Mạnh Minh Tâm
 
          Người già ưa có việc để làm, bà Hai Đảo cũng vậy. Hằng ngày từ sáng tới tối bà cặm cụi loay hoay: lúc lấy cái kẹo bán cho trẻ con, khi lấy chai nước, điếu thuốc bán cho khách qua đường; nửa buổi xế chiều lại lo cơm nước cho con cháu, bữa ăn cho sáu bảy người; nghỉ tay một chút lại quay sang băm rau bắt nồi cháo heo cho bốn năm con trong chuồng… Có hôm còn phải trông thêm đứa chắt hai tuổi, con của thằng cháu ngoại. Những công việc nhà cứ tưởng như vặt vãnh nhưng là cả một gánh nặng cho một bà già tuổi đã quá bảy lăm. Người ngoài không hiểu cứ cho bà là người ham công tiếc việc. Thấy vậy, con cháu khuyên bà nên nghỉ ngơi, bà cười đôn hậu nói vui: “già rồi ngồi không buồn lắm, sanh bệnh. Có chuyện làm giúp đỡ con cháu mà vui, như rèn sức dẻo dai, biết đâu thêm vài tuổi thọ…”. Nhìn bà Hai Đảo công việc không ngơi tay, ít người biết rằng cả đời bà đã từng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
          Sinh ra và lớn lên trên dãi đất Xuân Quang giàu truyền thống cách mạng, bà Phạm Thị Đảo sinh năm 1928, nhằm vào cái thời bọn cường hào ác bá ở nông thôn lộng hành bạo ngược. Cái thời mà hai cụ thân sinh của bà khi lập gia thất, lúc mới ra ở riêng không có giường để mà nằm, đông lạnh chỉ có manh chiếu rách đắp không đủ ấm; đêm về phải nằm khoanh trên nền đất lạnh nhờ hơi ấm của bếp củi đỏ lửa; và cũng chính nơi đó đã sinh ra bà. Theo năm tháng, độ chín mười tuổi bà đã hình dung được thế nào là cuộc sống cơ cực tủi nhục của người nông dân bị bóc lột dưới thời thực dân phong kiến. Để có ruộng cày, cha mẹ bà hằng ngày làm việc quần quật ngoài đồng, tối về còn phải tới nhà địa chủ giã gạo, mài bột khoai hạ, củ gừng tới khuya, khi trở về nhà tay chân rát bỏng, mất ngủ. Nhọc nhằn đến thế mà hai cụ vẫn chịu đựng làm lụng, nhịn nhặt nuôi các con khôn lớn, rồi tậu được ruộng, cất được nhà tầng bằng lá mái. Sự khấm khá vươn lên của gia đình bà cũng là trường hợp hiếm thấy trong hàng ngàn gia đình tá điền nghèo thời bấy giờ.
          Rồi cách mạng bùng lên, ngày toàn quốc kháng chiến, gia đình bà không ngần ngại để trở thành một cơ sở cách mạng kiên trung, an toàn cho những cán bộ Tỉnh ủy hoạt động bí mật như: Ông Năm Phổ, Bùi Tân, Châu Phước Khanh, Trần Suyền… nuôi giấu các ông trên gác tầng bằng; những tiếng cựa mình rột rẹt, phải nói dối với sắp nhỏ là chuột chạy. Có hôm địch lùng sục gắt gao, các ông phải ăn ngủ, tiểu tiện một chỗ. Bà nói: “Nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật còn khó khổ hơn chăm lo “đàn bà ở cữ” (đàn bà đẻ). Họ ở trong nhà nhất cử, nhất động là phải dòm trước ngó sau; chớ lỡ bọn Việt gian phát hiện, khai báo là cả nhà “bầm mình”. Nơm nớp lo sợ nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng, tìm mọi cách để làm tròn nhiệm vụ của một cơ sở cách mạng; bởi tin tưởng họ là những người sẽ làm thay đổi bao số phận, cuộc đời của kiếp người nô lệ”.
