê nhưng không có mái cao vút, nhọn hoắt mà là mái tôn ngang lè tè. Dưới cái nóng oi bức của gió Lào, đồng bào cứ nhìn thầy cười cười mỗi khi ngang qua. Chắc họ nghĩ, ngồi trong ấy như ngồi trong chảo lửa. Ngược lại, nó mát mẻ và thoáng đãng hơn những căn nhà của họ rất nhiều. Cửa đi được trổ ra hướng đông và hướng nam, cũng là cửa chính và cửa hông của ngôi nhà. Ở đó luôn có gió, thứ gió quý phái của vùng cao trong lành và mát mẻ chứ không ngột ngạt như phố xá ở đồng bằng. Chung quanh nhà san sát nhau là cửa sổ, chúng là cái máy điều hoà nhiệt độ vạn năng. Trên trần nhà là bức tranh trừu tượng hình khối nhiều màu sắc được đắp nổi bằng những tấm xốp dày mỏng khác nhau. Đó là rác của các quầy điện máy ở phố, nhưng khi có bàn tay tài hoa của Tuấn chạm vào thì nó biến thành tác phẩm mỹ thuật độc đáo. Chẳng mấy ai để ý tới tính năng cách nhiệt tuyệt hảo của những tấm xốp này cho đến khi mục sở thị tại nhà Tuấn và được thầy diển giải tính năng của nó thì mới ngỡ ngàng xuýt xoa.

Ngày về nhà mới, Tuấn không quên làm mâm cơm thết đãi chòm xóm. Sự quan hệ giữa Tuấn với già làng bản này là không thể thiếu. Phép vua thua lệ làng mà. Ai đã từng quan hệ thắm thiết với cư dân nơi này mới biết là tiếng nói của già làng quan trọng đến thế nào. Từ cái ăn, cái mặc cho tới việc học hành của con em họ, già làng đều cho những lời khuyên đúng đắn. Khi một nhà nào đó cần thu hoạch nông sản hay hoa màu cho kịp thời vụ mà con cái họ ở xa hay đang bận học hành thì già làng phân công gia đình rỗi việc phụ giúp. Coi như cho mượn công vậy.

Là vùng bán sơn địa nên đồng bào ở đây làm rẫy là chính, ngoài lúa và ngô thì thổ ngơi vùng này rất thích hợp cho cây bơ phát triển. Cây bơ cũng thuộc cây cổ thụ, tuổi đời có khi vài ba chục năm. Trái bơ giàu dinh dưỡng, có vị béo đặc trưng mà không loại cây nào có được. Nếu chăm bón tốt, thì chỉ cần hai hoặc ba quả là đã đủ một cân rồi. Với giá hiện nay hai, ba chục ngàn một cân thì một vụ bơ của Tuấn với hai sào đất cũng thừa mua con Dream Thái mới toanh mà chẳng phải suy nghĩ gì. Tuy vậy, nếu không có chút kiến thức về trồng trọt và ghép cành cho thuần chủng thì vườn bơ cũng thành năm cha bảy mẹ, chẳng trái nào giống trái nào. Đa phần người ta trồng bơ bằng hạt, trước đây Tuấn cũng làm như thế nhưng Tuấn còn kỹ hơn là chỉ dùng hạt của một cây duy nhất nhưng khi trồng ra quả thì chẳng cây nào giống cây  nào. Cây thì bơ sáp, cây thì bơ nước, trái thì dày cơm, trái thì cơm mỏng dính. Cuối cùng thì Tuấn đành phải bái ông Google làm sư phụ mới gỡ được rối tơ lòng. Tiếc sáu năm trồng và chăm bón, không lý phải cắt sát gốc chờ cây mọc ra cành nhánh nhỏ rồi mới ghép giống khác thì ức quá. Tuấn chọn cách ghép lưng chừng cây. Cách này tuy có nhọc là phải ghép nhiều mắt và phải vệ sinh cây liên tục vì khi cây đã bị cắt cành thì tược non sẽ mọc ra tùm lum không kiểm soát được. Để lại những tược non nào ưng ý và cũng phải biết hình dung ra tán cây ngày sau như thế nào, từ đó nên ghép hướng nào…là chuyện phải suy nghĩ tính toán.

