MẠNH TÂM

                                       

                                         

   Nữ du kích thời đánh Mỹ

          Trong thời đại công nghệ thông tin, chuyện cấp dưới phải thường xuyên và kịp thời báo cáo tình hình lên cấp trên; cấp trên phải kịp thời thông tin, hướng dẫn kế hoạch, nghiệp vụ cho cấp dưới biết là việc rất cần thiết mà cũng là chuyện bình thường trong hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước. Có điều chúng ta cần luôn nhắc nhở với nhau rằng, báo cáo phải hết sức trung thực. Làm báo cáo phải trung thực có lẽ cũng không khó khăn lắm đối với những ai có tấm lòng trong sáng và tự trọng. Báo cáo đúng, nêu đủ những thuận lợi, những thành tích và những ưu điểm; thấy rõ những khó khăn, những khuyết điểm, tồn tại của cơ quan, đơn vị mình sẽ giúp cấp trên nắm chắc tình hình để có những định hướng, quyết định lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng với sự vận động của thực tiễn. Và ngay trong những cơ quan, đơn vị thực hiện báo cáo trung thực cũng nhờ đó mà phân tích tình hình một cách khách quan, thấy rõ được tình hình thực tế của đơn vị, địa phương mình để có những phán đoán, dự báo, điều chỉnh phù hợp để triển khai, thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn.

            Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thời gian qua vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa làm được như vậy. Một số địa phương đã báo cáo sai lệch về diện tích, sản lượng tạo nên những tỷ lệ, năng suất cao không đúng với thực tế. Một ví dụ nghịch lý là có địa phương, tỷ lệ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, thôn buôn văn hoá hàng năm cứ tăng đều, đạt trên 80- 90%, nhưng tình hình tệ nạn xã hội ở địa phương đó không giảm mà có chiều hướng gia tăng; tỷ lệ hộ nghèo năm nào cũng giảm nhưng qua điều tra thực tế thì số hộ tái nghèo cứ đột ngột tăng hơn số giảm. Ngược lại, có những địa phương, đơn vị khi báo cáo thường nói ít về thuận lợi mà thích nói nhiều đến khó khăn; thiệt hại về thiên tai, bão lũ thì ít nhưng tìm cách khai báo nhiều hơn với dụng ý muốn “khai thác”, tranh thủ sự giúp đỡ về sự chi viện, phân bổ kinh phí của cấp trên. Có cơ quan, báo cáo đề cập nhiều về thành tích, khéo léo che giấu tình hình bê trễ của đơn vị mình bằng những từ hoa mỹ nhưng rất chung chung như: ưu điểm là cơ bản, phong trào cơ bản là tốt, có chiều hướng vươn lên…

            Chúng ta đều biết, quá trình lãnh đạo, quản lý và điều hành trong từng địa phương, đơn vị, người lãnh đạo, quản lý nào cũng cần có những thông tin chính xác để có nhận thức, đánh giá đúng. Muốn có nhận thức đúng thì phải có những báo cáo phản ảnh đúng hiện thực khách quan. Thế nhưng những người quen báo cáo không trung thực thường là do tính toán được, mất; vì lợi ích riêng, lợi ích cục bộ của đơn vị, địa phương mình, có nơi vì bệnh thành tích mà báo cáo sai sự thật. Cái lối “làm láo báo cáo hay”, cố ý làm sai lệch sự thật, lâu dần nhiễm thành thói quen, cho nên ai đó đã một lần thiếu trung thực mà không chịu sữa chữa thì sẽ dẫn đến nhiều lần, lúc này hay lúc khác đã tự gây nên về sự hoài nghi cho mình về tính  trung thực.

