Mạnh Minh Tâm
 Được quen biết và và thân tình như người nhà với ông La Chí Thái, người dân tộc Banar ở làng Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) – người biết bào chế thuốc từ cây củ, lá rừng để chữa bệnh, cứu người và được mệnh danh là “thầy thuốc của buôn làng. Ông còn là “trụ cột” của một gia đình có nhiều cái nhất.
 
Từ tấm lòng nhân ái của một thầy thuốc
         
         Già Thái kể rằng “Tôi theo cha leo rừng hái thuốc từ thời tóc còn để “chổm”. Cha tôi thường dặn rằng: cây quả, lá rừng khi trở thành những thang thuốc chữa trị, cứu người là lộc của núi rừng đấy. Người biết hái lộc, là người được các thần linh độ trì, uỷ thác để chữa bệnh cứu người; việc phúc đức này nối truyền mấy đời gia tộc; chớ có làm điều gì ác sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt của Yàng Bor Glaih (sấm sét)”. Lấy đó làm tôn chỉ, cha ông đã trèo đèo, lội suối để tìm những cây thuốc dân gian chữa bệnh cho dân làng mà không bao giờ lấy tiền. Cái thời làng mạc còn trần trụi, hoang dã; đàn ông chỉ mặc độc chiếc khố, đàn bà chỉ có chỉ có cái ên (váy); trong làng đau ốm chỉ biết nhờ thầy mo, thầy cúng. Làng Xí, làng Thoại gộp lại hơn trăm dân nhưng chỉ có cha ông Thái biết bốc thuốc, chữa bệnh. Ơn ông, vào dịp Tết Đổ đầu, cúng mừng cơm mới người ta mang biếu con gà, ché rượu để ông cúng thần. Cực nhất là vào những năm chống càn, chạy giặc, nhà ông chỉ là cái chòi “giữ dưa”, mà trở thành một trạm xá tiền phương phục vụ cho bộ đội bị thương bằng cây củ, lá rừng. Hiệu quả nhất là những cây củ thay thuốc kháng sinh để chữa trị các vết thương và những căn bệnh sốt rét “kinh niên” biến chứng “phù thũng” (sơ gan) cho bộ đội và dân làng. Đó cũng là những năm tháng ông La Chí Thái học được nhiều ở cha mình về những cây thuốc và cách chế biến thuốc từ những cây rễ, lá rừng. Sau đó, được học 1 lớp y tá cứu thương và 1 năm theo học lớp trung y dược, cùng với sự trải nghiệm qua 20 năm phục vụ chữa thương cho bộ đội thời chống Mỹ; nhờ đó tích lỹ dần “vốn liếng” kiến thức làm thuốc, bắt bệnh để hôm nay trở thành thầy thuốc của buôn làng.
           Một đời làm thuốc với nguyện ước là cứu người để đức cho con cháu, nên ông Thái không nghĩ và ỷ mình biết cây thuốc để “bóp chẹt” kiếm tiền. Một thang thuốc chữa gan 30.000đ, các bệnh thông thường từ 10-20 ngàn đồng/thang là để trả công thuê người vào núi cao, suối sâu tìm cây thuốc. Gặp người bệnh có gia cảnh nghèo túng, nhất là người dân tộc thì ông biếu không, không nề hà chuyện tiền nong.

Ông La Chí Thái đang phơi thuốc

         
Đến gia đình có nhiều cái nhất
         Cái nhất đầu tiên là một gia đình ngăn nắp, sạch sẽ. Ông Thái nói: ngành y đã tập tôi thói quen “nếp sống sạch sẽ, sức khoẻ đong đầy”. Từ thuở lập làng, ông đã phá bỏ tập quán lâu đời như chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, ăn uống kém vệ sinh. Ông chủ trương vận động dân làng và khuyên bảo con cháu nuôi bò heo phải có chuồng trại riêng, xa nhà ở để tránh dịch bệnh. Nhà ông dùng nước giếng, khi cả làng chỉ biết có nước suối. Ông cũng là người đầu tiên xây nhà tắm, nhà vệ sinh và thực hiện “ăn chín, uống chín”. Ông nói: “ăn chín thì được, chứ uống sôi thì chịu – sợ phỏng miệng lắm”. Năm nay ông bà đã ngấp ngưỡng tuổi 80 nhưng chưa một lần đến “thăm” bệnh viện. Nhìn sức khoẻ mí Minh (vợ ông Thái) phốp pháp “đỏ au”, còn ông thì săn chắc, đẹp lão trong làn da bánh mật; ai đó hay ốm đau bệnh tật, thấy sức khoẻ của ông bà mà thèm.

Rễ cây dùng làm thuốc

         Cái nhất tiếp theo là ông đã thực hiện chủ trương kế hoạch hoá dân số gia đình, cách đây 50 năm. Người dân tộc thời ông, chuyện sinh nở cứ tự nhiên như “đẻ cho hết trứng”. Đẻ nhiều, đẻ dày và nhất là mong có nhiều con trai để phát rẫy, làm nương; và một lý do nữa là để bù vào “trứng lép” của những lần đẻ non, chết nhỏ. Nhưng nhà ông chỉ sinh có 3 người (1 gái, 2 trai), mặc dù thời đó chưa có chủ trương KHH DS. Nhờ vậy, nhà ông có cái nhất thứ 3 là cho con ăn học đến nơi đến chốn. Gái đầu hồi còn khổ, làng chưa có trường nên học ít, lấy chồng sớm. Hiện đang là chi hội trưởng phụ nữ thôn và là tuyên truyền viên dân số của xã. Hai trai còn lại, 1 tốt nghiệp đại học Nông lâm Huế và 1 tốt nghiệp Trường sỹ quan Lục quân, cũng là trường hợp hiếm thấy trong gia đình các làng dân tộc ở huyện miền núi Đồng Xuân. Và cái nhất “hiện đại”, già Thái là người đầu tiên trong làng biết xài điện thoại di động phục vụ cho việc thông tin liên lạc.

          Những nét đẹp văn hóa, tiếp cận nhanh với tiến bộ trong cuộc sống đời thường của gia đình Ông La Chí Thái, tuy không cao xa, nhưng là niềm khát khao của bao gia đình các dân tộc miền núi vốn đã chịu đựng và còn nhiều gian khó. Xí Thoại được công nhận là Làng văn hoá đầu tiên trong các thôn buôn đồng bào dân tộc ở huyện, trong đó có sự đóng góp về sự gương mẫu, chuẩn mực của gia đình ông. Ông Thái tươi tắn với nụ cười nhân hậu, và mãn nguyện khi gia đình mình nhiều năm liền được huyện và tỉnh bình chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu xuấc sắc. Được chọn đi dự hội nghị toàn quốc nhân ngày Gia đình Việt Nam và được dự hội nghị Tuyên dương gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội năm 2007./.