Dân gian có câu: Không bồng em phải xay lúa, không xay lúa phải bồng em. Bối cảnh câu này không đâu khác hơn là trẻ em ở thôn quê, phải phụ giúp việc nhà khi mà ai ai cũng phải quanh năm cặm cụi với công việc đồng áng, vườn tượt. Do vậy, sự phân công lao động trong một gia đình là không có ai ở không cả. Người lớn lo việc lớn, con nít lo việc…nhỏ nhỏ. Những năm còn đang tuổi thần tiên, dẫu có làm việc gì do được giao nhiệm vụ cũng đều thấy nó…thần tiên cả. Bởi những việc này thường làm tôi nhớ, lại nhớ hơi dai…
Những ngày phải ở nhà một mình, cho dù công việc nấu cơm có làm tôi chán đến mức nào, cuối cùng cũng thành quen. Trong khi nấu, chỉ riêng việc nhóm lửa cũng làm cho tôi nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Trong nhà không sẵn củi, phải tự đi kiếm lấy. Quanh vườn chỉ toàn gai tre, ngày thường tôi khó chịu vô cùng, xem chúng là đồ bỏ đi. Vậy mà giờ đây, những đồ bỏ đi ấy mới đáng quí làm sao. Chúng chà chôm chà chỉa, khi còn tươi đem cắm rào ngăn lũ gà vịt phá phách; cắm chái khoai; thả giàn bầu giàn bí, để rồi có câu: Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Cái giàn ấy là giàn gai tre không phải la đà lãng mạn như cành trúc trong đêm của Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương, mà khẳng khiu xương xẩu, chịu mưa chịu nắng nâng đỡ những quả bầu, dưa, bí, mướp…Đến khi hết sức rồi thì những cành tre ấy lại hóa thân làm nên những bữa cơm ngon. Có hôm tôi nấu cơm bị sình cũng vì thiếu củi. Lửa bếp như trêu ngươi, cứ ngoi lên vài tia rồi tắt ngấm, mãi đến khi cả nhà về đông đủ rồi mà nồi cơm vẫn chưa chín! Lúc ấy mới thấy thiếu những cành tre khô gai góc khẳng khiu là thiếu đi…một phần cuộc sống.
Những lần cơm sống làm tôi cứ ám ảnh mãi. Nhưng Gió đánh cành tre, gió đập cành tre…, mãi rồi cũng hết mấy giàn tre mục dưới vườn. Vậy là từ sớm tôi đã leo rào rút những cành tre khô gom lại thành bó. Những nhánh tre tua tủa gai chìa ra xây xướt chân tay. Tôi đã biết tiếc từng que nhỏ nên việc xây xướt đâu có thấm tháp gì. Tôi chụm dè sẻn từng cây, đến khi nồi cơm vừa chín là dừng ngay lại, sợ phí! Cứ nghĩ cây củi tre gai góc chẳng phải quí giá gì, vậy mà những lúc này cũng làm cho tôi khổ sở quá. Tâm lý con người kể cũng lạ, coi thường không xong là chuyển sang… trân trọng, đi đâu thấy có nhánh tre nào rơi vãi, tôi đều gom về một chỗ để dành, đủ một bó là chín một nồi (niêu?) cơm, lại sạch vườn sạch ngõ. Tuy nhiên, vườn càng sạch chừng nào lại càng khan củi tre chừng ấy, nhưng chẳng lẽ lại mong vườn nhà đầy gai và đầy lá tre như câu chuyện hai đứa trẻ nhặt lá bàng của nhà văn thời tiền chiến. Nhớ đến câu cửa miệng của hai nhân vật này Lạy trời! Gió nữa lên, tôi lại nhớ đến mấy câu ca dao vu vơ mà du dương lạ:
Gió đánh cành tre
Gió đập cành tre…