/

• Đi qua cái oi ả của tháng bảy, tháng 8 rồi lại dai dẳng những cơn mưa tháng 9, tháng 10 cũng chẳng thiếu cơn gió rít qua, những cái se lạnh của tháng 11, 12.Ngoài kia! hàng đêm, cứ vào giờ này, tiếng leng keng bên cạnh tiếng chổi xào xạc lại vang lên dọc các ngõ phố. Ừ! Có gì lạ đâu, những con cú đêm của Sài Thành…Chiếc đồng hồ chậm chạp gõ lên từng nhịp. Giờ này còn mấy ai thao thức mà để ý đến những âm thanh cũ rích, sáo mòn vẫn diễn ra thường nhật ấy. Sống giữ phố thị hoa lệ này, đôi khi lắng nghe thành phố thở dài mà bỗng thấy lòng mình se lại. Mỗi con người là 1 mảnh đời. Đằng sau những bộ trang phục lao công sờn màu, những chiếc chổi tre cũ nát là cả một nhân cách cao đẹp với đôi bàn tay chăm chỉ, cần mẫn say mê công việc, góp nhặt từng đồng cho cuộc sống mưu sinh.
Cái công việc mà ở điều kiện thời tiết nào người cũng ướt nhèm mồ hôi và tanh mùi rác rưởi, công việc mà nhiều người ái ngại, cười cợt, lãng quên mà chẳng nhớ rằng sau một đêm no giấc, mở mắt ra là một bầu không khí thơm lành, bước chân trên những con phố dài xanh, sạch.
Tiếng chổi đêm đưa tôi về với giấc mơ còn bỏ dở…Ngày ấy, khi còn là một học sinh cấp hai, tôi cũng đã có những suy nghĩ thiện cẩn trước cái công việc tự cho là không sạch sẽ ấy, thậm chí còn rẻ bỉu và rất coi thường nó. Vào tiết Văn đầu tiên của lớp 8, cô giáo tôi đã dành một tiết để cho các bạn trong lớp được làm quen với nhau, giới thiệu về gia đình, về ước mơ và sở thích cá nhân. Là lớp phó học tập, tôi hãnh diện phát biểu thật to, cố để cho cô giáo và các bạn được nghe rõ về niềm hạnh phúc của chính mình. Sinh ra và lớn lên trong tình yêu và sự bao bọc của gia đình, ba tôi là một bác sĩ còn mẹ là giáo viên. Mỗi sáng khi đi dạy mẹ sẽ chở tôi đến trường còn buổi chiều xuống, ba sẽ là người đầu tiên có mặt tại cổng trường để đón tôi. Điều may mắn của tôi cũng chính là ước mơ của nhiều bạn bè trong lớp. Rồi đến lượt Linh, con bạn khác biệt nhất trong lớp tôi. Linh có nước da ngăm đen, dáng người nhỏ bé và đôi mắt đượm buồn. Cô bạn rụt rè đứng dậy rồi ấp a ấp úng nói lí dí trong cổ họng về những chuyện của mình. Mấy thằng con trai nhốn nhác nên tôi nghe không rõ, câu được câu mất nhưng cũng chẳng lấy gì làm quan trọng vì lớp tôi ai chẳng biết mẹ nó làm lao công, ngày nào mà chẳng thấy đẩy chiếc xe rác và cài thêm chiếc chổi tre đi dọc các ngõ phố. Chỉ có điều là ba Linh, chưa bao giờ thấy nó nhắc đến ba mà chỉ toàn hai mẹ con nó đi với nhau. Thắc mắc là thế, nhưng tôi chẳng thiết quan tâm; bởi có bao giờ tôi nói chuyện hay chơi cùng nó đâu. Nó ngồi lủi thủi một mình một xó ở bàn cuối, đên lớp thì gần như muộn nhất và tiếng trống vang lên là ôm cặp chạy đi đầu tiên. Lũ chúng tôi bảo nhau tẩy chay nó và có lẽ nó cũng không có thời gian để buồn hay mặn mà để ý đến ai. Ngoài thời gian trên lớp, những ngày cuối tuần đi siêu thị cùng mẹ, tôi bắt gặp Linh đang cặm cụi lượm những chiếc chai nhựa, vỏ nước người ta vứt trên vỉa hè hay trong các ụ rác ven đường, rồi có những buổi tối đi chơi cùng bạn bè trong lớp, chúng tôi bắt gặp nó thay mẹ đẩy chiếc xe rác trên con đường gần nhà. Ai nấy đều thấy xấu hổ thay trước những việc làm của nó.
