Trở về trông nhánh sông Thu chảy qua phố Hội An.
Trở về thăm tuổi thơ ta những năm tháng lầm than.
Để tìm đôi mắt rêu xanh nhìn nhau phút biệt ly.
Tóc rêu mênh mông bay dài trong gió.
Gót chân trên con đường quen….
(Lời bài hát Trở lại phố Hoài. Nhạc và lời: Vũ Đức Sao Biển)
Không biết tự bao giờ, hình ảnh phố cổ Hội An cùng những chiếc đèn lồng lung linh về đêm lại quyến rũ tôi đến vậy. Hình ảnh phố cổ trầm mặc, cổ kính đến với tôi của những ngày thơ bé qua hình ảnh của chị Rêu, anh Dậu trong bộ phim Phố Hoài của nữ đạo diễn Song Chi, chuyển thể từ truyện ngắn Phố Hoài của tác giả Quế Hương và cả qua giai điệu của bài hát nhạc phim: Trở lại phố Hoài (Nhạc và lời: Vũ Đức Sao Biển). Kể từ đó, phố cổ đã gieo trong tôi một niềm yêu đến kỳ lạ. Tôi ước ao một lần được đến với phố cổ Hội An, để được một lần say trong cái không gian cổ kính, rêu phong ấy. Phố cổ như tách biệt khỏi dòng chảy và sự phá hủy của thời gian. Không tiếng xe gầm rú, không sáng bừng lên những ánh đèn đô thị, chỉ đâu đó là những dòng người, những nếp nhà, những ánh đèn lồng rực rỡ nhưng nhẹ nhàng ấm áp.
Từ thế kỷ XVI, XVII, thương cảng Hội An là tụ điểm mậu dịch có tính quốc tế ở Đàng Trong – Việt Nam. Thuyền buôn nước ngoài tấp nập cập bến mở hội chợ, trao đổi hàng hóa, hàng năm từ 4 đến 6 tháng liền. Thương nhân các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ,… đã lập thương điếm hoặc lập phố cư trú lâu dài. Do nhiều cơ may, đến nay khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn hầu như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc gồm nhiều loại hình: nhà ở, Hội quán, đình, chùa, miếu, giếng, cầu, nhà thờ Tộc, bến cảng, chợ, kết hợp với đường giao thông ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ, mô hình phổ biến của các đô thị thương nghiệp thành phố phương Đông thời Trung đại. Cùng cuộc sống thường ngày của cư dân với những tập quán, sinh hoạt văn hoa lâu đời đang được duy trì, nơi đây còn là bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Ngày 04/12/1999, Hội An được ghi tên vào danh mục các di sản văn hóa Thế giới.
Tôi đến Hội An lần này vào một buổi chiều gió lạnh. Bước xuống xe, trái ngược hẳn với không khí ấm áp của nắng Sài Gòn là cái rét căm căm của Hội An. Cái rét mà khiến cho con bé Sài Gòn như tôi phải nhăn mặt, rúc người vào áo ấm. Lần đầu đến với phố, tôi không hề biết rằng thời tiết nơi đây lại khắc nghiệt đến thế, phố đón bước chân tôi bằng những con gió lạnh luồn qua từng kẽ tóc, luồn vào da thịt tôi khiến cho đôi môi tôi và mỗi bước chân tôi dường như rung lên rét. Phố ban ngày như tái hiện lại cái không khí sầm uất, tấp nập của thương cảng xưa kia. Một Hội An cổ kính vẽ ra trước mắt tôi biết bao điều mới mẻ. Theo đoàn, tôi rảo bước chân tôi qua khắp mọi ngõ ngách của phố cổ: từ Hội quán Phúc Kiến, xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ Hội An cho đến chùa Cầu và con sông Hoài êm đềm xuôi chảy. Tôi xúc động biết bao khi được đặt chân vào chùa Cầu – ngôi chùa không có Phật, bởi đó chính là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua, độc đáo và đầy thân thương của người Hội An.