            Một điều dễ thấy là khi cấp dưới báo cáo không đúng tình hình thì cấp trên khó lòng đề ra được chủ trương, kế hoạch sát đúng. Một chủ trương, kế hoạch đã không đúng thì sai lầm một nơi có thể dẫn đến sai lầm ở nhiều nơi, tác hại khó lường do đó có nguy cơ nhân lên và lan rộng… Một địa phương có hàng ngàn ha rừng nguyên sinh, từ bao đời nay là nguồn nước, không khí và sự sống, là lũy tuyến góp phần che chắn, điều tiết bão lũ, phòng chống biến đổi khí hậu… cho hàng vạn người dân vùng hạ lưu. Nhưng do khảo sát, báo cáo chưa tính toán kỹ thiệt hơn về lợi ích trước mắt và lâu dài nên đã vội vàng quy hoạch, đưa diện tích rừng này trở thành đất sản xuất, kinh doanh. Và hàng trăm ha rừng tự nhiên có từ hàng trăm năm nay bị chặt phá một cách oan uổng để trồng loại cây rừng chỉ năm bảy năm sau lại biến núi rừng trở thành đất trống đồi trọc; mặc dù chủ trương này không được số đông người dân nơi đây đồng thuận, nhưng họ vẫn cứ làm. Và hậu quả là hàng ngàn ha rừng ven sông suối… bổng chốc tan hoang, trơ trụi …để rồi một ngày bão lũ gây bao cảnh xơ xác tang thương, chừng đó mới chợt nhận ra: Phá rừng như thể phá nhà  / Đốt rừng như thể đốt da thịt mình.

Tệ thiếu trung thực trong báo cáo còn có một nguyên nhân khác là do cách lãnh đạo, chỉ đạo của một số ít người phụ trách. Đó là những người chỉ thích nghe lời nói ngọt, thích khen chứ không thích chê; luôn muốn ngành, địa phương mình mọi việc đều trôi chảy, bao giờ cũng đạt và vượt thành tích. Đã vậy, lại ngại va chạm, sợ mích lòng lẫn tránh nói thẳng nói thật thiếu sót, khuyết điểm của cấp dưới; trong đó không ngoại trừ có người vì đã nhận phải biếu xén của những kẻ chuyên đi “cửa sau”, nên khi biết cấp dưới báo cáo không đúng sự thật nhưng cứ nhắm mắt làm ngơ mà buông xuôi, đồng tình. Những công trình dân sinh: cầu kè, đê bao, nước sạch nông thôn, miền núi… đổ vỡ do làm dối, làm ẩu, kém chất lượng cũng từ cái bệnh thiếu trung thực mà ra. Chỉ vì chút tình cảm riêng tư và lợi ích cá nhân mà họ đã đánh đổi cả lợi ích của một cộng đồng – xã hội để dung túng, bao che cho hành động thiếu trung thực. Cũng có những người cả tin, ngại sâu sát cơ sở, cấp dưới bảo sao nghe vậy; hơn nữa còn sợ bới việc ra thì sẽ mất công, lôi thôi dễ bị cấp dưới “mất cảm tình”, cấp trên “rầy rà”. Rồi cũng có trường hợp lãnh đạo chỉ quen làm việc giấy tờ, thiếu tường tận thực tế nhưng lại luôn đòi hỏi phải cung cấp ngay những số liệu, tài liệu mà cấp dưới chưa thể có, vì còn phải điều tra, phân tích, chọn lọc nên khiến cho cấp dưới làm liều theo cách “phỏng chừng”, “ước tính”… Những thứ quan liêu nhiều hình, nhiều vẻ đó đã làm cho tệ thiếu trung thực trong báo cáo vẫn được dung túng ở  một số ngành và một số địa phương, đơn vị.

Cuối năm, ngành và địa phương nào cũng cần những báo cáo tổng kết. Mong rằng đó là những báo cáo hết sức trung thực, đừng để cho những tính toán nhỏ hẹp, thấp hèn làm vẩn đục nếp nghĩ và việc làm của mình. Bởi khi lòng đã bị vẩn đục thì làm cho mắt nhìn kém thấu đáo, lời nói cũng bị ngập ngừng… Còn khi lòng đã trong sáng, tính tự trọng được đề cao thì bao giờ cũng giúp chúng ta có cái nhìn đúng và nói đúng sự thật khách quan.

 Để khắc phục tệ thiếu trung thực điều cần thiết và cũng hết sức quan trọng là các cấp lãnh đạo, người phụ trách cần có cái tâm và tầm nhìn trong đánh giá và bố trí cán bộ, hơn hết là thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, sâu sát với cơ sở; biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dư luận quần chúng… để phát huy, khích lệ tính trung thực, hạn chế đến mức thấp nhất sự dối trá của cán bộ dưới quyền. Có như thế chúng ta mới thực hiện triệt để công cuộc cải cách hành chính về tính trung thực trong báo cáo nhằm tránh được sự thiếu sót của quá trình điều hành, chỉ đạo./.