Nguyễn Lục Gia
            Bộ sách giáo khoa (SGK) lịch sử lớp 10 hiện tại nằm trong Chương trình Cải cách SGK theo hướng phân ban do Bộ Giáo dục chỉ đạo biên soạn và chính thức đưa ra áp dụng trên toàn quốc từ năm học 2006 – 2007 trở đi. Một trong những điểm mới của SGK lịch sử lần này là có thêm lời dẫn trước khi bắt đầu nội dung từng đề mục của bài học, với tính chất như một sự gợi mở tình huống, hoặc tóm lược khái quát nội dung bài hay chuyển tiếp từ bài đã học sang bài mới. Vì vậy, yêu cầu đối với lời dẫn phải gọn, rõ, làm nổi bật trọng tâm trong bối cảnh lịch sử của vấn đề. Tuy nhiên, bên cạnh nhan nhản các lời dẫn nhạt nhẽo vô hồn, lời dẫn SGK lịch sử lớp 10 còn sai trầm trọng về kiến thức và phương pháp tiếp cận. Bài “Các quốc gia Ấn và văn hóa truyền thống Ấn Độ” (bài 6, SGK chuẩn, tr.37, NXB GD, 2006) là một điển hình cho sự sai nói trên.
            Toàn bộ bài “Các quốc gia Ấn và văn hóa truyền thống Ấn Độ” được thiết kế trên 4 trang sách, với phần lớn nội dung thuộc kênh chữ, kèm theo 1 lược đồ và 1 ảnh, trong đó riêng phần trình bày tiêu đề chương, bài và lời dẫn vào bài đã chiếm gọn diện tích 1/4. Sự bất hợp lý đó càng được kích trương lên bởi những điều thể hiện qua lời dẫn như sau:
            Lãnh thổ Ấn Độ như hình “tam giác ngược”, hai bên giáp biển, cạnh phía bắc nối với châu Á, nhưng lại ngăn cách bởi dãy núi cao nhất thế giới – dãy Hi-ma-lay-a, nên còn được gọi là tiểu lục địa Nam Á. Diện tích Ấn Độ khá rộng lớn, hơn 3 triệu km2, gấp khoảng 10 lần Việt Nam và gần 15 lần nước Anh. Hai bờ biển lại có hai dãy núi Đông Gát và Tây Gát, ngăn cách bởi cao nguyên Đê-can. Do toàn núi cao, rừng rậm, rừng nguyên sinh nên lãnh thổ Ấn Độ bị ngăn cách nhau đáng kể giữa Đông và Tây, Bắc và Nam. Chỉ có miền Bắc là bằng phẳng, bởi lưu vực của hai con sông lớn. Xưa kia phải kể cả con sông ở Tây Bắc Ấn Độ, gọi là sông Ấn (Indus). Nhờ nó mà có tên gọi Ấn Độ và lãnh thổ Ấn Độ (Hindustan), nơi khởi nguồn của nền văn hóa Ấn Độ. Còn ở Đông Bắc bán đảo là lưu vực sông Hằng (Ganga) rộng lớn và màu mỡ, là quê hương, nơi sinh trưởng nền văn hóa truyền thống của văn minh Ấn Độ.
            Xin chỉ ra 2 nhóm lỗi sai:
           1. Sai kiến thức.
            – Không có hình tam giác nào gọi là “tam giác ngược” cả, dù chỉ để ví von. Đặc trưng của một hình tam giác là từ ba điểm không thẳng hàng đã tạo ra ba cạnh, ba đỉnh và ba góc. Trường hợp tam giác có cạnh đáy khi đó là tam giác cân, với tính chất cạnh thứ ba có độ dài khác biệt so với hai cạnh bên, chứ không phải ám chỉ vị trí nằm ngang dưới gọi thành cạnh đáy. Do đó, ngay cả khi cạnh đáy nằm về bên trên, tam giác [cân] này vẫn không hề là “tam giác ngược”.
            Trong khi đó, lãnh thổ Ấn Độ thực sự giống với một hình tứ giác, hoặc nhập hồn một cách khảo cổ, như công cụ đá cũ của con người thời tiền sử được ghè nhọn ở một đỉnh dài hơn thọc sâu xuống biển Ấn Độ Dương.
