/

Vậy là đúng hai mươi mùa xuân tôi mới lại có được một ngày ăn cái tết của quê nhà. Hai mươi cái tết xa quê ấy là biết bao nỗi niềm nhớ mong, ngóng đợi. Hai mươi năm ấy cũng là hai mươi năm sống trong hoài niệm, sống trong kí ức của một thời thơ ấu.
     Cái làng thôn Trung xã Vĩ Thượng huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang (hiện nay là huyện Quang Bình, tôi vẫn thích gọi cái tên huyện thời mình ở hơn) của tôi bây giờ đã khác xa cái thời tôi ở ngày xưa. Hai mươi năm trước, con đường liên xã chỉ là con đường đất dải đá cấp phối, mỗi mùa mưa xe ô tô chạy qua làm cho con đường trở thành những bãi sình lầy, bùn ngập lưng bánh xe, hai bên đường là từng đám lau, chít chạy dài nối đuôi nhau, vắt qua từng sườn núi, sườn đồi; mùa hanh khô, mỗi lần xe qua là mỗi lần bụi đất cuốn lên mù mịt. Chưa hết, chia cắt mặt đường là không ít con suối chảy qua mà lòng suối thì lởm chởm biết bao đá tảng nhấp nhấp nhô nhô; mỗi khi có nước lũ tràn về, xe ô tô phải nằm chờ cho đến khi lũ rút thì mới đi qua được, còn người đi bộ và xe đạp lại phải chèo lên cái bè được ghép bằng những cây bương, cây hóp để đi qua. Tôi nhớ mãi cái bè của bác Dưa trên con suối Vằng Mạ. Bác cho buộc những dây thừng to ở hai bên bờ suối, vắt ngang suối, mỗi khi có người hoặc xe đạp đi qua, bác Dưa lại đưa người và xe lên bè rồi dùng tay bám vào dây thừng, ra sức líu sợi dây để đẩy cái bè sang bờ bên kia và ngược lại.
Ngoài con đường cái quan ấy, đường đi vào các xóm, các nhà cũng rất bé, chỉ có vệt xe hoặc bước đi ở giữa đường còn hai đường bên cỏ mọc um tùm, tôi nhớ mãi là những cây cỏ may. Đúng là cái giống cỏ chẳng biết sợ ai như lời câu đố quan đi không tránh lại đòi đánh quan. Mỗi lần đi qua đám cỏ may, quần áo quệt vào chùm quả ở đầu ngọn cỏ thì ngay lập tức quần, áo bị đám quả này móc vào, bám chặt. Khi về nhà, lại phải ngồi nhặt bỏ, mãi mới hết và lại còn rất dặm. Thú thực, mỗi lần phải ngồi nhặt cỏ may như thế tôi thấy giống cỏ ấy chẳng thấy thích thú, lãng mạng như cái câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ găm đầy chút nào cả.
    Làng tôi bây giờ tối đến không còn mù mịt như xưa. Tôi nhớ như in cái ngày nào, tối tối lại cầm đèn pin theo bố ra khúc suối (cách nhà vài trăm mét) đã xếp đá thành bờ đập để soi cho bố đặt cái máy phát điện. Chẳng là thời đó làng tôi chưa có điện lưới như bây giờ, một số nhà muốn có điện sáng thì phải ngăn các khúc suối lại bằng những con đập để tạo dòng nước chảy và đặt cái máy phát điện vào đó, khi dòng nước chảy qua, tua bin chạy thì phát ra dòng điện. Cái máy phát điện này công xuất cũng rất nhỏ, chỉ cung cấp ánh sáng cho một vài bóng điện thôi. Thời ấy, các làng bản đều phải dùng đèn dầu. Đêm. Những đêm có trăng cảnh vật lung linh và thơ mộng. Nhưng đêm không trăng. trời tối như mực, đi đường ngoài ánh đèn pin loang loáng của người đi đường thì không gian bốn bề bao phủ một màu tối xám âm u. Thấp thoáng, trong những mái nhà sàn là những ánh lửa bập bùng hay một vài đốm sáng leo lét của những ngọn đèn dầu hỏa. Và, đâu đó vang trong không gian là những tiếng kêu rả rích của các loài côn trùng.
      Bản, làng tôi bây giờ đã được nông thôn mới. Nó đã khác xa cái thời hai mươi năm trước. Con đường cái quan liên xã đã được trải nhựa nhẵn mịn, rộng thênh thang. Mùa mưa, mùa nắng nó không bị bùn lầy hay bụi cuốn. Trên con đường ấy cũng không còn bị chia cắt bởi các con suối. Thay vào vị trí của những cái mảng ngày xưa là những cây cầu bê tông, to khỏe, chắc chắn. Và điện lưới quốc gia đã dẫn đến mọi hang cùng ngỏ hẻm trong núi sâu. Đêm đêm, ánh điện đã tỏa sáng khắp mọi nhà, ngõ xóm. Và những lối đi hoa cỏ may xưa cũng không còn nữa. Những lối đi ấy đã được bê tông hóa. Những con đường bê tông rộng rãi chạy ngoằn nghèo men theo những sườn đồi vào từng ngôi nhà chìm trong những vườn cam chín đỏ.
     Trong tiết trời nắng nhẹ của mùa xuân, tôi cùng bạn bè và các cháu du xuân vào bản người La Chí. Bản nay cũng khác xa ngày xưa. Đồng bào La Chí không còn ở trên núi cao nữa. Nghe nói, người La Chí nghe theo hướng dẫn của nhà nước nên đã xuống núi để canh tác (không biết có phải thế mà tên bản là Hạ Sơn). Nhớ lại, ngày xưa, mỗi lần đi lấy lấy củi hay đi đào măng đắng qua đây, tôi phải vượt qua từng dải núi, đồi; lần nào trời mưa thì chẳng dám đi. Khi đi qua những quả đồi, núi ấy là một không gian tuyệt đẹp hiện ra trước mắt chẳng khác gì tiên cảnh. Dòng suối nhỏ, nước trong veo róc rách luồn qua các tảng đá, từng đàn cá suối bé xíu lối đuôi nhau tung tăng trong các khe đá. Những ruộng bậc thang trải ra xanh mướt với từng hàng ngô hay ruộng mạ. Và nhấp nhô trên từng nấc thang ấy là những tảng đá của tự nhiên nhô lên như những cây nấm, nay vẫn còn nguyên. Thấp thoáng, xen kẽ các sườn đồi là các nếp nhà sàn của đồng bào ẩn hiện trong những vườn cam chín rực và những hàng cọ thẳng tắp. Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng xưa kia đã có thay đổi ít nhiều nhưng vẫn hài hòa và tươi đẹp làm say đắm lòng người đưa tôi trở về những tháng năm kì diệu của tuổi thơ.
     Ngót một phần tư thế kỉ đi qua, bản làng quê tôi giờ đã đổi thay. Nhiều nhà cao tầng, nhà sàn lợp mái ngói đỏ tươi đã mọc lên thay cho nhưng ngôi nhà sàn thâm nâu mái lợp lá cọ; những con đường bê tông, đường dải nhựa rộng thênh thang; nhiều nhịp cầu bắc qua suối nối những bờ vui và điện cũng đã giăng mắc, tỏa sáng khắp nơi nơi. Ngắm cảnh quê hương, lòng những vui mừng, rộn ràng  sung sướng nhưng cũng không khỏi nhung nhớ về một thời thơ ấu.
(Vĩ Thượng, ngày mùng 4 tết Bính Thân)
GIANG HIỀN SƠN
Trường THCS Nguyễn Văn Huyên – Hoài Đức – Hà Nội
/