/

KHÔNG CHỈ CÓ: THƯƠNG TRƯỜNG NHƯ CHIẾN TRƯỜNG …!

 Trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều những em sinh viên, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn nghèo túng nhưng vẫn vươn lên bằng tất cả nghị lực có thể được để vừa kiếm miếng cơm manh áo; sách vở học tập; tiền nhà trọ, vv… Vừa đạt được những thành tích trong học tập mà báo chí đài điện thỉnh thoảng vẫn nêu gương thì ta đã đọc, đã nghe nhiều.

Nhưng lần này thì tôi thật “may mắn” được sống cùng các em, kể cả sống chung nhà trọ và thỉnh thoảng  “kiếm sống” chung với các em.

Tôi là một thợ ảnh, quê mãi  Phú Yên. Nguyên do lần này tôi vào thành phố làm ăn cũng thật “buồn cười”… Con tôi cũng là sinh viên năm I ĐH Hồng Bàng – Là con gái nên tôi rất lo vì lần đầu từ nhỏ đến lớn sống xa cha mẹ. Thật may là tôi đã chuẩn bị từ trước nên bà xã có thể quán xuyến hiệu ảnh ở nhà cùng với một thợ “gộc” là con gái út của tôi đang học lớp 7 – một thợ photoshop thuộc hàng “cao thủ”, có thể làm việc ở những hiệu ảnh lớn! – Cháu học rất giỏi, liên tục là học sinh xuất sắc từ … mẫu giáo đến nay.

Trong khi con gái lớn ở trọ trong thành phố để học thì tôi lại ở trọ ngoài Thủ Đức để đi làm – Cũng là chuyện đưa đẩy của cuộc mưu sinh chứ  chẳng sắp đặt lựa chọn gì.

Một buổi sáng như thường lệ- sau khi đã lo chỗ ở cho con trong thành phố xong tôi ra Thủ Đức ở nhờ với thằng em đồng hương rồi bắt đầu công cuộc đi kiếm việc làm với một tâm trạng thảnh thơi, phấn chấn… Nghĩa là sẵn sàng làm bất cứ việc gì khả năng mình có thể làm được ngoài nghề “phó nháy” ra! Thật kĩ lưỡng, tôi chuẩn bị trong xách ba bộ hồ sơ xin việc cùng một danh sách dài những công ty, tư nhân đang tuyển dụng người làm trên mạng. Tôi đi kiếm việc trong thành phố, những mong sẽ ở gần con gái, cha con dễ chăm sóc nhau hơn. Thế nhưng một hiệu ảnh Mini Lab trên đường Võ Văn Ngân ngoài Thủ Đức đã giữ chân tôi lại ngay hôm ấy. Tôi nhận việc !

 – Tôi; thợ ảnh lớn tuổi nhất ở hiệu ảnh đó lại đăng kí làm nguyên ngày từ 7 rưỡi đến 9 rưỡi đêm, lại “cam” hai môn – phụ trách chụp Studio và làm photoshop, trong khi lớp trẻ chỉ làm một môn photoshop thôi!

Đến đây thì coi như tôi đã chấp nhận sống lâu dài chung phòng trọ với các em sinh viên ở Thủ Đức. Và cũng nhờ gần một năm sống chung mà tôi đã nắm rõ lí lịch và cuộc sống của từng em.