Chùa Cầu – tên gọi chung cho tổ hợp kiến trúc gồm ngôi chùa nhỏ gắn kết vào sườn phía Bắc cây cầu cổ trong khu đô thị cổ Hội An (nay là thành phố Hội An), thuộc tỉnh Quảng Nam. Cùng với Cầu Ngói Phát Diệm (Ninh Bình), Cầu Ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên-Huế), Chùa Cầu Hội An là một trong 3 cây cầu lợp ngói ở Việt Nam, được nhiều du khách biết đến.Chiếc cầu dài 18 m với bảy gian bằng gỗ, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Hoài (một nhánh sông Thu Bồn) nối giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú của thành phố Hội An. Cầu có dáng uốn cong mềm mại, nhiều họa tiết đẹp. Cầu và chùa đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu. Mặt chùa quay về phía bờ sông, mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Chùa Cầu là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17. Cây cầu còn có các tên khác là cầu Nhật Bản hay cầu Lai Viễn do chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An năm 1719 đặt tên, với hàm ý sẵn lòng đón đợi bạn phương xa đến. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người. Với người dân phố Hội, Chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 6 lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1990 và hình ảnh Chùa Cầu có trên tờ tiền polymer 20.000 đồng của Việt Nam hôm nay. Ai đến Hội An mà chưa đến Chùa Cầu thì coi như chưa đến, đến rồi thì lưu luyến nhớ thương:
“Ai đi phố Hội, Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai.
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu…”
Rời Chùa Cầu, tôi dạo bước đến bên bờ sông Hoài – dòng sông nhỏ êm đềm chảy qua phố cổ, món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho Hội An, chẳng những đem lại hơi nước mát lành cho phố thị mà còn tạo ra một cảnh quan trên bến dưới thuyền độc đáo và những đêm hội hoa đăng đầy ấn tượng. Đứng bên bờ sông Hoài ngắm nhìn dòng nước lặng lờ chảy, tôi chợt thấy lòng mình bình yên đến lạ. Ánh hoàng hôn lặng lẽ chiếu xuống mặt nước trong vắt với bến thuyền tấp nập thuyền bè lại qua. Sông chảy qua lòng Hội An như ôm trọn lấy nét cổ kính, trầm mặc của phố cổ thân thương. Trái hẳn với hình ảnh những con kênh, con sông đen ngòm vì ô nhiễm mà tôi nhìn thấy là hình ảnh con sông Hoài với dòng nước xanh biếc, êm đềm chảy như người thiếu nữ đang khoe vẻ đẹp mỹ miều trước mắt những ai nhìn ngắm nó. Thế mới thấy, con người là một nhân tố quan trọng góp phần không nhỏ vào sự sống của thiên nhiên, chỉ cần ta có ý thức bảo vệ nó thì hình ảnh con sông Hoài dịu dàng sẽ mãi mãi êm đềm như thế, xanh trong như thế. Tôi dừng lại chụp vài bức ảnh bên bờ sông Hoài và hít thở không khí trong lành nơi đây như muốn ôm tất cả cái dịu mát thân thương của dòng sông có cái tên đầy hoài niệm.
Chiều hôm ấy, chúng tôi được thưởng thức những món đặc sản của phố cổ trong bữa cơm chiều. Ẩm thực Hội An không có nhiều món phong phú nhưng với một vài món đặc sản, du khách ăn rồi sẽ không thể nào quên. Cơm gà là món cơm mềm, dẻo được phục vụ với gà xé thêm chút rau răm và hành tây. Còn Cao lầu, món mì đặc trưng ở Hội An rất ít nước, có thịt, hoành thánh chiên cùng một ít rau sống và giá sẽ càng làm cho bạn vừa tấm tắc vừa muốn ăn thêm. Ngoài ra còn có thêm món chả ốc mà vì ngon quá nên chúng tôi mải ăn mà quên mất cảm nhận xem nó được làm từ những nguyên liệu nào.
