Lần đầu gặp ông, tôi ấn tượng bởi nụ cười hiền lành, chất phác, phong thái nhanh nhẹn, trí nhớ tốt so với độ tuổi mà người đời thường cho là nghễnh ngãng. Dù mang trong người bệnh tim bẩm sinh quái ác, nhưng ông vẫn cặm cụi làm lụng, nuôi chín người con ăn học thành tài. Ông là Nguyễn Văn Vinh (74 tuổi), thường gọi là Sáu Vinh, trước sống ở xóm Sũng, thôn Phong Niên, xã An Định, nay ở khu phố Chí Thạnh (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An).

chuctho11109173.jpg

Con cháu chúc thọ ông Nguyễn Văn Vinh (thứ ba, từ phải qua) – Ảnh: X.HUY

NUÔI CHÍN CON NÊN NGƯỜI
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xóm Sũng, ngay từ nhỏ, ông Sáu Vinh đã là một “nông dân thứ thiệt” nhờ chăm việc đồng áng phụ giúp cha mẹ. Làm nông thuần thục, học giỏi cũng chẳng kém nên ông bỏ lại “nghiệp cày cuốc” để theo “đường sĩ tử”. Rồi ông thi đậu vào Trường B1 Quân y của chế độ cũ lúc bấy giờ. Sau đó, ông trở về quê cưới bà Nguyễn Thị Nhiên – một cô gái đẹp trong thôn. Chán ngán cảnh chiến tranh phi nghĩa, ông đưa cả gia đình đi trốn lính từ xã An Định ngược lên huyện Đồng Xuân, xuống TX Tuy Hòa rồi vào Cam Ranh (Khánh Hòa). Hòa bình lập lại, ông trở về quê tham gia Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Tây An Định, sớm hôm vui thú điền viên. Vợ chồng ông sinh tất thảy chín người con, đứa trước cách đứa sau chẵn ba năm. “Thuở ấy có kế hoạch gì đâu, cứ đẻ “thả cửa”. Đến khi đứa thứ chín ra đời, nhìn cả một bầy con nheo nhóc, vợ chồng tôi chỉ còn biết nhìn nhau… cười”, ông Sáu bồi hồi nhớ lại.
Đẻ nhiều không phải vì cần sức người để cày cấy, chăn trâu, mót mía… bởi ông luôn hướng các con tập trung học tập vì “học không phải để trở thành ông cống ông nghè, mà học để biết cách làm người”. Cả chín đứa con lần lượt ngồi trên ghế trường xã, trường huyện, trường tỉnh từ những hạt thóc, củ khoai, mớ rau, con cá mà quanh năm vợ chồng ông quần quật giữa nắng sớm, mưa chiều kiếm được.
Không phụ kỳ vọng của vợ chồng ông Sáu Vinh, cả chín người con đều học giỏi. Những năm 1980, tin vui đầu tiên lan nhanh về xóm Sũng hẻo lánh khi người con trai, đứa con thứ hai của ông bà Sáu là Nguyễn Ngọc Hinh trúng tuyển Đại học Y Huế. Hàng xóm đến chúc mừng, riêng vợ chồng như “ngồi trên đống lửa”, trong đầu là những trăn trở “tiền đâu cho con ăn học?”, bởi ông thừa hiểu ở vùng đất này, kiếm cái ăn đã khó nói chi đến kiếm được tiền nuôi con học đại học. Ba năm sau, người con gái kế Nguyễn Thị Minh Hương tiếp tục thi đậu đại học y, trong khi kinh tế gia đình ông Sáu đang đi xuống nghiêm trọng vì lúa liên tục mất mùa, gà vịt… bị dịch. Cả nhà phải trải qua những ngày ăn cơm độn rau, sắn… “Nhìn lũ con nheo nhóc, tôi lao vào làm. Ngày làm nông, đêm tranh thủ nghề y tá, ai gọi tôi cũng đi. Nhiều khi người bệnh trả công trái chuối, rổ bắp, thay cho tiền bạc tôi đều nhận về gom góp làm hành trang cho các con đi học xa”. Ông Sáu Vinh kể: “Lúc đó mấy đứa nhỏ đi học chỉ có một bộ đồ, lại phải đi chân đất vì không có tiền mua dép, nhưng đứa nào cũng ham học và học giỏi. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với vợ chồng tôi”. Tuy vậy, dù có cố đến đâu, vợ ông cũng không tránh khỏi cảnh nhiều lúc vác tô không đến từng nhà trong xóm để mượn từng lon gạo.
