Mạnh Minh Tâm
           
           Những hôm mưa nguồn nước mẩy đục mờ, tắm sông thường bị cá rỉa đau điếng, cá quần tụ bầy đàn, lạn lách đông đặc như bánh canh. Đấy là thời kỳ “vàng son” của nghề câu quất.
 
            Chiều đã chạng vạng mập mờ lối đi, đám mục đồng chúng tôi thư thả chậm rãi lùa đàn bò về chuồng. Cũng là lúc trên những khúc sông quê ông Năm Nhót và những người đi câu quất lủi thủi xếp cần câu, tay xách rổ mồi về nhà. Như mọi lần, những người đi câu quất thường bị chúng tôi chặn đường coi hôm nay ai câu được nhiều cá. Bữa nay nhìn vào rổ mồi câu của ông Năm Nhót chỉ thấy vài con cá trắng, cá mương. Ông lắc đầu, thở dài, miệng lẩm bẩm: “Sông cạn, hết cá rồi, đi câu cho đỡ buồn, chớ có trúng trật gì đâu”. Ông Năm Nhót trở về với dáng đi trật trữ, mày mò để kịp qua đường truông Hóc Ống trước khi trời tối hẳn và ông biết rằng bữa cơm tối nay cả nhà đang chờ ông về để được ăn một bữa cá nướng mùa câu quất.
          Làng tôi, mỗi xóm đều có vài người biết câu quất, nhưng người đi câu được nhiều cá nhất làng thì chỉ có ông Năm Nhót. Năm nay tuổi đã bảy ba, ông theo cha đi câu từ thuở tóc còn để chổm – ông nói: Làng mình không ai coi câu quất là một nghề nhưng để đi câu mà được nhiều cá thì phải có nghề, nó giống như làm ruộng phải biết: Trông trời, trông nắng, trông mây…chứ còn ào chấy Thấy nẫu ăn khoai, vác mai chạy quấy thì chỉ có xách rổ về không.
          Câu quất một năm chỉ có một mùa, ăn tết xong ra giêng thợ câu chuẩn bị đắp vùng và làm mồi câu; ngon ăn nhất là thời tiết từ tháng ba đến tháng bảy, trời trong nước xanh đàn cá vẩy mình tìm mồi nơi nước đọng. Cái thời mà nước sông cái Kỳ Lộ, sông con Trà bương nước đầy ắp đôi bờ, cá chưa bị con người đánh bắt theo cách huỷ diệt hàng loạt (trái nổ, xung điện) lưới cước, lưới vây giậu dài chưa phổ biến, ra sông nhìn chỗ nào cũng thấy cá. Những hôm mưa nguồn nước mẩy đục mờ, tắm sông thường bị cá rỉa đau điếng, cá quần tụ bầy đàn, lạn lách đông đặc như bánh canh. Đấy là thời kỳ “vàng son” của nghề câu quất. Và có lẽ vậy mà ông bà ta nghĩ ra cách bắt cá đơn giản: Câu quất. Câu quất là thả mồi vào đàn cá đang “say ăn” đớp lẫn mồi câu, thả xuống – quất lên nhịp nhàng, càng lẹ tay quất, càng được nhiều cá.
          Cần câu quất là thanh tre già vàng óng, dài năm bảy tấc, đuôi cần chỗ tay cầm vót tròn, đoạn giữa đến đầu cần vót mỏng chừa cật đủ độ nhún bật trong mỗi lần quất. Hồi cước còn khan hiếm thì dùng sợi nhợ xe bằng vỏ cây lá gai, rồi tới lúc dùng ruột dây dù buộc lưỡi câu. Còn lưỡi câu thì dùng kim may tay- hơ lửa uốn móc. Cần- nhợ- lưỡi câu, dụng cụ thô sơ chỉ có vậy “Nhưng không phải dễ ăn đâu nghen con”- ông Năm Nhót cười và giải thích với tôi như kiểu truyền nghề. Ông nói rằng, câu quất là một loại câu “đặc chủng”; cần câu ngắn, giữa người ngồi câu và đàn cá cách nhau trong tầm với; câu không có phao, lưỡi câu không có ngạnh. Loại câu chỉ dùng câu các loại cá sóc, cá rói, cá ngựa chứ không phải bất kỳ. Để câu được cá người đi câu phải thông thạo các công đoạn: chế biến mồi nhử, mồi câu, đắp vùng câu, cách nhử mồi và kỷ thuật câu.