Đêm hôm ấy, tôi cùng các bạn dạo quanh để chiêm ngưỡng phố cổ về đêm. Chưa bao giờ tôi được rảo bước trên những con phố yên bình đến vậy. Có một phố nhỏ nơi thời gian như ngừng trôi. Phố của những rêu xanh cổ kính như trong truyện ngắn Phố Hoài mà tác giả Quế Hương đã viết: “Niềm vui âm thầm nhảy múa suốt mùa đông bởi cứ sau mỗi cơn mưa, chị lại rủ thằng Dậu đi ngắm phố rêu. Mầu thời gian không xanh. Mầu thời gian tím ngát… (Thơ Đoàn Phú Tứ). Còn với chị, mầu thời gian xanh mướt. Từ mái đến tường, từ hẻm đến phố chợ… tất cả được khoác tấm áo nhung rêu óng mượt. Những sắc độ xanh chồng chồng lớp lớp, gối lên nhau như những mảng thời gian được lưu trữ. Chị bảo chị không thể xa Phố được vì chị lỡ say rêu. Chị có thể ngồi lặng cả giờ để ngắm một bức tường rêu phủ. Rêu chảy từ trên mái xuống tường, non nỏn đến dại lòng, thăm thẳm đến tê tái. Đôi cây hoa dại cheo leo trên mái học đánh đu nghịch ngợm trên tường, hồn nhiên toét miệng cười. Mái ngói âm dương như những khuôn mặt thời gian đủ mầu đủ vẻ, sau mưa chợt ngời sáng bởi vô số nụ hoa rêu li ti rộn ràng. Ấy là lúc phố đẹp đến mềm lòng.”. Phố nơi những mái ngói ngả vàng dưới ánh chiều tà, phố nơi những góc nhỏ quanh co giữ nguyên như ngày hôm qua. Hay thời gian vẫn trôi, phố chỉ trở về là phố những đêm ngắt điện, để đèn lồng tỏa sáng lung linh, để tiếng động cơ xe tạm xa ngoài không gian phố nhỏ. Hay phố chính là phố hoài, hoài niệm, hoài mong, hoài yêu, hoài nhớ của những con người đã giữ phố trong tim. Tôi thích gọi phố cổ Hội An là phố Hoài, chữ “hoài” là do cách đọc của người Trung Hoa, “hoai pho”, thành ra “phố hoài”, vậy mà hay, mà nên thơ đến lạ. Dường như nơi đây là nơi của yêu thương, của hoài niệm mà cho dù chưa một lần đến phố, tôi vẫn thấy phố đẹp và nhớ phố đến nao lòng.

Dạo quanh phố, tôi bỗng chốc bị hút hồn bởi sắc màu huyền bí của những chiếc đèn lồng giăng kín các ngả đường phố cổ. Những chiếc đèn lồng mà một thởi tôi mê mẩn trong bộ phim Phố Hoài, nay tôi đã được tận tay mình chạm đến. Có chút gì đó như là sự hoài niệm về một quá khứ vàng son, rất gần mà cũng rất xa, rất thật mà cũng rất mơ hồ. Mỗi chiếc đèn lồng mang một vẻ đẹp huyền ảo, nhẹ nhàng và sâu lắng, được treo lơ lửng dưới mái hiên, tỏa ánh sáng ấm áp, thắp lên những nụ cười đôn hậu của người dân phố Hội. Theo người dân địa phương, người đầu tiên nghiên cứu và thực hiện chiếc đèn lồng truyền thống thành những sản phẩm lạ mắt, độc đáo là nghệ nhân tài hoa Huỳnh Văn Ba. Ông đã thổi hồn vào những chiếc đèn lồng và biến nó thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, riêng có của phố Hội. Đèn lồng Hội An có đủ kích cỡ, chủng loại từ hình tròn, bát giác, lục giác, trái bí, củ tỏi đến những chiếc đèn kéo quân, con rồng, con cá với nhiều sắc màu mê hoặc. Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng do chính tay mình làm nên bởi chúng không chỉ thắp sáng phố phường mà còn khơi dậy nhiều cảm xúc trong lòng những ai từng đi trên những “con đường cong một cánh cung đầy” này. Tôi dừng lại mua cho mình hai chiếc đèn lồng nhỏ làm kỷ niệm, hai chiếc đèn lồng bé nhỏ nhưng đó là tất cả không khí của phố cổ mà tôi đã gói cả yêu thương trong đó mang về Sài Gòn thân yêu.
