src=http://farm.vtc.vn/media/vtcnews/2012/03/06/55408387-1317175537-oan-cho-xe-may-1.jpg

Đời sống hiện đại với những hối hả đã tạo ra thứ tâm lý giành giật mình phải hơn người khác. Điều này đã tác động rất lớn đến suy nghĩ và hành động của đa số người dân. Vậy nên, khi tham gia giao thông, lúc đường đông, người ta cứ muốn đi trước người khác, nhiều khi còn quyết xông lên đến chỗ trống hoặc đẩy người khác ra để chiếm chỗ cho vừa ý mình. Với thứ tâm lý đó, người ta đang góp phần làm cho nạn kẹt xe gia tăng nhanh hơn. Đứng trong dòng xe đang mắc kẹt, với góc nhìn văn hóa, thật khó mà không suy nghĩ.
Các nhà xã hội học khẳng định rằng tắc đường (hay kẹt xe) là căn bệnh trầm kha của các đô thị hiện đại. Đó là tình trạng không thể lưu thông được của xe cộ do hệ thống giao thông quá tải hoặc do những nguyên nhân bất khả kháng khác. Căn bệnh này đã bùng phát ở Việt Nam và đã được dư luận lên tiếng cả chục năm nay nhưng đến bây giờ vẫn chưa được lắng xuống mà dường như ngày càng trầm trọng hơn…
Nạn kẹt xe, tắc đường thường xuyên ở các thành phố lớn đang là nỗi ám ảnh của mỗi người, gây ra hậu quả lớn về kinh tế và xã hội. Kẹt xe thường diễn ra vào giờ cao điểm, trên các tuyến giao thông trọng yếu. Vào giờ tan tầm, ai mà chẳng có công việc riêng của mình, ai mà chẳng muốn được sớm về với bữa cơm gia đình,… nhưng với thứ tâm lý đã nói trên, mọi người cứ ngang nhiên chen lấn lề đường, ngang nhiên tranh giành chỗ đứng, liên tục bấm còi te te (dù biết rằng có bấm đến hỏng cả còi thì vẫn không thể tiếp tục lưu thông được). Họ biết chăng, chính sự chen lấn vô tội vạ đó lại làm cho tình trạng kẹt xe càng thêm trầm trọng?!
Rồi trong đám đông hỗn độn ấy, hình như chuyện gì cũng có thể nghe được. Thật lòng thì có những câu chuyện nghe cũng thú vị lắm nhưng có những chuyện thì hỡi ôi… Không biết xếp chúng vào phân loại nào của cái gọi là văn hóa giao tiếp.
Để thích ứng với nạn kẹt xe, không ít người đã đưa ra những giải pháp rất thời sự như có thể đọc Nghìn lẻ một đêm chờ hết kẹt xe hoặc có thể ung dung khoe dế xịn mà không sợ bị giật vì kẻ cướp đâu còn đường thoát,… Đang bị kẹt xe mà nhớ ra vài giải pháp như trên để ngẫm nghĩ cũng thấy vui vui…
Nói vui thì vui nhưng mà xót. Mặc dù Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp nhưng dường như chẳng có mấy giải pháp được thành công, nếu không muốn nói có những giải pháp làm người ta phải cười ra nước mắt. Chẳng hạn như quyết định đổi giờ làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng là cái u của công tác quản lý giao thông ở Việt Nam.

src=http://image.phunuonline.com.vn/news/2012/20120710/fckimage/Khoi%20cong%201.jpg

Nguyên nhân do đâu ?!
Lâu nay, người ta cho rằng văn hóa giao thông chuẩn chỉ có ở những quốc gia phát triển. Nhưng Viêng Chăn không phải là thành phố của một quốc gia hiện đại. Ở Viêng Chăn, đi lại trong thành phố hầu như không nghe tiếng còi ô tô bóp inh ỏi, cũng khó nhìn thấy cảnh chen lấn hay va quệt giao thông nào. Trên đường, các dòng ô tô, xe máy cứ điềm tĩnh lăn bánh. Kể cả khi làn dành cho ô tô vắng tanh cũng không thấy người đi xe máy lấn sang. Người Viêng Chăn sẵn sang nhường đường cho người khác một cách thân thiện, dù người đó có đi sai luật. Họ làm được những điều đó mặc dù hệ thống giao thông của họ chẳng hơn gì ta!
Chúng ta đã có quá nhiều hội nghị, hội thảo, chuyên đề, công trình khoa học,… bàn về vấn nạn tắc đường. Tất nhiên, nguyên nhân của vấn nạn này tựu trung cơ bản là: thiếu tầm nhìn chiến lược, quy hoạch giao thông; không đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp trong khi đô thị phát triển quá nhanh; dân số cũng tăng nhanh chóng mặt; thiếu kinh phí làm đường; luật chưa nghiêm;… Nhưng trên thực tế thì tình trạng cài bẫy để trừng phạt, không chuẩn mực và nhiều khi người điều hành cố tình vi phạm luật giao thông đang gia tăng. Điều này cũng góp phần lý giải tại sao rất nhiều người khi không có cảnh sát giao thông là vi phạm ngay lập tức.
Nói tóm lại, dù nguyên nhân là do đâu thì vẫn không thể phủ nhận ý thức, văn hóa ứng xửa của con người đóng vai trò rất lớn. Văn hóa là sản phẩm đặc biệt của con người và được kết tụ, giao thoa, lan tỏa. Văn hóa giao thông cũng vậy. Nó được hình thành từ ý thức tự giác và sự chi phối của thiết chế xã hội. Người ta có thể không dễ dàng thấy những tầng sâu văn hóa ở nhiều lĩnh vực đời sống, nhưng văn hóa ứng xử trong giao thông lại rất dễ thấy vì nó diễn ra hàng ngày, trước mặt mọi người. Là những con người văn minh, hi vọng mọi người sẽ có cho mình cách ứng xử phù hợp.
Phan Thị Quỳnh Như