          Bà Đảo bồi hồi kể lại: “Năm 1942 tôi vào du kích xã, năm 1949 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cả nhà tôi ai cũng tham gia cách mạng. Tôi đi trước và lần lượt các em tôi: Phạm Thị Phụng, Phạm Hồng Quang, Phạm Năm. Trong đó có người, sau này đã trở thành cán bộ đảm nhận các chức vụ trọng trách như: Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh trước và sau ngày giải phóng thống nhất đất nước. Là một gia đình cơ sở của cách mạng nên hiển nhiên chúng tôi có điều kiện tiếp xúc và sớm giác ngộ cách mạng. Nhưng về tình riêng, tôi không sao quên được kẻ thù đã sát hại em trai tôi là Phạm Năm và con gái tôi là Đỗ Thị Thúy Hồng. Cái luật 10/59 của Ngô Đình Diệm đã thủ tiêu Phạm Năm tại cầu sắt La Hai, xác em trai của tôi đã trôi sông về với biển cả. Tôi đã khóc hết nước mắt vì thương tiếc, gào thét đến khản giọng khi cả gia đình không tìm được xác của nó…!”
          Bà Đảo lấy chồng từ năm hai lăm tuổi. Năm 1954, chồng tập kết ra Bắc lúc con gái đầu lòng còn chập chững và đang mang thai đứa thứ hai. Đêm về, nằm nhớ chồng da diết, thương các con thơ dại vắng cha nhưng phải bấm bụng tạm gác mọi nhớ nhung, lấy nhiệm vụ công tác làm nguồn vui khuây khỏa; tin tưởng, chờ đợi ngày kháng chiến thành công. Từ năm 1954 – 1974 bà Đảo gánh vác những chức vụ, công việc đầy rẫy hiểm nguy: Đội trưởng du kích, Đội trưởng Cảm tử quân, Mũi trưởng công tác xã Xuân Quang, ủy viên BCH Phụ nữ… gọi chung là hoạt động cách mạng.
          Hoạt động cách mạng ở cơ sở là cầu nối giữ mối liên lạc giữa tổ chức với lực lượng quần chúng một cách trực tiếp, do vậy công tác tuyên truyền vận động phải thuyết phục cho họ tin tưởng, nghe theo là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu. Năm ấy, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân kháng chiến, kiến quốc của Mặt trận Việt Minh:
         
          Đồ đồng chỉ để nấu ăn
          Lạc quyên đúc đạn mà ngăn quân thù…
          Đeo vàng nặng cổ, nặng tai
          Đưa ra giúp nước ngày mai huy hoàng…
         Mình vận động thì phải gương mẫu cho quần chúng noi theo. Lúc bấy giờ nhà có bảy giạ giống ruộng (bảy ngàn mét vuông), đến mùa gặt thu cả hàng tấn lúa, là của ăn của để cho cả nhà; vậy mà gia đình chỉ giữ lại một phần đủ để duy trì sự sống cho gia đình còn lại đóng góp hết cho cách mạng.
          Cam go nhất là thời kỳ “Quốc gia lập lại” sau năm 1954, bà Đảo là Mũi trưởng công tác xã Xuân Quang trong mười năm liền. Mười năm nằm trong lòng địch phải chịu đựng, chứng kiến sự đàn áp, khủng bố của bộ máy ngụy quyền. Theo chỉ thị cấp trên – phá ấp chiến lược, tiêu diệt đồn bót là mục tiêu chiến lược của cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Bà Đảo luôn dẫn đầu “Đội quân tóc dài” trong các cuộc biểu tình: chống dồn dân lập ấp, chống những cuộc càn quét cướp bóc, đốt phá, sát hại những thường dân vô tội; những cuộc biểu tình đã gây chấn động đến quận lỵ, làm chùn bước kẻ thù. Song để làm được điều đó, bà và các mẹ, các chị phải nếm trải những cuộc đàn áp như: Bị địch bắt phơi nắng cả ngày trời giữa đồng không mông quạnh; bắt ngụp lặn ở bầu Long Thăng, dầm mình trong vũng lầy ở bầu ông Quán, chợ Đồng Dài. “Trên đầu đạn bắn rát tai, ngâm nước chăn vịt nổi gai đầy mình” là ứng khẩu của một người trong đoàn biểu tình; bởi sau những cuộc đàn áp như vậy, nhiều chị em đã bị ghẻ chóc mọc đầy mình. Tuy vậy, chúng cũng không ngăn nổi những cuộc đấu tranh nảy lửa do bà trực tiếp tổ chức.
