Tôi đi tản bộ trên con phố nhỏ đã quen thuộc với mình trong mấy năm qua, cứ để lòng trống trải sau những ngày lao đầu vào công việc. Không biết tự bao giờ, tôi có thói quen tự thưởng cho mình những phút giây như vậy. Có lẽ ở tuổi nào đó, người ta sẽ có những cách khác nhau để Refresh lại chính mình. Một buổi sáng của tôi sẽ chẳng có gì đặc biệt so với những lần trước nếu không có âm thanh của tiếng trống trường. Tiếng trống cùng với âm thanh của đám trẻ ùa đến, làm cho bao ký ức tuổi thơ hiện về…
Tôi chợt giật mình…
Đã là tháng chín rồi đấy! Tháng chín, tháng của ngày khai trường… Thế đó mà đã mấy mươi năm…!
Đó là một ngày mùa thu tháng chín, ngày đầu tiên tôi đi học. Khi nói đến ngày này, ai cũng muốn gợi đến những kỷ niệm đẹp của quãng đời mình, người ta thường nhắc đến bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh hoặc là “Ngày khai trường” của nhà văn Pháp Anatole France. Thật thơ mộng quyến rũ trong sắc thu nhè nhẹ, với bao khung cảnh trang nghiêm, dòng người đông đúc… Còn với tôi, ngày khai trường của năm học lớp Năm (lớp Một bây giờ) thật lặng lẽ. Ngoài trời, mưa như trút nước. Hương trường Tiểu học chúng tôi đến thời điểm này chỉ có ba lớp. Dãy nhà ngang màu xanh, lợp ngói đỏ với ô cửa lá sách màu đậm dành cho lớp Tư, lớp Ba (tức là lớp Hai, lớp Ba bây giờ). Các học sinh lớp Năm được đưa vào gian nhà tranh, vách đất. Tôi nhớ không chính xác lắm, nhưng hình như chỉ có một lớp Năm thì phải. Có thể là do ít người đi học, và ở xóm sau, vùng Năm của ấp tôi còn có trường tư thục của thầy giáo làng – Trường của thầy Ba Tẩm, dạy đến khoảng lớp Tư, hoặc lớp Ba gì đó mới chuyển học sinh về Hương trường .
Thầy giáo dạy lớp Năm khoảng tầm trên dưới bốn mươi, đang sắp xếp chỗ ngồi. Lớp học thời chiến tranh nên đủ mọi lứa, đa phần là học trò đi học muộn ba đến bốn năm tuổi, có khi đến sáu, bảy năm. Tôi nhớ, lúc đó chúng tôi mặc bộ quần áo bà ba màu đen, loại vải tám. Lọ mực được bỏ vào túi áo, còn sách vở thì cầm theo tay, không như bỏ trong cặp xách bây giờ. Khi ổn định lớp xong, thầy giáo chuẩn bị dặn dò thì trước cửa lớp có người đàn ông cao ráo, mặc áo tơi lá, khuôn mặt ướt sũng. Khi ông cởi áo tơi ra, mới biết sau lưng là chú học trò nhỏ bé, chắc là ít tuổi hơn tôi với khuôn mặt khôi ngô, mũi thẳng, mắt sáng. Cả lớp như ồ lên, vì tất cả chúng tôi đều tự đi học, chỉ có bạn là được cha cõng mà thôi. Sau này, tôi mới biết, đó là ông Chín, ở trên lẫm làng . Đường từ lẫm về trường phải đi qua đoạn nhà ông Sáu Mộ, mùa mưa bị ngập đến đầu gối người lớn, nên ông Chín phải cõng con đi học là đúng rồi.
Lẽ ra vì bạn ấy nhỏ con, nên sẽ được ngồi ở bàn đầu. Tuy nhiên, do đến lớp muộn nên bạn được thầy xếp tạm ngồi cùng với tôi – một trong những học sinh to lớn nhất lớp, rồi không hiểu sao, bạn cứ ngồi ở vị trí ấy mãi. Có lẽ, đây là duyên số mà tình bạn giữa tôi và Nam có dịp nảy nở qua bao thăng trầm của đời người, sau này nếu có dịp, tôi sẽ nói đến trong một câu chuyện khác. Tôi nhớ lại, hình như hôm đó trời mưa mãi, nên chúng tôi không nghe được tiếng trống khai trường, bắt đầu cho năm học mới. Khác với bây giờ, học sinh vào lớp Một đều đã biết đọc, biết viết một số chữ cái. Thế hệ chúng tôi thời đó, chỉ khi nào vào lớp Năm, mới được nhìn mặt chữ đầu tiên. Thầy dạy học, cũng là thầy dạy làm người. Thầy cầm thước gõ nhẹ vào mặt bàn, cả lớp im phăng phắt, và giờ học đầu tiên – giây phút trọng đại trong cuộc đời đi học của chúng tôi bắt đầu. Chúng tôi được học chữ a.