/   Trước hết chúng ta hãy làm quen với: Võ Lê Duy Khánh và người  bạn “Múc” của anh ta: – Khánh quê Phú Yên, vùng lúa thuần nông  thuộc huyện Tây Hòa, xã Hòa Bình.Cha là  nông dân, mẹ giáo viên tiểu học. Nhà có hai chị em, kinh tế gia đình  chỉ đủ ăn và xoay xở cho hai chị em đi học, dĩ nhiên là phải rất tiện  tặn và kham khổ. Suốt bốn năm học tại trường ĐH GTVT – dù là  một chàng trai có bản tính hồn nhiên vui vẻ nhưng Khánh không  bao giờ la cà quán xá, nhậu nhẹt, không cà phê, thuốc lá … Điều  cảm động nhất là ngay năm ĐH  thứ II, tranh thủ sự quen biết  bạn bè, thầy cô em đã xin được một chân bảo vệ của trường với  một ý định: – Được ở miễn phí trong nhà bảo vệ ngay cổng trường  mặc dù chỉ khoảng 4m vuông. Dù ở một mình, hàng ngày ngoài giờ  học em luôn túc trực để làm công tác bảo vệ, đóng mở cổng và  thêm công việc kiểm tra danh sách nhân viên, cán bộ làm việc tại  trường. Suốt bốn năm, dù  nắng hay mưa ; âm thầm sát  bên cạnh em luôn có một người bạn trung thành không ai ngờ – Là chú  chó “ Múc”. Nó cũng lặng lẽ như em, nhưng khi có người lạ vào phòng bảo vệ là đôi mắt nó long lên, nhìn chằm chặp  dõi theo từng cử động của người đó. Nó không sủa ồn ào, không gầm gừ nhe nanh trắng chỡn, nhưng cái kiểu canh chừng thủ thế của nó thì ai cũng ớn! Có lẽ vì vậy mà “cu Khánh” nhà ta rất thương nó. Mặc dù suốt mấy năm làm bảo vệ, Khánh toàn ăn cơm bụi sinh viên nhưng luôn có một phần cơm cho con Múc  đàng hoàng, dù sớm hay muộn, khuya mấy  cũng nhất định phải có phần cơm cho nó.

 Sáng 5 giờ rưỡi em đã dậy, trong sân trường vắng tanh – Một tay quắp sau lưng, một tay cầm chổi quét những chiếc lá khô đêm qua rụng đầy sân trường, với dáng điệu ung dung bình thản và một nét mặt luôn thoáng nở nụ cười.

Vừa qua, em đã bảo vệ tốt nghiệp với mảnh bằng Kĩ Sư Kinh Tế Xây Dựng công trình giao thông ĐH GTVT, và hiện tại, em đang được giữ lại công tác tại trường,hiện em đang vừa làm vừa học cao học để lấy bằng Thạc Sĩ – Một tấm gương đẹp mà tôi luôn kể cho con gái nghe để noi theo.

/ Lê Ngọc Nguyên – Sinh viên  Khoa Công nghệ thông tin, chuyên ngành Đồ Họa.

 Quê quán : Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Hiện gia đình cư trú tại Bù Đăng, Bình Phước.

 Em là bạn đồng nghiệp tôi quen ở hiệu ảnh Mini Lab. Đang theo học        ngành  Đồ họa, em xin làm nửa ca ở hiệu ảnh.

 Tuy chưa học qua một chút gì về ngành ảnh, vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn,  tôi thấy em tiến bộ rõ rệt về môn Photoshop – Chỉnh sửa ảnh trên máy tính. Điều  thán phục hơn là vào ban đêm, em còn làm thêm công việc lắp ráp đèn  chiếu tại trường Cao Đẳng nghề Thủ Đức đã mấy năm nay- Đáng thương  là vì quá đuối sức em đã xin nghỉ công việc làm thêm ban đêm này, và giới thiệu một người bạn khác thay thế, nhưng ngay sau đó trường đã gọi em làm lại vì họ thích tác phong làm việc của em hơn !

Em tâm sự:-“ Bốn năm nay, em vừa học vừa làm , tự xoay sở, lo liệu chuyện ăn ở, học hành mà không bao giờ hỏi xin tiền ba mẹ”. Tôi phục và thương em lắm, thế nhưng bất thình lình, ông chủ hiệu ảnh cho em nghỉ việc, lí do hiệu ảnh đang đông khách mà thời gian làm việc của em gián đoạn vì thỉnh thoảng em xin nghỉ vì chuyện học hành!