          Lần khác, để nắm chắc tình hình địch, chuẩn bị cho bộ đội chủ lực về tiêu diệt đồn núi Ngang, nơi án ngữ của một đại đội Bảo An, Dân vệ khét tiếng hà khắc dân lành. Bà Đảo nhận nhiệm vụ, giả bệnh vào nằm trong bệnh xá xã của địch để trực tiếp liên lạc với hàng chục cơ sở cách mạng. Đó là vận động những gia đình người Việt gốc Hoa, buôn bán giàu có ở chợ Đồng Dài; những gia đình có con em đi lính trong đồn và nhiều cơ sở đáng tin cậy tham gia chuẩn bị cho cuộc tấn công. Nhờ làm tốt công tác dân vận, một số binh lính trong đồn núi Ngang đã giác ngộ, nhận làm nội ứng. Đêm tấn công, họ nhận phần việc vạch sẵn những trổ rào cho đặc công của ta vào đánh phát hỏa. Trong đêm đó có mười lăm lính Bảo An ra nộp súng, đầu hàng cách mạng. Tối 25 rạng ngày 26 năm 1963 lịch sử, đồn núi Ngang bốc lửa và hoàn toàn bị tiêu diệt. Trong chiến công chung làm sao có thể kể hết công sức đóng góp của bà. Chỉ biết rằng, trận thắng núi Ngang đã góp phần ngăn chặn thói ngông ngang hống hách của bè lũ tay sai ức hiếp dân lành; củng cố và xây dựng niềm tin của lực lượng quần chúng đối với tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng.
Xông xáo và táo bạo trong chiến đấu; mềm dẻo, thấu tình đạt lý trong vận động đó là những tố chất vốn có đã giúp bà Đảo vượt qua bao gian nguy hiểm trở. Càng hoạt động, uy tín và tiếng nói của bà càng làm cho nhân dân tin yêu, đồng cảm. Bà đã từng cứu cho bao mạng người thoát khỏi những cái chết oan uổng do cơ sở ngờ vực, thù oán cá nhân. Dân tin bà như luôn có đấng quý nhân phù trợ. Nhờ vậy, mọi công việc của cấp trên giao bà đều hoàn thành một cách trót lọt.
 Hồi ấy, chị em phụ nữ xã Xuân Quang thường nói vui, nửa đùa nửa thật: “Mình sinh con ra là để cho bà Hai Đảo”. Thật vậy, hàng trăm con em dân làng thoát ly, người đi bộ đội, người vào du kích đều nhận được sự động viên, bảo ban của bà. Cũng là lời nói nhưng giọng điệu, cách phân giải của bà đã làm cho bao gia đình an lòng, tuổi trẻ chấp nhận dấn thân; mặc dù họ vẫn biết làm cách mạng là phải hy sinh và chịu nhiều gian khổ. Và biết bao lần vạt áo của bà thấm đẫm nước mắt khóc thương cùng các mẹ đã có con hy sinh, những đứa con mà chính bà đã dẫn đường, dìu dắt chúng đến với cách mạng.