Thấy cha mẹ cực nhọc, mấy người con lớn ông Sáu Vinh dự định nghỉ học, về nhà phụ giúp cha mẹ để nuôi các em ăn học. Mỗi lần như vậy, ông đều gạt phắt đi và rủ rỉ để thông tư tưởng: “Ba mẹ dư sức nuôi các con ăn học, không có gì phải lo. Cứ học cho thật giỏi là tốt nhất”. Để có niềm vui ấy, vợ chồng ông đánh đổi bằng hơn 20 năm lao động đằng đẵng, cật lực.
ĐẠI GIA ĐÌNH NGÀNH Y
Nhờ vậy mà nay, ông đã có hẳn một đại gia đình, tính cả dâu, rể có đến bảy thạc sĩ (riêng con ruột của ông Vinh có bốn thạc sĩ), còn lại đều là cử nhân, tất cả đều tốt nghiệp các trường đại học chính quy trên cả nước. Ngoài ngành y, các dâu, rể của ông đang làm trong ngành Giáo dục, báo chí, kho bạc. Cô con gái đầu Nguyễn Thị Minh Khiết hiện đang làm y tá thôn Định Trung 2, xã An Định (huyện Tuy An), rồi Nguyễn Ngọc Hinh, Phó khoa Nội (Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An); Nguyễn Thị Minh Hương là bác sĩ chuyên khoa Sản đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Bá Triệu, bác sĩ khoa Tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng); Nguyễn Thị Minh Thư, y sĩ khoa Nha (Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Xuân); Nguyễn Phi Phong, bác sĩ khoa Ngoại – Nhi, Bệnh viện Đà Nẵng; Nguyễn Thị Minh Lam, bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh). Mặc dù không học ngành y như các anh, chị, em nhưng hai người con còn lại của ông Vinh cũng thành đạt trong đường đời. Nguyễn Thị Minh Thơm đang công tác trong ngành bảo hiểm tại Phú Yên và con trai út Nguyễn Ngọc Linh làm kế toán Công ty cổ phần PYMePHARCo (Phú Yên). Ngoài ra, lão nông này còn có ba con dâu (vợ của các anh Hinh, Triệu, Phong) cũng là bác sĩ đang công tác ở Phú Yên và TP Đà Nẵng. Trong số những người con của ông Sáu Vinh, bác sĩ Nguyễn Bá Triệu – đang công tác tại Bệnh viện Đà Nẵng được chọn là gương mặt tiêu biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2010. Gần năm năm qua, anh Triệu đã thực hiện hơn 500 ca can thiệp tim mạch cứu người đạt hiệu quả cũng như vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ các bệnh nhân nghèo.
Trò chuyện với tôi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hinh nói: “Chúng tôi lớn lên càng thấm thía với công lao của cha mẹ. Có lúc anh em chúng tôi bàn nhau phải có một hai đứa nghỉ học để phụ giúp gia đình, nhưng vừa nói tới là cha gạt ngang: “Đứa nào nghỉ học là tao từ đứa đó”. Thấy cha mẹ quá khổ cực, nhiều đêm nằm ngủ mà nước mắt cứ chực trào ra. Khi vô thành phố học, anh em tôi đi làm thêm để tự lo cho bản thân bằng các nghề gia sư, chạy bàn, bốc vác, tiếp thị… nhưng cũng không được bao lâu thì bị cha phát hiện bắt phải nghỉ làm để tập trung cho việc học. Nhờ bảo bọc lẫn nhau, luôn nghĩ đến công ơn trời biển của cha mẹ mà cố học, anh em chúng tôi mới nên người”.

docbao110917.jpg

Phút thanh thản tuổi già của ông bà Nguyễn Văn Vinh – Nguyễn Thị Nhiên – Ảnh: X.HUY

