/
        1. 
           Gió từng cơn mơn man nhẹ. Cái lạnh của sớm mai thật dễ chịu. Đàn gà chạy tao tác khi tôi bước ra vườn sau nhà. Lúc nãy trước khi ra chợ bà xã hồ hỡi báo tin vui. Xoài đậu mấy trái đó anh! Cứ tưởng chỉ để làm kiểng hay gà lên ngủ…Anh ra coi đi! Đang dọn, sắp dãy ghế để đón khách đầu ngày cho phòng Nét. A!, vậy sao hay quá, tôi kêu lên mừng ra mặt…Nắng đầu ngày đã bừng lên từ lâu, những cánh hoa chiếu thủy giữa sân vườn như ánh lánh theo nỗi mừng của tôi. Trồng cây tất có ngày hưởng quả, một quy luật tự nhiên dành tạ ơn người ra công, đổ sức rất công bằng. Đây là loại xoài ghép, tôi mua ở vựa cây giống từ Bến Tre đưa lên một giống Đài, một giống Thái. Nhưng khi trồng một phần do đất chai cằn cỗi, hố đào không sâu xốc lại mấy lần chạm rễ cái cây giống Đài chết khô. Đúng là nghề nào kỹ thuật nấy, một anh giáo muốn có cây lên xanh, cho trái không dễ chút nào! Ngay cây xoài giống Thái sống được, cao thân rậm cành lá chỉ một cơn bão rớt qua vùng cũng bật gốc. Tôi cho chằng chống và “tạo dáng” nằm nghiêng để thêm màu xanh cho sân vườn ngờ đâu niềm ham sống của nó lắm đỗi thiết tha ra lá mỡn tơ, trổ bông, kết quả. Với tôi, những bông xoài, những trái xoài còn mang chứa một câu chuyện…
           Hai mươi năm từ ngày má tôi qua đời. những bông xoài nở trắng như màu tóc má vẫn ngời ngời…Sân vườn chưa đây 300 mét vuômg này cũng có tuổi đời như vậy. Sinh ra, lớn lên trãi thời tuổi thơ cắp sách đến khi vào học Đại học, tôi là cư dân Sài Gòn chính gốc vậy mà “bùng con mắt dậy thấy mình chốn quê!”. Đó là năm 71 thế kỉ trước, do làm ăn thất bại ba má tôi  rời thành phố lên vùng tân lập dưới chân núi Chứa Chan mua đất làm rẩy. Cái tên Ngã ba Ông Đồn ( nay là trung tâm huyện Xuân Lộc – tỉnh Đồng Nai) hoang sơ, xa lăng lắc trở thành quê mới của tôi. Ra trường, tôi về dạy trung học ở tỉnh Gò Công, cũng chuyển đổi nhiều trường nơi dạy lâu nhất, tám năm là trường mang tên cụ Đồ Chiểu ở Thành phố Mỹ Tho – Tiền Giang. Bạn đồng nghiệp, cả bạn gái mới quen hỏi tôi quê đâu, nghe trả lời  –  Ông Đồn đều tròn mắt ngạc nhiên! Bởi nó không có trong bộ nhớ địa danh thông thường như Chợ Lách Bến Tre, Long Hồ Vĩnh Long, Sơn Tịnh Quảng Ngải…Vậy mà chính nơi nắng bụi đỏ, mưa dầm dề thúi cả đất này tôi gắn bó hơn nửa đời người. Nơi có ông Ngoại má tôi đón về chăm sóc, có mái nhà thân yêu ấm tràn tình đoàn tụ, có những chùm bông xoài đong đưa chào chờ anh em chúng tôi những ngày năm hết, Tết đến.
      2.
        …Cây xanh tốt, tàn lá xum xuê thuộc giống xoài cát mang lên từ Cái Bè. Đến mùa trái đúng độ trĩu cành. Má chọn trái đẹp chưng cúng ông bà và còn mang cho người quen, ai ăn đều khen thơm ngọt. Tôi biết, má trồng cây xoài trước nhà hẳn không chỉ vì vị thanh lịm đặc trưng mà còn đằm đượm nỗi nhớ vùng quê ngoại dạt dào sông nước Cần Thơ. (Chỉ tiếc, sau khi má mất, huyện mới thành lập mở rộng đường thông thoáng đành phải đốn hạ nó). Giờ do thời cuộc, sinh kế lên tận núi cao xa vời. Con về với mẹ đi! Mấy anh em bây đứa nào cũng nói khó khăn…Trời chợt khan gió dậy nóng hừng trong dịp hè ngắn ngủi ra rẩy phụ giúp ba chăm tưới mì, bắp. Bóng nhỏ gầy của má khuất dần theo lối mòn vào nhà vẫn ánh lên trong nắng chiều những sợi bạc sớm dù mới qua tuổi năm mươi. Uống chén nước mưa má mang ra, lòng nhiều xót xa…Phía cuối rẩy, những nhát cuốc vỡ vạt đất lứa đậu tới của ba tôi chừng như nặng nhọc hơn. Sinh thành, nuôi dạy khôn lớn, kì vọng các con trưởng thành nhưnhững cánh chim đủ lông, mạnh cánh bay vào đời. Nhà giờ trống trước, vắng sau chỉ còn ba má. Mong một đứa về ở cùng cứ hằn dấu chân chim nỗi chờ đau đáu. Mà đúng là khó thật. Người anh đầu làm trong ngành Viễn thông, lập gia đình ở thành phố. Hai đứa em sau đang công tác xa, việc cơ quan, việc nhà con mọn xoay vòng đến hụt thở. Xếp được buổi nghỉ nào mấy em tôi đều chạy về thăm hỏi sức khỏe ba má, lo toan gạo mắm..Rồi lại đi. Chỉ riêng tôi là có thể chuyển về quê, một phân hiệu cấp 3 của trường THPT huyện đã lập gần nhà mà tôi cứ lần lựa hẹn. Nỗi mơ đời, niềm hoài mộng văn chương cùng phong trào trường, lớp những năm đầu giải phóng cuốn lấy tôi. Dẫu rằng, chừng độ năm sau tôi về cùng với gia đình nhỏ của mình, lúc đó má tôi đã ngã bệnh.Tôi thật có lỗi…Cũng may tôi vẫn còn kịp để chăm nom, thuốc men cho má được mấy năm cuối đời. Chính những bông xoài nở trắng hẹn mùa trái ngọt đã giục gọi tôi về. Và để tôi có những vần thơ đọng sâu niềm hối lỗi :
                          Dẫu biết bao giờ là kịp nữa
                         Ngày về lần lửa hóa xa xăm
                         Cây xoài trước ngõ già thêm tuổi
                         Mẹ mõi mòn theo những tháng năm.. 