          Bà kể rằng: “Cái chức Mũi trưởng công tác của một xã Xuân Quang rộng lớn (giờ chia thành 3 xã) tôi đảm nhận trên mười năm. Một chức vụ mà ai nhận thì cũng “ít thọ” lắm, thường là một vài năm là “phải thay” vì họ đã hy sinh. Bởi đây là công việc “đầu sóng, ngọn gió”, nơi chống đỡ “hòn tên, mũi đạn”. Còn tui thì cứ trùi trụi, thoát chết trong nhiều lần bị địch phục kích bắn trượt. Một lần bị đụng lích phục kích ở Hóc Kè, tui tháo chạy đến nơi an toàn, khi tỉnh hồn nhìn lại thì thấy mình không mặc quần…Chị em trong mũi công tác, ai cũng xuýt xoa cho tôi là “mạng lớn”, không biết có phải vậy hay không?”
          Chưa giết được bà, một cán bộ “Cộng sản nằm vùng” nên họ tên Phạm Thị Đảo cứ năm trong sổ đen của bọn an ninh mật vụ, cảnh sát ngụy. Tám lần bị địch bắt, trên bảy năm tù giam. Bọn cai ngục, hỏi cung tra tấn ở trại giam La Hai, nhà lao ở Tuy Hòa gặp bà đến nhẵn mặt. Mỗi lần vào tù là bấy lần thân thể bà phải nếm trải đủ mọi cực hình: nước xà phòng, nước ớt, nước vôi chúng đằn đổ đến “nóc bụng”; roi cặc bò, roi cá đuối chúng thẳng tay mà bổ vào người như điên dại không kể đầu cổ. Sau những trận tra tấn, toàn thân như bị băm vằm lằn dọc lằn ngang, đôi mông rách nát nứt nẻ như trái mãng cầu. Nhục hình như thế vẫn chưa hả dạ, lũ “đồ tể lục súc” còn dùng đinh kim đóng vào đầu mười ngón chân tay, mỗi nhịp búa là những cái đau nhói tim, tê buốt đến tận xương tỷ…Bà vẫn một mực không khai. Điên tiết, trong một lần chúng đã dùng đòn làn can dần đôi bàn chân bà đến dập nát, què quặt; anh chị em trong tù phải bồng bế, chăm sóc suốt mười chín tháng trời bà mới đi lại được. Mỗi lần ở tù là phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian”; thật dã man và khủng khiếp hơn khi chúng cùm cả chân tay bà lại và bắt rắn khoanh quanh người bà.
          Bà lỳ đòn, chịu mọi cực hình. Câu nói của bạn tù “ở tù như nghỉ mát..” đối với bà không có gì là lạ. Trong nhà lao, bà đấu tranh quyết liệt không khoan nhượng và được bạn tù bầu là “tổ trưởng lý sự”. Bà vận động và cự tuyệt không chào cờ “ba que”, cầm càng các cuộc hô to những khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Đả đảo bè lũ tay sai bán nước”; rồi có lần bà giả điên, giả dại để mặc sức mắng nhiếc tơi bời bọn cai ngục, chỉ mặt và hăm he những kẻ phản bội do không chịu nổi những đòn tra tấn của kẻ thù. Không khuất phục được ý chí sắt đá, bản lĩnh căm thù giặc của một nữ tù nhân; một lần chúng đã mang bà ra chôn sống sau hàng rào dây thép gai chi khu quận Đồng Xuân. Đêm tối bưng như mực, chúng trói gô bà lại, đẩy xuống một hầm tròn, xúc đất lấp ngập đến cổ, miệng chúng còn lẩm bẩm: “Đáng kiếp con mẹ Việt Cộng ngoan cố”. Bà nói, may thay ở đời còn có “ông thiện – ông ác”, khi tính mạng cận kề cái chết, hai mũi sắp ngộp thở trong lòng đất, bà đã gặp được một người lính cấp bậc trung sỹ kịp thời can ngăn hành động dã man của bọn thi hành, và cũng chính người lính đó đã trực tiếp van xin và được Quận trưởng tha chết cho bà. Được cứu sống, trong đêm tối không nhìn rõ mặt ân nhân cứu mạng nhưng bà đã kịp thì thào qua hơi thở: “Tui còn sống là nhờ ơn chú đã cứu mạng, tui còn hai con nhỏ dại, ơn này xin khắc cốt ghi tâm”.
