Những năm gần đây chúng ta thường nghe các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về cụm từ “Văn hóa giao thông” gắn liền với những hoạt động tuyên truyền, kêu gọi mọi người luôn ý thức tự giác chấp hành luật giao thông.
          Văn hóa giao thông là một khái niệm mới, là một biểu hiện cụ thể của khái niệm văn hóa trên lĩnh vực giao thông; do đó, trong các từ điển soạn thảo trước đây chưa có khái niệm này. Xuất phát từ thực tiễn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đã có văn bản hướng dẫn và định nghĩa văn hóa giao thông: “Văn hóa giao thông là biểu hiện bằng hành vi ứng xử đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông”. Và theo đó, UBATGTQG đã nêu rõ 3 tiêu chí về văn hóa giao thông:
          – Hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
          – Có trách nhiệm với bản thân và cộng động, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác.
          – Có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông với tinh thần thượng tôn pháp luật.
          Như vậy, văn hóa giao thông được hiểu là sự ứng xử một cách có ý thức và có trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội khi tham gia giao thông hoặc tham gia vào những hoạt động có liên quan đến giao thông để lập nên một môi trường giao thông an toàn, văn minh thân thiện và hiệu quả. Khái niệm đã nhấn mạnh đến sự ứng xử một cách có ý thức và có trách nhiệm của mọi người trên bình diện xã hội, chứ không chỉ nói đến ý thức của người trực tiếp tham gia giao thông. Từ khái niệm trên chúng ta có thể nhận dạng những hành vi thiếu văn hóa trong giao thông như:
          Người điều khiển phương tiện giao thông: vượt đèn đỏ, đi xe vào đường ngược chiều, đường cấm; không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện cơ giới; chở hơn hai người trên xe máy, sử dụng phương tiện cơ giới không có đèn; không có tín hiệu xin đường khi chuyển làn, chuyển hướng; đi không đúng phần dường của phương tiện điều khiển; đi xe quá tốc độ cho phép, lạng lách, đánh võng, bóp còi inh ỏi; vừa điều khiển xe vừa nghe nhạc, điện thoại… thậm chí đua xe trái phép, hành hung cảnh sát giao thông khi bị dừng xe vì vi phạm luật giao thông.
          Người gây cản trở giao thông: Họp chợ, buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; đổ vật liệu xây dựng, phế thải trên đường giao thông; mang vật cồng kềnh quá giới hạn cho phép; gây cản trở tầm nhìn và tầm hoạt động của các phương tiện khác; đi bộ, dừng xe, sang đường không đúng vạch vôi quy định; tụ tập đông người, dựng xe dưới lòng đường, vỉa hè, trước trường học, bệnh viện, nhà hát… đặc biệt nguy hiểm là hành vi tự mở đường ngang qua đường sắt.
          Người tham gia, điều hành quản lý giao thông: nhận tiền hối lộ, đút lót của người vi phạm luật giao thông, điều hành giao thông thiếu kiên quyết; thiếu tôn trọng người tham gia giao thông; không mạnh dạn sáng tạo bổ sung, chỉnh sửa kịp thời trong nội dung công việc do mình quản lý, gây thiệt hại về người và của cho người tham gia giao thông.
          Xây dựng văn hóa giao thông hiện nay là một vấn đề cấp bách, mang tính xã hội cực kỳ rộng lớn vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống và tài sản của tất cả chúng ta. Văn hóa giao thông chính là nền tảng thúc đẩy xã hội đi đến văn minh, hạnh phúc và nó còn là tiền đề để bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
          Tìm hiểu và hình thành khái niệm văn hóa giao thông trong đời sống văn hóa cộng đồng, làm cho mọi người dân tự giác xóa đi “điểm đen” trong suy nghĩ và tư duy để hòa cùng các thành viên xã hội chung tay tạo lập một nền nếp giao thông trật tự, an toàn, thân thiện và văn minh./.
                                                                  
Mạnh Minh Tâm