Em buồn lắm, còn tôi tìm cách thuyết phục ông chủ, thế nhưng … May sao, ngay sau đó em đã tìm được một chỗ làm mới trong một xưởng in lớn ở Thủ Đức, lương cao mà thời gian làm việc thì rất thoáng. Tôi vẫn quan hệ tốt với Nguyên và luôn khuyến khích em cố gắng học để lấy cho được mảnh bằng tốt nghiệp mang về quê khoe với bố mẹ.Và hiện nay, em đã tốt nghiệp loại giỏi và đang làm việc cho một công ty quảng cáo của Hàn Quốc với mức lương cao.

/ Bùi Văn Mỹ ( Người bên phải)

 Sinh viên năm 2 ngành Xây Dựng Cầu Hầm trường ĐH GTVT.

 Quê quán: Ba Tri, Bến Tre.

 Ôi thôi! Nói về cái anh chàng này thì tôi chỉ muốn cười phá lên thôi!  Bởi chàng ta giống con gái út của tôi đang học lớp 7 ở nhà, hồn nhiên,  dễ thương và vui tính như một học sinh tiểu học . Đã vậy lại còn  thích  nhảy nhót, , đàn hát và nhất là… tám chuyện với con gái! Nhiều đêm  đi làm 9 rưỡi, 10h về phòng trọ, mệt muốn chết, muốn nằm nghỉ lưng  một chút nhưng trong phòng – Chỉ một mình hắn thôi cùng cái di  động, vậy mà lỗ tai tôi phải chịu đựng đủ âm thanh từ: hĩ, nộ, ái, ố …  Đến nỗi tôi phải hét lên:

  –      “ Mày bớt tám đi cho tao nhờ!”

Đáp lại tôi, hắn cười : Khá! Khá! Khá!

Và hắn học cũng khá thật. Nghe hắn tâm sự thì quê nội ở Bến Tre nhưng bố mẹ ra Bình Phước làm rẫy. Hắn sống  với ông bà nội. Chắc vậy nên tôi thấy mấy đứa ở chung phòng trọ có vẻ bảo bọc và thương hắn lắm. Chẳng hạn  lâu lâu tụi nó tổ chức lai rai thì không bắt hắn phải “công ty” – (Một kiểu góp tiền nhậu!)

  Tội nghiệp, một lần tôi vô cùng sửng sốt khi cuối tuần chiều thứ bảy hắn sửa soạn, chưng diện áo quần lên thành phố vẻ phấn chấn vui tươi lắm nhưng chẳng nói đi đâu! Chỉ khi hắn đi rồi tôi mới hỏi mấy đứa trong phòng

–       Hắn đi nhà hàng đấy! -Tụi em trả lời.

Tôi trố mắt ngạc nhiên.

–        Đi làm nhà hàng, bưng bê dọn dẹp ấy mà!-Tụi em phân trần.

Tôi buột miệng kêu trời! Đến tối hôm sau, đi làm về bước vô cửa phòng trọ, thấy hắn nằm sải tay chân trên nền nhà, mặt tái xanh tái xám, ngủ mê mệt. Thật lạ, khi  ngủ, nét mặt hắn sao đầy vẻ khó nhọc, khắc khổ quá chừng! Vậy mà khi thức thì …

Nghe nói hắn làm mỗi ngày được năm chục ngàn đồng. Hôm nào tăng ca thì cũng được trăm ngàn, thường xuyên về nhà ăn mì gói vì đám tiệc dẫu ở nhà hàng hoặc tư gia không có lệ phải dọn ăn cho “ quý ông” chạy bàn! Điều này thì tôi đã chứng kiến quá nhiều khi đi chụp đám cưới hỏi ở phố xá.

Đã vậy hắn còn chơi như “Mỹ”, học đòi làm sang, làm “quân tử nhí”. Khi mấy ngày đầu đi làm, được bao nhiêu tiền hắn bỏ ra hết, bao bạn bè nhậu sạch -những đứa bạn sinh viên nghèo như hắn đã có công dắt díu, đưa hắn vào nghề: “Đi nhà hàng!”

