src=http://i770.photobucket.com/albums/xx343/phamngochienpy/hinh%20dang%20nam%202013/huongrunglon.jpg

Tập thơ Hương Nắng của Trần Thanh Phương (NXB Văn học – 2012)
 
Tôi quen thân Trần Thanh Phương từ chuyến đi sáng tác tại Nhà sáng tác Đà Lạt tháng 5 – 2012. Trần Thanh Phương (TTP) là một tiến sĩ văn học đang giảng dạy tại Đại học Qui Nhơn, lúc nào cũng chỉn chu, nhỏ nhẻ, từ tốn và vui tính. Nhớ một buổi sáng đang ngồi uống cà phê ở một quán nhỏ cạnh nhà sáng tác, nhìn hàng thông dày đặc bao quanh, bỗng một tứ thơ vụt hiện lên, TTP bỏ dở ly cà phê tức tốc chạy về phòng chép lại bài thơ vừa phác thảo trong đầu, ấy là bài Đối thoại cùng Đà Lạt. Sau khi chỉnh sửa theo góp ý của tôi và Trịnh Hoài Linh thì đây là một bài thơ hay về Đà Lạt: “Những cây thông giữ lạnh cho Đà Lạt/ Hay Đà Lạt giữ lạnh cho thông?/ Sẽ không còn Đà Lạt mộng mơ/ Gió thôi reo/ Những căn biệt thự nằm trơ/ Và có thể cũng không còn người Đà Lạt/ Nếu không còn thông!…”. Trong tập thơ “Hương Nắng” còn một số bài viết cho người lớn từ những năm 1973 mà tôi rất tâm đắc như bài Hương rừng: “Hành quân đêm tối như bưng/ Hoa đâu mà suốt dọc đường hương đưa?/ Lặng im một cánh rừng thưa/ Bỗng nghe xao động hồn thơ dặt dìu/ Cô du kích thật đáng yêu/ Dẫn đường lại khéo lựa chiều hương bay/ Đường lên giữ chốt đêm nay/ Có anh bộ đội cầm tay hương rừng”
 
Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên hơn cả là phần lớn thơ trong tập là viết cho thiếu nhi, lại viết trong một thời gian ngắn, khoảng hai tháng sau khi dự trại sáng tác Đà Lạt trở về. Thơ thiếu nhi của TTP thật trong trẻo, ngộ nghĩnh và thông minh, đồng thời chứa đựng tính triết lý và gửi gắm: “Mất cả cha lẫn mẹ/ Con mồ côi một đời!/ Tổ quốc mà để mất/ Bao nhiêu đời mồ côi!” (Mồ côi). Có thể các em chưa có ý niệm rõ ràng về Tổ quốc, nhưng khi đọc bài thơ, bằng sự so sánh liên tưởng các em phần nào hình dung được thân phận nô lệ của một dân tộc khi đất nước bị mất. Và từ đó nung nấu trong các em ý thức cần phải bảo vệ Tổ quốc.
 
Hoặc như bài Nuôi Trăng: “Bé bưng ly nước/ Thấy ông trăng cười/ Bé không uống nữa/ Để trăng vàng nuôi.” Bài thơ chỉ 4 câu, mỗi câu 4 chữ, nhưng đã toát lên một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. “ông trăng cười” là nét đẹp của nghệ thuật cũng đồng thời là ý nghĩa của sự sống. Bé đã nhận ra một điều mà ngay cả người lớn không dễ nhận ra: nếu bé uống nữa thì “ông trăng” cũng biến mất. Cái hay của bài thơ là giáo dục cho bé biết nâng niu và phát triển từng mầm sống nhỏ. Cả hai bài trên nếu được chọn đưa vào sách giáo khoa tiểu học, tôi cho là rất xứng đáng.
 
Ngoài ra, còn nhiều bài nêu bật tính giáo dục cao như ý thức bảo vệ rừng: “Em nhớ lời ông nội/ “Một cây không thành rừng”/ Lại nghe nhiều người nói/ “Ăn của rừng rưng rưng…”/ Xưa kia rừng thiếu chủ/ Nay thành vườn Quốc Gia/ Chim muôn và cây cỏ/ Chung vui trong một nhà!” (Thăm vườn quốc gia); tinh thần ham học hỏi để tiến bộ: “Mây trôi theo gió trời/ Lục bình trôi theo nước/ Em trôi theo dòng người/ Đều hướng về phía trước/ Chẳng thể nào đảo ngược/ Dòng thời gian đang trôi/ Cứ chần chừ do dự/ Bao giờ cho nên người.” (Trôi); từ một hiện tượng không vui “con rơi” trong xã hội, tác giả đã khái quát lên ý chí nỗ lực vượt khó, vươn lên chiến thắng bản thân của con người: “Hạt mưa rơi xuống vỡ/ Chén bát rơi vỡ liền/ Nghe “rơi” là thấy sợ/ Chắp tay cầu bình yên/ Có con không dám nhận/ Con cũng thành con rơi/ Nhưng con không chịu vỡ/ Vì con là CON NGƯỜI! (Rơi)
 
Viết cho thiếu nhi không dễ, phải biết hoá thân vào những ý tưởng, những cảm nhận trong sáng hồn nhiên của trẻ thơ thì các em mới thích thú tìm đọc. Qua tập thơ “Hương Nắng” TTP lộ rõ năng khiếu làm thơ cho thiếu nhi. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho văn nghệ tỉnh nhà và văn học thiếu nhi nói chung. Nếu tập thơ được chọn lọc chỉ dành riêng cho thơ thiếu nhi, có lẽ ý nghĩa của “Hương Nắng” sẽ nâng lên một bực. Xin chúc mừng nhà thơ Trần Thanh Phương. Mong rằng anh sẽ tiếp tục vượt lên chính mình để có những tác phẩm hay viết cho tuổi thơ.
 
VÕ NGỌC THỌ