Mạnh Minh Tâm.
           
       Xã hội là nơi cho cá nhân phát triển. Còn gia đình là nơi cá nhân hình thành. Nơi đây là nền tảng tạo dựng tính cách, tâm hồn, tư duy, tài năng, đạo đức…tức là văn hoá con người đã bắt đầu hình thành ngay từ khi con người mới sinh ra, tức là từ trong gia đình.
          
Quan niệm văn hoá gia đình xưa và nay
         
       Lâu nay chúng ta nhắc nhiều đến khái niệm Gia đình văn hoá nhưng ít nói tới khái niệm “Văn hoá gia đình”. Và trên thực tế đã có một thời gian dài chúng ta đã buông lơi việc giáo dục giá trị văn hoá gia đình trong thế hệ trẻ. Nội dung văn hoá gia đình chưa được đề cập nhiều và rõ nét trong các chương trình giáo dục học đường. Mặt khác do nhận thức, khi nói đến giáo dục gia đình, nói gọn là “gia giáo” hay “gia huấn” nhiều người không tránh khỏi thiên kiến hoặc nhìn nhận lệch lạc, nhầm tưởng cho rằng đây là vấn đề cổ lỗ, không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Chính vì lẽ đó việc giáo dục văn hoá gia đình có lúc, có nơi bị bỏ ngõ. Và cho đến khi xã hội vấp phải những chao đảo lớn về chuẩn mực đạo đức gia đình, về giá trị thẩm mỹ, không chỉ trong nước mà còn từ thế giới dội vào, lúc đó chúng ta mới cuốn cuồng nghĩ đến việc lấy giá trị văn hoá gia đình làm vũ khí tự vệ.
          Nói đến gia đình có nghĩa là chúng ta nói đến văn hóa gia đình. Không có gia đình nào không mang một đặc trưng văn hóa riêng của mình. Văn hóa gia đình bao hàm các yếu tố truyền thống và hiện đại, thể hiện nền nếp, gia phong, cách ứng xử của các thành viên trong gia đình với nhau cùng với các quan hệ xã hội khác, sự hiểu biết, tri thức của mỗi người, ý thức trách nhiệm của mình với gia đình, với xã hội. Ông bà, cha mẹ luôn mẫu mực, con cháu luôn chăm ngoan hiếu thảo. Thật bất hạnh nếu có một gia đình mà ông bà, cha mẹ, vợ chồng đều “cá mè một lứa”; không ai biết kính trên nhường dưới, coi thường kỷ cương luật pháp nhà nước, trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội.
          Thực chất nói đến nội dung văn hoá gia đình là nói đến tính chất truyền thống. Nói đến truyền thống ở đây, không nên hiểu đơn giản là những cái thuộc về quá khứ, xa xưa và do đó đi đến chỗ cho rằng nó trở nên lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp với hiện tại. Mà nên hiểu rằng văn hoá gia đình là những cái đã được thử thách qua thời gian, là sự chuẩn mực được sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng lựa chọn, bảo lưu, gìn giữ và phát triển nó. Mọi sự vận động bao giờ cũng tuân theo quy luật và khi nói đến quy luật là phải có sự lặp đi, lặp lại. Không phải xưa kia con người cần có sự nhân nghĩa nên đề ra đạo lý “uống nước nhớ nguồn”…Còn bây giờ chúng ta không cần những thứ đó. Hoặc xưa kia do nghèo nàn, lạc hậu nên phải thờ cúng Thành Hoàng làng, thờ tổ tiên ông bà để nhờ các đấng vô hình giúp đỡ, che chở. Còn bây giờ cuộc sống văn minh, thời đại công nghệ thông tin, con người làm chủ cuộc sống của mình, thậm chí “chống” lại thiên nhiên “cải tạo” tự nhiên, cho nên phá bỏ tất cả… Rốt cuộc chúng ta đã có những bài học lẽ ra không nên có.
          Như vậy, tính truyền thống của văn hoá gia đình là những giá trị có tính chất ổn định, những cái thuộc quy luật, xưa cũng như nay cần được bảo vệ, gìn giữ với trách nhiệm phát huy làm cho nó đa dạng, phong phú và tốt đẹp hơn. Trong đó, xây dựng môi trường giáo dục giá trị văn hoá gia đình cho thế hệ trẻ cần được chú trọng đúng mức. Giáo dục văn hoá gia đình do chính gia đình thực hiện, không chỉ dành cho trẻ em mà cho mọi thành viên gia đình. Và việc giáo dục này phải được duy trì xuyên suốt cả cuộc đời của mỗi con người.
           Tăng cường giáo dục giá trị văn hoá gia đình trong thế hệ trẻ
          Như chúng ta đều biết, xã hội là nơi cho cá nhân phát triển. Còn gia đình là nơi cá nhân hình thành. Nơi đây là nền tảng tạo dựng tính cách, tâm hồn, tư duy, tài năng, đạo đức…tức là văn hoá con người đã bắt đầu hình thành ngay từ khi con người mới sinh ra, tức là từ trong gia đình. Về sau con người tiếp cận với xã hội rồi phát triển, cũng bắt đầu từ dấu ấn đầu tiên của gia đình. Vì vậy giáo dục gia đình phải là một mắc xích quan trọng trong quá trình giáo dục tính cách, tình cảm, tâm hồn, đạo đức cho tuổi trẻ.
          Giáo dục gia đình thực hiện theo hai mức độ. Thứ nhất gia đình thực hiện chức năng giáo dục theo truyền thống gia đình. Đây là việc làm từ đời này sang đời khác, thực hiện trách nhiệm và tình cảm của thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau và luôn muốn thế hệ sau luôn tiến bộ hơn thế hệ trước “Con hơn cha là nhà có phúc”. Thứ hai, có sự can thiệp của Nhà nước, đó là Nhà nước sử dụng quyền hạn của mình để định hướng nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển của gia đình theo chiều hướng tích cực nhất nhằm đạt mục tiêu xây dựng gia đình và phát triển xã hội. Với mức độ này, Nhà nước xây dựng các loại chương trình và các hoạt động đưa các kiến thức vào đời sống gia đình như Luật hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bình đẳng giới … để giáo dục các thành viên gia đình thông qua hệ thống học đường, các đoàn thể, cộng đồng…Và nên xây dựng văn hoá gia đình trở thành môn học chính cho học sinh bậc tiểu học.
          Để mỗi thành viên trong gia đình không chỉ biết cách ứng xử trong gia đình mà còn hoà đồng được với xã hội, giáo dục văn hoá gia đình có thể bao gồm những nội dung chủ yếu như: Giáo dục tiền hôn nhân, giáo dục giới tính, giáo dục hành vi ứng xử, giáo dục về xây dựng, quản lý kinh tế gia đình, nghề nnghiệp, sức khoẻ, tri thức…
Giáo dục văn hóa gia đình cũng giống như: “Đất đã được lật luống, trồng trên đó cây gì là tuỳ thuộc mỗi người. Có nhiều thứ để trồng lắm, nhưng đó phải là những thứ tốt lành nuôi dưỡng chúng ta và thúc đẩy chúng ta phát triển”.