/

  Cảm nhận trong tôi về một mùa xuân, nơi mình đang sống là một cái gì đó hiện hữu, nhìn, ngắm, sờ mó và kể cả hít thở được với nó. Mặc dù có khi nó là vô hình thể nhưng ở đây lại là hữu hình. Núi Nhạn, Núi Nhạn sừng sững với thời gian, không gian, mây trời non nước tạo nên bức sơn thủy hữu tình trong lòng một thành phố trẻ. Nơi chứng nhân lịch sử thăng, trầm của một vùng đất, tôi muốn nói điều này ở một góc nhìn khác, góc nhìn của thi ca về một di sản thiên nhiên do con người kiến tạo, bồi đắp, tô điểm và tồn tại mãi đến hôm nay – Núi Nhạn – Thành phố Tuy Hòa.
          Nằm giữa trung tâm, nơi giao thoa, hội ngộ của dòng sông Ba kỳ vĩ, nơi gặp gỡ giữa hạ lưu, biển – trời, nơi cứ độ xuân về lại được nghe đâu đó vang lên âm hưởng của Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Nguyên tiêu làm cho Nhạn tháp thêm tươi màu thời gian, xanh mãi mùa xuân sự sống. Thơ làm cho núi đẹp hơn hay Núi Nhạn làm cho thơ ngày mãi trường tồn, bất tận. Một Núi Nhạn trong thơ mà tôi đã bắt gặp:
          Lung linh thành phố Tuy Hòa
          Say trong ánh điện sắc son khoe màu
          Tiếng em vọng giữ đêm sâu

          Đa tình con mắt… người đâu nhớ hoài      
          (Trần Thiện Lục – Tháp cổ Thành xưa)
          Và bạn tôi, một nhà thơ, nhà báo khi mùa xuân về, anh đến với Nhạn Tháp cùng người tình, với góc nhìn hẹp anh cảm nhận Nhạn tháp – Sông Đà:
          Hồn người rộng như không gian rộng
          Giữa chiều say ngơ ngẩn với đất trời
          Ôi xanh biển Đà Rằng trôi mải miết
          Ở bên kia mây trắng đậu Chóp Chài
          (Trần Chấn Uy – Chiều Nhạn Tháp)

Tình yêu thức dậy nỗi khát khao, rạo rực tan chảy và hòa quyện với đất trời, thiên nhiên sông núi, cỏ hoa. Vệt nắng chiều lung linh soi vào cảm nhận rất thật của kẻ đang yêu.

          Giữa ngồn ngang, bộn bề của dòng chảy thời gian vẫn có chỗ sâu lắng, hội tụ dành cho thơ, có lãng mạn lắm không? Mơ mộng lắm không? Trong thời cơ chế thị trường thời của vật chất được tôn thờ, kênh kiệu thế nhưng nơi đây, Nhạn Tháp Tuy Hòa thì vẫn được đề cao:
Cả người làm thơ, người yêu thơ đề phải vượt tầm cao
Từ bốn phương trời tụ về bên tháp cổ
Vầng trăng xuân chưa bao giờ tròn thế
Sông Đà rằng dào dạt giọng thơ ngậm
(Nguyễn Gia Nùng – Luận án thơ từ Núi Nhạn)
Tôi cũng như bao người Tuy Hòa – Phú Yên, nguyên tiêu lại hành hương lên núi, trong cái mưa xuân, giá lạnh của ngày đầu xuân, vượt lên hàng trăm bậc đá cao, thấp vòng quanh uốn lượn để lên Nhạn Tháp. Thắp nén hương trầm, giữa mênh mông bát ngát bốn bề trăng và gió, cái gió Tuy Hòa thổi từ thuở hồng hoang của vũ trụ, nay vẫn những ngọn gió ấy tiếp tục thổi, nó đem theo cả tiếng thơ nơi chân cổ tháp, chuyển vào vũ trụ để đăng đàn cho mùa xuân mới, hạnh phúc. Sông Đà Rằng dào dạt giọng thơ ngân quả là đầy chất thơ, thơ dát lóng lánh vàng trên mặt sông Chùa, xa xa cửa Đà Rằng rộng mở, thơ chở trăng dạo chơi trên con thuyền đưa vào cõi thi ca…

Ở một góc nhìn khác, Diễm Phúc, một nhà giáo yêu thích thi ca và có nhiều bài thơ xuân về vùng đất mình đang số, Bóng thời gian là tiếng lòng của người con gái rung cảm trước mùa xuân nơi Nhạn Tháp

Em đi qua mùa xuân
Gửi tình theo cánh gió
Màu xuân xanh tháp cổ
Câu thơ đọng vào đời
Bóng thời gian soi vào thơ, phản chiếu lên sức xuân diệu kỳ, tháp cổ trở lại với lòng thi nhân. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Hiền trong bài cảm xúc từ Núi Nhạn lại có một cái nhìn rất khác, truyền thống gắn với hiện đại, cảm xúc dâng trào trước viên ngọc xanh Núi Nhạn, trong lòng thành phố trẻ Tuy Hòa.
Biết rằng Tháp Nhạn vẫn còn
Mà người Nhạn Tháp có mòn đợi trông?
Ta về tắm nắng sông Ba
Bơi trong biển lúa Tuy Hòa thả thơ
                                                                     (Cảm xúc từ Núi Nhạn)
Dù đi đâu xa ngái, ồn ào nơi phố thị sầm uất hay ở miền cao nguyên trầm mặc, thì Núi Nhạn – Sông Đà vẫn là nơi gợi nên bao xúc cảm, cho thi sỹ, người yêu thơ hay bất kỳ ai đã một lần Thượng sơn thi hứng trong đêm Nguyên tiêu Tuy Hòa dưới chân tháp cổ rằm tháng giêng hàng năm.
Nhạn Tháp là địa chỉ thơ, địa chỉ văn hóa trên vùng đất có hơn 400 năm tuổi, bóng thời gian đọng lại thành thơ ca, thơ chảy mãi với mùa xuân bất tận.
Cảm nhận về một mùa xuân nguyên tiêu sắp đến, một mùa xuân dân tộc đang về nơi chân tháp cổ, về một Tuy Hòa lung linh điện sáng, gần lắm với Tuy Hòa thành phố trẻ lại sắp nâng mình thành đô thị loại II, vươn mình trong mùa xuân mới của đất trời, mùa xuân Quý Tỵ – 2013.

/