Mạnh Minh Tâm
          Hạ về, khi ve sầu râm rang cũng là lúc đàn kiến vàng giăng mắc câu làm ổ (tổ). Loài kiến màu cam, thường cư trú trên thân những cây cao rợp mát. Trong vườn nhà, kiến vàng sống trên thân cây xoài, mít, cam bưởi; ven sông suối chúng đu bám trên thân những cây gáo, me, trâm bầu… Năm nào thấy kiến vàng xuất hiện nhiều trên cây xoài, khế ngoại tôi bảo: Năm nay xoài, khế sẽ cho mùa trái ngọt. Mỗi lần muốn ăn quả chín hái từ tay, người leo cây chỉ mặc độc chiếc quần đùi, mình trần chịu trận cho chúng cắn. Thân kiến chỉ bằng cọng tranh lợp nhà, khi bu vào người chúng lập tức luồn vào những chỗ “hiểm” nách, cổ, tai … mà tấn công. Mỗi vết cắn, chúng cong đít tiết vào đấy một chất chua loét, chua hơn dấm làm cho đối phương vừa đau nhức, vừa xót rát đến “tê người”; ai chịu trận cho nó cắn, người đó được ngợi khen là “gan dạ”. Bà tôi bảo: cho kiến vàng cắn cũng là một cách thử thách để biết sức kháng thể, phòng chống bệnh tật của mình như thế nào.
          Vì thế, dân quê tôi rất thân thiện và coi kiến vàng là loài côn trùng thiên địch hữu ích. Nhờ chúng mà cây trái vườn nhà không bị sâu rầy đục phá hoa quả. Song điều đáng nhớ nhất, kiến vàng còn là một loại thực phẩm “cây nhà lá vườn”, một thứ đặc sản dân dã tuyệt hảo, có tác dụng giải nhiệt, bổ dưỡng khi chúng được chế biến thành những nồi “Canh chua ổ kiến vàng”.
          Kiến vàng thường làm ổ trên đọt những cây cao, cây có lá tiết diện rộng, màu xanh diệp lục. Ở đó, chúng dùng miệng tiết ra chất kết dính như keo, kết nối những lá xanh trên cành (kiểu chằm nón) để tạo nên những cái ổ to tròn, nhiều cỡ; những đàn kiến sống theo bụi bờ, ổ nó chỉ bằng bụm tay. Còn những đàn kiến “vạn binh” đông vô kể, chúng chỉ chọn những cây cao để làm ổ, những cái ổ to như chiếc nón. Cây càng cao, ổ kiến càng to, ổ to cho nhiều trứng (nhộng).
          Để có bữa canh chua, người đi bắt kiến cũng phải kỳ công như người đi bắt tổ ong. Dụng cụ bắt kiến là một cây sào lồ ô hoặc cây tre đực, dài 4-5 thước, 1 cái sàng, thúng đựng trứng và một ít tro bếp. Không phải ổ kiến vàng nào cũng có trứng. Người đi bắt kiến, quen gọi là “thọc ổ kiến vàng” phải biết quan sát để nhận định ổ nào có trứng nhộng đã đủ tuổi để mà “thọc” lấy trứng. Theo kinh nghiệm, ổ kiến nào lá còn xanh là ổ mới gầy; những ổ lá khô vàng rúm, chắc mủm là trong nó có nhiều trứng to bằng đầu mút đũa, ăn được.
          Thời điểm đi thọc ổ kiến vàng cũng phải chọn giờ thích hợp, thường là 11, 12 giờ trưa. Khi thọc mũi sào làm rách ổ kiến, dưới mũi sào đã buộc sẵn chiếc thúng hứng trứng rớt ra; khi ngã sào lấy kiến, đàn kiến thợ co cụm, bu quanh giương càng, sẵn sàng “nghinh chiến” để bảo vệ trứng và đàn kiến chúa. Do đó phải dùng tro bếp rắc lên thúng trứng, làm cho đàn kiến thợ cay mắt nhảng ra, dùng sàng lọc lấy trứng, rồi đốt nắm lửa rơm huơ lên sàng trứng, làm chết một số kiến thợ, số kiến này sẽ tạo chất chua cho nồi canh chua.
          Có được tô trứng kiến vàng hơi bị “vất vả” là vậy, nhưng khi nấu chua thì hết sức đơn giản. Đổ tô trứng kiến vào nước rửa sạch tro bụi, lá khô. Cho trứng vào nồi nước lã, đun sôi nấu chín, vò một ít lá dang cho vào nồi, nêm muối với chút bột ngọt, nếm vừa ăn, nhắc nồi xuống, cứ thế mà “chan húp”. Giữa trưa hè oi bức được húp bát nước chua trắng lờ đục như sữa, nhai những cái trứng tròn ngậy bụp bụp, beo béo, nước chua ngon ngót thấm giọng. Nói một cách dân dã: Thật đã đời! Kiến vàng không chỉ nấu chua, người dân tộc còn bắt kiến thợ giã với muối ớt rừng làm thức ăn khô, dùng trong nhiều ngày.
          Thời nay, loài kiến vàng còn rất ít, vì những cây vườn ven sông bờ suối cho kiến về làm tổ đã bị đốn để lấy gỗ. Trưa hè trẻ con đi thọc ổ kiến lấy trứng bán làm thức ăn cho chim chích chòe. Vì vậy, đàn kiến không có môi trường để tái sinh loài. Tiếc loài côn trùng một thời làm nguyên liệu cho những nồi canh chua dân dã nhưng trở thành “món ngon vật lạ” cho người dân quê tôi trong những năm đói cơm lạt muối. Tôi chợt nhớ thời chiến tranh, các anh bộ đội quê ở Tuy Hòa 1, Tuy Hòa 2 ghẹo gái Đồng Xuân:
          Ai về Xuân Phước, Xuân Quang*
          Cho tôi gửi ổ kiến vàng nấu chua.
         
 
          * Tên 2 xã của huyện Đồng Xuân, Phú Yên.