LẤY NHÂN NGHĨA LÀM LẼ SỐNG
Ngoài lời răn “Lương y như từ mẫu”, ông Sáu Vinh thường dạy các con “Sống có đức, mặc sức mà ăn”. Mặc dù đã có chín người con, nhưng một lần trên đường đi làm, ông gặp hai đứa trẻ mồ côi liền đưa về nhà, nhận làm con nuôi và chăm sóc như con đẻ cho đến khi họ lập gia đình. Sẵn có nghề tay trái là y tá, nên ngoài khám bệnh tiêm thuốc cho bà con trong vùng, ông cũng không quên giúp đỡ người khốn khó. Khách đến nhờ ông chữa bệnh, ông đều tìm hiểu gia cảnh từng người, nếu họ quá nghèo, chẳng những ông không lấy tiền công, không nhận lễ vật tạ ơn mà còn bỏ tiền túi ra giúp đỡ họ. Một lần, anh Trần Văn Nhân (37 tuổi) ở cùng xã bị đau bụng quằn quại không kịp chuyển viện giữa đêm hôm khuya khoắc. Vậy là một mình ông đội mưa cuốc bộ hơn bốn cây số đường dốc đến nhà anh Nhân và thức cả đêm chữa bệnh. Đến sáng hôm sau, bệnh tình thuyên giảm, người nhà anh Nhân đưa cho ông vài chục ngàn tạ ơn. Nhìn khắp ngôi nhà tranh vách đất lở lói, ông nói nhỏ với người nhà anh Nhân: “Thôi cứ để tiền nong sau vậy, cốt sao chú nó khỏe mạnh là được”, rồi lặng lẽ đi về…
Hôm 29 Tết Nguyên đán năm 1982, có hai tên trộm lẻn vào nhà từ đường họ Nguyễn để “chôm đồ” và bị người dân phát hiện, bắt giữ. Hay tin, ông lập tức trở về nhà. Sau khi kiểm tra, đồ đạc trong nhà không bị mất thứ gì, ông không ký vào biên bản do bà con viết và vận động mọi người nên tha cho hai tên trộm, chỉ đưa họ ra kiểm điểm trước dân. Ông lý giải: “Tôi biết hai chú này có nhân thân tốt, chưa từng bị tiền án tiền sự, tính tình hiền lành, gia đình nghèo túng. Một chú vợ con bị bệnh hiểm nghèo, chú còn lại phải nuôi cha mẹ già cả nên mới làm liều. Tết cũng đến rồi, nếu họ bị giam, người thân càng thêm buồn. Thôi thì thả họ về để gia đình được hưởng cái tết sum vầy, đầm ấm”.
Ông Sáu Vinh còn tích cực theo các đoàn y, bác sĩ về vùng sâu khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân; tham gia phòng chống bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết… ở địa phương. Nhưng điều mà ông vui hơn cả là các người con đều noi gương cha, đặt y đức lên trên tiền tài, luôn hết lòng hết sức phục vụ người bệnh. Ông Vinh cho biết: “Đến bây giờ, tôi vẫn luôn nói với các con rằng: Làm ngành y, ta phải càng khiêm tốn, luôn làm hết trách nhiệm, không được xem thường bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo. Nghề y là một nghề cao quý trong xã hội, do đó không có bất cứ lý do gì mà người bác sĩ phải dùng tay nghề và uy tín để đánh đổi những quyền lợi vật chất tầm thường khác”. Những năm qua, các con ông đều nghe lời cha và luôn làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.
Ông Trần Văn Châu, hàng xóm của ông Sáu Vinh, tấm tắc: “Nhà ông Sáu Vinh trên dưới yên ấm, đàng hoàng, thường hay quan tâm, giúp đỡ hàng xóm xung quanh, là niềm tự hào của cả khu phố chúng tôi”.
 
 
Ông Vinh cho biết: “Đến bây giờ, tôi vẫn luôn nói với các con rằng: Làm ngành y, ta phải càng khiêm tốn, luôn làm hết trách nhiệm, không được xem thường bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo. Nghề y là một nghề cao quý trong xã hội, do đó không có bất cứ lý do gì mà người bác sĩ phải dùng tay nghề và uy tín để đánh đổi những quyền lợi vật chất tầm thường khác”.
 
Đề nghị huyện bầu chọn gia đình văn hóa tiêu biểu

Thời gian qua, gia đình ông Nguyễn Văn Vinh sống hòa thuận với láng giềng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước tại địa phương. Bản thân ông Vinh và các con là y, bác sĩ, luôn lấy nhân đức làm đầu nên có nhiều đóng góp cho xã hội. Vì thế, nhiều gia đình khác đã lấy gia đình ông Vinh làm hình mẫu để noi theo. Sắp đến, chúng tôi sẽ đề nghị huyện bầu chọn gia đình ông Nguyễn Văn Vinh là gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện”.

(Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An)
 
XUÂN HUY