EM KHÔNG THỂ
.
Em không thể cùng anh xây lâu đài lí tưởng
Em không thể cùng anh chăm sóc mẹ hàng ngày
Em không thể hàng ngày chăm sóc anh từng bữa cơm giấc ngủ
Em không thể cùng anh dạo bên hồ những đêm hè oi ả
Em muốn, muốn rất nhiều, nhưng không thể anh ơi
Em chỉ có thể đứng từ xa, rất xa, ngắm nhìn anh hạnh phúc
Đó là điều duy nhất em có thể tặng anh trên thế gian này.
Đào Giáng Vân
ĐÔI LỜI CẢM NHẬN CỦA TRIỆU LAM CHÂU
VỀ BÀI THƠ “EM KHÔNG THỂ” CỦA ĐÀO GIÁNG VÂN
Đầu xuân Nhâm Thìn (năm 2012), thật bất ngờ tôi nhận được một bài thơ của người bạn cũ thời thanh xuân. Bất ngờ, vì hơn ba chục năm nay chưa có dịp nào gặp lại nhau. Bất ngờ hơn nữa, vì đây là lần đầu tiên tôi được đọc thơ của bạn. Dẫu hồi xưa cùng là thành viên trong Hội những người đọc sách của Thư viện Hải Phú (Hội này cũng là Hội khởi xướng và nhóm lên Đốm lửa Đêm thơ xuân Rằm tháng giêng lần đầu tiên ở Thị xã Tuy Hoà nhỏ nhắn hồi mùa xuân năm 1981 xa xưa…)
Lòng bồi hồi xúc động, tôi đọc thơ của bạn như gặp lại cố nhân sau hơn một phần ba thế kỷ xa nhau. Nhiều nhà văn đã nói: Văn là người. Vậy thơ cũng là người. Tiếng nói tâm hồn tinh tuý nhất đều được thể hiện trong thơ chân chính từ xưa tới nay.
Đọc bài thơ “Em không thể”, tôi thấy hiện lên rất rõ tiếng lòng khắc khoải của chị đối với “người xưa”, “người trong mộng” – mà vì một lý do nào đấy đã không đi đến tận cùng của “lý tưởng”. Lý tưởng ở đây, tôi hiểu là lý tưởng tình yêu hạnh phúc lứa đôi. Hồi xưa, những năm năm mươi, sáu mươi… của thế kỷ trước, chúng tôi đã từng nghe hát trên Đài, rồi đọc trên báo: “Một túp lều tranh và đôi trái tim vàng”. Hồi ấy toàn xã hội đều đề cao tình yêu chung thuỷ, đề cao giá trị tinh thần của tình yêu. Tôi cho rằng: Giá trị tinh thần của tình yêu luôn luôn là nguồn sáng của hạnh phúc trong cuộc đời của mọi thời đại. Lòng chung thuỷ ấy được tác giả nâng lên thành lý tưởng của tình yêu lứa đôi. Phải nói rằng tâm hồn của tác giả là sản phẩm đích thực của một xã hội lý tưởng một thời. Đó là một điều đáng quý. Viết đến đây, tôi lại chạnh lòng nghĩ tình yêu của giới trẻ 8x và 9x ngày nay, sao mà khác xưa nhiều thế. Nhiều đôi vợ chồng bỏ nhau phổ biến như cơm bữa. Thế rồi giới trẻ ngày nay lại sinh ra kiểu sống thử như phương tây nữa chứ. Sở dĩ như vậy, tôi nghĩ là do cái tôi của họ quá lớn. Cái tôi ích kỷ cứ lồng lộng cả đất trời thế này, thì có phương thuốc nào chữa nổi đây. Nghĩ mà chạnh buồn…
Em không thể cùng anh chăm sóc mẹ hàng ngày
Em không thể hàng ngày chăm sóc anh từng bữa cơm giấc ngủ
Em không thể cùng anh dạo bên hồ những đêm hè oi ả…
Lý tưởng của người phụ nữ trong bài thơ này, cũng như là ước muốn cháy bỏng trong lòng chị, là mong được sống bên nhau (với người mình yêu) để được cùng anh chăm sóc mẹ chồng hàng ngày, chăm sóc anh từng bữa cơm giấc ngủ, để được cùng anh dạo bên hồ những đêm hè oi ả… Đó là sự tận tuỵ dâng hiến thiêng liêng cho những người thương của gia đình mình. Hạnh phúc bừng lên từ sự hiến dâng hết mình như vậy. Đó là phẩm chất cao quý của người phụ nữ phương đông nói chung và của phụ nữ Việt Nam nói riêng. Chị tìm thấy ý nghĩa thiêng liêng của cuộc đời từ sự hiến dâng hết mình ấy cho tình yêu. Tác giả bài thơ, phải là người từng trải và từng suy ngẫm rất sâu xa về giá trị tình yêu của người phụ nữ phương đông truyền thống, mới có những vần thơ bình dị, như thầm lặng mà có ý nghĩa cao vời đến thế. Nó có giá trị thanh lọc tâm hồn ai đó còn nhỏ nhen, ích kỷ giữa cuộc đời này. Điều này thật cao quý biết bao…
