.
/
 .
Vĩnh biệt người Anh trong làng báo làng văn
.
Nhà văn – nhà báo – phóng viên chiến trường Nguyễn Tô Phương vừa giã biệt cuộc đời ở tuổi 75, để lại ngậm ngùi về lẽ tử sinh cho các thế hệ cầm bút đàn em.
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng bên bờ sông Cái xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, nhà văn – nhà báo Tô Phương từng là cựu học sinh ngôi trường trung học kháng chiến Lương Văn Chánh. Theo tiếng gọi non sông “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” ở tuổi 15, ông làm du kích, liên lạc ở địa phương, tham gia thiếu sinh quân và tình nguyện gia nhập quân đội năm 16 tuổi, biên chế ở Tiểu đoàn 375 Tỉnh đội Phú Yên.
Tập kết ra Bắc, ông là lính Sư đoàn 324, được quân đội đào tạo ở Trường sĩ quan Pháo binh, từng là chính trị viên Tiểu đoàn cán bộ Cục chính trị Quân khu 3, Phó tổng biên tập Báo Quân khu 3, sau đó trở thành phóng viên chiến trường, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân. Ông là một trong những nhà báo cách mạng được cử đi B, có mặt tại dinh Độc lập ngày 30.4.1975.
Sau giải phóng, với trách nhiệm phóng viên chiến trường, ông có mặt ở mặt trận Tây Nam và biên giới phía bắc, để lại nhiều phóng sự chiến trường có tiếng vang trên Báo Quân đội nhân dân. Ông còn là nhà văn quân đội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, để lại tác phẩm Mùa hoa ô môi, một trong những điểm son của văn học cách mạng miền Nam.
Năm 1982, với quân hàm thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam, ông chuyển ngành về quê hương làm Phó tổng biên tập Báo Phú Khánh (1982 – 1986), quyền Tổng biên tập, Tổng biên tập Báo Phú Khánh (10.1986 -6.1989), Tổng biên tập Báo Phú Yên (7.1989 – 6.1998), Tỉnh ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy Phú Khánh, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Phú Yên, đại biểu HĐND tỉnh, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.
Cuộc đời cầm bút của ông đã để lại cho đời hàng ngàn bài báo và 15 truyện ký có giá trị: Mùa hoa ô môi (1979), Làng xã đánh giặc (1980), Vùng cao Lũng Vân (1980), Bà mẹ đất thép (1984), Đội nữ du kích Củ Chi (1985), Hương tràm (1986), Làng cát (1986), Hòa Hiệp anh hùng (1995), Hai mẹ con – hai anh hùng (2000), Sự hy sinh cuối cùng (2002), Những sợi chỉ đỏ (2004), Vùng cát cháy (2007)…
Đọc tác phẩm của ông, nhà thơ Phan Hoàng (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, người con của quê hương Phú Yên) nhận xét: “… Tô Phương là nhà văn xuất thân từ nhà báo. Ông từng tả xung hữu đột ở những “điểm nóng” và là một trong số ít nhà báo có mặt ở dinh Độc lập ngay trưa 30.4.1975 lịch sử. Những con người, sự kiện mà Tô Phương trực tiếp gặp gỡ, chứng kiến khi còn làm phóng viên chiến trường đã trở thành những “hạt vàng” cho trang văn âm vang lịch sử của ông, trong đó hình ảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng được nhà văn khắc họa khá chân thành, xúc động”.
Tôi, một người em của ông được ông ưu ái “rủ rê” làm báo từ lúc còn làm thư ký cho nhà thơ Văn Công (Cao Xuân Thiêm, Phó chủ tịch thường trực, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh). Nghe ông thuyết phục lọt tai, khi Cụ Văn Công chuẩn bị nghỉ hưu, tôi đề đạt nguyện vọng với Cụ xin được làm báo và được Cụ chấp nhận. Vậy là tôi về làm lính cho ông Tô Phương từ năm 1987 đến khi ông nghỉ hưu (1998) và làm báo mãi cho đến bây giờ. Tháng 8.1989, các vị lãnh đạo cũ của UBND tỉnh Phú Khánh trở về đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên có gọi tôi trở lại nghề văn phòng bởi có nhiều năm thâm niên công vụ. Anh Tô Phương tha thiết đề đạt cấp trên cho tôi ở lại báo bởi quá thiếu người. Dưới trướng ông, tôi được phân công tuyên truyền mảng “Những việc cần làm ngay” ở Báo Phú Khánh và mảng “đấu tranh chống tiêu cực” ở Báo Phú Yên. Quả thật, yêu nghề phải theo chứ lành ít dữ nhiều, quá nhiều điều phải vương mang sau mỗi trang viết như một cái nghiệp. Ông luôn hỏi tôi: “Chú có sợ không?” và tôi luôn trả lời “đã mang lấy nghiệp vào thân” không sợ gì cả. Về hưu, ông là láng giềng, thường xuyên sang tôi uống trà, tâm sự nhiều điều về nghĩa Đảng, tình dân, tình đời, tình người. Tôi quý ông là một người Anh lớn, một người lính Cụ Hồ đầy nhiệt huyết đấu tranh cộng với chút nghệ sĩ của một nhà văn, nhà báo… Cách đây vài tháng, ông gọi tôi sang nhà tặng cho nhiều sách quý mà ông đã tích lũy nhiều năm với lời gởi gắm: “Anh không còn dùng tới nữa, chú mang về đọc, có ích cho nghiệp viết”.
Tôi xúc động nhận món quà quý này và hứa với ông sẽ khai thác tốt những “dinh dưỡng” vô giá chứa đựng trong những trang sách.
Vĩnh biệt ông, một người Anh, một đồng nghiệp khả kính, tôi lần giở ra những trang sách ông tặng và thấm thía với lời tự bạch của ông – châm ngôn sống của một nhà văn – nhà báo cách mạng gần 30 năm mặc áo lính: “Gần nửa cuộc đời tôi là người lính. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi là phóng viên mặt trận, đã cùng đồng đội có mặt ở các chiến trường B, C, K, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Nhờ quân đội, tôi đã trở thành nhà văn. Nhờ quân đội, tôi đã có một số tác phẩm viết về người lính, một vài nét về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng anh dũng của dân tộc, về sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh và vĩ đại. Tôi tự thấy mình còn mắc nợ với đồng đội, với đồng chí và đồng bào đã hy sinh, vì chưa viết được những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của họ. Tôi nguyện sẽ cố gắng. Viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là mục tiêu của tôi”.
Người Anh lớn của làng báo hãy yên lòng ra đi. Tâm huyết của ông đã, đang và sẽ truyền lửa cho các thế hệ kế tiếp. Đó cũng là nén nhang lòng tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng.