Sân
Sân vườn nhà Ma Thanh chỉ để cỏ mọc
ĐẤT CHỈ ĐỂ Ở
 
Vượt đèo dốc về làng Đồng (Phú Hải, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) bước vào những căn nhà tôn thấp mái nóng hầm hập, tôi tìm một bóng cây quanh nhà để trú mát, thấy khó hơn việc phải băng rừng lội suối để tới đây. Cuối thu, chúng tôi dạo quanh một số nhà của bà con để tìm trái ớt rừng, nắm rau bồ ngót, bông giề… cho nồi canh tập tàng nhưng thấy chỉ toàn src=Đấtcỏ dại tươi tốt.
 
Nhà của ông Ma Thanh, Trưởng buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) có khu đất rộng cả ngàn mét vuông, chỉ toàn cỏ mọc. Ông Thanh cho biết, nhà ông có 2.000m2, trong đó, sử dụng cho nhà ở, nhà bếp và làm chuồng bò chưa quá 150m2. Hàng chục năm qua, kể từ khi gia đình ông đến đây định cư, lập nghiệp, hơn 1.800m2 đất ở không sinh lợi gì hơn ngoài việc để cỏ mọc.
 
Toàn buôn Kiến Thiết có 333 hộ, diện tích đất ở của hộ nào hẹp nhất cũng không dưới 200m2. Bình quân mỗi hộ sử dụng nhà ở có 40-50m2/nhà; tính ra toàn buôn có khoảng hàng chục hecta đất quanh nhà chưa được sử dụng cho việc sinh lợi. Chừng ấy diện tích nếu được trồng 20.000 cây lấy gỗ, khoảng 10 năm sau, người dân sẽ có khoản thu không nhỏ.
 
Không riêng gì đất ở, hàng ngàn mét vuông đất tại các trụ sở, các công trình phúc lợi công cộng (trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà bia tưởng niệm…) một số xã của các huyện miền núi, không có màu xanh của cây trái; các công trình, nhà ở… trông từ xa cứ trơ trụi. Tôi cứ thắc mắc, tại sao nhà ở của bà con mình quanh năm cứ phải sống cảnh “nắng lửa, mưa dầu” mà họ không chịu trồng các loài cây ăn quả, cây lấy gỗ để chở che.
 
NGẪM TỪ ÔNG GIÀ VÔ TƯ… TRỒNG RỪNG
 
Gọi là vô tư, bởi ông trồng cây, làm vườn không màng tuổi tác, cũng không trông chờ vào nó để có tiền trăm, bạc triệu. Đó là ông Ka Sô Liễng, ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa). Đi trong nắng gắt xứ núi, khi vào vườn nhà ông là thấy khỏe ngay, bởi rợp mát bóng cây. Trên 15 năm về hưu, sở hữu gần 2ha đất, ông luôn tâm niệm lấy việc trồng rừng vui thú điền viên. Hàng trăm cây keo lá tràm, bạch đàn, xà cừ được ông trồng xen cây sưa, sầu đâu. Vườn nhà ông còn có vài chục cây ăn quả: chanh, bưởi, xoài, mít, tre lấy măng… Ông nói: “Diện tích đất mà tui đang ở, làm vườn trước đây ai cũng chê là đất cằn”. Để có được vườn cây sum suê này, ông phải mất nhiều công sức xeo nạy để bứng từng tảng đá vun thành đống, thu phân bò rơi vãi ngoài đường về bón cho cây. Ông làm vậy với mong muốn đồng bào và tụi trẻ trong làng “bắt chước”; để ai cũng quý đất, biết trồng rừng, làm vườn như mình mà thoát nghèo.
 
Trước nhà ông Ma Viên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Chà Rang, có khoảng chục cây keo lá tràm, đường kính 40-50cm. Ma Viên bảo đã trồng cách đây 6 năm, có người hỏi mua lấy gỗ với giá 500.000 đồng/cây. Tôi nói, hồi đó mà ông trồng vài ngàn cây thì nay giàu to rồi. Ma Viên cười: “Hồi đó theo phong trào trồng rừng, mình nhặt mấy cây về trồng làm hàng rào, trồng chơi ấy mà”.
 
PHONG TRÀO PHẢI CỤ THỂ
 
Những năm qua, nhiều phong trào đang triển khai thực hiện ở cơ sở, trong đó, phong trào xây dựng Làng văn hóa có tiêu chí: “Xây dựng môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp” là điều thuộc làu của cán bộ phong trào. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề này còn hô hào, chung chung, chưa có biện pháp và chương trình hành động cụ thể. Vùng miền núi, nơi sở hữu một quỹ đất đai “thừa thãi” so với nhu cầu nhưng nhà ở và các công trình phúc lợi công cộng vẫn chỉ là những “điểm trắng” cây xanh.
 
Mùa trồng cây đã đến, mong rằng cấp ủy và chính quyền cơ sở, không riêng gì miền núi mà cả khu vực đồng bằng, nông thôn cần phát động mọi người, mọi nhà tham gia trồng cây xanh trong khuôn viên đất ở, tại các trụ sở, nghĩa trang, nhà tưởng niệm, nhà rông văn hóa… làm cho những khoảnh đất trống trở thành vườn rau xanh, cây trái để chúng ta thật sự có được môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp đúng nghĩa nhằm mang lại màu xanh cho sự sống con người trên mỗi vùng quê.
 
MẠNH MINH TÂM