                     …Lụm cụm đũa so đau niềm nhớ
                       -Ù, chắc xuân sau hắn sẽ về…
          Vung nắm thóc ra sân, nhìn đàn gà đập cánh chạy ào chen nhau ăn, tôi thần người bồi hồi nhớ…Sáng 25 Tết, sau chặng Mỹ Tho về Thành phố  tôi lên chuyến xe Ông Đồn – Căn Cứ cùng với giỏ quà mứt, bánh và giá trị nhứt là túi gạo trắng 10kg tiêu chuẩn Tết và bốn kí nếp ngon phụ huynh mua giúp. Tốc độ chạy bằng than đã chậm nhà xe còn phải dùng nghỉ hai tiếng để sửa nên mãi đến chiều tôi mới về tới nhà. Xe qua mấy dãy hàng quán đầu ngã ba nơi có nhiều chuyến chạy tuyến Bắc Nam ghé lại. Đường về miền Trung, Huế, Hà Nội còn xa mù. Khách về quê cuối năm lỉnh kỉnh hàng, quà nhưng khuôn mặt ai cũng ngời niềm sum họp. Tới… rồi, Ông Đồn, Căn cứ 1 đê…Phụ xế tay níu, tay đập ầm ầm vách thùng báo hiệu cho khách, xe chậm rề dừng lại. Từ xa, dưới tán cây xoài rậm cành lủng lẳng trái, má tôi đang khom người quét dọn và chờ ngóng anh em tôi. Lưng má đã còng hơn. Những sợi bạc đã nhiều thêm trên mái đầu như màu trắng của mấy chùm bông xoài ra muộn. Ông ơi, thằng Ba về nè, nó về…Nỗi xúc động thật khó tả dâng lên khi tôi ôm lấy đôi vai gầy xương của má. Má, con về tới rồi..Và tôi càng nghẹn lòng khi nhìn lúc soạn túi quà, má mân mê những hạt gạo, nếp trong tay không thôi. Vùng quê mới, đất thế đồi dốc đỏ pha trộn cát đá nên hợp các loại cây lương thực sắn khoai, mít, chuối, đậu mè tươi xanh. Một vài nơi trủng thấp mới gieo trồng được lúa mà nguồn nước vô cùng khó khăn. Cách quản lý của thời “ngăn sông cấm chợ”, sản phẩm nơi nào người dân làm ra thì thụ hưởng loại ấy khiến cho bửa cơm của má khoai, mì độn nhiều phần hơn gạo. Chỉ có những lần về giáp Tết tôi mới mang được cho má những hạt gạo trắng – hạt gạo tình của người con còn mãi đắm mê phiêu bạt. Trắng như những sợi trắng mòn mõi của má ngóng chờ con…Còn kia mấy chùm bông xoài muộn nở trắng lay phay trong gió chiều  xuân…Và tôi đã sum vầy với ba má sau mùa Tết ấy.
    3.
       Dáng xoài đẹp và hay quá hả anh! Bà xã đã đứng kề bên lúc nào…Đúng là khó tìm cây xoài dáng nghiêng như thế. Khu vườn nhỏ nhìn đâu cũng có hình bóng ba má tôi. Giếng đào lấy nước cho chăn nuôi, sinh hoạt do chính ba tôi khởi xướng cho người đào vét sâu gần 30 mét cuối vườn còn đó. Cây sầu riêng, cây sa – chê  cạnh nền chuồng heo má tôi gầy dựng già cỗi chặt bỏ từ lâu. Ngoài mấy chậu kiểng mới uốn cành cách điệu cho vườn có màu xanh, hương thơm, tôi trồng thêm cây xoài này cũng không tự tin lắm vì đất cạn mỡ màu. Nhưng nó cũng chịu vất vã để trụ mình dù mang dáng lạ, không vươn thân đứng thắng mà nằm nghêng! Bà xã dịu tay thêm mấy nắm mồi tung gọi, đàn gà lớn nhỏ lại túa bầy rộn cả sân. Kìa anh, có thêm nhiều bông xoài nữa…Tiếng trầm ấm của người vợ đã gắn bó với cuộc đời tôi ba mươi năm, chịu nhọc nhằn với vùng quê mới này cũng chừng ấy tháng năm. Ông Đồn – Xuân Lộc đã là quê hương của chúng tôi từ lâu lắm rồi.
   …Xoài thả đưa trái dù không nhiều. Màu trắng những chùm mới trổ đang nhẹ rung trong cơn gió lạnh se như thấp thoáng màu tóc má chiều cuối năm nào mòn đợi tôi về…Xin rưng lời cảm tạ những bông xoài mang thắm tình mẹ quê. Và tôi lâng nghe trong không gian ngày mới lan dịu hương thơm  những bông xoài mùa xuân…
                                                             
                                                              NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG
.
/