Mạnh Minh Tâm

 Trong đời người, không có ai không cần được sự giúp đỡ của người khác theo cách này hay cách khác, vào lúc này hay lúc khác. Và cũng không có ai vô tâm đến nỗi dửng dưng khi người khác gặp cảnh họan nạn khốn cùng; nhất là những người hàng xóm láng giềng, những người bạn cùng công tác trong cùng cơ quan, đơn vị. Chuyện tôi sắp kể ra sau đây, làm tôi liên tưởng đến một câu chuyện ngụ ngôn về sự giúp đỡ lẫn nhau giữa loài chim và kiến:

“Vào một ngày mùa mưa gió, một loài kiến bị nước lũ dâng cao cuốn trôi đi, đang lúc nguy cơ bị làn nước nhấn chìm, may thay lúc đó có một con chim đang bay lượn trên không thấy được, cảm thấy tội nghiệp cho đàn kiến, con chim đã thả xuống nước một chiếc lá cho đàn kiến đu vào, lá trôi tắp vào bờ và đàn kiến ấy được cứu thoát. Một thời gian sau, con chim đang mơ màng ngủ trên cành cây, một gã thợ săn tới gần giương cung nhắm bắn; đàn kiến tình cờ có mặt ở đó, thấy vậy nó liền cắn vào chân người thợ săn, gã thợ săn đau đớn, xuýt xoa đánh động, làm con chim thức dậy bay đi. Con kiến đã trả ơn!”
src=http://s6.netlogstatic.com/vi/p/oo/171948733_6407864_2179181.jpg
Tổ ấm gia đình – Giải nhất ảnh NT PY. Ảnh Lê Minh
Còn chuyện của tôi, đó là những năm 80, hồi tôi còn đang công tác ở huyện miền núi Đồng Xuân. Sống qua thời đó, cái thời “bao cấp”, đã rèn cho tôi khả năng chịu đựng trước những khó khăn, thử thách đủ điều. Nhưng có một thử thách trong đời cán bộ công chức, thật có ý nghĩa mà tôi nhớ mãi đến ngày hôm nay.
 Năm đó, chồng tôi đang theo học một lớp tập trung tại Đà Nẵng; ở nhà tôi phải cán đáng một nách hai con, chúng đều là trai. Đứa đầu 5 tuổi, đứa em 1 tuổi. Mẹ con tôi phải sống trong một căn nhà tranh vách đất, rộng độ 10m2 của bà dì cho mượn ở tạm. Thời đó chưa có nước máy, để có nước dùng hàng ngày cho 3 mẹ con, sáng nào tôi cũng phải dậy thật sớm, gánh trèo trẹo từng đôi nước cách xa nhà ở 500 thước; nắng hạn tháng sáu, tháng bảy phải thức dậy từ lúc gà gáy để ra giếng, tranh chắt từng gàu nước với hàng xóm thì mới có nước dùng. Đêm về, bên ngọn đèn dầu leo lét, mẹ con hủ hỉ, tôi chỉ cho thằng lớn ê a tập đánh vần.
Điệp khúc cứ vậy, gia đình tôi vẫn “ấm êm”, tôi cảm thấy hạnh phúc vì trong điều kiện như vậy, tôi vẫn làm tròn bổn phận của một người vợ để chồng an tâm đi học xa và được láng giềng khen vợ giỏi “đảm đang” nên quên đi bao mệt nhọc.
Rồi một ngày không may, tai hoạ ập xuống gia đình, khi chồng tôi vẫn đi học ở xa. Tôi bị xe đụng gãy chân. Bác sỹ cho biết vết thương rất nặng, chân phải bị gãy cả xương trụ lẫn xương quay, theo phát đồ điều trị, chân tôi phải bó bột nằm một chỗ trong thời gian 120 ngày. Lúc này đau đớn thể xác đối với tôi chẳng là gì cả. Cái đau đớn, khổ sở dằn vặt khôn cùng là những nỗi lo. Tai nạn, thật ác nghiệt quá chừng! Ai sẽ chăm sóc cho các con, khi chúng còn quá nhỏ; chồng tôi phải dở dang chuyện học hành vì tôi, hay là sao đây? Tâm trạng tôi cứ rối bời…Tai nạn lại xảy ra trong lúc nhà chỉ còn vài ba ngàn đủ tiền đi chợ; gạo cũng chỉ đủ cho 3 mẹ con ăn dăm ba bữa. Tôi chỉ biết chắp lưỡi, thở dài…
Nhưng không ngờ, trong lúc khốn khó tột cùng ấy; lúc tôi đang chơi vơi, đắm chìm trong những suy nghĩ cô đơn, bế tắc như người sắp chết đuối… thì tôi được cứu vớt từ những tấm lòng tốt của bà con láng giềng và bạn bè cùng cơ quan. Việc đầu tiên mà họ đã lo là “xoay xuể” giúp cho tôi có được số tiền gần 100 ngàn đồng cho việc điều trị thương tật, số tiền này với gia cảnh của tôi thời bấy giờ là to “như núi”. Việc tiếp theo là trong lúc chồng tôi, họ hàng người thân ở xa chưa về kịp, anh chị em trong cơ quan đã phân công, thay nhau chăm sóc chu đáo cho tôi từ việc cơm nước, giặt giũ quần áo đến việc tắm rửa, nhắc bảo các con tôi học hành…Và khổ nhất là việc vệ sinh cá nhân cho tôi. Tôi bị bó bột sát háng, được cho về điều trị tại nhà nên mọi sinh hoạt tắm rửa, tiểu tiện tại một chỗ; mỗi lần muốn duy chuyển phải có người bồng bế, khiêng cáng. Không chỉ có thế, anh chị em cơ quan còn là những người động viên, an ủi tinh thần, lo cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ. Đến việc lo tôi nằm một chỗ sẽ buồn nên chị em bàn nhau ngày nào cũng có người đến nói chuyện, gội đầu, chải tóc làm cho tôi vui yên tâm chữa bệnh…
Cứ đều đặn như vậy, ba tháng sau vết thương của tôi đã lành, chân tháo bột (sớm hơn nhận định 1 tháng). Tôi thật sự thở phào nhẹ nhõm, bỏ lại đằng sau gánh nặng tưởng chừng quá sức nếu không có sự đỡ đần, góp sức chia sẻ của láng giềng và anh chị em cơ quan. Tôi không biết lấy gì đền đáp và cũng không biết làm thế nào để bộc lộ tình cảm về sự biết ơn vô cùng đối với những gì mà họ đã dành cho tôi. Nhờ họ mà chồng tôi không phải dở dang khoá học; nhờ họ mà gia đình tôi đã vượt qua cơn khốn khó nhớ đời. Hôm nay gia đình tôi có cuộc sống ổn định, các con tôi bây giờ khôn lớn và đã tốt nghiệp đại học. Chúng tôi càng thấm thía bài học về sự đùm bọc, chở che của tình người trong hoạn nạn.

Vượt qua thời điểm khốn khổ ấy nhưng cho đến giờ tôi vẫn nghĩ rằng đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời tôi. Một thời tuy còn nghèo về vật chất nhưng con người đã giữ được tình người đó là thương yêu lẫn nhau và rất giàu lòng nhân ái.