CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ “MỘT CHUYẾN XE” CỦA
NGUYỄN THỊ THU TRANG
.
Là người Phú Yên xa quê đã lâu, với tôi, sợi dây tình cảm nối với đất Phú trời Yên chủ yếu thông qua các kênh báo chí, văn học, qua thăm hỏi bạn bè. Cũng thật may, trong dịp quê hương kỷ niệm 400 năm thành lập tỉnh, được người bạn thuở thiếu thời tặng cuốn sách “Văn học Phú Yên 400 năm (1611 – 2011) (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2011), trong đó, bài thơ “Một chuyến xe” của Nguyễn Thị Thu Trang đến với tôi như dấu gạch nối, khoảng thời gian ngày ấy – bây giờ, của tôi và của tác giả sao như gần gũi đến vậy.
Cả bài thơ như một câu chuyện tình chưa đến hồi kết, với lối kể chuyện tưởng chừng như dửng dưng của người con gái. Bối cảnh chia tay của họ là thành phố Tuy Hòa xinh đẹp, có núi, có sông, có biển và có cả sự giận hờn của tình yêu đôi lứa. Nhịp điệu khi khoan, khi nhặt, khi sâu lắng, khi hối hả theo dòng chảy của thời gian. Tôi như nghe cả sự im lặng trong dấu nén, uất nghẹn và cả tiếng thở dài cho sự tiếc nuối của những người trong cuộc…
Họ – đi trên hai chuyến xe về hai hướng ngược nhau. Chàng, xuôi về Nam, qua núi Nhạn, qua cầu Đà Rằng dài dằng dẵng, dài như sự chia cách, vào buổi chiều tà, với những tia nắng yếu ớt còn sót lại như lững lờ trôi theo dòng sông Ba.
một chuyến xe đi mang anh ra đi!
một chuyến xe đi mang em ra đi!
vượt bao sông núi
dài như tháng năm
buổi chiều anh đi, qua hai mưoi mốt nhịp Đà Rằng,
có ngoái lại nhìn Núi Nhạn của Tuy Hòa ở lại?
hoàng hôn trôi theo sông Ba
Còn nàng, ngược về hướng Bắc, vào một buổi sáng sớm, có ánh trăng hạ tuần bàng bạc, chênh chếch trên núi Chóp Chài. Phải là người được sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tuy Hòa mới cảm thấy thấm thía cảnh chia ly của họ.
buổi sáng em đi trời không có mưa,
trăng trên Chóp Chài soi nhợt nhạt,
buổi sáng buồn ghê!
 Những mặt đối lập về hoàn cảnh, không gian, thời gian như những lát cắt: cũng là chuyến xe đưa họ đi, nhưng tưởng chừng như xẻ làm đôi của sự chia ly, bờ Nam – bờ Bắc của dòng sông Đà Rằng, hoàng hôn – ban mai,…Bấy nhiêu đó thôi mà như bao nhiêu chất chứa, dồn nén, nay có dịp trào ra
sao anh và em không đi cùng một chuyến xe?
sao anh và em không một người đưa tiễn?
Sao thế nhỉ! Sao không ai đưa tiễn ai mà họ vẫn biết về nhau đến vậy, chí ít, nàng cũng là người chứng kiến cảnh chàng xuôi về Nam trong buổi chiều hôm trước, cho dù là ẩn khuất đâu đó, hay về mặt thời gian, nàng là người rời quê sau chàng. Bất giác, tôi lại nhớ đến câu thơ trong Tống biệt hành của Thâm Tâm
Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn, trong mắt trong?
Càng về sau, bài thơ như chuyển tiết tấu, dồn dập, hối hả, những cung bậc cảm xúc chuyển động thực sự. Bắt đầu là một bức tranh phong cảnh thật đẹp, thật lãng mạn mà trời đã ban tặng cho vùng đất này, cả núi và biển như hòa quyện vào nhau, ôm ấp lấy nhau, đã từng chứng kiến bao mối tình nảy nở, rồi chia xa, trong đó có họ
thành phố nhỏ, núi gần với biển
sao những con đường đưa ta xa nhau?
lên xe, lên xe…bỏ lại phía sau,
 thành phố nhỏ, những con đường và gió…
 thành phố nhỏ nên còn chút nhớ,
nghe tiếng còi xe sao ta giật mình?
Đối lập với khung cảnh thơ mộng ấy, tôi nghe tiếng kêu thảng thốt của họ trong sự tuyệt vọng không gì níu kéo lại được, nhưng sao lại vậy nhỉ? Sao lại lên xe, lên xe…bỏ lại phía sau, mà không phải là lên xe, lên xe…để lại phía sau. Những con đường thơ mộng dọc theo bãi biển Tuy Hòa, những hàng dương liễu nối dài cho những bước chân tình tự, xao động nao lòng theo từng cơn gió biển ùa vào, không ai còn muốn nhớ nữa hay sao!
Cho đến lúc này, nàng mới cảm thấy thực sự không còn có nhau nữa, cảm nhận sự cô đơn đến tận cùng khi điểm tựa của cuộc đời – điểm tựa của nàng trong chuyến xe ngày nào không còn nữa, nên trong cái chật chội, xô lệch của chuyến xe, nàng vẫn cảm thấy chênh vênh, hẫng hụt khi không còn bóng dáng người xưa của chuyến xe ngày nào:
em sẽ đi suốt cuộc đời mà không có anh.
 xe dù chật ngồi bên nào cũng lệch,
Kết thúc bài thơ thật có hậu, mặc dù:
xe vẫn lăn vẫn đi về phía trước
nhưng cuối con đường vẫn chẳng thể gặp nhau!…
Nhưng trong tôi nghĩ rằng, họ vẫn có cơ hội để gặp nhau, vì họ còn nhớ đến nhau, và dẫu sao, quả đất vẫn tròn, biết đâu bên kia đại dương xa xôi, họ lại gặp nhau dù chẳng đi cùng đường.
“Một chuyến xe” như phương tiện để chuyển tải tình yêu của họ, đến rồi đi, gần rồi xa – là chiếc cầu bắt nhịp của hai tâm hồn đồng điệu, và trong sâu thẳm, nó như sợi dây liên kết giữa những người lúc nào khắc khoải nỗi nhớ về quê hương trong dòng chảy thời gian. “Một chuyến xe” còn là bài thơ hay, rất đáng được bạn đọc trân trọng./.
LÊ NGUYÊN PHÚ
0913 433 930