• Rồi trong tiết thể dục đầu tuần mới. Cả lớp đang hăng say khởi động để chuẩn bị cho bài kiểm tra Chạy tiếp sức thì Linh bỗng xỉu, ngã nhào xuống sân trường trước sự ngạc nhiên hốt hoảng của thầy giáo và bạn bè. Mấy thằng con trai lớp tôi thay phiên nhau cõng nó xuống phòng y tế nghỉ. Cuối buổi không thấy Linh lên, cô giáo giao cho tôi nhiệm vụ cầm tập sách cho nó, cô còn dặn thêm phải cất cẩn thận bữa sau mang lên lớp giúp bạn. Tôi ái ngại nhìn chiếc ba lô rách ngược vá xuôi rồi nhìn cô gật đầu lưỡng lự.
• Thu gom sách vở, tôi bỗng thấy trong đống hỗn tạp ấy, xuất hiện một cuốn sổ màu hồng nhìn đầy bí hiểm. Nếu nói là nhật kí thì không đúng vì nó thực chất chẳng khác gì cuốn vở 100 trang, không có chìa khoá hay mật khẩu gì để che đậy.
• Với bản tính tò mò của mình, tôi chẳng thèm suy nghĩ thêm mà vội vàng lật ra đọc. Đọc thử coi một đứa không có lấy một người bạn, không có thời gian để thưởng thức cuộc sống như nó thì lấy gì mà ghi nhật với chẳng kí. Nhưng không, tôi đã nhầm…
• Người ba đáng thương mà chẳng bao giờ Linh nhắc tới ấy, đã mất khi nó chưa đầy tám tháng tuổi; một đứa mà khi trong bụng mẹ đã sớm chịu thiệt thòi, khi ra đời chưa một lần nhìn thấy mặt cha thì làm sao nhắc đến từ “cha” như chúng tôi được. Ấy thế mà đã có lần chúng tôi nghĩ Linh là đứa con rơi hay gọi với cái tên cay nghiệt ngoài dã thú. Để bù đắp cho những thiếu thốn về mặt tình cảm, mẹ nó đã bươn chải lên thành phố sống với hi vọng có công ăn việc làm để kiếm đôi ba đồng lo cho con ăn học bằng bè bằng bạn. Tất cả mọi lo toan cho cuộc sống của hai mẹ con Linh đều trông gửi vào chiếc xe đẩy và cây chổi hàng ngày.
• Thế nhưng ông trời không thương nó, người mẹ tội nghiệp , người đàn bà bất hạnh ấy , chỗ dựa duy nhất của nó lại bị mắc phải căn bệnh hen suyễn nặng. Tiền công ngày một đắp vào tiền thuốc ngày hai biết bao nhiêu cho đủ. Nó thương mẹ bệnh tật nên vừa buông cây bút nó đã cầm ngay cây chổi thay mẹ, xào xạc trên khắp nẻo đời bi thương.
• Mỗi trang thư là một trang đời thẫm đẫm nước mắt. Mỗi lời của Linh như một lời kết tội cho những suy nghĩ hạn hẹp, ích kỉ và tầm thường về tội lỗi của tôi. Linh viết Nếu có một phép nhiệm màu của bà tiên, tôi sẽ không xin bà cho tôi được có ba hay được mặc những bộ quần áo đẹp như các bạn, được mẹ đưa đi học vào mỗi sáng hay dắt tôi đi chơi vào mỗi tối cuối tuần. Tôi chỉ xin hãy cho tôi có mẹ, tất cả bạn bè có thể cười tôi rách rưới, khinh tôi quê mùa, không chơi với tôi. Tôi sẽ cất giữ nỗi buồn cho riêng mình chứ không than phiền để mẹ phải lo lắng cho tôi như trước nưã. Xin bà tiên hãy cho mẹ tôi sức khoẻ, tôi hứa sẽ thay mẹ đẩy chiếc xe kia như 14 năm qua mẹ đã nuôi tôi khôn lớn nên người để tôi thấy mình chẳng thua kém ai vì tôi còn có mẹ. Vì tôi, mẹ phải vất vả giữa những cái nắng mùa hè, cái lạnh giá của mùa đông…Đọc đến đây người tôi như chết lặng đi. Ước mơ đôi khi chỉ là thế thôi sao!