          Như điệp khúc những bài ca cách mạng, vừa ra khỏi tù bà lại lao ngay vào công việc: liên lạc với tổ chức nhận để nhiệm vụ, móc nối gây dựng cơ sở; chống chọi với mọi gian khổ hiểm nguy.
          Vượt qua hai mươi năm lửa đạn chiến tranh, rồi cũng đến lúc “Hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai”. Năm 1974, bà được cấp trên đưa ra Bắc chữa bệnh, an dưỡng. Niềm ao ước bấy lâu là được sống trong lòng miền Bắc XHCN và niềm vui sướng tột cùng là mong gặp lại chồng sau bao nhiêu năm xa cách. Nào ngờ, trong ngày vui tương phùng bà lại phải đối mặt với thử thách nghiệt ngã oái ăm: chồng đã có vợ khác. Không than vãn oán trách, nhưng nỗi đâu tình cảm cứ dắn vặt khôn nguôi. Bà bình tĩnh tự hỏi “ai nên làm nên nỗi nước này…”. Rồi tự mình giải đáp: chính giặc Mỹ xâm lược, chính cuộc chiến tranh đã xô đẩy đời bà vào nỗi đau tột cùng; một nỗi đau gấp bội so với đau đớn của thể xác trong ngục tù.
          Dân gian có câu “Mất chồng như nậu mất trâu…” song bà bình thản nghĩ ngợi: “Hừ! Chiến tranh, đất nước còn chia đôi huống hồ là tình nghĩa vợ chồng”. Với suy nghĩ và lập trường đó, bà an phận chấp nhận, hoàn cảnh đẩy đưa chồng mình có thêm vợ cũng là điều phải lẽ.
          Chấp nhận chung sống, hòa thuận trong tình cảnh “cả lẻ”, bà luôn động viên chồng sống tròn đạo nghĩa với người vợ mới để nuôi nấng đàn con năm đứa. Bằng tấm lòng khoan dung độ lượng, bà xưng chị, gọi vợ hai là em, coi con vợ hai như con mình. Có lần vợ hai tới kỳ sinh nở bà cũng có mặt lo chăm sóc tận tình. Nghĩa cử cao thượng của bà luôn giữ được mối quan hệ đằm thắm với chồng và những người thân của vợ hai; tình cảm ấy được duy trì cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày chia tay về Nam cũng là ngày đầm đìa nước măt tiễn biệt người đi kẻ ở. Chuyện chồng con đối với bà đã chấm dứt từ đây.
          Về hưu từ năm 1980, có người hỏi: Giờ tuổi đã bảy lăm, đời bà sung sướng hạnh phúc lúc nào? Bà tươi cười trả lời: “Tôi sẽ về với ông bà tổ tiên trong thanh thản, vì đời tôi đã sống tròn nghĩa với Đảng, với dân. Hạnh phúc lớn nhất của đời tôi là được nhìn thấy quê hương đất nước thanh bình; con cháu được học hành, ăn ngon mặc đẹp; dân mình thoát cảnh binh đao, đạn bom khói lửa…Như vậy là lý tưởng của những người đi làm cách mạng đã tới đích!”
          Bà vinh dự nhận được huy hiệu 50 năm tuổi đảng từ năm 1999 cùng với kỷ niệm chương bị địch bắt tù đày. Lặng lẽ trong đời thường, vui sống với con cháu, giờ còn ít người nhớ tới chuyện thời bà Hai đi làm cách mạng./.