          Biết rằng “Cá ăn kiến, kiến ăn cá” nhưng loài cá sóc, cá ngựa, cá rói chỉ “khoái khẩu” trứng và kiến càng trong tổ kiến vàng, kiến mốc. Để có mồi nhử, mồi câu phải bỏ công cả ngày đi tìm và chế biến mới có đủ cho một bữa câu. Mồi nhử thường là cám rang vàng dậy mùi thơm phức, trộn đều với đậu phụng rang, thuốc lá lá, bột lá bồ lời giã nhỏ rây mịn, ngào lại như bột bánh in – không khô, không ướt; khô quá mồi nhử trôi tản mạn cá ở ngoài mà đớp không vào vùng câu, ướt quá mồi chìm nghỉm một chỗ những đàn cá ở xa không đánh được hơi mồi mà vào vùng câu. Chế biến mồi nhử đạt “tiêu chuẩn, chất lượng”, việc tiếp theo là phải bỏ công đi dọc triền sông để chọn chỗ đắp vùng câu, nơi mà người câu phán đoán sẽ có cá bầy, đàn quần tụ. Đó là những khúc sông đầu vực hoặc đầu thác, vắng vẻ ít người qua lại. Vùng câu dưới sông là một lõm nước rộng bằng cái nong, độ sâu dưới đầu gối, đứng nước. Bên mép sông (trên bờ), vét cát đắp bờ tạo một lõm cạn đựng cá cho mỗi lần quất. (cá mắc lưỡi câu không có mang, nên quất lên bờ tự rớt ra không phải gỡ).
          Khi đã chọn được vùng câu lý tưởng, việc còn lại là sử dụng mồi nhử đưa cá vào vùng. Mồi thơm của cám rang, đậu phụng, lá bồ lời kéo từng đàn cá vào tranh ăn, mỗi lúc một đông. Người câu kiên trì tung mồi từ thưa đến nhặt, khi cá đã chịu vùng, cả đàn quanh quẩn đòi ăn “no say” đó là lúc bột thuốc lá phát huy tác dụng làm cho cả đàn cá ngắc ngư, nghiêng ngả, vênh bụng trắng phau, cũng là lúc ngưng cho ăn mồi nhử để móc mồi trứng kiến- buông câu, quất từng con một lên bờ.
          Cái thú câu quất ở chỗ kỳ công chuẩn bị với tâm lý kiên trì, tỉnh táo như chuyện người “giả chết để bắt quạ”, ai nôn ăn là lỡ việc; tỷ dụ như nhử mồi con cá ăn chưa đủ độ no say mà vội buông câu, quất sẩy vài ba con, làm cá nhát kéo cả đàn bỏ vùng câu, coi như toi công chuẩn bị. Người có kinh nghiệm, nhìn đàn cá ăn mồi nhử tự biết lúc nào nên buông câu. Có vùng câu phải mất năm ba hôm nhử mồi cho cá quen dần, dạn dĩ rồi mới câu.

          Câu quất là một kiểu đánh bắt sông nước thô sơ, thường thấy ở huyện miền núi Đồng Xuân (Phú Yên) đã từng tồn tại với những chiếc cối xay lúa, che cây ép mía…công cụ bao đời gắn bó nơi thôn dã nuôi sống người dân quê tôi- giờ đã lùi vào dĩ vãng. Thú câu quất, hôm nay chợt nhớ chỉ còn trong ký ức của những cụ cao tuổi.