Tuấn chọn phương pháp ghép mụt, nghĩa là ghép mắt ngủ, mỗi lá có một mắt ngủ, đó cũng là cách tiết kiệm cành ghép nhất. Nói gì nói, chứ đã là giống quý thì khi cho ai là phải xót. Cắt nhiều đọt để ghép thì làm sao không ảnh hưởng đến cây, đến sản lượng quả của mùa sau. Chẳng biết ông Bụt có làm được điếu đó không, chứ người trần mắt thịt thì khó quá. Khi đã chọn được cây ưng ý, thầy Tuấn thường xin những cành la, nghĩa là những cành không có khả năng đậu quả. Tỷ lệ mắt ghép này sống rất thấp, chậm lên mầm nhưng được cái là xin bao nhiêu cũng có. Miệt mài ba năm cải tạo như thế, bây giờ vườn bơ của Tuấn đã thành điểm tham quan của rất nhiều nhà. Nhà nông, nhà báo, nhà đài và cả nhà khoa học nữa đấy. Chẳng có gì phải giấu giếm và cũng chẳng có gì là cao siêu. Bí quyết để mụt ghép sống và phát triển phải là lưỡi dao ghép phải thật sắc và luôn được khử trùng. Dây cột là loại bao ni lông có trong những bao u rê, được giặt sạch, phơi khô và cắt thành sợi bề bản rộng một phân. Mụt ghép nằm trong nách lá, dùng dao khoanh hình vuông quanh mụt ghép này, đường khoanh phải cách mụt ghép năm, bảy ly. Rạch vỏ gốc ghép hình chữ T, banh da ra nhét mụt ghép vào. Cẩn thận để không làm trầy lớp nhựa nguyên của gốc ghép, dùng dây buộc chặt lại không cho nước mưa thấm vào. Lúc này mới cắt cuống lá, chỉ chừa lại hai centimet để theo dõi mụt ghép sống hay chết. Nếu sau một tuần mà cuống lá còn xanh là mắt ghép đã sống. Khi chồi ghép dài bốn năm phân thì cắt dây buộc cho nó thoải mái phát triển.

Tuấn biết mình không thể khuyên đồng bào làm theo mình khi mà họ chưa thấy kết quả đâu cả, Tuấn nghĩ cách khác. Ngày Tuấn phát quang vườn chuẩn bị gốc ghép, Tuấn đã nhờ già làng thông báo cho bà con trong bản biết là ai cần củi đốt thì cứ tới nhà thầy lấy. Họ xí xa xí xồ ra vẻ kinh ngạc, nhưng chắc chắn là họ đang quan sát cách làm của thầy dù rằng họ chẳng biết Tuấn định diễn trò gì. Rồi khi ghép, Tuấn cũng mời già làng và một số cư dân nhà bên cạnh sang chơi, cũng có rượu, có trà, có cả thuốc lá nữa để họ xem cái công việc làm rất có ý nghĩa của Tuấn. Tuy vậy, Tuấn chẳng thể nào lay động được ai kể cả già làng để có cây bơ tuyệt vời như mình. Cho đến một hôm Tuấn sang mời già làng qua hái giúp trái bơ đầu vụ thì già làng mới thật sự bàng hoàng, tiếc nuối :

– Phải chi hồi đó tui làm theo thầy.
– Thì bây giờ cũng có muộn đâu.

–  Có đấy, người ta chỉ châm bẩm vô vườn thầy, thích thầy bán trái cây cho họ. Còn cả làng này cứ như ma ám, trái thì có trái mà chả ai muốn ăn chứ đừng nói chi mua.
– Vậy chừng nào mình bắt đầu đây.
– Ngay bây giờ được không thầy.

– Không được, đang mùa cây cho quả mà, sau mùa quả cây còn phải nghỉ ngơi nữa chứ. Nếu cắt cành lúc này thì cây sẽ chết. Sang xuân nhé.

– Dạ.

Sang xuân cả làng đồng loạt ra quân, Tuấn đâm hoảng, làm sao có mắt ghép một lúc cho đủ. Lại phải gặp già làng, lại phải thoả thuận với dân bản về số lượng gốc ghép, số lượng mắt ghép. Tuấn cũng không quên tổ chức lớp tập huấn thực hành ngay tại vườn của già làng. Lũ trai trẻ bây giờ xem ra thông minh hơn Tuấn tưởng, em nào cũng được Tuấn chỉ vẽ tận tình, cũng được thực tập ít nhất là một lần. Dĩ nhiên là mắt ghép do vườn Tuấn cung cấp.

Tích tắc mà đã mười năm rồi, bây giờ vào bản Gòn người ta chỉ có thể nghe một thương hiệu duy nhất : “ Bơ thầy Tuấn ”. Thương lái cũng thế : “ Có bơ thầy Tuấn không, hái đem đây tui mua cho…”…

Nằm đêm Tuấn nghĩ, đã mang cái nghề gõ đầu trẻ mà trẻ không nên người thì thầy hỏng. Không nhứt thiết phải học làu làu như vẹt mà ra chẳng làm nên trò trống gì. Dạy trẻ đã khó, cảm hoá bạn mình hay người lớn tuổi hơn mình khác nào tìm cách lên trời. Quá khó. Để làm được điều đó không gì khác hơn là lòng nhiệt tình và tận tuỵ giúp họ chạm được thực tế mong muốn. Đó cũng là nghệ thuật sống cao cả của người thầy lương tâm. Tuấn hạnh phúc với cái tên mà nhân gian đã đặt cho mình.

                                                                                     L.T.M.C