Tôi không hiểu nhiều về giáo dục lắm. Trên các phương tiện thông tin đại chúng bây giờ, người ta hay phê bình kiểu dạy và học “từ chương”, thiếu tính sáng tạo, thiên về rập khuôn,… Còn với chúng tôi, tình yêu quê hương, đất nước cứ lớn dần lên từ những bài học thuộc lòng bắt buộc của các thầy cô giáo. Ấy vậy mà, gần năm mươi năm qua, những bài thơ, không biết của tác giả nào cứ theo tôi đến gần cả cuộc đời:
Em mơ núi Ngự sông Hương
Mơ thôn Vĩ Dạ, mơ đường Kim Long,…

Năm ngoái, Nam, tôi và một số bạn học năm nao rủ nhau về lại thăm lại Hương trường Tiểu học xưa. Trong số bạn bè tôi, có ai đó nói rằng, miền Trung chúng mình, giọng nói tuy có khác nhau một trời một vực, song những vất vả, lo toan của đời thường thì chẳng có gì khác cả. Làng tôi, với bao đổi thay của một đời người, vườn tược nay đã chật chội, người đông đúc hơn. Riêng ngôi trường xưa vẫn còn giữ lại dãy nhà ngang với những khung cửa sổ lá sách và khuôn viên cũ. Dãy nhà tranh thời chúng tôi học lớp Năm đã được thay bằng dãy nhà ngói đỏ, loại ngói vảy, hình như xây dựng cũng khá lâu rồi. Thế hệ các thầy cô giáo của chúng tôi ở vùng đất Thần Kinh nay đã về quê sau năm bảy lăm, đến nay chắc chẳng còn là bao. Chúng tôi sờ vào gốc cây phượng vĩ trồng thời thầy Bình làm Hiệu trưởng, hình như là năm sáu mấy gì đó, giừ đã sần sùi già cỗi. Nhìn những mái đầu bạc, trầm ngâm, không hiểu bạn bè tôi đang suy nghĩ gì, có lẽ, những ký ức một thời, ai còn, ai mất. Hình như lứa tụi tôi không mấy ai thành đạt theo đúng nghĩa của thời buổi kinh tế thị trường. Cả bọn chỉ có Nam còn theo đuổi nghề dạy học sau khi bôn ba làm đủ chuyện, còn chúng tôi hầu hết đã nghỉ hưu non sau bao biến động cuộc đời.
Cả Hội đồng sư phạm tiếp chúng tôi trong phòng họp. Vui thật, mới ngày nào còn e ấp đứng trước cửa lớp, hoảng hốt khi thầy giáo giứ giứ cây thước mỗi lần mắc lỗi. Thế mà bây giờ, học sinh gọi chúng tôi bằng ông, bằng bà, còn các thầy cô giáo cứ nhất mực gọi bằng bác xưng cháu. Trường vẫn nhỏ nhắn, chưa được kiên cố hóa, tầng hóa, song từ nơi này ra đi, có người đã làm đến Chánh án Tòa án tỉnh, Giám đốc Sở này, Sở kia, và có người đã vĩnh viễn ở lại nước bạn, đến nay vẫn chưa tìm được lối về. Trong những năm tháng chiến tranh, sân trường còn là nơi chứng kiến bao cuộc chia ly, hò hẹn, xen lẫn những lời dặn dò lớp lớp tân binh lên đường nhập ngũ. Chúng tôi như thấy hình ảnh của mình, ba lô trên vai đứng trong hàng quân thẳng tắp nhận từng đòn bánh tét, phong bì có dán tem sẵn, rồi những chiếc khăn tay thêu hình đôi chim bồ câu e ấp của các đại biểu Hội Phụ nữ, Thanh niên. Ngồi trên xe đò đóng chặt cửa, chúng tôi chỉ kịp nhìn những bàn tay nhỏ nhắn vẫy sau ô kính, hình ảnh mờ dần, xa dần sau lớp bụi mù…
Thầy Hiệu trưởng nói, quê mình còn nghèo, nên chưa đóng góp xây dựng cơ sở vật chất nhà trường thật khang trang, nhưng bù lại, chất lượng học tập của các em tương đối. Năm nào, cũng có em được giải lớp Năm toàn tỉnh. Nhìn lên tường, từng hàng Giấy khen, Bằng khen xếp thẳng tắp như minh chứng cho nhận định của thầy. Thay mặt nhóm cựu học sinh, Nam đáp từ bằng lời chúc nhà trường phát triển, tương xứng với tầm vóc nhiều chục năm phát triển và hứa sẽ vận động nguồn lực theo khả năng.
Bất giác, nhìn ra sân trường, trời như thấp lại và một màu vàng óng ả như đang trải lên thảm cỏ xanh. Tôi như thấy cả cánh đồng lúa vàng quê mình đang vào mùa gặt, những hạt lúa một nắng hai sương như thể quyện vào từng bức tường, mái ngói ngả màu. Những bộ đồng phục áo trắng quần xanh như ẩn hiện, rồi trời sáng rực soi rõ từng ánh mắt, nụ cười thơ trẻ đang nô đùa dưới vòm phượng vĩ xanh ngắt. Một năm học mới với bao ước mơ, hoài bão của các em học sinh, với những lo toan đầy trách nhiệm của các thầy cô giáo và cả những nhọc nhằn của các bậc phụ huynh bắt đầu.
Một năm học mới lại bắt đầu như thế đó!

Tháng 9/2013