src=http://i770.photobucket.com/albums/xx343/phamngochienpy/3%20Gioi%20thieu%20sach%20bao/3d%20Sach%20nguoi%20khac/nanditumienlacotrungtrung.jpg

              

Đối với nhân loại nói chung, người phương Đông nói riêng thì biểu tượng trở thành một phần quan trọng trong tư duy và giao tiếp. Biểu tượng vừa mang những đặc trưng chung của nhân loại và tôn giáo, vừa mang những nét riêng của từng dân tộc và từng nền văn hóa khác nhau. Nếu tư duy khoa học là tư duy logic thì ngược lại tư duy văn học là kiểu tư duy hình tượng nên khi nói đến văn học mà đặc biệt là thơ, người ta nghĩ ngay đến hệ thống biểu tượng. Vũ Dũng cho rằng: “Biểu tượng là hình ảnh các vật thể, cảnh tượng và sự kiện xuất hiện trên cơ sở nhớ lại hay tưởng tượng. Khác với tri giác, biểu tượng có thể mang tính khái quát. Nếu tri giác chỉ liên quan đến hiện tại, thì biểu tượng liên quan đến quá khứ và tương lai” (Từ điển tâm lý học). Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học giải thích rằng: biểu tượng là “Hình thức của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan đã chấm dứt”. Như vậy, biểu tượng là những hình ảnh của các sự vật, sự việc và hiện tượng được con người xây dựng dựa trên một quá trình lâu dài của cảm giác, tri giác, trực giác bằng cả thực tế và tưởng tượng. Nó là những hình ảnh mang ý nghĩa phổ quát, thống nhất và ổn định.
Thế giới thơ là thế giới của những biểu tượng. Nó vừa là phương tiện vừa là đối tượng, vừa là mục đích của quá trình sáng tạo. Để khám phá thế giới thơ, có nhiều cách tiếp cận, nhiều con đường khác nhau. Một trong số ấy là khám phá hệ thống biểu tượng, dựa vào biểu tượng để khai thác các tầng nghĩa ẩn sâu được nhà văn mai phục khéo léo và đầy nghệ thuật phía sau tấm màn hiện thực. Thơ Nguyễn Anh Nông cũng vậy, thế giới thơ anh đầy ắp các biểu tượng. Hầu hết các biểu tượng trong thơ anh là những sự vật, sự việc gần gũi thân thương và luôn gắn liền với cuộc sống nói chung, với người lính nói riêng. Điều đặc biệt nhất mà chúng tôi nhận thấy khi nghiên cứu về vấn đề này trong thơ anh là các biểu tượng tiêu biểu có khả năng chống lại bước đi thâm độc của thời gian, sự mênh mông rợn gợp của không gian và sự hãi hùng của cái chết như: núi, đá, rừng…
Trong công trình nghiên cứu mang tên Mĩ học, Huisman khẳng định: “Cái làm cho nghệ thuật đối lập với các hoạt động khác của con người, đó dường như là tính chất không hình thể… Đó không phải là hiện thực thuần túy mà là một hiện thực được con người xem xét và sửa lại, hiện lên trong nghệ thuật và bằng nghệ thuật”. Bản chất phổ biến này được thể hiện trong sáng tác của tất cả các nhà văn, tuy vậy không phải ai cũng giống ai. Trong truyền thuyết dân gian người Việt thì “Núi – nơi trú ngụ của thần linh” (PGS.TS. Trần Thị An). Trong văn học viết, núi thường là biểu tượng của sự hùng vĩ, lớn lao, khó khăn, ngăn trở… Ngược lại, núi trong thơ Nguyễn Anh Nông là biểu tượng của sự chinh phục, núi trở thành nền tảng, thành bệ phóng để tôn vinh con người lên một độ cao cần có:
Một mình ngất ngưỡng núi non xanh
Mây trắng không bay lạc thị thành
Văn chương kẻ chợ ai mua bán
Cơm áo bỡn người – kệ, coi khinh!
(Núi)
Con người luôn trong tư thế ung dung, tự tại, tự tin chiếm lĩnh những đỉnh cao tuyệt đối cả về mặt địa lý và tâm lý. Núi trở thành biểu tượng hai mặt… dù ở mặt nào nó cũng đảm nhận tốt một vai trò là nâng đỡ và tôn vinh con người, đặc biệt là người có tâm hồn văn chương. Khi biểu tượng núi phát huy hết hiệu quả thẩm mỹ của nó, con người trở nên nhẹ thênh và vượt thoát khỏi những toan lo, ràng buộc đời thường, “coi khinh” tất cả để theo đuổi cho đến tận cùng giấc mơ “mây trắng” trên “ngất ngưỡng núi non xanh”. Chọn phương pháp gợi hơn tả, Nguyễn Anh Nông biến sự lớn lao, vùng vĩ, ngăn trở của núi thành biểu tượng của lòng quyết tâm.
