Xuân Tiến

Một trong những đội ngũ trẻ sáng tác thơ hiện nay là sinh viên (SV) song dường như xã hội vẫn chưa dành cho các em sự quan tâm và hỗ trợ đúng mức.

Nơi ươm mầm chồi thơ

Đã từ lâu, chốn giảng đường đồng nghĩa là nơi những chồi thơ lạ, sắc nét nêu bật lên tâm thế của SV không những về chuyện trường lớp mà còn là những trăn trở chung của lớp trẻ với đất nước, với xã hội. Từ khoảng trời này, đã có biết bao nhà thơ cất đôi cánh thi ca của mình, có thể kể đến như: thế hệ 5x có: Trần Thế Tuyển, Vũ Xuân Hương, Hà Thiên Sơn…; 6x có Bùi Nguyễn Trường Kiên, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương…; 7x có Bùi Thanh Tuấn, Phan Hoàng, Lê Thiếu Nhơn… và gần nhất là thế hệ 8x với: Nguyệt Phạm, Song May, Thục Linh, Hà Thị Hoài Thương…

Xuất phát từ một nhóm thơ ban đầu, từ khoảng năm 2000, câu lạc bộ Văn học và nghệ thuật, ĐH KHXH &NV (CLB VHNT), được thành lập với tên gọi như ngày nay và dần đi vào hoạt động có quy củ. Vào đầu mỗi năm học, CLB tuyển thêm thành viên mới từ các tân SV của trường. Từ đội ngũ này, CLB sinh hoạt định kỳ vào chủ nhật cuối cùng mỗi tháng để chia sẻ kinh nghiệm sáng tác và giới thiệu tác phẩm hay. Ngoài ra, vào 3 mùa: xuân, hạ, đông, CLB tổ chức 3 buổi giao lưu lớn theo từng chủ điểm với khách mời là các nhà văn, nhà thơ của thành phố. Trong không khí chuẩn bị tham gia ngày thơ Việt Nam sắp tới tại Bến Nhà Rồng, TP.HCM, Trần Phượng Linh (chủ nhiệm CLB) chia sẻ: “Em hy vọng CLB sẽ góp thêm 1 gian hàng mang tính chất sinh viên văn khoa, với sự dễ thương, tươi trẻ vào Ngày thơ Việt Nam năm nay”.

Ra đời muộn hơn 5 năm so với CLB VHNT nhưng CLB Thơ Văn (Khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm) đã xây dựng cho mình một ấn phẩm đặc sắc mang tên Dáng Văn phát hành nội bô vào những dịp kỷ niệm đặc biệt. Bên cạnh những buổi sinh hoạt hằng tháng hoặc chuyến đi thực tế hằng năm, tạp san Dáng Văn thực sự là sân chơi cho các thành viên chia sẻ các sáng tác mới, trao đổi những tâm tư tình cảm, khó khăn trở ngại khi đèo bòng trên vai cái nghiệp viết văn làm thơ. Từ đó, nuôi dưỡng lòng ham mê sáng tác của các thành viên. Cây bút trẻ Nguyễn Đặng Tường Vy với giọng thơ mượt mà, nền nã mang đậm chất nữ tính suy tư chính là xuất thân từ CLB này.

Cũng cùng mục đích như hai CLB trên, CLB Văn học (khoa Xã hội, ĐH Sài Gòn) ra đời với chức năng tạo sân chơi lành mạnh cho các bạn yêu thích thơ văn của khoa nói riêng và toàn trường nói chung. CLB đã tổ chức nhiều buổi thơ, nhạc nhân các ngày lễ lớn thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm. CLB cũng mời một số văn nghệ sĩ và giáo sư văn học cùng giao lưu với sinh viên trong một số buổi sinh hoạt hay các tiết học ngoại khoá.

 Cần lắm thêm những người vun tưới

Yêu thích văn chương là vậy, say mê sáng tác, sinh hoạt chia sẻ kinh nghiệm là vậy nhưng các mầm thơ trẻ vẫn còn đó rất nhiều khó khăn. Do không chủ trương đóng phí tham gia mà chỉ dựa vào nguồn hỗ trợ của Khoa nên để duy trì sinh hoạt, CLB VHNT còn nhiều hạn chế trong công tác tổ chức. Tập san Dáng Văn của CLB Thơ Văn cũng luôn đối mặt với trở ngại về kinh phí biên tập và xuất bản. Nhưng điều trăn trở lớn nhất và luôn là thách thức đối với các em là việc giới thiệu, đăng tải các sáng tác. CLB VHNT chủ yếu là đăng trên web khoa, đôi khi gửi cho tạp chí của ĐH quốc gia, những báo khác (thường là tạp chí Áo Trắng) thì các thành viên tự thân vận động. Còn CLB Thơ Văn thì hầu như tập trung các tác phẩm vào tập san Dáng Văn và các blog cá nhân.

Hai năm trở lại đây, trang điện tử Phamngochien.com là địa chỉ thường xuyên để nhiều SV gửi gắm những trang thơ, vần thơ mà họ mong muốn giới thiệu đến bạn đọc. Tiến sĩ, nhà văn, giảng viên Phạm Ngọc Hiền (chủ nhân trang web) chia sẻ: “Để tồn tại, mỗi trang web phải tạo ra một nét riêng của mình. Để làm cho Phamngochien.com thu hút được độc giả, tôi đã chú trọng mảng sáng tác của sinh viên, đây cũng là đối tượng vào xem trang web của tôi nhiều nhất”.

Tuy vậy, những địa chỉ mang tính hỗ trợ các sáng tác trẻ như thế này còn khá ít. Cần lắm những người vun tưới cho những mầm thơ đang tuổi mới lớn để họ có điều kiện tốt nhất phát triển tài năng, góp thêm hương sắc vào vườn hoa thơ ca của thành phố nói riêng và cả nước nói chung.