Phố xưa không chỉ có những con đường, mái rêu, phố xưa còn có những con người nếp cũ. Tôi từng xúc động biết bao trước tình cảm của những con người phố cổ trong bộ phim Phố Hoài. Dân quê mà trọng học tài, nghe khoa bảng thủ thỉ khâm phục con ai đứng đầu, mà không khinh nghèo khó. Sẵn lòng đỡ thằng bé gánh nước ngang đường bất tỉnh, cho ly trà, tô phở, khuyên giữ mình còn lo cho mẹ mai sau. Phố hoài có những con người hoài phố. Tiếc là do cuộc sống nhộn nhịp ngày này, con người ta dường như hiếm ai còn giữ được những nét đẹp trong tâm hồn ấy. Tôi hơi có một chút thất vọng trước những lời nói đùa cợt nhã của những chàng trai phố cổ khi đám con gái chúng tôi lê bước lạc đường trên phố, những tiếng quát nạt của chị bán hàng khi anh bạn tôi trót “tài lanh” trả giá hàng hóa hộ cho một nữ du khách nước ngoài. Tất cả những hình ảnh đẹp mà tôi thêu dệt về con người phố cổ bỗng chốc sắp vỡ tan trước mắt tôi. Nhưng may thay, nhờ tối hôm ấy chúng tôi lạc đường về khách sạn, loay hoay giữa phố cổ, một cô bán hàng ở nơi ấy đã nhiệt tình chỉ đường cho chúng tôi. Niềm tin trong tôi về con người phố Hoài như được nhen lên lại. Và tôi biết rằng những hạt sạn đáng tiếc kia chỉ là thiểu số trong vô vàn những tinh hoa tốt đẹp của con người nơi đây. Trở về khách sạn mà trong lòng tôi còn mãi miên man những dòng cảm xúc về phố cổ – phố Hoài thân thương.
Điều đáng tiếc nhất lần này của tôi khi đến với phố cổ Hội An là chưa được nghe nghệ thuật hát bài chòi đặc trưng của Quảng Nam, chưa được thưởng thức thêm nữa những nét ẩm thực đặc sắc của Hội An. Đáng tiếc hơn nữa là tôi đi không đúng dịp có lễ hội để được xem thả đèn hoa trên sông Hoài thơ mộng nhưng bù lại tôi lại cảm nhận được những phút giây thật yên bình của phố cổ. Nhất định lần sau khi trở lại tôi sẽ dạo phố lâu hơn nữa, chầm chậm thôi để cảm nhận cho hết không khí nơi phố cổ, để lúc đó tôi có thể tự hào và nói với mọi người rằng: Hôm nay, tôi trở lại phố Hoài….!
Ngọc lan tỏa ngát đêm đêm mùi hương của tình thơ.
Về đây nghe tiếng rao đêm vọng trên phố Hoài xưa.
Có ai mang theo hương mùa xuân thắm.
Thắp lên con tim chờ mong….
Về đây nghe tiếng rao đêm vọng trên phố Hoài xưa.
Có ai mang theo hương mùa xuân thắm.
Thắp lên con tim chờ mong….
(Lời bài hát Trở lại phố Hoài. Nhạc và lời: Vũ Đức Sao Biển)