Người
Một người
Mà hóa muôn người
Vũ trụ xa xanh gần gũi
Hạt bụi mang hình bóng núi.
(Người)
Với lòng quyết tâm được tạo nên từ biểu tượng núi mà tình yêu, trí tuệ và sức mạnh của con người được cộng hưởng, được nhân lên gấp bội từ “một người” đến “muôn người”. Nếu người đọc tinh tường một chút, mọi cố gắng của nhà thơ quân đội Nguyễn Anh Nông trong việc “mai phục” chữ nghĩa nhằm đánh lạc hướng người đọc sẽ bại lộ. Nhà thơ đang cố tình làm một cuộc “hành quân” xuốt phát từ cái hữu hạn đến với cái vô hạn, đồng nhất cái chủ quan với cái khách quan bằng biểu tượng núi. Bạn ngồi / như núi / Mặt trời / lăn / qua / suối / lăn / qua / buồn / vui / Bì bõm sóng.  (Núi, bạn ngồi). Bằng biện pháp so sánh, tác giả tiếp tục đồng nhất con người với núi, đặt cái hữu hạn bên cái vô hạn theo cấu trúc mảnh vỡ làm rõ hơn ý nghĩa của biểu tượng núi mặc dù “mặt trời” có bao lần “lăn/ qua/ suối/ lăn/ qua/ buồn/ vui” và “bì bõm sóng”… Biểu tượng núi trong thơ Nguyễn Anh Nông chủ yếu được tác giả khai thác ở chiều sâu xuất hiện chủ yếu ở phần đầu của tập thơ khiến cho người đọc có cảm giác như tác giả đang cố tình đẩy con thuyền thơ trôi sâu vào không gian trầm lắng.
Thông thường thì biểu tượng trong thơ thường mang tính khách quan. Nhìn cánh chim bồ câu người ta nghĩ ngay đến hòa bình, nhìn cây tùng người ta nghĩ ngay đến người quân tử… Ngược lại, biểu tượng thơ Nguyễn Anh Nông hoàn toàn mang tính chủ quan, bắt đầu từ chủ thể bằng những cảm nhận riêng của chính tác giả nên nó không còn điểm tựa ở thế giới hiện thực mà hoàn toàn phụ thuộc vào trí tưởng tượng và quan điểm của chính anh.
Nhặt hòn đá Chư Sê
Tôi mang về Hà Nội
Nghe trong lòng bồi hồi
Nhịp con tim thầm thì.
(Cảm tác đá)
Xây dựng biểu tượng đá trong thơ mình, Nguyễn Anh Nông có sự gặp gỡ thú vị với biểu tượng đá trong các truyền thuyết dân gian: “Đá – sự sống trong trạng thái tĩnh” (PGS.TS. Trần Thị An). Có thể nói rằng đá trong thơ Nguyễn Anh Nông đã tạo ra cho người đọc nói chung và chúng tôi nói riêng nhiều khoái cảm thẩm mỹ mới lạ vì tác giả đã dùng đá làm biểu tượng cho sự hồi sinh. Đá mạnh mẽ đánh thức sự sống và tình yêu ẩn sâu “trong lòng”, trong “con tim” con người. Chính sức mạnh của đá đã giúp con người Nghe trong lòng bồi hồi/ Nhịp con tim thầm thì. Sức sống mới, nguồn năng lượng mới… tất cả bắt nguồn từ đá.
Người tung hòn đá đầu tiên
chặn dòng Đà giang nay đã về nơi trời cũ
Bức thư gửi trăm năm sau nhắn nhủ điều gì?
Núi uy nghi
Sông rầm rì
Em khỏa sóng gót hồng toan bước nhẹ
Bông lau ngàn phơ phất thoáng bâng khuâng.
(Đà giang, miền bạn bè)
Từ “hòn đá đầu tiên chặn dòng Đà giang” đã bật lên sự “uy nghi” của núi và lời “rầm rì” của sông. Sức sống vĩnh hằng và sự trường tồn được bắt nguồn từ hòn đá nhỏ nhoi trở nên vô cùng sinh động, đáng yêu khi “em khỏa sóng gót hồng toan bước nhẹ” nhưng cũng đầy bí ẩn với “bông lau ngàn phơ phất thoáng bâng khuâng”. Sự sinh động và bí ẩn này càng làm tăng tính hấp dẫn, cuốn hút con người say mê khám phá sức mạnh của đá.