Viết đến đây, tôi lại giật mình: Ờ nhỉ… gần chục năm nay đọc thơ của các cây bút nữ trẻ đăng trên báo, hầu như thấy yếu tố sex rất công khai. Rồi nhu cầu cần phải được yêu của họ rất mãnh liệt… mà hầu như vắng bóng sự dâng hiến thầm lặng cao quý như hình tượng người phụ nữ trong bài thơ này của Đào Giáng Vân. Muốn viết về hạnh phúc lứa đôi thiêng liêng của sự dâng hiến, thì phải có tầm – mà một số cây bút nữ thơ trẻ chưa có tầm ấy, thì làm sao viết nổi cơ chứ? Dẫu tác giả Đào Giáng Vân chưa bao giờ xuất hiện trên văn đàn, nhưng với quan niệm về lý tưởng tình yêu cao quý như trong bài thơ này – thì xứng đáng là bài học làm người phụ nữ Việt Nam chân chính, cho rất nhiều cây bút thơ nữ trẻ hôm nay. Vì thơ của chị xuất phát từ nguồn sáng: Mình vì mọi người… Thơ chị xuất phát từ tấm lòng của một người mẹ…
Thế rồi…
Em muốn, muốn rất nhiều, nhưng không thể anh ơi
Lý tưởng và nhiều ước muốn đẹp đẽ nữa về tình yêu đôi lứa, em muốn dâng anh… nhưng không được nữa rồi. Bởi vì… anh đã có người khác… cũng có thể bởi vì bây giờ em đã “ván đóng thuyền rồi”… Thật là xót xa và buồn tủi cho nàng. Buồn tủi và nuối tiếc nữa, như khe khẽ gieo vào lòng những độc giả là đàn ông… Không nuối tiếc sao được… một người phụ nữ lý tưởng như vậy, mà mình lỡ để tuột khỏi tầm tay. Tôi, Triệu Lam Châu, là một người đàn ông thời nay, cũng tiếc lắm thay…
Người phụ nữ trong bài thơ này không thể dâng hiến cho người “trong mộng của mình” – bởi chị phải làm tròn bổn phận của mình đối gia đình hiện tại của chị. Chị chỉ tiếc là cái bổn phận cao quý này không được dành cho “anh” mà thôi.
Với tấm lòng nhân hậu đậm đà chất phương đông của chị, chị lại thấy rằng anh sống “hạnh phúc” bên “người ta”. Bởi chị tin người ta cũng sẽ làm tròn bổn phận của người ta đối với anh, như chị đã và đang làm tròn bổn phận của chị đối gia đình mình hiện nay.
Em chỉ có thể đứng từ xa, rất xa, ngắm nhìn anh hạnh phúc
Đó là điều duy nhất em có thể tặng anh trên thế gian này.
Lòng tin đầy chân thành của người phụ nữ này – lại là giá trị mới của bài thơ. Thời ấy, thời cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sống, cả xã hội dẫu nghèo về vật chất, nhưng về tâm hồn thì thực sự đúng như câu thơ của Tố Hữu đã viết: Người yêu người sống để yêu nhau…
Tâm thế của Đào Giáng Vân khi sáng tác bài thơ này – chính là sản phẩm cao quý của một thời lý tưởng ngày xưa.
Cảm ơn Đào Giáng Vân đã cho chúng ta một bài thơ đẹp về lý tưởng làm tròn bổn phẩn cao quý của người phụ nữ phương đông đối với tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Vậy là tác giả đã gọi là phần nào trả nợ trên phương diện văn chương cho vấn đề “lo cho gia đình chồng con” rồi. Còn người viết bài này lại cảm thấy mình nặng thêm món nợ tinh thần cho cả chị và cả độc giả nữa, vì Triệu Lam Châu đây (cũng gọi là làm thơ) mà chưa có vần thơ nào xứng đáng với vấn đề “lo cho vợ con” cho đúng nghĩa là đàn ông phương đông. Thật tiếc và xấu hổ lắm thay…
Tuy Hoà, ngày 5 tháng 2 năm 2012
Triệu Lam Châu
trieulamchau@gmail.com
ĐT: 0983 825502