• Ngày hôm sau, tôi đến lớp sớm hơn mọi khi. Sắp xếp ngăn nắp sách vở vào đúng vị trí của Linh và chờ đợi. Khi tiếng trống điểm lên ba hồi vào lớp mà vẫn chưa thấy bóng dáng Linh, có lẽ nó lại đi muộn đây! Thoáng suy nghĩ mông lung thì cô giáo tôi bước vào lớp; khuôn mặt cô đượm buồn, rồi cô yêu cầu lớp trật tự để nghe cô thông báo về việc từ ngày mai sĩ số lớp chỉ còn 39. Các bạn trong lớp nhao nhao bàn tán rồi cũng chẳng mấy bận tâm quay về với bài vở của mình.
• Tan học, tôi chạy thật nhanh về phía cổng trường, nơi Ba tôi đang đứng đợi.
• “- Ba à! Ba chở con qua nhà bạn Linh chút nghe Ba. Thấy tôi hớt ha hớt hải khuôn mặt ba cũng lo lắng theo. Rồi ba nhẹ nhàng nói tôi lên xe. Dọc đường, tôi kể lại toàn bộ câu chuyện cho ba nghe trong sự ân hận và xấu hổ. Ban đầu khi nhắc đến tên Linh ba tôi rất ngạc nhiên, vì ngày nào trong bữa cơm tôi đều huyên thuyên kể cho ba mẹ nghe về chuyện lớp, chuyện trường, về cái Trang, cái Ngọc hay thằng Phước, thằng Quang mà có bao giờ thấy nhắc tới tên Linh đâu, nhưng nghe xong câu chuyện, ba tôi đã hiểu ra, ba không mắng tôi mà còn cùng tôi đi hỏi đường tìm đến nhà của Linh.
• Đó là một dãy trọ nhỏ ẩm thấp và tối tăm, nơi sống của những người xa xứ hội tụ về đây, hầu hết họ là những người nghèo ở dưới quê lên thành phố bươn trải cho cuộc sống hàng ngày hoặc kiếm tiền gởi về quê cho ba mẹ, con cái…
• Thấy hai ba con chúng tôi, một bác gái chạy đến hỏi thăm. Bác nói và chỉ tay về phía căn phòng cuối, bên ngoài cửa đã khoá và có treo tấm bảng đề chữ Cho thuê phòng trọ. Căn phòng bé nhỏ đó là nơi mà hai mẹ con Linh sống, họ ở đây đã được hơn 8 năm rồi. Mấy tháng nay mẹ con bé ho suốt đêm, đi bệnh viện lấy thuốc chứ không dám nằm lại đó chắc vì sợ tốn nhiều tiền lệ phí. Tôi thương con bé quá! Mới tí tuổi mà đã bất hạnh, Ba mất, mẹ bệnh, sáng đi học đêm về đẩy xe thay mẹ kiếm tiền. Người thì bé như con nhái chứ có phải to lớn gì đâu. Khổ quá, sức khoẻ như thế cũng chẳng biết đến đâu, chiều qua hai mẹ con trả phòng rồi dìu dắt nhau đi đâu hay về quê cũng không biết chú ạ!
• Hai ba con tôi lặng lẽ cúi chào và xin phép ra về. Dọc đường ba không nói gì thêm nhưng tôi biết ba đang suy nghĩ về một điều gì đó. Còn tôi, những giọt nước mắt lăn khô khốc trên đôi má, những hình ảnh về cô bạn bé nhỏ, lủi thủi đẩy chiếc xe thay mẹ rồi những cái liếc mắt, những lời rè bỉu cứ ám ảnh, day dứt không nguôi.
• Buổi tối hôm ấy, tôi trằn trọc không ngủ được, chỉ nằm để trực mà nghe bằng được cái âm thanh xào xạc của tiếng chổi tre, cái âm thanh mà đêm nào cũng đi ngang qua ngõ nhà tôi nhưng chưa một lần tôi để ý. Tự trách bản thân mình bao nhiêu tôi lại thầm biết ơn mẹ con Linh bấy nhiêu, cảm ơn tiếng chổi đêm đã đánh thức những suy nghĩ tội lỗi trong tôi để biết mình sai và để tìm đến một nơi bình yên cho tâm hồn neo đậu.
Ngày mai thôi, tôi tin nắng sẽ lại trải dài trên những con đường sạch vì đâu đó đã có những người như mẹ Linh và Linh. Tôi tự hào về họ.

Phạm Thị Rơn
Giáo viên trường trung học Nguyễn Khuyến, TP. Hồ Chí Minh

/