Chẳng chờ nổi trời xanh kia thấu đáo
Trời cũng lơ ngơ như cây cỏ thôi mà
Cỏ thực đấy mà như hư ảo
Lịch kịch Bằng Giang đá đẻ hoa.
(Loanh quanh một khúc sông Bằng)
Với cái nhìn đầy sức sống và sáng tạo, Nguyễn Anh Nông đã tạo ra một biểu tượng đá độc đáo, bất ngờ và đầy thú vị. Từ chất vô cơ tạo ra chất hữu cơ, từ cái chết tạo ra sự sống. Đá trở thành biểu tượng của sức sống tự thân, có thể bừng lên bất chấp mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn. Trong khi tất cả chỉ là hư ảo, kể cả trời xanh. Trời cũng lơ ngơ như cây cỏ thôi mà/ Cỏ thực đấy mà như hư ảo, chỉ có đá mới tạo ra sự sống và cái đẹp.
Những tháng năm ở rừng
Bập bùng bao kỷ niệm
Ôi, ngọn lửa giữa rừng đêm
Âm ỉ cháy trong ta da diết.
(Những tháng năm ở rừng)
Đối với nhà thơ quân đội mang họ Nguyễn này rừng trở thành một biểu tượng có giá trị biểu cảm mạnh mẽ vô cùng. Nếu đem so sánh với các biểu tượng đã khảo sát thì rừng xuất hiện ít hơn nhưng sức ám thị và sự quyến rũ của nó thì không thua kém gì. Rừng là chứng nhân, là nơi diễn ra mọi hoạt động của đời sống sinh hoạt và chiến đấu. Rừng là nơi Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc/ Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc, rừng là nơi Ăn trong nắng, ngủ trong sương/ Ngày mấy bận ngóng thư/ Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió, rừng còn là nơi Đồng đội mấy người gục ngã/ Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng. Như vậy, rừng trong thơ anh đã bị tẩy trắng hoàn toàn ý nghĩa đã có trước đó để trao cho nó một ý nghĩa mới, rừng trở thành nơi lưu giữ mọi khoảng khắc trong cuộc đời, có vui, có buồn, có đau thương, có mất mát, có hi vọng, đợi chờ… nhưng không hề có chút gì đánh lãng quên và bị lãng quên. Tất cả vẫn “bập bùng” tỏa sáng, thứ ánh sáng ngày càng đi vào chiều sâu “kỷ niệm” để “Âm ỉ cháy trong ta da diết”.
Rừng khuya trăng mờ
Lũ nguồn tuôn réo
Nằm lắng chim kêu
Trong lòng ruột héo.
    (Đêm ở rừng nghe tiếng chim Queng quý)
Rừng là máu, là xương, là thịt của ta… nó cứ âm thầm “chảy” vào hồn ta với “lũ nguồn tuôn réo”, với tiếng “chim kêu”… thổi bùng lên niềm khát khao hạnh phúc gia đình Riêng mình dư chăn/ Dư màn, dư chiếu/ Mà vẫn băn khoăn/ Đời như còn thiếu/ “Một hơi thở ấm/ Thoảng hương hoa chanh/ Một làn tóc rối/ Xõa xanh vai mình/ Một lời thủ thỉ/ Đêm dài qua nhanh. Rừng còn chia sẻ những phút cay đắng, lo toan và thấu hiểu “trong lòng ruột héo”. Bây giờ, ta không còn sống trong rừng, rừng không còn ở bên ta, che chở cho ta như ngày xưa ấy. Cuộc sống đã có quá nhiều thay đổi nhưng ta không nguôi nhớ rừng, rừng không bao giờ quên ta, cả hai không quên những ngày bên nhau và chính mình trong những ngày ấy.
Chẳng bù cái ngày: Biên giới
Xanh xao, vàng vọt-gầy nhom
Lủi thủi xó rừng, đến tội
Ngắm trăng, khát tiếng thì thòm…
(Lặng lẽ trăng vàng)
Như vậy, rừng trong thơ Nguyễn Anh Nông là biểu tượng của sự gắn bó, thủy chung, của lòng son sắt… Rừng là cội nguồn, là nơi lưu giữ những ký ức không quên.
Bằng việc tạo ra những đặc điểm riêng cho biểu tượng trong thơ, Nguyễn Anh Nông đã tự giải phóng thơ mình khỏi những những quy ước, những khuôn sáo cũ mòn để trở nên năng động, mới mẻ, độc đáo, sáng tạo và đầy quyến rũ nhờ tính chủ quan trong quá trình xây dựng hệ thống biểu tượng.
 
N.T.T