Một lần, tôi muốn rớt nước mắt khi nghe hắn khoe:

–      Tuần này, con kiếm được đủ đóng tiền ăn nhà trọ một tuần!

        Bọn hắn góp tiền nấu ăn chung.

Nhân  đây, tôi cũng xin được nói thêm về cái cung cách đám tiệc ở thành phố. Không hiểu nên gọi là cái “cung cách” hay gọi là cái “mô đen” khi cái kiểu người ta không dọn ăn cho các em Sinh Viên phục vụ bàn trong đám tiệc ! Tôi nghĩ, có lẽ người ta đã quen với việc : tổ chức đám tiệc ở nhà hàng thì chuyện đó thuộc trách nhiệm nhà hàng phải lo! Thế còn ở tư gia, nhà riêng ? – Tôi vẫn thấy các em phục vụ bị làm ngơ và bỏ đói như thường! Cố để ý thì ra: -Các em phục vụ là do bên thợ nấu đám kêu gọi đến. Mà thợ nấu không có quyền đòi hỏi chủ nhà dọn ăn cho các em! Và như vậy, cũng không thuộc trách nhiệm của chủ nhà.

Ôi thôi! Tôi chợt cay đắng nhớ đến câu tục ngữ:

“ Miếng ăn là miếng tồi tàn”

Nhưng :

“ Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”

  Cứ mỗi lần cầm máy ảnh phục vụ đám tiệc ở thành phố, tôi lại nhìn thấy các em; thú thật, lúc đầu tôi không biết các em là sinh viên, nhưng khi nhìn dáng điệu các em, tôi đã nhận ra vẻ ngượng ngịu, mắc cỡ, và cả vẻ bất cần, thản nhiên. Đặc biệt là những đám tổ chức ở nhà riêng, thường là trong hẻm chật chội – Các em đến, đứng ngoài đường hẻm  vội vàng miễn cưỡng lôi bộ đồ phục vụ giấu kĩ trong những bao nilon đen ra, mặc  vào người: Áo vest  không cổ, không tay, không khuy, thắt  nơ , mà  ai đó gọi là “áo khỉ”!

Trời ạ! Có những đám cùng lúc dọn hàng  trăm bàn, các em đứa nào cũng mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm  đầu tóc, mặt mũi, lưng, tay, vừa bưng dọn, vừa luồn lách giữa một rừng quan khách sang trọng  kiêu hãnh nâng ly với những tràng : “ DZÔ! DZÔ!” đinh tai nhức óc cùng những “núi” thức ăn, thức uống có thể đè chết người ta. Trong khi… bụng các em lép kẹp!

/

Chính bác “phó nhòm”, lắm khi cũng chỉ “ nhòm” mà chẳng có gì trong bụng! Và cũng lắm khi đám tiệc chưa tàn, khách chưa hết, tôi đã cùng các em chia nhau vài miếng bánh phồng tôm ở một góc nào đó rồi nhìn nhau cười ha hả !

Khi biết tôi có ý định viết về các em, đứa nào cũng cười hồn nhiên mà rằng:

– “ Tụi con chỉ làm chuyện nhỏ, có gì đâu!”

Đúng là “chuyện nhỏ” thật! Nhưng dẫu sao tôi cũng là bố của một đứa con gái là sinh viên, và tôi cũng đang làm những chuyện nhỏ như các em trong cái cuộc sống không chỉ có “ THƯƠNG TRƯỜNG NHƯ CHIẾN TRƯỜNG” mà theo tôi “ HỌC ĐƯỜNG CŨNG LÀ NƠI THẤM ĐẪM BAO MỒ HÔI VÀ NƯỚC MẮT” của các bậc phụ huynh, của các em học sinh, sinh viên nghèo!

                                                                Thủ Đức , tháng 08 năm 2009

                                                                        BÙI  TẤN QUY