            – Về mặt địa danh, tên gọi Ấn Độ lấy từ khu vực phát xuất đầu tiên của nền văn minh thời cổ đại là lưu vực sông Ấn. Nhưng không thể cho rằng nhờ đó mà có lãnh thổ Ấn Độ. Chính quá trình chinh phục, sáp nhập, chia tách, rồi lại thống nhất đã tạo nên lãnh thổ rộng lớn của quốc gia này trong suốt thời kỳ trung đại, trải rộng từ lưu vực sông Ấn phía Tây Bắc sang lưu vực sông Hằng phía Đông Bắc, vượt cao nguyên Deccan vươn dài xuống điểm cực Nam bán đảo.
            – Rừng nguyên sinh là một dạng rừng đặc thù trong điều kiện thiên nhiên nói chung và rừng nói riêng bị con người khai thác bừa bãi, gây đảo lộn nghiêm trọng đến môi trường sống. Nói về rừng nguyên sinh nhằm đề cập đến những hoạt động bảo tồn môi sinh của hệ động – thực vật, do các cơ quan khoa học cùng các nhà nghiên cứu tiến hành. Đây là một thuật ngữ địa lý hiện đại. Sự phân cách về phương diện địa lý thời trung đại ở Ấn Độ không phải do rừng nguyên sinh mà là bởi núi cao, rừng rậm nói chung.
           – Cho rằng văn hóa Ấn Độ khởi nguồn từ lưu vực sông Ấn, lại lần nữa khẳng định quê hương văn hóa truyền thống Ấn Độ là lưu vực sông Hằng. Hai khái niệm “khởi nguồn” và “quê hương” gần như đồng nghĩa với nhau, do đó không phân biệt được nơi đâu là chiếc nôi phát nguyên của nền văn hóa Ấn Độ. Căn cứ theo nguồn sử liệu, phải xác định rõ rằng cội nguồn của văn hóa Ấn chính là lưu vực sông Ấn hơn 3200 năm tr.CN, còn lưu vực sông Hằng là nơi định hình và phát triển của văn hóa truyền thống Ấn Độ sau năm 1500 tr.CN.
           – Văn hóa và văn minh đều là những giá trị vật chất và tinh thần mà một cộng đồng người hoặc một dân tộc sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử, trong đó văn minh đã đạt đến trình độ phát triển nhất định với những đặc trưng riêng. Nói đến sự định hình và phát triển của văn hóa truyền thống Ấn Độ cũng có nghĩa là chỉ nền văn minh Ấn Độ. SGK đã định vị sai ngoại hàm của văn minh khi cho rằng “nền văn hóa truyền thống của văn minh Ấn Độ”.
            2. Sai phương pháp tiếp cận.
            – Như tiêu đề của chương ấn định về mặt niên đại, lãnh thổ Ấn Độ đang được đề cập là thời kỳ trung đại với sự cực thịnh của cương vực đế chế. Chưa kể các bộ phận đất đai có tính chất mở trong mỗi một triều đại nằm ở đâu đó Nêpan, Butan hay thậm chí cả đảo quốc Sri Lanca, chỉ tính riêng diện tích hai quốc gia Pakistan và Bangladesh tách ra từ Ấn Độ sau năm 1947 nhập chung vào nước này đã lên tới 4.313.230 km2.
           Để hình dung sự rộng lớn của đế chế Ấn thời phong kiến, SGK đã hiện đại hóa bằng những số liệu địa lý không chuẩn xác, lại đưa ra phép đối sánh khập khiễng với kẻ từng nô dịch Ấn là thực dân Anh. Sử gia đang cưỡng bức và hạ nhục lịch sử.
           – Không tôn trọng phương pháp lịch sử cụ thể, lấy nay để nói xưa và ngược lại, SGK tiếp tục giải thích lòng vòng, tạo nên nhận thức sai lệch rằng khu vực Bắc Ấn tập trung tới 3 con sông, mà ngoài “lưu vực hai con sông lớn”, “Xưa kia phải kể cả con sông ở Tây bắc Ấn Độ, gọi là sông Ấn…”.                  

            Một lời dẫn vào bài thiết kế dài gần trọn trang sách với 120 từ [words] và 7 đơn vị kiến thức lẫn phương pháp tiếp cận sai. Có thể SGK lịch sử lớp 10 Chương trình Cải cách đã lập cùng lúc 3 kỷ lục Sách Guinness.